Chúa Nhật XXII thường niên  - Năm C
HÃY Ở KHIÊM NHƯỜNG
Lm Giuse Đinh lập Liễm

A. DẪN NHẬP 

          Đức Giêsu là con người nhẹ nhàng, dễ thương, hòa đồng với hết mọi người, không phân biệt giai cấp, giầu nghèo, tốt xấu. Xem chừng ra Ngài muốn xa lánh bọn luật sĩ và biệt phái vì, theo Tin mừng  của thánh Matthêu và Marcô, họ là những kẻ thù của Đức Giêsu. Nhưng thánh Luca cho biết Đức Giêsu vẫn giao du với người biệt phái vì trong số họ vẫn có nhiều người tốt, có cảm tình với Ngài, và hôm nay cho biết Ngài còn đến dùng tiệc tại nhà một ông biệt phái . Còn về phía những người biệt phái, họ vẫn nghi kỵ và theo dõi Ngài, và có thể bắt bẻ Ngài về bất cứ một phương diệân nào. 

          Hôm nay Đức Giêsu được mời đến dự tiệc tại nhà một thủ lãnh biệt phái. Trong bữa tiệc thường có những câu chuyện vui trao đổi giữa các thực khách để làm cho bữa tiệc càng thêm ngon miệng. Nhân dịp này, Đức Giêsu không nói chuyện vui, nhưng lại đưa ra những lời giáo huấn mạnh mẽ làm cho những khách mời cảm thấy khó chịu , vì những lời ấy đánh trúng tim đen của họ. Ngài khuyên họ hãy ở khiêm nhường, đừng tranh nhau chỗ nhất, chỗ danh dự trong đám tiệc. Đừng tự đánh giá mình, hãy để cho người  ta đánh giá và định đoạt.  Ngoài ra, Ngài còn khuyên họ hãy có tinh thần bác ái vô vị lợi khi mời khách đến dự tiệc, đừng tính toán hơn thiệt… Và giáo huấn của Ngài được kết tụ trong câu :”Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên, ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống”(Lc 14,11). 

          Theo kinh nghiệm hằng ngày, trong con người chúng ta có sẵn mầm mống của sự kiêu ngạo và kiêu ngạo là một trong bảy mối tội đầu từ đó phát sinh ra các nết xấu khác. Sở dĩ chúng ta kiêu ngạo là vì chúng ta chưa biết mình, chưa nhận ra chân dung con người thật của mình. Nếu nhìn thẳng vào mình, chúng ta sẽ thấy mình quá yếu đuối, bất toàn, đầy những nết xấu. Một khi đã nhìn ra con người thật của mình thì chúng ta chỉ chú tâm vào việc sửa mình, canh tân con người mình cho nên hòan hảo. Với cái nhìn thẳng thắn và thành thật đó, tự nhiên chúng ta sẽ có thái độ khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta. 

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA. 

          +  Bài đọc 1 : Hc 3,19-21.30-31. 

          Đọan sách Huấn ca này gom góp nhiều huấn dụ khôn ngoan về sự khiêm nhường.  Bài học mà người thầy muốn huấn dụ học trò là : hãy ở khiêm nhường. Các vị công hầu vương bá  thì theo đuổi mộng làm chủ thế giới và loài người, những người tín hữu của Chúa thì biết rằng  mọi sự mình có là do Chúa thương ban. Vì thế, họ khiêm tốn tận dụng những ơn Chúa ban để phục vụ và tôn vinh Thiên Chúa. 

          Theo bài huấn dụ hôm nay thì :

          - Ai làm việc khiêm tốn thì được người ta yêu mến.

          - Chính Thiên Chúa cũng yêu thương những kẻ khiêm tốn.

          - Ai kiêu căng thì rước lấy sự tai hại vô phương cứu chữa.

          +  Bài đọc 2 : Dt 12,18-19.22-24a. 

          Thánh Phaolô so sánh bầu khí giữa Cựu ước và Tân ước. Trong đạo cũ, người Do thái có ông Mai- sen làm trung gian, họ đến cùng Thiên Chúa trong bầu khí e dè sợ sệt với những hiện tượng bên ngòai làm cho người ta khiếp sợ. 

