Chúa Nhật XX thường niên - Năm C |
NGỌN LỬA TÌNH YÊU |
Lm Giuse Đinh lập Liễm |
A. DẪN NHẬP. Đức Giêsu hay có kiểu nói nghịch lý làm cho người ta ngạc nhiên khi mới nghe và chưa hiểu hết ý nghĩa tàng ẩn trong đó. Chẳng hạn trong bài Tin mừng hôm nay Đức Giêsu nói :”Thầy đã đến ném lửa vào trần gian… Các con tưởng rằng Thầy đến đem hòa bình cho trần gian ? Thầy bảo cho các con biết : không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ”(Lc 12,49.51). Nếu Đức Giêsu được gọi là “Hoàng tử của Bình an”, hiền lành và khiêm nhường không mang sự hòa bình cho trần gian mà chỉ đem đến sự chia rẽ. Như vậy Ngài muốn nói gì ? Đức Giêsu muốn nói cho chúng ta biết rằng sứ mạng của Ngài là xuống trần gian chịu chết để đem ơn cứu rỗi đến cho mọi người và thanh luyện con người. Thi hành được sứ mạng đó không phải là dễ vì những lời rao giảng của Ngài phải nói lên chân lý và nói lên chân lý thì sẽ đụng chạm đến nhiều người đang chà đạp lên chân lý vì như người ta nói :“sự thật mất lòng”. Tiên tri Giêrêmia trong bài đọc 1 hôm nay là hình bóng Đức Giêsu. Ông nói sự thật cho dân chúng, nhưng họ không muốn nghe, lại còn hành hạ và muốn giết chết ông. Đức Giêsu cũng phải đi theo con đường đó và Ngài muốn cho việc thi hành sứ mạng đó chóng hoàn tất. Ngài đến để đem hòa bình cho nhân lọai, nhưng không phải là thứ hòa bình ru ngủ của trần gian mà là thứ hòa bình thật của Thiên Chúa. Thứ hòa bình này chỉ có thể lãnh được khi người ta đã nỗ lực thi hành Lời Chúa và phải tôi luyện bằng Thập giá. Vì thế, Lời rao giảng của Ngài sẽ gây chia rẽ giữa nhiều người, ngay những người trong một gia đình. Sở dĩ có sự chia rẽ là vì có người tin theo Chúa, có người không tin theo, lại còn chống đối nữa. Vậy là có sự chia rẽ giữa người tin và không tin. Đức Giêsu đòi chúng ta phải xác định lập trường, phải có sự lựa chọn : tin theo hay không tin theo. Nếu đã chấp nhận tin theo thì cũng phải chấp nhận con đường của Chúa đã đi : phải hy sinh tất cả để trung thành với Chúa. B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA. + Bài đọc 1 : Gr 38,4-10. Thời tiên tri Giêrêmia, dân Do thái phạm tội nhiều, nên Thiên Chúa để cho quân thù là đế quốc Babylon bao vây. Là người hiền lành, nhạy cảm, yêu quê hương, Giêrêmia phải tuân lệnh Thiên Chúa, đi nói những lời nguyền rủa trên dân mình để khuyến khích họ ăn năn sám hối và quay về nương tựa vào Chúa, nhưng họ cứ tiếp tục đi theo con đường sai lầm đó. Ôâng còn bị cáo giác là chủ bại và cộng tác với quân địch. Vì những lời nói thật đó, ông bị kết án vứt xuống giếng sâu, nhưng Chúa đã cho người cứu vớt ông. Hôm qua cũng như hôm nay, vị tiên tri phải trải qua kinh nghiệm xương máu để biết được rằng “Sự thật thì mất lòng”. Đó là số phận của nhà tiên tri, người làm chứng về sự thánh thiện tuyệt đối của Thiên Chúa. Ngoài ra, việc Giêrêmia bị bỏ xuống giếng là hình ảnh tử nạn của Đức Giêsu và việc Giêrêmia được thóat chết là hình ảnh của Chúa sống lại. + Bài đọc 2 : Dt 12,1-4. Trong khi chúng ta dấn thân cho Nước Chúa, được nghe đoạn thư gửi cho người Do thái sau đây, chúng ta cảm thấy được an ủi và nâng đỡ rất nhiều. Hồi ấy, các Kitô hữu gốc Do thái đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Một mặt họ bị các đồng đạo Do thái cũ thù ghét và coi họ là những người phản đạo, mặt khác họ cũng bị bách hại bởi đế quốc Rôma. Thánh Phaolô đôi khi ưa dùng ngôn ngữ thể thao, Ngài ví cuộc sống của Kitô hữu như một cuộc chạy đua, cần phải có nhiều sức dẻo dai, mắt nhìn thẳng vào Đức Giêsu, chính Ngài cũng gặp phải muôn vàn khó khăn, nhưng đã kiên trì chiến đấu và cuối cùng đã chiến thắng tất cả. Hãy noi gương Ngài và dựa vào