Chúa Nhật XXIII thường niên - Năm C |
DẤN BƯỚC ĐI THEO CHÚA |
Lm Giuse Đinh lập Liễm |
A. DẪN NHẬP Trên đường tiến về Giêrusalem, có rất đông người đi theo Đức Giêsu. Nhiều người đi theo Ngài vì tưởng rằng Ngài đến đó để lập một vương quốc hùng cường theo nghĩa trần gian, Ngài đến đó với một vẻ huy hòang chiến thắng. Nhưng cũng có người có thiện cảm, có thiện chí đi theo để làm môn đệ Ngài. Trong bầu khí hồ hởi đó, Đức Giêsu không ngần ngại đưa ra những điều kiện khắt khe cho những ai muốn đi theo Ngài. Ngài biết trước số người đi theo thì rất đông, nhưng người trở thành môn đệ thì rất ít. Ngài đưa ra những điều kiện như vậy để họ suy nghĩ và tự quyết định con đường để theo. Điều kiện Đức Giêsu đưa ra cho những ai muốn đi theo làm môn đệ Ngài là từ bỏ và vác thập giá. Ngài đã nói thẳng thừng và cương quyết :”Ai theo Ta mà không dứt bỏ (ghét) cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ Ta được. Và ai không vác thập giá mình mà đi theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta được”(Lc 14, 26-27). Như vậy, Đức Giêsu kêu gọi những ai muốn theo Ngài hãy suy nghĩ cẩn thận để quyết định : nếu yêu chính bản thân mình, hay yêu bất kỳ ai khác, hoặc tiền tài danh lợi hơn Chúa thì không xứng đáng làm môn đệ của Ngài. Chúng ta là những Kitô hữu. Trên nguyên tắc, Kitô hữu là người được mang tên Đức Kitô, được thuộc về Ngài, sống theo giáo huấn của Ngài và làm môn đệ Ngài, nhưng trong thực tế, mấy ai sống xứng đáng với danh hiệu là Kitô hũu chính danh, xứng đáng với danh hiệu là môn đệ trung thực của Đức Kitô, nhiều khi vô tình đã trở thành những môn đệ dổm. Hôm nay chúng ta phải xác quyết lại lời hứa khi chịu phép rửa tội là từ bỏ ma qủi và quyết tâm theo Chúa đến cùng. B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA. + Bài đọc 1 : Kn 9,13-18. Sách Khôn ngoan là một sưu tập những suy nghĩ của nhiều thế hệ loài người chung quanh vấn đề khôn ngoan minh triết. Ngày xưa vua Salômôn chỉ xin Chúa ban cho sự khôn ngoan ấy và ông đã trở nên người khôn ngoan nhất trên trần. Vậy sự khôn ngoan đích thực là gì và từ đâu tới ? Thưa, sự khôn ngoan đích thực chỉ đến từ Thiên Chúa. Đọan trích hôm nay cho biết con người có sự khôn ngoan, nhưng sự khôn ngoan ấy rất hạn chế. Ngay trong những việc thuộc trần thế nằm trong tầm tay của con người mà chưa thể hiểu nổi, phương chi là những điều thuộc thượng giới, những điều liên quan đến cuộc sống đời đời thì làm sao hiểu thấu được. Vì thế, con người rất cần được Thiên Chúa ban ơn khôn ngoan để biết đường lối của Chúa để đi theo và nhờ đó mà được ơn cứu độ. Thiên Chúa sẽ ban ơn khôn ngoan cho chúng ta nhờ Thần Khí giúp đỡ. + Bài đọc 2 : Plm 9b-1012-17. Trong lá thư ngắn gửi cho Philêmôn, thánh Phaolô biện hộ cho tên nô lệ Ôânêximô để gợi lên lòng bác ái Kitô giáo mà tha thứ cho anh ta. Anh Ônêximô là tên nô lệ của Philêmôn, đã trốn đi sau khi đã ăn cắp một số tiền. Sau khi anh này đã theo đạo, thánh Phaolô gửi anh ta lại cho chủ và xin ông chủ hãy đón nhận anh không phải một tên nô lệ mà là một người anh em trong Đức Kitô. Tuy thế, thánh Phaolô không hề lạm dụng tình nghĩa của