“Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các
con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ” (Lc 12,51). Thoạt
nghe những lời trên của Chúa Giêsu hẳn nhiều người giật mình. Một tôn sư
lỗi lạc, một vị đại ngôn sứ, một Đấng Thiên sai mà tuyên phán những lời
ấy thì thật chướng tai, khó nghe. Là người, ai cũng đều khát mong được
sống trong an bình. “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết” là một sự thật
hầu như hiển nhiên. Thế thì chúng ta phải hiểu nội hàm lời tuyên bố của
Chúa Giêsu trên đây như thế nào?
Để hiểu đúng và tương đối chính xác lời một ai đó thì cần thiết phải xem
xét ngữ cảnh khi người ấy nói. Tin mừng thánh Luca tường thuật ngữ cảnh
trước đó là việc Chúa Giêsu khử trừ một tên quỷ câm ra khỏi người bị nó
ám và người câm nói được (x.Lc 11,14-23). Tiếp đến Người tuyên bố rằng
ai nghe và giữ lời Thiên Chúa mới là người có hạnh phúc thật. Rồi Người
tự cho mình hơn cả Ngôn sứ Giona khi thẳng thắn công bố sự thật. Tiếp
đến Chúa Giêsu nói về sự nhận thức như là ánh đèn dẫn lối chúng ta đi (x.Lc
11,37-36). Sau đó Người khiển trách nhiều người Pharisiêu và nhiều nhà
thông luật đã sống và hướng dẫn kẻ khác trong sự lầm lạc cho dù biết họ
sẽ tức tối tìm cách hảm hại Người (x.Lc 11,37-54). Rồi Người khuyến dụ
các môn đệ đừng sợ và hãy can đảm công bố sự thật (x.Lc 12,1-12), đừng
lo thu tích của cải đời này nhưng hãy tin tưởng vào sự quan phòng của
Thiên Chúa và luôn sống trong tinh thần tỉnh thức và sẵn sàng là chu
toàn bổn phận với nhưng người được giao phó cho mình chăm nom (x.Lc
12,13-48).
Trong ngữ cảnh này, Chúa Giêsu đã long trọng tuyên bố: “Thầy đã đến đem
lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa ấy cháy lên!” (Lc
12,49). Ngọn lửa mà Chúa Giêsu đem xuống thế gian chính là ánh sáng chân
lý như lời Người khẳng định với Philatô: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế
gian vì điều này: đó là làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật
thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37).
Ánh sáng chân lý đã bừng lên thì sự thật, sự giả, điều tốt, điều xấu sẽ
được phân biệt rõ ràng. Ánh sáng chân lý đã chiếu soi thì sự thiện hảo
nhất thời, chóng qua và hạnh phúc đích thực, vĩnh tồn sẽ được biện phân.
Cảnh mập mờ của buổi thời hổn mang sẽ bị xoá dần và con người chúng ta
cần phải chọn lựa dứt khoát. Chọn lựa là hy sinh. Đau đớn là chuyện
thường tình khi phải bỏ cái này để chọn cái kia, nhất là khi cái này đã
từng gắn bó với mình và nó chưa hẳn là xấu.
Sự xâu xé trong tâm hồn luôn có đó khi chúng ta phải chọn lựa giữa điều
lành và điều dữ, giữa một điều tốt và một điều tốt hơn, giữa hạnh phúc
nhất thời và hạnh phúc vĩnh cửu. Bị giằng co, bị xâu xé là một lẽ rất tự
nhiên vì điều tốt hơn chưa thực sự ở trong tầm tay và hạnh phúc vĩnh cửu
vẫn đang còn ở phía chân trời xa. Đây chính là sự chia rẽ mà Chúa Giêsu
muốn đề cập.
Ai đến với tôi mà không từ bỏ cửa nhà, ruộng nương, cha mẹ, vợ con…và
không vác thập giá mình thì không thể làm môn đệ của tôi (x.Lc
14,26-27). Dù là một lối nói kiểu so sánh nhưng Chúa Giêsu đã thẳng
thừng đưa ra một đòi hỏi có tính triệt đễ rằng phải chọn Người trên hết
và trước hết. Tất cả chỉ vì lý do này: Người chính là Thiên Chúa thật,
nhờ Người mà mọi được tạo thành. Dĩ nhiên khi đã can đảm chịu xâu xé,
chịu bắt bớ để chọn Người làm Thầy và làm Chúa của mình, chúng ta sẽ lại
nhận được mọi sự như trên cách gấp bội và nhất là sự sống trường sinh (x.Mc
10,28-30).
Lửa đã cháy lên. Ánh sáng đã đến thế gian, Sự thật đã được tỏ bày. Vấn
đề còn lại là sự chọn lựa của chúng ta. Chọn lựa là phải hy sinh. Thiện
hảo nào cũng có giá của nó. Dù là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa
ban cho, nhưng hạnh phúc vĩnh cửu dứt khoát không phải là thứ hàng hoá
rẻ tiền.
Tác giả bài viết: Lm
Nguyễn Văn Nghĩa HT71
Nguồn tin: Gia
đình Cựu Chủng sinh Huế
|