          Nay trong Tân ước, các Kitô hữu có Đức Kitô làm trung gian, họ được sống trong bầu khí cởi mở thân tình, họ tiến tới cùng Thiên Chúa, được tham gia vào cộng đoàn con cái Thiên Chúa, họ được tự do tụ họp về trong “Thành đô Thiên Chúa hằng sống để dự hội vui”(Dt 12,22), họ cung kính thờ Chúa và sống hiệp thông cùng các thiên thần và các thánh trong niềm an vui tin cậy.

          +  Bài Tin mừng : Lc 14,1.7-14. 

          Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Luca thuật lại những lời giáo huấn của Đức Giêsu trong bữa tiệc tại nhà một ông thủ lãnh biệt phái tại Pêrê. 

          Chính trong khung cảnh một bữa ăn tại nhà một ông biệt phái để cho Đức Giêsu tham gia vài  “câu chuyện trong bàn ăn”, những lời khá bất ngờ trong dịp này. Theo tập tục, trong bàn tiệc, các khách mời lần lượt góp chuyện, nhưng thường là những vấn đề nhẹ nhàng dễ chịu. Còn Đức Giêsu, Ngài không ngại làm người nghe khó chịu khi chọn đề tài là sự khiêm tốn (Lc 12,7-11). 

          Qua bàn tiệc Chúa dạy ta :

          - Thái độ nên có là khiêm tốn nhũn nhặn, đừng nhảy tót lên chỗ cao, mà bị mời xuống thì quê mặt.

          - Đối với khách mời, nên vì lòng quảng đại hiếu khách mà mời, không nên vì lợi lộc.

Hai lời dạy áp dụng vào Nước Trời cũng hợp : Nước Trời chỉ dành cho kẻ khiêm nhường và có tinh thần khó nghèo (Lc 14,21). 

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

Hãy biết nhìn xuống.

I. ĐỨC GIÊSU ĐI DỰ TIỆC. 

          1. Đức Giêsu được mời đi dự tiệc. 

          “Một ngày sabát, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa”(Lc 14,1).

          ĐứcGiêsu không xa lánh những người biệt phái, Ngài cũng giao du với họ, đôi khi còn ăn uống với họ. Hôm đó, vào một ngày sabát, Đức Giêsu được mời vào nhà ông thủ lãnh biệt phái để dùng bữa. Người biệt phái này được gọi là thủ lãnh vì ông có nhiệm vụ điều khiển nhóm biệt phái, thường trong nhóm biệt phái có nhiều thủ lãnh khác nhau. 

          Biến cố này xẩy ra vào khoảng tháng giêng hay tháng hai năm 30. Họ thường dùng bữa với nhau một cách vui vẻ và thoải mái. Họ là những người biết luật và giữ luật kỹ lưỡng. Họ đã nghe nói về Đức Giêsu qua các dư luận khác nhau. Hôm nay họ mới lợi dụng cơ hội hiếm có này để quan sát Ngài lần đầu tiên.

          Việc Đức Giêsu đến dùng bữa tại nhà một người biệt phái chứng tỏ là một con người dễ thương, hòa đồng, có khả năng đi đến với hết mọi người. Việc dùng bữa tại nhà ông biệt phái cho thấy thái độ của Đức Giêsu đối với người biệt phái không nhất thiết là tiêu cực như quan niệm trong Tin mừng Matthêu và Marcô, coi hạng biệt phái là thù địch của Ngài. Và như vậy,  cho thấy Đức Giêsu muốn nêu lên khía cạnh Ngài sẵn sàng ban ơn cứu độ cho cả những người biệt phái nữa. 

          Vào bàn tiệc, Đức Giêsu quan sát một vòng, và thấy ngay một thói xấu thường xẩy ra  nơi những người biệt phái là chọn chỗ nhất, chỗ danh dự (Mt 23,5-7). Họ cho đây là một thói quen nên không thấy ngượng ngùng gì. 