sự trợ giúp của Ngài mà chiến đấu. + Bài Tin mừng : Lc 12,49-53. Bài Tin mừng hôm nay có hai ý chính : a) Đức Giêsu có sứ mạng xuống trần gian để thanh luyện trần gian và Ngài ước cho việc thanh luyện ấy sớm hoàn thành. Ngài cũng báo trước sẽ phải qua một cuộc khổ nạn và việc thanh luyện ấy chỉ hoàn thành sau khi Ngài chịu nạn chịu chết và sống lại. b) Đức Giêsu dùng hai hình ảnh “hòa bình” và “chia rẽ” để kêu gọi người ta phải có thái độ lựa chọn trước Tin mừng của Ngài. Sứ mạng của Ngài là chịu chết để chuộc tội cho loài người. Ngài tự hiến mình chịu chết, không còn lựa chọn nào khác khi Ngài muốn hoàn thành đến cùng sứ mạng được giao phó. Nhưng một quyết định như thế càng thêm những chống đối và sẽ gây chia rẽ trong chính lòng dân tộc được chọn : một số người sẽ hoán cải, một số người khác thì không, một số người tin theo, một số người không. Lời rao giảng của Ngài sẽ gây chia rẽ giữa những người tin và những người không tin, chia rẽ còn xẩy ra ngay trong lòng một gia đình. C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA. Ngọn lửa tình yêu bùng cháy. I. ĐỨC GIÊSU ĐEM LỬA XUỐNG TRẦN GIAN. 1. Điều Đức Giêsu muốn nói. Khi đọc bài Tin mừng hôm nay, chúng ta không khỏi thắc mắc : Nếu khẳng định Đức Giêsu là “Hòang tử của Hòa bình”, người ta sẽ nói sao trước lời tuyên bố thẳng thừng của Ngài về chính mình :”Thầy đến đem lửa xuống trần gian… Thầy đến không phải để đem hòa bình, nhưng là đem sự chia rẽ”? Làm sao có thể hiểu được khi một người vốn tự xưng là “hiền lành và khiêm nhường” lại gây nên sự xáo trộn, gây nên nỗi phân ly trong gia đình, một cấu trúc cần được hiệp nhất hơn bất cứ một cấu trúc nào hay tổ chức nào trên thế giới ? Người ta phải hiểu thế nào câu nói của Đức Giêsu :”Thầy đến đem lửa xuống trần gian và Thầy muốn sao lửa đó được cháy lên” ? Vậy lửa Đức Giêsu đem đến trần gian là thứ lửa nào? 2. Lửa trong Thánh Kinh. Trong Thánh Kinh lửa được dùng để chỉ ý nghĩa của hai khía cạnh tích cực và tiêu cực : ngọn lửa ở thiên đàng và ở hỏa ngục. Ngọn lửa là hình ảnh của sự hiện diện thiêng thánh của Thiên Chúa khi ông Maisen gặp gỡ Ngài giữa bụi gai đang cháy (Xh 3,2), hay cột lửa đã hướng dẫn dân Do thái trong sa mạc (Xh 13,21), và ngọn lửa từ trời xuống thiêu hủy thành Sôđôma và Gômôra (St 19,24). Sức mạnh của Lời Chúa như lửa nơi miệng tiên tri Giêrêmia (Gr 5,14), và ngọn lửa tiên tri Isaia nhìn thấy trong đền thờ đã thanh tẩy môi miệng ông (Is 6,6) trở nên thanh khiết để ngài loan báo sứ điệp cho dân chúng. Tiên tri Eâlia được ví như ngọn lửa, và lời giảng của Ngài như đuốc cháy (Hc 48,1). Ngọn lửa của Thần Khí đậu trên các Tông đồ và ngày lễ Ngũ tuần (Cv 2,3). Mưa lửa từ trời xuống như một phần của sự phán xét trong ngày tận cùng của thế giới (Lc 17,29). Lửa là những thử thách (1Pr 4,12). Trong bài Tin mừng hôm nay (Lc 12,49-53), Đức Giêsu phán cùng các môn đệ rằng :”Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên”(Lc 12,49). Tôi tin rằng lửa mà Luca muốn nói ở đây chính là “ngọn lửa của Thần Khí” đã được ban xuống trên các Tông đồ trong ngày lễ Ngũ tuần (Cv 2,3-4) với sức mạnh và tình yêu Thiên Chúa để đi rao truyền Tin mừng khắp muôn dân (Cv 1,8). Ngọn lửa của Thần Khí thanh luyện linh hồn chúng ta khỏi sự ích kỷ và kiêu căng, nguồn gốc gây ra tất cả mọi sự thù nghịch và báo oán. (Nguyễn văn Thái, Sống Lời Chúa giữa dòng đời, năm C, tr 282-283). Đức Giêsu mong uớc “ban Thần Khí” cho thế gian. Ngài nói rằng đó là nhiệm vụ duy nhất của Ngài :”Thầy đến vì việc đó”. Chúng ta hãy thử tưởng tượng Đức Giêsu như một người đang ước mong, mang trong mình một dự án lớn lao. Đức Giêsu hăng say với dự án đổi mới toàn thể địa cầu. Lấy lại hình ảnh ấy, một bài ca hiệp lễ hát rằng :”Là kẻ ăn mày lửa, tôi nắm tay Chúa trong tay tôi, như người ta cầm trong tay mình ngọn lửa cho mùa đông và Chúa trở thành đám cháy thiêu đốt thế gian”. Đức Giêsu trở thành một sức mạnh nhiệt thành mới mẻ cho nhiều người hôm nay. Ở giữa những việc tầm thường hằng ngày, chúng ta có thể đốt lên “ngọn lửa nồng nàn của tình yêu”. 