Chúa Nhật XXI thường niên  - Năm C
CÒN TÍNH THỜI SỰ
Chú giải mục vụ của Hugues Cousin

NHỮNG NGƯỜI DO THÁI BỊ LOẠI BỎ VÀ DÂN NGOẠI ĐƯỢC KÊU MỜI

Điệp khúc mở vào giai đoạn hai của cuộc hành trình (c.22) không chỉ nhắc tới đích điểm địa lý của cuộc hành trình này; nó còn loan báo một thông tri quan trọng sẽ được cung cấp trong cảnh tiếp theo (13,31-35).

Trình thuật này được dẫn nhập bằng câu 23. Một người lạ mặt hỏi: Phải tin ai? Phải tin các Kinh sư, là những người khẳng định rằng: Mọi người Israel đều tham dự vào thế giới tương lai (Misnha, Sanhedrin X, 1) hay tin những kẻ khác, đối với những người này những kẻ bị hư đi thì nhiều hơn những kẻ sẽ được cứu thoát (Edras quyển thứ tư IX, 15)? Cách thế mà Chúa Giêsu dùng để nói về tính cách cấp bách của việc hoán cải (13,3-5) phải chăng không xếp Ngài vào nhóm thứ hai?

Nhưng Chúa Giêsu lại không quan tâm đến vấn nạn kiểu kinh viện này. Trước khi trả lời, Ngài đóng khung nó bằng cách nói với tất cả các người xung quanh (cùng một cảnh như ở 12,13-14) và nhấn mạnh đến sự cố gắng:”Hãy chiến đấu để vào phòng tiệc qua được cửa hẹp” (c. 24). Thực vậy, điều quan trọng là mỗi người phải thay đổi cách sống. Chính vì thế, lời đáp của Chúa Giêsu không xác định về số ít người được cứu thoát nhưng về tính cách nghiêm trọng của cuộc sống hiện tại của con người. Nhiều người sẽ chen chúc vào cửa hẹp mà không vào được. Ngoài việc cửa hẹp dẫn đến niềm vui của bàn tiệc, thực ra còn phải nói đến một yếu tố thứ hai: thời gian gấp rút vì cửa sắp đóng. Tìm cách vào, giữa đám đông hỗn độn, ở phút chót là chuốc lấy thất bại.

Khi nói đến thời điểm mà cửa sẽ đóng, lời cảnh cáo trở thành đe doạ: Việc đóng cửa lại do lệnh của một nhân vật chủ chốt, ông chủ nhà, mà không ai khác hơn là những kẻ đối thoại với Ngài mới xin mở cửa cho họ và do đó, họ phải nhắc đến việc trước đây họ cùng ăn uống với Ngài (x. 7,36; 11,37; 14,1) và đã có nghe Ngài giảng dạy. Nhưng lời đáp nhắc tới hai lần”Ta không biết các anh từ đâu đến” –điều này, trong ngôn ngữ Kinh Thánh (x. Am 3,2) có nghĩa là:”Ta không chọn các ngươi, các ngươi không thuộc về những kẻ được chọn”. Ở đây không hề có việc tuỳ tiện theo ý ông chủ: bằng cách gián tiếp trích Thánh vịnh 6,9. Chúa Giêsu nói rằng họ bị loại bỏ bởi vì họ làm điều xấu. Có những liên hệ – hời hợt với vị Sứ Giả cũng chẳng ích lợi gì khi mà người ta không chịu hoán cải. Chẳng ai tự động mà được cứu rỗi. Việc thuộc về dân mà Thiên Chúa đã ký Giao Ước với Sinai, và là dân đầu tiên được nghe giảng Tin Mừng nơi công cộng và trong các hội đường, cũng chẳng cho người ta được tấm vé vào Nước Thiên Chúa đâu. Điều cần thiết phải làm là hoán cải và đón nhận lời rao giảng ấy.

Từ đó, Chúa Giêsu đi đến hai xác quyết (cc. 28-29). Trước hết, việc loại ra khỏi Vương Quốc đến liền sao phổ quát ở câu 27 sẽ gây ra khóc lóc và nghiến răng, giận dữ và hối hận cay đắng nơi kẻ đối thoại với Ngài. Bực bội, họ sẽ thấy những tín hữu Israel đích thực, đại diện bởi các tổ phụ và tất cả các ngôn sứ, hưởng hạnh phúc và bình an, đặc điểm của Vương Quốc trong khi chính họ phải ở lại bên Ngài. Thay chỗ của họ – xác quyết thứ hai: - thiên hạ sẽ đến từ bốn phương trời: đó là những dân tộc ngoại giáo sẽ vào tham dự ơn cứu độ vĩnh hằng. Khi dùng đề tài Kinh Thánh nói về các dân tộc hành hương về Giêrusalem để dâng lễ vật tôn thờ Thiên Chúa (x. Is 60,3tt), Chúa Giêsu để ý không nói đến tên của thành; vì vậy, thành này không còn là địa điểm nơi mà Thiên Chúa muốn người ta tôn thờ Ngài nữa: Vương Quốc là một thực tại siêu việt. Với hình ảnh được thanh lọc khỏi mọi tính cách quốc gia chủ nghĩa đó, Chúa Giêsu thêm một hình ảnh ở Is 25,6. Bữa tiệc trong Thế giới mới diễn tả một hiệp thông trọn vẹn giữa con người với Đấng cứu thoát họ:”Thiên Chúa sẽ dẫn đưa những kẻ được tuyển chọn vào tình thân mật với Ngài và biến họ thành những người nhà của Ngài” (J.Schlosser).

Phần kết luận (c.30) làm ta nhớ đến sấm ngôn của ông Simêon khi ông nói về sứ vụ của Chúa Giêsu như duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy (2,34) và nhắc lại rằng Vương Quốc sẽ kéo theo sự đảo ngược các tình trạng của con người (x. những mối phúc và hoạ ở 6,20-26). Giữa những kẻ đến sau cùng có nhiều kẻ sẽ vượt lên truớc những kẻ kỳ cựu, mặc dù những người này đã được các ngôn sứ loan báo từ lâu về việc Vương Quốc ngự đến. Tuy nhiên đây cũng không phải là luật tổng quát: câu kết luận hiểu ngầm rằng những kẻ kỳ cựu đến trước nhất sẽ chia sẻ chỗ nhất với những kẻ mới đến từ khắp thế giới. Ở Luca, lời Chúa Giêsu nói đây rõ ràng thuận lợi cho Israel hơn là ở những đoạn song song của Marcô và Matthêu.

Lời cảnh cáo có tính cách ngăn đe trước hết được nói với các thính giả Do Thái ở Giuđê – Galilê vào những năm 28-30; dưới cái nhìn của Luca, chỉ một số ít trong họ đã hoán cải, như nhóm Mười Hai và các môn đệ khác, và có thể vào được Nước Trời. Trong các thính giả này đặc biệt được nhắc tới, cũng là số ít thôi, những kẻ dám làm điều bất chính tột độ cộng tác vào việc hành quyết Chúa Giêsu (xcc. 31-35). Nhưng đừng quên rằng những lời Tin Mừng này vẫn còn tính thời sự và là tiếng mời gọi hoán cải. Sẽ càng không có việc cứu rỗi tự động cho các Kitô hữu cứ khất lần đến ngày mai. Việc canh tân đời sống luôn luôn cần được lặp lại không ngừng. Đối với mọi người, cửa đều hẹp cả: những ai trong họ làm điều bất chính không có thể nại vào sự thân thiết hời hợt với Chúa Kitô để xin mở cửa sau khi cửa đã đóng rồi.