          2. Giáo huấn của Đức Giêsu

          Trong bữa tiệc, người ta thường nói chuyện vui vẻ, có những câu chuyện vui, có cả những chuyện tiếu lâm nữa, cốt làm cho bữa tiệc càng thân tình, làm cho khách ăn càng ngon miệng. Riêng Đức Giêsu trong dịp này, Ngài không nói chuyện vui mà Ngài đưa ra một giáo huấn làm cho người nghe phải khó chịu. Giáo huấn ấy đề cập tới hai điểm : việc dự tiệc và đãi tiệc, nghĩa là nói đến sự khiêm nhường và bác ái vô vị lợi. 

          a) Việc dự tiệc. 

          Khi thấy người ta chen lấn nhau chọn chỗ nhất, chỗ danh dự, Đức Giêsu đưa ra cho họ những lời giáo huấn. Lời giáo huấn của Ngài là bài học xử thế khéo léo ở trong xã hội khi giao tế với nhau. Ngài nói với họ dựa theo một đoạn trong sách Châm ngôn :”Trước mặt vua, con đừng kiêu hãnh, đừng dành giật chỗ người vị vọng. Vì thà để người ta mời con :”Xin mời ông lên” còn hơn là bị hạ xuống trước mặt quan tướng”(Cn 25,6-7). 

          Đàng khác, việc sắp xếp chỗ  là của chủ nhà, vì chủ nhà mới biết  địa vị ngôi thứ của khách mời. Còn người tự chọn chỗ danh dự cho mình là người tự tô vẽ cho mình có khi không đúng sự thật, có thể bị mời xuống hàng dưới. Như  vậy, danh dự của mình không phải do tự mình tô vẽ, mà do thực tế khách quan người ta công nhận nơi mình và đặït mình ngồi vào đó. Kẻ tự tô vẽ danh dự có thể bị vỡ mặt. 

          Từ trong quan niệm về cách xử sự giao tế ở trần gian, Đức Giêsu bước sang lãnh vực tôn giáo. Theo đó, danh dự thật không phải là người trần gian gán cho mà danh dự đó phải do Thiên Chúa ban cho. Mà Thiên Chúa thường nâng cao kẻ thấp hèn. Vì thế Ngài nói :”Ai tự nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. 

          b) Việc đãi tiệc

          Đức Giêsu lại tiếp tục đưa ra lời khuyên khác về tinh thần bác ái vô vị lợi. Theo thói người đời, trong tiệc cưới thì người ta mời người thân, bạn bè, ân nhân…chứ ai mời người nghèo khó đến dự tiệc ? Thế mà Đức Giêsu lại khuyên người ta làm những việc có vẻ ngược đời :”Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù”(Lc 14,13). 

          Khi mời dự tiệc, người Do thái luôn làm theo óc tính toán, phải có lợi. Cái lợi là sẽ được người ta đền đáp, đúng là “ăn sang ăn giả”. Ngược lại, Đức Giêsu dạy làm ơn và phục vụ  không cần người ta đền đáp, vì chính Thiên Chúa sẽ đền đáp và sẽ được đền đáp trọng hậu. Vì những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù là những người loan báo Nước Trời. Do đó, đến với người nghèo khó là dấu hiệu ta thủ đắc Nước Trời cách chắc chắn. 

II. NÓI VỀ KIÊU NGẠO VÀ KHIÊM NHƯỜNG. 

          Trong câu nói của Đức Giêsu :”Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”, chúng ta thấy câu nói này có hai vế với hai tính cách trái ngược nhau, đó là kiêu ngạo và khiêm nhường. 

          1. Ai nâng mình lên. 

          Ai cũng muốn bản thân mình là một cái gì có gía trị và được mọi người công nhận, và tôn trọng giá trị của mình.  Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài (x. St 1,26-27; 9,6), nhưng ở mức độ hòan hảo của một tạo vật giới hạn, đương nhiên kém Ngài rất xa vì Ngài ở mức độ hòan hảo của một Thiên Chúa vô hạn. Mức hòan hảo của con người về sau lại bị tổn thương vì tội nguyên tổ. Vì thế, từ sâu thẳm, con người vẫn muốn vươn lên hoàn hảo, muốn sống yêu thương, muốn thực hiện Chân Thiện Mỹ, nghĩa là muốn càng ngày càng trở nên giá trị hơn, giống Thiên Chúa hơn. Đấy quả là một chiều hướng rất tốt. 