Philêmôn đối với mình để gây áp lực; trái lại chỉ nhẹ nhàng gợi ý và hy vọng Philêmôn sẽ vì lòng tốt mà làm theo sự gợi ý của mình. + Bài Tin mừng : Lc 14, 25-33. Trên đường tiến về Giêrusalem, có rất nhiều người đi đường với Đức Giêsu. Theo tâm lý chung của những người thời đó, Đức Giêsu sẽ thiết lập một vương quốc hùng cường, cho nên họ nghĩ rằng đây là một sự tiến lên để giành chiến thắng theo kiểu trần gian. Nhưng để đánh tan sự hiểu lầm này, Đức Giêsu đã đưa ra những điều kiện cho nghững kẻ muốn theo Ngài. Theo ý Đức Giêsu, ai muốn theo Ngài thì phải coi Ngài hơn tất cả mọi mối dây liên hệ thân ái nhất như cha mẹ, vợ con, anh chị em và kể cả mạng sống mình nữa. Theo Ngài tức là làm một đệ Ngài, và đã làm môn đệ Ngài thì phải thực hiện những điều kiện cực kỳ gay go. Đồng thời, Đức Giêsu cũng khuyên nhủ mọi người phải khôn ngoan trong việc lựa chọn qua dụ ngôn người xây nhà và vị vua đi giao chiến. Việc theo Chúa là một việc trọng đại phải đắn đo suy nghĩ thật kỹ trước khi dấn thân, chứ không thể bốc đồng rồi bỏ cuộc. C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA. Muốn làm môn đệ của Chúa. I. GIÁO HUẤN TRÊN ĐƯỜNG ĐI GIÊRUSALEM. Thánh Luca tường thuật cho chúng ta cuộc hành trình của Đức Giêsu tiến về Giêrusalem và những lời giáo huấn của Ngài. Cuộc hành trình này lại trùng với cuộc hành trình của người Do thái đi dự lễ Vượt Qua tại Giêrusalem. Vì thế, có nhiều đám đông cùng đi với Ngài. Nhưng họ không phải là những người đi qua đường mà là những người có thiện cảm với Đức Giêsu và có thiện chí muốn theo Ngài. Trong ngôn ngữ Thánh Kinh, “Đi theo” có nghĩa là làm môn đệ. Đức Giêsu là ông thầy đi trước, các môn đệ đi phía sau. Thông thường ông thầy chỉ cần đi trước cho các môn đệ đi theo. Nhưng trong chuyện này, Đức Giêsu “quay lại bảo họ”, nghĩa là Ngài có điều quan trọng muốn dặn dò kỹ các môn đệ. Đức Giêsu muốn dạy những điều gì ? Theo bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy có hai phần chính và một phần phụ. Phần chính là những điều kiện cho người đi theo Chúa, và phần phụ nói lên tính cách của việc đi theo Chúa qua hai dụ ngôn người xây nhà và ông vua đi giao chiến. A. PHẦN CHÍNH CỦA GIÁO HUẤN. Phần này gồm có hai điều kiện : từ bỏ mọi sự và vác thập giá. 1. Từ bỏ mọi sự. Điều kiện theo Chúa là phải từ bỏ mọi sự. Việc đi theo Chúa giống như đi leo núi. Nếu mang nhiều thứ cồng kềnh thì sẽ bận vướng nặng nề khiến không leo nhanh được, thậm chí còn có thể bỏ cuộc. Chúa bảo ta phải bỏ tất cả mọi sự. Điều này xem ra quá gay gắt, nhưng chúng ta phải hiểu ý Ngài nghĩa là Ngài không bảo người môn đệ phải bỏ tất cả cha mẹ, vợ con, anh chị em… một cách tiên thiên, mà là bỏ nếu như chúng làm bận vướng cho việc đi theo Chúa. Tuy nhiên, bất cứ khi nào mình cảm thấy những thứ đó trở thành bận vướng, hay bất cứ khi nào Chúa soi sáng cho ta thấy như vậy, thì người môn đệ phải can đảm từ bỏ. 2. Vác thập giá mình. Ở đây Đức Giêsu muốn lưu ý rằng những ai muốn theo Ngài thì chỉ có thể theo bằng cách vác thập giá như Ngài sẽ vác. Thập giá ở đây là những hy sinh phải đón nhận. Theo Chúa là đón nhận sự hy sinh