Chúa Nhật XX thường niên  - Năm C
LỬA YÊU THƯƠNG, LỬA HÒA BÌNH
Lm. Đaminh Lâm Quang Khánh

Các thiếu nhi thân mến, bạn nào thuộc kinh "Chúa Thánh Thần" hay bài hát "Cầu xin Chúa Thánh Thần" đọc hay hát cho mọi người nghe nào?

-                   Thưa Cha, con ạ

-                   Cha mời Bạn Trúc Mai, Thiên Thần Khai Tâm 2

-                   .........

-                   Cám ơn con, con hát rất hay. Chúng ta cho một tràng pháo tay chúc mừng bạn Trúc Mai nào.

Các thiếu nhi thân mến,

Trong Kinh Chúa Thánh Thần chúng ta thường đọc có câu: “...chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con...”. Chúng ta ý thức tự sức mình chúng ta không thể yêu mến Thiên Chúa được, nên chúng ta đã kêu xin cùng Chúa Thánh Thần. Chính nhờ ơn của Người mà chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa cách trọn vẹn hơn.

Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!”. Lửa mà Chúa Giêsu đến ở đây chính là lửa yêu thương: Yêu mến Chúa và yêu thương nhau.

Hai tuần trước Chúa Giêsu đã kêu gọi chúng ta hãy biết làm giàu trước mặt Chúa và hãy tỉnh thức cũng như sẵn sàng để đón chờ Chúa đến. Hôm nay Người nói lên nổi khát khao là chúng ta hãy làm những việc đó vì lòng mến Chúa yêu người. Chúa biết con người chúng ta yếu đuối dễ sa ngã. Nhất là chúng ta rất dễ bị của cải vật chất đời này lôi cuốn đến nỗi quên mất Chúa. Từ đó, chúng ta sẽ rất dễ bị nguội lạnh trong ơn thánh của Người. Những lúc ấy chúng ta rất cần có lửa yêu thương của Chúa làm nóng lại trong ta tinh thần khao khát hạnh phúc Nước Trời.

Lửa yêu thương của Thiên Chúa được thể hiện nơi cuộc tử nạn và Thương khó của Chúa Giêsu. Người nói: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!”. Phép rửa ấy chính là cuộc thương khó mà Chúa Giêsu sắp phải chịu. Và Người mong muốn hoàn tất tình yêu ấy cho con người chúng ta.

Lửa yêu thương của Thiên Chúa chính là động lực để chúng ta thi hành việc yêu mến Chúa và yêu thương nhau.

Như vậy, hình ảnh “lửa” mà Chúa đề cập đến mang ý nghĩa như thế nào ?

Hình ảnh”lửa” mà Chúa nói ở đây có nghĩa là thanh luyện thử thách tâm hồn do Lời nói và gương lành của Chúa tác động nên và sau này được kiện toàn do ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy.

Chúa nói: “Ta không đem bình an đến mà đem sự chia rẽ” là sao?

Khi tuyên bố như thế không có nghĩa Chúa lên án sự hiệp nhất hay cổ võ sự chia rẽ trong gia đình,trong cộng đoàn.Trái lại Ngài muốn khẳng định một cách mạnh mẻ rằng: Muốn làm môn đệ Chúa thì phải sẵn sàng hy sinh tất cả một cách quyết liệt,nghĩa là bất cứ gì ngăn cản ta theo Chúa đều phải triệt tiêu, ngay cả người thân khi trở thành chướng ngại vật cũng phải từ bỏ.

Sự bình an mà người đời quan niệm như thế nào ?

  Sự bình an theo người đời là tình trạng sống an vui sung sướng,không bị phiền phức đau khổ,không muốn bị quấy rầy rủi ro,chỉ thích hưởng thụ ăn chơi thỏa chí là đủ rồi

Còn sự bình an mà Chúa nói là gì ?

Theo Chúa thì sự bình an là tình trạng sống như Chúa dạy để có mối tương quan hòa bình với Chúa,với anh em và với bản thân bằng một tình yêu thương đích thực.Muốn được như thế phải cam khổ chiến đấu,phải vượt mọi thử thách ngăn cản để theo Ngài.

Cha kể cho các con nghe một câu chuyện này nhé:

Ngày kia, tại một làng nhỏ ở Miền Nam Trung Quốc, một em bé gái tiều tụy, đói rách và mang bệnh phong hủi bị dân làng dùng gậy gộc và gạch đá xua đuổi ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của em.

Giữa cảnh hỗn loạn ấy, một nhà truyền giáo xông ra ẵm em bé trên tay để bảo vệ em khỏi những trận đòn và những viên gạch đá ném bừa bãi vào tấm thân bé bỏng của em.

Thấy có người mang em bé đi, dân làng mới chịu rút lui, nhưng miệng vẫn còn gào thét: "Phong hủi! Phong hủi!"

Với những giọt nước mắt lăn tròn trên đôi má, lần này là những giọt nước mắt vui mừng chứ không phải là những giọt lệ sầu đau, em bé hỏi vị cứu tinh của mình:

- Tại sao ông lại lo lắng cho con?

Nhà truyền giáo đáp:

- Vì Ông Trời đã tạo dựng nên cả hai chúng ta. Và cũng vì thế em sẽ là em bé gái của ta và ta sẽ là người anh lớn của em bé.

Suy nghĩ hồi lâu, em bé cất tiếng hỏi:

- Con có thể làm gì để tỏ lòng biết ơn sự cứu giúp của ông?

Nhà truyền giáo mỉm cười đáp:

- Con hãy trao tặng cho những người khác tình yêu của con, càng nhiều càng tốt.

Kể từ ngày ấy cho đến ba năm sau, khi em bé gái tắt hơi thở cuối cùng, em đã vui vẻ băng bó các vết thương cho những bệnh nhân khác, ân cần đút cơm cho họ, nhất là em luôn tỏ ra dễ thương và yêu mến tất cả mọi người trong trại.

Lúc từ giã cõi đời, em bé chỉ mới tròn mười một tuổi. Các bệnh nhân đã từng chung sống với em kháo láo với nhau:

- "Bầu trời nhỏ bé của chúng ta đã về trời!"

Các thiếu nhi thương mến, Vậy để trở thành một kitô hữu đúng nghĩa, chúng ta phải trở thành ngọn đuốc hòa bình sáng rực tình yêu thương, phải mang một con tim cao thượng không còn chứa chấp hận thù chia rẽ, không chạy theo những nuông chiều xác thịt, không đồng lõa với những ham muốn trần thế. Và muốn có bình an đích thực phải sống đúng lương tâm chân chính mà không sợ chống đối vì lẽ phải, không ngại bị xỉ nhục vì chân lý, không hùa theo người khác để mưu cầu lợi ích vật chất.

Tóm lại, Các thiếu nhi các con phải là một kitô hữu chân chính, bao giờ cũng yêu chuộng hòa bình và ra sức xây dựng sự yêu thương hiệp nhất thân ái giữa mọi người, nhưng không không bao giờ nao núng, sợ sệt khi phải chiến đấu với tội lỗi, nhất là không thỏa hiệp với sự lười biếng thụ động. Nhưng phải luôn xác tín rằng, ở đời này  ta cần phải tìm kiếm và xây dựng hòa bình và yêu thương.  Amen