          Nhưng do tội lỗi và nhất là tính kiêu ngạo, sự xấu đã nhập vào bản thể của con người, khiến cho chiều hướng tốt ấy bị lạc hướng. Thay vì cố gắng trở nên hòan hảo, có giá trị thật (điều này khó, đòi hỏi con người cố gắng nhiều và quên mình đi), thì con người lại muốn trở nên có vẻ hay được coi như hoàn hảo, như yêu thương, như có giá trị, như giống Thiên Chúa. Điều này giảm bớt cho con người biết bao khó khăn và nỗ lực. Thay vì tìm cách tạo nên giá trị thật sự từ bên trong, con người tìm cách để mình có vẻ như, hay được coi như, và được đối xử như có giá trị, bất chấp bên trong  có giá trị thực hay không (JKN). 

          Như chúng ta đã biết kiêu ngạo dẫn đến thảm họa cho nhân lọai qua lời cám dỗ của ma quỉ :”Ông bà sẽ nên như những vị thần, biết điều thiện ác”(St 3,5) trong câu chuyện ông A dong và bà Evà ăn trái cấm, và được gọi là tội tổ tông truyền. 

          Theo sách giáo lý công giáo, số 1866 thì kiêu ngạo được xếp vào “các mối tội đầu” phát sinh ra các tội và các nết xấu khác. Đó là : Kiêu ngạo, hà tiện, ghen tương, giận dữ, dâm ô, mê ăn uống, và lười biếng hay nguội lạnh”. 

          Chúng ta thừa hiểu rằng ai cũng mang trong mình mầm mống của sự kiêu ngạo.  Nó thường núp bóng dưới nhiều hìønh thái khác nhau :

          - Tự ái là khi bị sỉ nhục liền cảm thấy mất mặt, sinh ra tức giận và tìm cách hạ bệ đối phương ngay.

          - Khoe khoang tức là lợi dụng mọi cách mọi dịp để làm cho mình được nổi bật hơn kẻ khác.

          - Ganh đua là khi thấy người khác hơn mình thì khó chịu, rồi tìm dịp xoi mói hay tìm cách đưa mình lên.

          Tất nhiên, tất cả những biểu hiện đó là xấu, đôi lúc là tội nữa và trái ngược lại với sự khiêm nhường. 

Truyện : Chiếc tầu Titanic 

          Kỷ niệm đáng ghi nhớ và đáng học hỏi nhất cho con người thời nay là câu chuyện chiếc tầu Titanic. Người ta nghĩ rằng bàn tay con người có thể làm nên một con tầu không thể chìm là một sự vô cùng kiêu ngạo. Mọi con tầu do con người chế tạo đều có thể chìm. Bằng việc tuyên bố chúng ta có thể làm ra một con tầu không có thể chìm được với kỹ thuật tân tiến hiện đại đã thách thức quyền năng của Thiên Chúa. Đúng như lời thánh Phaolô nói về tinh thần của thời đại này là kiêu căng (Rm 12,3; 1Cr 4,7). Tinh thần kiêu căng đó đã thúc đẩy người ta viết vào mạn tầu mấy chữ :”No Pope, no God” : không có giáo hoàng, không có Thiên Chúa ! Và trong chuyến hải hành đầu tiên từ Anh sang Mỹ, sự gì đã xẩy ra như chúng ta đã biết. Một tai họa đã giáng xuống như câu chuyện xây tháp Bebel trong Cựu ước(St 11,4). 

          2. Ai hạ mình xuống

          Đối lại với tính kiêu ngạo, Đức Giêsu đã khuyên ta hãy ở khiêm nhường. Chính Ngài đã phán :”Các con hãy học cùng Thầy vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng”(Mt 11,29). 

          Vậy khiêm nhường là gì ? Và thế nào mới được gọi là khiêm nhường ? Phải chăng khiêm nhường là tự hạ mình xuống , phủ nhận giá trị thực của mình hay giảm thiểu nó đi ?Không phải thế, Đức Khiêm nhường mang nhiều chiều kích sâu xa hơn và tốt đẹp hơn nhiều. Khiêm nhường không phải là ít nghĩ về mình, mà là không nghĩ gì về mình, bởi vì :”Con Người không đến để được phục vụ, nhưng đến để phục vụ”(Mc 10,45). 