trong việc từ bỏ, trong nỗ lực, cố gắng và thiện chí. Nếu không vậy thì không thể thành môn đệ của Ngài được. B. PHẦN PHỤ CỦA GIÁO HUẤN. Người muốn làm môn đệ phải biết khôn ngoan lựa chọn vì từ bỏ là điều kiện để theo Chúa và theo Chúa là một việc quan trọng có liên can đến sự sống còn của cuộc đời mỗi người. Vì vậy Đức Giêsu bảo ta phải thận trọng tính toán và kiên tâm bền chí mới có thể vượt thắng được mọi trở ngại trên đường theo Chúa. Để diễn tả điều đó, Đức Giêsu đưa ra hai dụ ngôn về một người muốn xây nhà và ông vua đi giao chiến. Muốn xây nhà thì phải dự tính xem có đủ tiền không, kẻo đang xây dở dang mà hết tiền thì không có nhà ở, và ông vua không lượng sức mình thì sẽ thua phía địch. Hai dụ ngôn này nhấn mạnh rằng nếu có ý định theo Chúa thì cần phải lượng sức mình trước, xem mình có thể từ bỏ được như Chúa đòi hỏi không. Nếu không được, thì hãy từ bỏ ý định theo Chúa, kẻo sau đó mà “giữa đường đứùt gánh” thì bỏ cả cuộc đời, đời này và đời sau. II. TRIỂN KHAI ĐIỀU KIỆN THEO CHÚA. Những người cùng đi với Đức Giêsu tới Giêrusalem là những người đi cho vui cũng có, để thỏa mãn ước vọng cũng có và những người vì ái mộ cũng có. Thánh Luca nói rõ :”Có nhiều đám đông cùng đi với Đức Giêsu”. Nhưng trong đám đông này có nhiều người có thiện cảm, có thiện chí muốn đi theo Ngài. Từ ngữ “Đi theo” trong Thánh Kinh có nghĩa là làm môn đệ. Vậy Đức Giêsu nói cho đám đông và cách riêng cho các môn đệ của Ngài những điều kiện phải có để trở thành môn đệ của Ngài. Chúng ta tiếp tục triển khai từng điều kiện. 1. Điều kiện tiêu cực : Từ bỏ. Đức Giêsu nói với đám đông :”Nếu ai đến với Ta mà không từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta”(Lc 14,26). Có bản dịch là “ghét” cha mẹ. Như vậy có mâu thuẫn với giới răn thứ tư không (Lc 18,19t) ? Theo Joseph Fitzmeyer, trong ngôn ngữ Hy lạp chữ “misein” có nghĩa là “ghét”, ngược với chữ “agapan” là “yêu”. Chữ “ghét” này mang một ý nghĩa ít yêu thương, chọn một cái khác ưu tiên hơn. Nó không diễn tả một tình cảm thù nghịch, mà chỉ nói lên một sự lựa chọn hơn kém. Phải “từ bỏ” tất cả mọi sự, trừ Thiên Chúa, tức là chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa hơn bất cứ sự gì khác, gồm của cải vật chất hay những liên hệ thân yêu với cha mẹ, vợ con, anh chị em trong gia đình. Nếu còn bám víu vào bất cứ ai hoặc sự gì ưu tiên hơn Thiên Chúa, chúng ta chưa xứng đáng là môn đệ của Ngài (Nguyễn văn Thái). Như vậy, ghét hay từ bỏ ở đây chỉ có nghĩa là đặt ở hàng thứ yếu, không ngang hàng. Nên câu trên chỉ có ý nghĩa là phải yêu mến Thiên Chúa hơn cha mẹ, vợ con, anh chị em (St 29,30.31.33; Đnl 15,21t; Mt 10,37). Những lời Đức Giêsu phán thật đáng ngạc nhiên, đến độ chói tai nữa. Thế nhưng nó chỉ có ý diễn tả một điều : tình yêu Chúa phải chiếm chỗ nhất trong tim ta, và ta phải gỡ bỏ tất cả những gì cản trở tình yêu ấy. Thánh Grêgôriô Cả giải thích câu “khó nghe” này, ngài viết :” Ở đời này hãy yêu tất cả, kể cả kẻ thù, nhưng ta phải ghét những ai ngăn cản ta trên bước đường dẫn tới Chúa, dầu đó là người thân. Như vậy ta phải yêu người lân cận, phải có lòng bác ái đối