Chúa Nhật XXII thường niên - Năm C |
KHIÊM NHƯỢNG VÀ BÁC ÁI |
Suy niệm của William Barclay |
Luca không tả về Chúa Giêsu như một nhà khổ tu nghiêm nhặt mà như một người với những tình cảm nhân bản, có khuynh hướng đoàn thể. Ngài sống chung với các người khác một cách tự nhiên, thờ phượng với họ trong nhà hội, ăn uống với họ trong gia đình. Không có một cảnh thân mật nào trong đời sống của Chúa được thánh ký phác họa tỷ mỷ bằng một bữa tiệc ngày sa bát tại nhà một người biệt phái. Luca thấy Chúa tiến vào nhà cùng với các khách dự tiệc, để ý thấy những giai cấp xã hội của họ, và ngài dẫn đầu trong một cuộc đàm luận. Nhưng Ngài không bao giờ quên sứ mạng của Ngài, Ngài nắm lấy cơ hội để nghiêm khắc khác thường, bởi vì Ngài đang ở giữa những kẻ bên ngoài thì tỏ vẻ lịch sự, nhưng trong lòng thì thù ghét Ngài. Nhưng Ngài đã tỏ cho mọi người ân huệ không suy giảm của Ngài về lòng Ngài ước muốn cho họ nhận được phúc tốt nhất. Khi thấy khách được mời cứ tìm những chỗ danh dự, Ngài quở trách tính ham danh và dạy một bài học về lòng khiêm nhường. Khi Chúa Giêsu khuyên khách dự tiệc: “Hãy ngồi vào chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải nói: mời ông lên trên cho” thì không phải Ngài chỉ dạy họ giữ phong thái tốt đẹp hay sự khôn ngoan trần thế, cũng không phải khuyên nên ngụy trang sự kiêu hãnh bằng vẻ khiêm nhường. Ngài đã đưa ra luật cao cả rằng trong những kẻ theo Ngài, sự hạ mình và cảm biết mình vô giá trị trước mặt Chúa là điều kiện cốt yếu để được vinh dự: vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên. Ngài cũng lợi dụng bữa tiệc để ban bố một thông điệp về lòng bác ái. Trong giọng nói đượm vẻ hài hước, Ngài bảo chủ nhà khi mời khách thì đừng chỉ nhắm vào người giàu, kẻo rồi mai họ mời lại, nhưng phải nhắm mời cả những người nghèo là những người không có điều kiện mời lại. Lại một lần nữa, không phải Chúa chỉ dạy về những luật theo truyền thống xã hội, nhưng minh định cái nguyên tắc thuộc linh cao cả, cái động lực vô vị lợi cho các hành vi thiện đức: đừng bao giờ ban ơn để rồi được nhận lại. Ngài không bảo đừng bao giờ mời người giàu hay chỉ mời người nghèo, nhưng đừng phục vụ với hậu ý kiếm lợi. Nếu chỉ phục vụ với chủ ý mưu lợi cho tha nhân mà không nghĩ tới mình được trả trong đời này hay đời sau, thì hành vi đó lại chắc chắn được thưởng trong ngày Chúa quang lâm vinh hiển. Qua đoạn Kinh Thánh này Chúa dạy ta về khiêm nhường và bác ái. Chúa Giêsu đã chọn một hình ảnh quen thuộc để diễn tả chân lý vĩnh cửu. Nếu một người khách tầm thường đến sớm và chiếm chỗ ngồi cao nhất, sau đó có một người khách trọng hơn đến, và người chủ tiệc đề nghị người đã chiếm ghế nhất kia lùi xuống sau thì thật mất mặt cho người ấy. Nhưng nếu có người tình nguyện ngồi ghế cuối cùng, sau đó được mời lên ghế cao trọng hơn, thì thái độ khiêm tốn ấy lại đem đến vinh dự. Khiêm nhường vốn là một trọng những đặc tính tất yếu của các vĩ nhân. Khi Thomas Hardy được nổi tiếng đến nỗi tờ báo nào cũng sẵn sàng trả tiền nhuận bút hậu hĩnh cho ông, thế mà khi gởi một bài thơ cho một tờ báo nào đó, ông vẫn kèm theo phong bì dán tem và địa chỉ sẵn để tiện việc trả lại bản thảo cho ông nếu bài bị loại. Dầu đã là vĩ nhân, ông vẫn khiêm nhường để nghĩ rằng bài của mình có thể bị loại. Trong