          Nhà giảng thuyết trứ danh của nước Pháp, cha Lacordaire đã nói :”Khiêm nhường không phải là thấy mình xấâu xa hơn, tầm thường hơn, nhưng là biết rõ những gì ta còn thiếu”.  Khiêm nhường lấy sự thật làm nền tảng. Tự gắn cho mình cái sai ta không có, phóng đại những lỗi lầm ta không phạm, từ chối không nhìn nhận những khả năng của mình, tự cho mình thua kém mọi người, đó không phải là cách sống khiêm nhường; nhưng đó là dấu hiệu của một quan điểm sai lầm, hay một khuynh hướng bệnh hoạn. Muốn thực hiện khiêm nhường chỉ cần nhìn nhận những khuyết điểm, thấy mình tội lỗi, giới hạn, biết rằng trong tất cả mọi lãnh vực có nhiều người khác vượt xa tôi :

Ở nhà nhất mẹ nhì con,

Ra đường lắm kẻ con dòn hơn mẹ con ta. 

          Một lần nữa, ta phải khẳng định rằng, khiêm nhường không là gì mà chính là chấp nhận sự thật về mình. Trong Anh ngữ, chữ khiêm nhường là “humility”. Chữ Humility do chữ La tinh “Humus” có nghĩa là đất, tro bụi mà từ đó con người đã được tạo dựng theo như sách Sáng thế đã mô tả (St 2,7). Do đó, khiêm nhường có nghĩa là hạ mình xuống tới đất. Nó nhắc nhở chúng ta  lời kêu gọi của Giáo hội trong ngày thứ Tư lễ Tro về sự thật của thân phận con người :”Hãy nhớ mình là bụi tro, và sẽ trở về cùng tro bụi”. 

Truyện : Đọc truyện Tây du ký. 

          Ai trong chúng ta cũng đã có lần được xem phim Tây du ký của Trung quốc. Một cuốn phim thật hay và hấp dẫn người xem từ đầu tới cuối và còn muốn xem nhiều lần. Nếu suy nghĩ một chút, chúng ta thấy các nhân vật trong phim cũng hợp với lời của Đức Giêsu trong Tin mừng hôm nay : “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. 

          Những hạng tôn mình lên làm Tề Thiên Đại Thánh : bằng Trời, bằng thánh vĩ đại, làm Đại vương, Ma vương, Nữ vương, Hòang hậu, Hòang tử, Công chúa đều bị lột mặt nạ là những đồ khỉ, nhện, thỏ, rắn rết, heo, bò, dê ngựa, hổ báo, sư tử, quỷ vương, buộc phải hiện hình trở về kiếp sống quái vật.

          Những thứ nâng mình lên như thế thì vô kể. 

          Những thứ hạ mình xuống thì ít lắm. Chỉ thấy có Đường Tăng. Ông luôn luôn xưng mình là bần tăng, vô tài, bất lực trước mọi thử thách nguy hiểm, ông chỉ biết thương người, cầu kinh, khấn Phật, cầu kẻ này, nhờ kẻ kia, nhờ cả đến con khỉ Ngộ Không dẫn đường chỉ lối, cứu giúp, giải vây. Chính nhờ hạ mình xuống mà ai cũng thương mến, kính phục và liên kết với ông. Chính nhờ sự hạ mình xuống mà ông tránh được hiểm họa tranh chấp, đánh lộn, oán thù. Chính nhờ hạ mình xuống mà ông đã lãnh được bộ Kinh dạy ông thành Thánh, thành Phật. Ông đã hạ mình xuống thì được mọi người tôn lên. 

          Ngoài thứ khiêm nhường thật ra, lại còn thứ khiêm nhường giả tạo nữa.  Điều quan trọng ta cần phải đạt được là sự khiêm nhường đích thực bên trong, chứ không phải là sự khiêm nhường giả bộ bề ngòai. Khuynh hướng giả trá nói trên cũng có thể thúc đẩy chúng ta làm ra vẻ khiêm nhường. Chẳng hạn, khi mình có tài hoặc khả năng đặc biệt được nhiều người chiếu cố, nhờ cậy thì mình giả vờ hạ bệ mình bằng cách thoái thác, từ chối, nhưng kỳ thực đó là thủ thuật buộc người ta phải lụy phục, nài nỉ thêm. Lại có người vì để được một lợi lộc gì hay để đạt được một tham vọng nào đó thì luôn tỏ ra nhã nhặn, hiền lành, dễ bảo trước mặt người có quyền để lấy lòng, mua chuộc. Hoặc vì yếu thế mà phải tỏ ra lụy phục, nhưng sau lưng thì phê bình chỉ trích, nói xấu người ta. 