với tất cả, với kẻ gần và người xa, nhưng không được vì yêu họ mà ta xa tình yêu Chúa”. Dứt khóat là phải giữ bậc thang giá trị trong tình yêu : Chúa trên hết. Không những Đức Giêsu đòi hỏi người môn đệ phải từ bỏ những cái bên ngoài mà Ngài muốn môn đệ phải từ bỏ chính bản thân mình. Từ bỏ chính mình có nghĩa là từ bỏ tham, sân, si. Tham là tính tham lam : tham danh, tham lợi, tham tài, tham sắc, tham quyền, tham thế. Chính cái tham ấy xô đẩy chúng ta vào vòng tội lỗi, gây tranh giành đố kỵ và làm khổ lẫn nhau. Sân là tính nóng nảy, thường thúc đẩy chúng ta làm những sự bất công. Sân cũng là giận. Giận mất khôn, khiến chúng ta không làm chủ được mình, dễ trở nên hung bạo, gây tai ương và đau khổ cho người khác. Si là ngu muội, tối tăm, mê mẩn. Vướng phải khuyết điểm này chúng ta thiếu sự phán đoán, sự suy luận đúng đắn, ít phân biệt được điều hay lẽ phải, khư khư sống trong thành kiến sai lầm. Hơn nữa còn mê man những cái không đáng, những cái phù du giả dối, những cái có vẻ tốt đẹp bên ngoài mà bên trong xấu xa, thối nát. Đối với chúng ta thì từ bỏ chính mình, có nghĩa là không làm theo ý muốn ý thích của mình khi điều đó không phù hợp với ý Chúa. Từ bỏ như vậy để chỉ sống cho Chúa và tha nhân. Vấn đề thực hành sống đạo : Nếu “bản thân mình” là con người hiện thân của chủ thể và là sự sống tâm linh nơi chủ thể, thì “bỏ bản thân mình” đi theo lời Chúa Kitô khuyên dạy trong Tin mừng hôm nay phải chăng chính là việc bỏ đi những ý nghĩ về mình và là việc bỏ đi ý muốn tự do của mình, dù những ý nghĩ về mình hay của mình đó có chí lý đến đâu, và dù ý muốn của mình đó có tốt lành và hay ho đến mấy đi nữa, chẳng hạn như trường hợp Trinh Nữ Maria trong giây phút Truyền tin Lời nhập thể, hay như trường hợp của thánh Phêrô bị Thầy quở là “Đồ Satan, hãy xéo đi, vì ngươi chẳng nghĩ tưởng theo ý hướng của Thiên Chúa mà tòan là theo kiểu của lòai người”(Mt 16,23”? 2. Điều kiện tích cực : vác thập giá. Các đám đông hâm mộ Đức Giêsu chắc hẳn xem việc Ngài đến Giêrusalem như là một cuộc tiến vào đầy khải hoàn vinh thắng, sau đó là xuất hiện vương quốc trần thế và vinh hiển của Đấng Messia. Họ tự xem mình là môn đệ Đức Giêsu và đáng được Ngài đưa đến vinh quang. Đức Giêsu không thể để ảo tưởng đó kéo dài. Ngài lưu ý những kẻ theo Ngài : họ chỉ có thể theo Ngài bằng cách vác thập giá, như chính Ngài sẽ vác sau này. Ai quyết định theo Đức Giêsu phải sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả của việc đó, cũng như mọi thứ đi ngược lại bản tính con người. Theo Chúa thì nhất thiết phải vác thập giá. Theo Chúa là một cuộc đăng sơn, một cuộc leo lên núi Calvariô. Theo Chúa giống như leo núi, thập giá giống như cái gậy của người leo núi. Nó rất cần và có ích. Không có gậy để dò đường và để chống đỡ thì sẽ mỏi chân, sẽ không đi nổi, có khi té ngã hay bỏ cuộc. Thập giá ở đây là mọi hy sinh phải đón nhận và đón nhận với tinh thần tự nguyện :”Ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta được” (Lc 14,27). Tuy thế, không phải cứ tự nguyện vác thập giá thì thập giá sẽ trở nên nhẹ nhàng, dễ chịu. Điều đó cũng đúng, nhưng không vì