Chúa Nhật XXII thường niên - Năm C |
CHỌN CHỖ NƠI BÀN TIỆC |
SƯU TẦM |
Một học giả người Mỹ tên là Tom Roberson đã kể về một cầu thang dài ở nơi hành hương bên Trung Quốc. Cầu thang này là giai đoạn cuối cùng của con đường leo lên núi hành hương, vì đã hơn cả 1000 năm dòng người hành hương đã làm những bậc cầu thang bị mòn và thậm chí nguy hiểm. Trên thực tế, đã có rất nhiều người hành hương bị trợt té và bị tai nạn. Những người ở trong vùng đã đề nghị các vị tăng ni ở đó nên sửa chữa lại những bậc cầu thang, vì e rằng họ có thể bị mất khách hành hương và đó cũng là nguồn trợ cấp cho thiền viện. Nhưng vị sư chủ trì đã từ chối và nói rằng, thật đáng tiếc cho những khách hành hương bị tai nạn, nhưng điều này có thể là vì họ ngẩng đầu quá cao. Tuy nhiên, họ chỉ là số ít trong số những cả triệu người nhận biết rằng, trong cuộc sống người ta phải bước đi cẩn thận. Ngẩng đầu cao nhưng không quá cao không đến nỗi không thấy cái hố cao trước mặt. Chương 14 Tin Mừng thánh Luca đã đưa vào vài câu chuyện và lời dạy của Chúa Giêsu, đặc biệt trong đoạn văn nói về tiệc cưới. Chúa Giêsu không lạm dụng sự quảng đại của chủ nhà mà lấy lời giảng dạy để chỉ trích họ, nhưng thánh Luca đã biến bữa ăn thành cơ hội để Chúa Giêsu dạy chúng ta phải có thái độ thích hợp đối với bàn tiệc cứu độ của Thiên Chúa mà Ngài đã dọn sẵn cho chúng ta là dân của Ngài. Như thế, chúng ta phải đón tiếp nước Thiên Chúa trong đời sống của chúng ta như thế nào? Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đưa ra một dụ ngôn để dạy những người thích chọn chỗ vinh dự nơi bàn tiệc. Không nên làm như vậy, mặc dù mình là nhân vật quan trọng, kẻo phải nhường lại chỗ đã chọn cho những khách đặc biệt khác quan trọng hơn mình, lúc đó mình sẽ bị xấu hổ. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn này để phá đổ sự kiêu căng lố bịch và dạy một bài học về khiêm tốn. Ngài đã tuyên bố: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. Và ngay trong bài đọc I sách Huấn Ca cũng đã khuyên nhủ: “Hỡi con, con hãy thi hành công việc của con cách hiền hòa. Càng làm lớn con càng phải hạ mình khiêm tốn trong mọi sự thì con sẽ được đẹp lòng Chúa”. Hình như lòng khiêm tốn không còn chỗ đứng trong một xã hội đầy cạnh tranh gay gắt, và xem ra khiêm tốn chỉ là một thứ mặt nạ để người ta chú ý đến mình nhiều hơn. Điều này rất dễ được nhận thấy khi được người ta khen ngợi và ca tụng. Nhưng trái lại, khiêm tốn Kitô hữu đích thực là chân thành nhìn nhận tình trạng thực tế trong thân phận của chính mình trước mặt người khác và trước mặt Thiên Chúa, qua một thân phận yếu kém và bất toàn, một thân phận yếu đuối và cả tội lỗi nữa. Một khi chân thành biết sự giới hạn của mình thì càng trở nên khiêm tốn hơn và đón nhận tình thương của Thiên Chúa nhiều hơn. Trong câu chuyện hai người vào đền thờ cầu nguyện, một người kể công và khoe khoang những việc mình làm, và một người đứng xa xa chỉ biết đấm ngực xin Chúa thương xót, Chúa đã chiếu cố đến người khiêm tốn này. Khiêm tốn là bài học đầu tiên cho lòng hối cải và sự tha thứ. Khiêm tốn là cửa ngõ để ta bắt đầu bước vào nhìn nhận và thông cảm với anh chị em xung quanh chúng ta. Và khiêm tốn chính là chỗ ngồi trong bàn tiệc cứu độ mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho mỗi người. Trong tu đức, trái ngược với khiêm tốn là kiêu ngạo và người ta xếp kiêu ngạo vào hàng thứ nhất của bảy mối tội đầu. Thánh Augustinô cũng đã dạy rằng: “Trước tiên con phải có lòng khiêm tốn, nếu không, dù có làm việc đạo đức tốt lành đi nữa thì chính tính kiêu ngạo cũng xen vào làm cho hư mất”. Chúa Giêsu đã đưa ra cho chúng ta một mẫu gương để noi theo học tập, và sau bài học yêu thương đó là bài học khiêm tốn: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Hãy ngẩng đầu để thấy trời cao đẹp đẽ và đầy hy vọng, nhưng cũng hãy nhìn xuống đất để biết đôi chân của mình đang đi mà vững bước trên đường. Hãy yêu thương để sống quảng đại và hãy khiêm tốn để sống biết đón nhận, đó là thái độ của người Kitô hữu chúng ta. Giờ đây chúng ta cùng tuyên xưng đức tin. |