          Người khiêm nhường đích thực không tự coi mình là gì cả, nên không cảm thấy bực bội khi bị xúc phạm, cũng không cảm thấy có gì đáng phải lên mặt vênh vang khi được ca ngợi tôn vinh. Chỉ có những người khiêm nhường đích thực ấy mới luôn luôn cảm thấy mình hạnh phúc, thanh nhàn, nhẹ nhàng, và được Thiên Chúa yêu quí. 

          Phải thành thật với mình, nhận ra cái ưu đểm và khuyến điểm của mình và luôn nhận ra mình còn yếu đuối cần có sự trợ giúp của Chúa vì :”Không có Thầây, các con không thể làm gì được” ! “Các con hãy ngồi vào chỗ cuối” ! Đức Giêsu không ngừng lặp đi lặp lại lời đó. Trước mặt Thiên Chúa, phải biết mình yếu đuối, nhỏ bé, ở chỗ cuối, để rồi hoàn toàn trông cậy vào Chúa, đồng thời hoàn toàn từ bỏ niềm cậy trông vào sức lực của riêng mình. Phải nhỏ bé như trẻ thơ mới được vào Nước Trời (Lc 9,48). 

Truyện : Nhận thức đúng thân phận mình. 

          Tương truyền rằng trước cánh cửa nhà mồ bị khóa chặt, hồn nữ hòang Sissi gõ cửa. Từ nơi thăm thẳm vang lên giọng nói oai nghiêm của vị Cha Già giữ cửa :

- Ai đó ?

          Hồn nữ hòang kiêu sa đáp :

          - Tôi là nữ hòang Aùo quốc, hòang hậu xứ Hungari.

          Tiếng vị Cha Già lạnh lùng :

          - Ta không biết.

          Tưởng người giữ của chưa hiểu biết về mình, hồn nữ hoàng lại gõ của. Lần này tiếng hỏi của vị Cha Già gắt hơn :

          - Ai đó ?

          Hồn nữ hoàng lại cao giọng đáp :

          - Ta là nữ hòang Elizabeth Sissi của Aùo quốc, hòang hậu xứ Hungari, hoàng hậu xứ Bôhême, hoàng hậu của Giêrusalem, nữ lãnh chúa của xứ Transylvanie, đại quận chúa của Toscane và Cracovie…

          Lại một lần nữa Cha Già trả lời :

          - Ta không biết.

          Nghe xong tiếng trả lời của Cha Gia :”Ta không biết”, vừa thất vọng đau đớn vừa tủi nhục xấu hổ, hồn nữ hoàng vội quì xuống, lột bỏ hết mọi chức tước cao ngạo của trần thế và khiêm tốn thưa lại một cách giản dị :

          - Con là Elizabeth Sissi, một kẻ có tội đáng thương và con tha thiết cầu xin Chúa nhân từ xót thương.

          Tức thì tiếng chìa khóa tra vào ổ, vị Cha Già lên tiếng ân cần nói :

          - Con hãy vào đi. 

          Dù câu chuyện chỉ là giả tưởng, nhưng dụng ý của nó muốn nói rằng : giá trị đích thực của một con người ở đời này và đời sau không hệ tại nơi những gì bên ngoài mình có được hay mình chiếm được, mà là do biết rõ mình thế nào. Nghĩa là khi còn sống phải biết sống làm sao để mọi người yêu mến kính phục và khi đã qua đời lại được Chúa xót thương và được thần thánh hỗ trợ thì mỗi người chúng ta gắng sức học hỏi và sống theo bí quyến căn bản này : “Khiêm nhường”. Vì đây chính là chìa khóa để mở được cánh cửa vào thiên đàng (Quê Ngọc). 