thế mà làm cho cây thập giá trở nên nhẹ nhàng đến nỗi không cần cố gắng nữa. Mỗi ngày một cố gắng thì sẽ thành công. John Newton đề nghị với chúng ta cách vác thập giá : “Những khổ sở mà đời chúng ta phải chịu cũng giống như một bó củi rất to và rất nặng. Chắc chắn chúng ta vác không nổi. Nhưng Thiên Chúa đã thương tháo dây bó củi đó ra , rồi chia nó ra để mỗi ngày chỉ chất lên vai ta một khúc thôi. Hôm sau một khúc nữa, và hôm sau tiếp tục… Cuối cùng ta cũng vác xong hết bó củi. Nhiều người lại không làm như thế : chẳng những họ chất lên vai khúc củi của hôm nay và còn thêm vào đó khúc củi của hôm qua và khúc củi của ngày mai. Lạ gì họ không vác nổi”! 3. Phải lượng sức mình : lựa chọn. Muốn làm môn đệ Chúa, mỗi người phải suy tính cẩn thận, phải tính cái giá phải trả khi theo Ngài. Ngài minh giải điều đó bằng hai dụ ngôn người xây nhà và vị vua đi giao chiến. Cái tháp mà người định xây đó có lẽ là cái tháp của vườn nho. Các vườn nho thường có những tháp để từ trên đó có thể trông coi cả vườn kẻo kẻ trộm phá mất mùa nho. Xây tháp mà bể đổ thì thật đáng xấu hổ. Hay là ông vua điên khùng nào kéo quân ra trận mà không tính toán trước, đo lường số quân của mình với lực lượng của đối phương. Đức Giêsu có ý nói rằng chẳng thà đừng bước vào đời sống tín hữu hơn là bước vào rồi thất bại. Ngài chỉ muốn người ta trước khi bước vào cuộc sống ấy đã phải sẵn sàng từ bỏ mọi sự là điều kiện đòi hỏi trong khi phục vụ Chúa. Tục ngữ Việt nam cũng nói lên ý tưởng ấy : Xem giỏ bỏ thóc Hay Đừng vung tay quá trán. Sống là phải chọn lựa và sự chọn lựa nhiều lúc làm cho chúng ta phải băn khoăn lo lắng, day dứt, giống như ở đô thị Jeffa xứ Palestina, có một khu đất gọi là đất quyết định. Các sông ngòi chảy vào khu đất ấy lưỡng lự một lúc rồi mới chảy sang một trong hai hướng. Những sông ngòi theo một hướng thì chảy vào những khu vườn Sharon xinh đẹp. Còn những sông ngòi theo hướng kia thì chảy vào Biển Chết, biển này không có một sinh vật nào sống nổi. Cuộc đời chúng ta cũng thế. Chúng ta phải chọn một hướng. Không ai có thể làm tôi hai chủ. Sự lựa chọn đã là khó, nhưng sống theo sự lựa chọn đó càng khó hơn, đúng như người ta nói :”Đâm lao thì phải theo lao”(Tục ngữ), đã theo Chúa thì phải quyết tâm theo đến cùng vì :”Ai đã tra tay vào cầy mà còn ngoái lại đàng sau thì không xứng đáng là môn đệ Ta”. Đã theo Chúa thì sẵn sàng chấp nhập mọi bất trắc rủi ro : Muối mặn ba năm muối vẫn còn mặn, Gừng cay chín tháng gừng hãy còn cay. Đạo vợ chồng đừng có đổi thay, Làm nên danh vọng, hay rủi ăn mày vẫn theo nhau. (Ca dao) 4. Đi theo hay làm môn đệ ? Trong đoạn Tin mừng này, có những cụm từ rất ý nghĩa, đó là “đi theo” và “làm môn đệ”. Thánh Luca đã xử dụng những cụm từ này rất khéo :”Lúc ấy có rất đông người “đi theo” Đức Giêsu. Ngài quay lại bảo họ :Ai không dứt bỏ…thì không thể “làm môn đệ Ta. Ai không vác thập giá mình mà đi theo Ta thì không thể làm môn đệ Ta”. Rất đông người đi theo Đức Giêsu nhưng không phải tất cả đều là môn đệ Ngài; chỉ những ai đi theo mà từ bỏ và vác thập giá thì mới là môn đệ. Người đi theo chưa hẳn là người môn đệ. Có người