Chúa Nhật XXI thường niên  - Năm C
THIÊN CHÚA CỦA MỌI DÂN TỘC
SƯU TẦM

Con người vốn có tính ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình, đến gia đình, làng xóm, dân tộc hay quốc gia mình, nên cũng hình dung ra những vị thần thánh ích kỷ không kém.

Mỗi làng có vị thần làng riêng, mỗi quốc gia cũng có thần riêng. Thần của làng nào, của quốc gia nào thì chỉ bênh vực che chở làng ấy, quốc gia ấy mà thôi. Mỗi khi tranh chấp đất đai hay quyền lợi nào khác, người ta kêu cầu vị thần của làng mình hay quốc gia mình ra tay đánh bại kẻ thù và thần linh của chúng. Loài người đánh nhau thì thần thánh cũng phải đánh nhau.

Dân Do Thái cũng không thoát khỏi quan niệm hẹp hòi và sai lầm ấy. Khởi đầu Giavê đối với họ cũng chỉ là thần riêng của họ, cũng như Baal là thần của người Canaan.

Phải qua nhiều thời đại, nhiều kinh nghiệm họ mới học cho biết được rằng: Giavê Thiên Chúa không phải là một vị thần trong số các vị thần khác, không phải là một chúa giữa các chúa khác. Trái lại, Ngài là Thiên Chúa độc nhất, ngoài Ngài ra, không có một thần hay một chúa nào khác.

Tất cả các thần các chúa đó chỉ là ngẫu tượng, chỉ là những đồ vật do tay con người làm ra: có mắt có miệng mà không nhìn không nói, có mũi có tai mà không ngửi, không nghe, có tay mà không sờ không mó, có chân mà không bước không đi. Từ cổ họng không thốt lên được một tiếng.

Những ý thức về một Thiên Chúa độc nhất ấy lại khiến người Do Thái đi tới một sai lầm khác vô cùng tai hại: họ nghĩ rằng Thiên Chúa độc nhất ấy là Thiên Chúa của họ, hay nói cách khác, họ độc quyền chiếm giữ Thiên Chúa, bắt Ngài phải về phe với họ, có bổn phận phải che chở và giáng phúc cho họ, và do đó luôn chống lại các dân ngoại.

Để chuẩn bị mạc khải cho dân Do Thái biết Ngài là Thiên Chúa của muôn nước, là Cha của mọi dân và nhất là chuẩn bị cho họ đón nhận Đức Kitô, Đấng cứu độ nhân loại, Thiên Chúa đã phải dùng đến những bài học đôi khi cay đắng, đó là họ đã phải mất nước, đã phải chịu cảnh lưu đày, sống thân phận tôi đòi giữa những kẻ mà họ nghĩ rằng không bao giờ là dân của Chúa. Nhưng cũng chính nhờ đó mà họ mới có được một quan niệm về một Thiên Chúa phổ quát, nghĩa là Thiên Chúa của mọi dân mọi nước.

Tất cả những điều vừa trình bày đã được Đức Kitô thực hiện một cách trọn vẹn. Thực vậy, với cái chết trên thập giá, Ngài đã ký kết một giao ước mới và tụ tập mọi dân mọi nước về cùng Thiên Chúa. Ý tưởng này đã được Ngài diễn tả bằng hình ảnh một tiệc cưới, trong đó những người tham dự không phải chỉ là người Do Thái, mà còn là tất cả những người từ mọi ngả đường trần gian.

Tuy nhiên, không phải cứ lãnh nhận bí tích Rửa tội, cứ có tên trong sổ sách của giáo xứ, là chúng ta nghiễm nhiên trở nên thành phần của dân Chúa, điều quan trọng là mỗi người chúng ta phải có một tấm áo cưới, tức là tâm hồn trong sạch, đã tẩy trừ khỏi những vết nhơ tội lỗi, đã ra sức uốn nắn lại những khuyết điểm của mình.

Với một con người mới như thế, chúng ta thực sự là người Kitô hữu thứ thiệt, chứ không phải chỉ là người Kitô hữu thứ dổm, hữu danh vô thực mà thôi.