          3. Hạ mình xuống để phục vụ. 

          Đức Giêsu phán :”Con Người đến không phải được phục vụ nhưng đến để phục vụ”(Mc 10,45). Phục vụ là hành động của một người tôi tớ, mà người tôi tớ thì phải phục vụ cho ông chủ. Đức Giêsu đã hạ mình xuống để phục vụ chúng ta để tôn chúng ta lên làm Chúa, còn Ngài lại trở thành tôi tớ. Ngài làm gương cho chúng ta về tinh thần bác ái vô vị lợi. 

          Sách có chữ rằng :”Phú quí đa nhân hội, bần cùng thân thích ly” : Giầu có thì thiên hạ bâu, nghèo khó thì bà con rời rạc. 

          Theo cách xử sự thông thường người ta thích những người giầu có, giao du với họ trên nguyên tắc bình đẳng và hai bên cùng có lợi. Nếu có phục vụ người ta thì cũng chỉ phục vụ “theo nguyên tắc :”Do ut des” : cho đi để lấy lại. . Chỉ những ai có tinh thần siêu nhiên và siêu thóat thì mới có thể có được một sự phục vụ vô vị lợi. 

          Phục vụ là :”Cho đi”, nhưng cái cho đi cũng có nhiều lý do :         

          - Người ta có thể ban cho vì bổn phận. Chúng ta dâng cho Thiên Chúa và cho lòai người có thể như cách chúng ta trả thuế lợi tức, như phải thanh toán một bổn phận không thể trốn tránh được, lòng không vui chút nào.

          - Người ta có thể cho hoàn toàn vì động cơ tư lợi. Dầu có ý thức hay không, người đó có thể coi của mình  cho như một thứ vốn đầu tư. Họ kể mỗi món tiền cho đi cho thêm một con số vào trương mục của mình trong ngân hàng của Chúa. Cho cách này không phải do lòng rộng rãi, mà chỉ là sự ích kỷ có tính toán. 

          - Có người cho để cảm thấy mình là người trên. Cho như thế có thể là một sự độc ác. Việc đó làm tổn thương người nhận hơn là từ chối thẳng thừng. Làm như vậy, người ban cho đứng trên bậc cao của mình để nhìn xuống người thọ nhận. Người đó có thể vừa cho vừa thuyết giáo trên đầu kẻ nhận một bài giảng vắn tắt và đầy tự mãn. Thà không cho gì hết  còn tốt hơn là chỉ cho  để thỏa mãn tính khoe khoang và tính thích cậy quyền.  Các rabbi Do thái có câu nói rằêng : cách cho tốt nhất là khi kẻ ban không biết mình cho ai và kẻ nhận cũng không biết mình nhận từ đâu

          - Có người cho vì không thể không làm thế. Đó là cách cho duy nhất thành thật. Luật của Nước Trời là kẻ nào ban cho  để được thưởng công, kẻ đó sẽ được phần thưởng, nhưng kẻ nào ban cho mà không nghĩ đến phần thưởng thì phần thưởng của kẻ ấy sẽ chắc chắn. Chỉ có một sự ban cho đích thực là cho vì sức mạnh của tình yêu tràn ra không thể kìm chế. Thiên Chúa ban cho vì Ngài yêu thương thế gian và chúng ta cũng phải làm như vậy. 

III. BÀI HỌC CHO NGÀY HÔM NAY. 

          Đức Giêsu không dạy điều gì mà Ngài đã không làm trước, lời nói luôn đi đôi với việc làm. Bài học về khiêm nhường  và bác ái hôm nay được minh họa bằng chính cuộc sống của Ngài mà thánh Phaolô đã ca tụng trong thư gửi cho tín hữu Philipphê :”Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu”(Pl 2,6-9). 

          Đọan thư Philipphê ngầm so sánh Đức Giêsu với A dong và nói lên cái nghịch lý giữa “lên” và “xuống”. Adong đã muốn lên  “bằng Thiên Chúa” và kết quả là đẩy loài người xuống vực sâu. Còn Đức Giêsu tuy vẫn là Thiên Chúa mà không nhất quyết phải đòi cho luôn luôn được ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã khước từ tất cả , mặc lấy thân nô lệ thấp hèn. Kết quả là Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban chính hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu… Thật đúng như lời Đức Giêsu đã nói :”Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. 