nói với một giáo sư danh tiếng ở Đại học Paris về một chàng thanh niên rằng : - Anh ta nói với tôi rằng, anh ta là học trò của giáo sư, có phải không ? Vị giáo sư thẳng thắn trả lời : - Anh ta có thể đã ngồi trong lớp học của tôi nhưng anh ta không phải là học trò của tôi. Bài học của câu chuyện trên đây muốn nói một học sinh chưa chắc là “môn sinh”. Là một học sinh thì rất dễ dàng. Nó không đòi hỏi những trách nhiệm luân lý quan trọng. Học sinh có thể thay đổi giáo sư tùy theo nhu cầu bằng cấp. Một ủng hộ viên cũng có thể nay ủng hộ người này mai chạy theo ủng hộ người khác tùy theo nhu cầu cá nhân của họ. Họ là kẻ cơ hội chủ nghĩa. Châm ngôn của họ là :”Làm cái gì có lợi cho tôi”. Trái lại, một môn sinh đích thực phải có sự cam kết đoan hứa trung thành, một sự dấn thân dâng hiến hoàn toàn cho lý tưởng và thầy mình. Một môn sinh phải có một tinh thần vâng phục sâu xa và một lòng ước ao học hỏi nơi sư phụ của mình. Một lần khác, khi nhà vua Trung quốc đến thăm những tu viện của đại thiền sư Lin Chi, nhà vua ngạc nhiên khi biết được rằng có hơn 10.000 nhà sư đang sống ở đó. Muốn biết rõ con số chính xác các nhà sư, nhà vua hỏi : - Ngài có bao nhiêu đệ tử ? Nhà sư Lin Chi đáp : - Bốn hoặc năm. Lạ thật ! Với hàng chục ngàn người theo học mà chỉ có 4,5 người là môn đệ ! Nếu hôm nay có người hỏi Chúa : Ngài có chính xác bao nhiêu môn đệ ? Không biết Chúa sẽ trả lời làm sao vì nhiều người chỉ có danh mà không có thực, chỉ có tiếng mà không có miếng ! Phải tỏ ra mình là một Kitô hữu chính danh chứ không phải hư danh, phải sống đúng với địa vị của mình là Kitô hữu , đúng là : “Có ăn có chọi mới gọi là trâu” (Tục ngữ). III. LÀM MÔN ĐỆ CHÚA HÔM NAY. Những đòi hỏi của Đức Giêsu trong Tin mừng hôm nay là quá gắt gao, người ta có thể chấp nhận được không ? Nếu Đức Giêsu làm nghề quảng cáo, chắc là Ngài sẽ thất bại. Vì không ai như Chúa, quảng cáo ơn gọi để mời gọi người ta theo mình, lại không đưa ra một tương lai sán lạn nào, không tìm thấy bất cứ một vinh dự nào, hoặc ngay cả một sự hấp dẫn nào dù nhỏ nhoi nhất, cũng không có. Ngược lại chỉ là từ bỏ và nhận thập giá. Nghĩa là chỉ có nghèo đến trần trụi như Chúa đã không có gì cho mình từ khi bắt đầu làm người, đến lúc bước lên thập giá. Hơn nữa, theo Chúa, làm môn đệ Chúa để được gì mà phải thiệt thòi đến vậy ? Theo mà điều kiện nặng nề như thế, thì theo để làm gì ? Nhất là đối với thế giới hôm nay, con người chỉ muốn tìm cho mình một cuộc sống tự do dễ dãi, ích kỷ, coi trọng vật chất, tôn thờ quyền lợi cá nhân…, thì với một điều kiện khắc nghiệt như thế, thật là một điều không tưởng. Lời Chúa xem ra quá lạc lõng, xa lạ ? Thế nhưng không đúng ! Tất cả những suy nghĩ bên trên đều ngược hẳn với thực tế mà lịch sử Giáo hội đã ghi nhận hàng ngàn năm qua, đến hôm nay và sẽ còn mãi về sau. Bởi đã 2000 năm, những lời Đức Giêsu vẫn cứ mới nguyên, vẫn là Lời Sống cho biết bao nhiêu anh chị em chọn làm lẽ sống của mình. Những anh chị em ấy đã quả cảm bước theo Đức Giêsu, từ bỏ mọi sự, nhận thập giá làm niềm vui của đời mình. Chính họ đã làm cho tinh thần và lời dạy của Đức Giêsu chẳng