ngày đăng quang của Đức Piô X, lúc kiệu của Đức Tân Giáo Hoàng vừa tiến vào đền thờ thánh Phêrô, toàn dân nhiệt liệt chào rằng “Viva Papa”. Nét mặt Đức Thánh Cha sụ lại, mắt Ngài ngấn lệ: “Đừng hoan hô người đầy tớ trong nhà ông chủ”. Ngài nghĩ rằng không bao giờ sự hoan hô đó lại có thể dành cho Ngài. Chỉ có kẻ tiểu nhân mới tự tôn tự đại. Nhưng làm sao chúng ta có thể giữ được sự khiêm tốn: 1. Chúng ta có thể giữ được mình khiêm nhường bằng sự nhận biết thực tế. Dầu chúng ta biết nhiều đến đâu cũng vẫn còn là ít nếu so sánh với toàn bộ tri thức. Dầu chúng ta thành công đến đâu cũng vẫn còn rất ít. Dầu chúng ta tưởng mình quan trọng đến đâu thì cũng cần nhớ rằng khi chúng ta chết, hoặc khi chúng ta hưu hạ, cuộc đời và công việc cứ tiến hành như trước kia. 2. Chúng ta có thể giữ đức khiêm nhường bằng cách so sánh chính mình với những người toàn vẹn. Khi chúng ta đã đi đây đó, đã được mắt thấy tai nghe những nhà chuyên môn, những nhà thông thái, ta sẽ nhận mình kém cỏi biết bao. “Ở nhà nhất mẹ nhì con. Ra đường nhiều kẻ còn dòn hơn mẹ con ta”. Nhiều người không có ý được bước lên sân khấu nữa sau khi được nghe một nhạc sĩ đại tài trình diễn. Nhiều diễn giả phải tự hạ mình đến chỗ hầu như tuyệt vọng sau khi nghe lời giảng của một đầy tớ thánh của Chúa. Và nếu chúng ta đem đặt mình bên cạnh đời sống của Chúa Giêsu vô cùng thánh thiện, và nếu chúng ta ý thức được sự bất xứng của mình trước ánh sáng rực rỡ chói lọi bởi đời sống tinh tuyền trọn vẹn của Ngài, thì tính kiêu ngạo trong chúng ta sẽ phải chết tức thì và lòng tự mãn cũng héo tàn ngay. Ngài dạy chúng ta về lòng bác ái. Đối chiếu với lời Chúa, chúng ta phải xét lại các lý do ẩn đằng sau tất cả những gì có liên quan đến lòng bác ái của chúng ta. 1. Người ta có thể ban cho vì bổn phận. Chúng ta dâng cho Thiên Chúa và cho loài người có thể như cách chúng ta trả thuế lợi tức, như phải thanh toán một bổn phận không thể trốn tránh được, lòng không vui chút nào. 2. Ngừơi ta có thể cho hoàn toàn vì động cơ tư lợi. Dầu có ý thức hay không, người đó có thể coi của mình cho như một thứ vốn đầu tư. Họ kể mỗi món tiền cho đi ghi thêm một con số vào trương mục của mình trong ngân hàng của Chúa. Cho cách này không phải do lòng rộng rãi, mà chỉ là sự ích kỷ có tính toán. 3. Có người cho để cảm thấy mình là người trên. Cho như thế có thể là một sự độc ác. Việc đó làm tổn thương người nhận hơn là từ chối thẳng thừng. Làm như vậy, người ban cho đứng trên bậc cao của mình để nhìn xuống người thọ nhận. Người đó có thể vừa cho vừa thuyết giáo trên đầu kẻ nhận một bài giảng vắn tắt và đầy tự mãn. Thà không cho gì hết còn tốt hơn là chỉ cho để thỏa mãn tính khoe khoang và tính thích cậy quyền. Các rabi Do thái có câu nói rằng cách cho tốt nhất là khi kẻ ban không biết mình cho ai và kẻ nhận cũng không biết mình nhận từ đâu. 4. Có người cho vì không thể không làm thế. Đó là cách cho duy nhất thành luật. Luật của Nước Trời là kẻ nào ban cho để được thưởng công, kẻ đó sẽ được phần thưởng, nhưng kẻ nào ban cho mà không nghĩ đến phần thưởng thì phần thưởng của kẻ ấy sẽ chắc chắn. Chỉ có một sự ban cho đích thực là cho vì sức mạnh của tình yêu tràn ra không thể kìm chế. Thiên Chúa ban cho chỉ vì Ngài yêu thương thế gian và chúng ta cũng phải làm như vậy. |