          Chúng ta cũng thường theo con đường của Adong tưởng rằng khẳng định được mình  khi nâng mình lên trước mặt những người khác. Những cái “mình” mà ta khẳng định ấy chỉ là những dáng vẻ bề ngòai chứ không phải là bản thân đích thực của ta. 

          Triết gia Socrate đã khởi đầu triết lý của mình bằng câu :”Anh hãy tự biết mình”. Biết mình là cái khó vô cùng. Người ta có thể biết được nhiều sự trên trời dưới đất, biết được những cái xa xôi, biết được cả những cái cực kỳ tinh vi, nhưng có cái gần nhất màø không biết. Đó là bản thân mình. Còn triết gia Blaise Pascal thì nói :”Tôi chỉ biết có một điều là tôi chẳng biết gì cả”. Nếu không biết được gì khác thì làm sao biết được mình vì biết mình là một điều khó.

          Vì vậy, mọi sự cần bắt đầu với việc tu thân, canh tân chính đời sống của mình. Để làm được điều căn bản này cần phải biết nhìn xuống và nhìn vào bản thân mình, biết khiêm tốn nhìn vào cuộc sống của mình theo ánh sáng Lời Chúa để được soi sáng  mà nhìn thấy những gì tiêu cực, xấu xa cần được thanh luyện sửa chữa. 

Truyện vui : Phải biết nhìn xuống. 

          Có một hòang tử nọ tên là Mukasaki, có một thái độ tự cao tự đại đến độ cả khi đi, ông cũng không bao giờ nhìn xuống đường. Ông bước đi trong tư thế làm oai, ngực đứng thẳng, mắt ngước lên, mọi người trong vùng đặt cho hoàng  một tên riêng là :”Người không bao giờ nhìn xuống” và hoàng từ Mukasaki xem ra cũng rất thích biệt hiệu này, ông tuyên bố :”Những bậc vĩ nhân không bao giờ nhìn xuống, họ chỉ biết nhìn lên trời cao mà thôi”. 

          Một ngày nọ, hoàng tử được mời đến dự đại tiệc tại cung đình. Để khoe cho mọi người nhìn thấy  bộ áo cẩn ngọc qúi giá có một không hai của mình, hoàng tử quyết định không ngồi xe ngựa nhưng hiên ngang đi bộ từ nhà đến cung đình, dĩ nhiên là với thái độ kiêu hãnh không bao giờ nhìn xuống. Dân chúng tuốn ra hai bên đường  trầm trồ khen áo đẹp và quí, điều này lại làm cho hoàng tử thêm kiêu hãnh. Hoàng tử đến cung đình sau hết mọi người và hiên ngang bước vào. Mọi người cười rộ lên, hoàng tử kiêu hãnh nói :

          - Tại sao mọi người cười tôi như vậy ?

          Một trong những người khách mới trả lời :

          - Xin hoàng tử nhìn xuống đôi chân mình sẽ biết lý do tại sao ?

          Hoàng tử nhìn xuống, mặt bỗng đỏ bừng lên vì hổ thẹn. Cả hai đế giầy của hoàng tử đều dính đầy phân ngựa, vì không bao giờ nhìn xuống, hoàng tử giẫm lên  không biết bao nhiêu đống phân ngựa  từ nhà đến cung đình để dự tiệc. 

          Hoàng tử trong câu chuyện vui trên không bao giờ nhìn xuống và đã giẫm lên những đống phân ngựa. Nếu chúng ta không biết nhìn lại mình, kiểm điểm cuộc sống mình để biết canh tân khỏi những khuyết điểm và tật xấu, thì chắc chắn chúng ta sẽ chồng chất không biết bao nhiêu tật xấu. Tự phụ kiêu ngạo làm ta nên mù quáng trước những tật xấu của chính mình. Thêm vào đó, chúng ta lại dễ chiều theo khuynh hướng moi móc chuyện xấu của anh chị em, và như thế càng ngày chúng ta càng lún sâu vào trong tật xấu mà không hay biết gì cả( R.Veritas).