những không mai một, không lạc lõng, mà còn sống, sống mạnh và lan rộng cả thế giới, qua mọi thế hệ. Họ là ai ? Hơn hai tỷ người theo Chúa Kitô trên khắp thế giới là một bằng chứng hùng hồn (Nguyễn hữu An). Vậy ý của Đức Giêsu là ai muốn làm môn đệ Ngài thì phải đặt tình yêu Chúa trên mọi thứ tình yêu, hay nói cách khác, tình yêu Chúa phải thấm nhuần và hướng dẫn mọi tình yêu : Tình yêu gia đình, bạn bè và ngay chính cả bản thân. Như thế, người tín hữu khi đã chọn Chúa, làm môn đệ của Ngài, họ vẫn phải yêu mến người thân, gia đình, bạn bè; họ vẫn phải yêu chính bản thân mình; họ cũng phải quí mến của cải như là ơn lành Chúa ban. Nhưng khi cần thì tất cả những tình cảm đó phải hy sinh cho tình yêu Thiên Chúa. Đó chính là bậc thang giá trị mà người môn đệ nào khi theo Chúa cũng phải đặït lại cho mình. Truyện : Giới Tử Thôi. Trong “Đông châu liệt quốc” có ông Giới Tử Thôi, người nước Tấn, đờøi Xuân Thu, là một bầy tôi trung thành của công tử Trùng Nhĩ. Khi ấy, vua nước Tấn là Tấn Huệ Công sợ công tử Trùng Nhĩ cướp ngôi nên sai người đi ám sát. Được mật báo, Trùng Nhĩ cùng với một số bầy tôi đi lánh nạn. Trên đường chạy trốn từ nước Địch sang nước Tề phải đi qua nước Vệ, đoàn lánh nạn bị vua nước Vệ chận lại toan bắt nên chạy càng trối chết. Chẳng may lạc đường lại hết lương thực, công tử Trùng Nhĩ không ăn được rau cỏ dại nên sinh kiệt sức sắp chết. Thấy vậy, Giới Tử Thôi liền cắt thịt ở đùi mình nấu canh cho Trùng Nhĩ ăn mới lại sức đi đến được nước Tề an toàn. Đến lúc Trùng Nhĩ khôi phục lại được nghiệp lớn là làm vua nước Tấn thì Giới Tử Thôi lặng lẽ về quê ở ẩn không màng lãnh công. Cả khi vua Tấn nhớ ơn người bầy tôi trung thành, muốn đền đáp công lao thì Giới Tử Thôi cõng mẹ vào rừng sống ẩn dật, nhất quyết không nhận. (Võ Ngọc Thành, Nhân vật Đông Châu, 1968, tr 324) Giáo hội thúc giục chúng ta hãy dấn bước theo Chúa trong cuộc đời dương thế. Hiến chế Lumen gentium ghi rõ :”Đang khi còn là lữ hành trên mặt đất, bước theo vết chân Người trong đau thương và bách hại, chúng ta cùng thông hiệp với những đau khổ của Người như thân thể kết hợp với đầu, hiệp thông với sự thương khó của Người để được cùng Người vinh hiển (Rm 8,7) (Lumen gentium đọan 7). Sau cùng, chúng ta hãy bước theo Đức Giêsu với sự chia sẻ của Đức cố Hồng y F.X. Nguyễn văn Thuận qua kinh nghiệm 14 bước theo Đức Giêsu : . Bước lang thang ra chuồng bò ở Be lem. . Bước hồi hộp trốn sang Ai cập. . Bước bồn chồn trở về Nazareth. . Bước phấn khởi lên đền thánh với cha mẹ. . Bước vất vả suốt 30 năm lao động. . Bước yêu thương ba năm rao giảng Tin mừng. . Bước thao thức kiếm tìm chiên lạc. . Bước xót xa vào Giêrusalem đầm đìa nước mắt. . Bước cô đơn ra trước tòa không một người thân. . Bước ê chề vác Thánh giá lên đồi tử nạn. . Bước thất bại chết chôn mồ kẻ khác, không tiền không bạc, không manh áo, không bạn hữu. . Bước khải hòan sống lại, hãy vững lòng Thầy đã thắng thế gian. . Bước khổng lồ đi khắp thế gian rao giảng Tin mừng. . Bước liều mạng lăn xả vào thử thách, chấp nhận mọi hậu quả, vì Chúa đã dạy con liều mạng” (Trích Sứ điệp Lao Tù, Vietcatholic, CD 3) |