3. Mâu thuẫn giữa hòa bình và chia rẽ. Đức Giêsu nói :”Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an đến thế gian ư ? Không phải thế đâu, Thầy đến để đem sự chia rẽ”. Với tư cách là một người hiền lành và khiêm nhường trong lòng, làm sao Đức Giêsu đã đến trần gian để gây chia rẽ và xáo trộn ? Tuy nhiên, nhiều khi vì Ngài mà xáo trộn và chia rẽ xẩy ra. Chúng ta cần hiểu rằng : bằng hai chữ hòa bình và chia rẽ, Đức Giêsu kêu gọi người ta chọn lựa thái độ trước Tin mừng của Ngài (Lc 51-53) : Nhiều người nghĩ rằng Đấng Messia là Đấng mang hòa bình đến (x. Is 9,5), Đức Giêsu xác nhận là đúng thực, sứ mạng của Ngài là một sứ mạng Hòa bình (Is 9,tt; Dcr 9,10; Lc 2,14; Ep 2,14-15). Nhưng Ngài thấy cần giải thích thêm : chữ “Hòa bình” có nhiều nghĩa : hòa bình kiểu thế gian và hòa bình của Thiên Chúa. Đức Giêsu nói rằng Ngài đến thế gian không phải để đem hòa bình kiểu thế gian, mà là thứ hòa bình của Thiên Chúa. Thứ hòa bình của Thiên Chúa mà Đức Giêsu mang đến, người ta chỉ sẽ nhận được sau khi người ta đã cố gắng chiến đấu để sống theo Tin mừng của Ngài. Thực tế cho thấy là sứ vụ của Đức Giêsu đã gặp chống đối, và Lời rao giảng của Ngài đã gây chia rẽ giữa những người tin và những người không tin, chia rẽ xẩy ra ngay trong lòng một gia đình (Carôlô, Hạt giống nảy mầm, Chúa nhật năm C, tr 141). Dù Đức Giêsu rất hiền lành, vì sứ mạng, Ngài phải nói thẳng nói thật và do đó gây nên chống đối và chia rẽ : Ngài giảng dạy về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với những người tội lỗi. Lời giảng này làm cho những người tội lỗi tin theo Ngài, nhưng lại khiến những người biệt phái chống đối Ngài. Ngài kêu gọi con người đừng bám vào kho tàng của cải đời này, mà tìm kho tàng không hư nát trong Nước Trời. Lời giảng này khích lệ những người nghèo nhưng lại làm cho những người giầu nổi giận v.v…. Trong Tin mừng không thiếu gì những lời nói chói tai như thế, nhưng Đức Giêsu cũng cứ nói, vì “thuốc đắng đã tật”. II. ĐỨC GIÊSU ĐÓN NHẬN SỰ CHỐNG ĐỐI. 1. Thao thức mãnh liệt của Đức Giêsu. Khi nói về Đức Giêsu thường chúng ta chỉ chú trọng vào thiên tính mà quên đi nhân tính của Ngài. Vì thế mà không thấy tính gần gũi, dễ thương, dễ mến cách tuyệt vời của Ngài. Nguyên về mặt nhân bản, Đức Giêsu quả là một con người đặc biệt. Chúng ta đã từng thấy Đức Giêsu nhạy cảm như thế nào khi Ngài chạnh lòng thương trước đám đông, khi Ngài xúc động khóc trước mồ Lazarô. Bài Tin mừng Giáo hội đọc trong phụng vụ hôm nay, giúp chúng ta khám phá thêm về Đức Giêsu : cùng với một tâm hồn tinh tế và nhạy cảm ít ai có, Ngài còn có một hệ thần kinh thép và trong lòng ấp ủ những hoài bão lớn lao :”Thầy đã đem lửa vào thế gian và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên ! Thầy còn có một phép rửa phải chịu và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất”. Hoài bão của Đức Giêsu là gì nếu không phải là biến đổi thế giới này thành Trời mới Đất mới ? Thao thức của Đức Giêsu là gì nếu không phải là thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa là xây dựng Nước Thiên Chúa, Vương quốc và Triều đại của Thiên Chúa trong mỗi tâm hồn, mỗi cộng đồng, mỗi xã hội con người ? Trời Mới Đất Mới là không gian trong đó con người vui hưởng hạnh phúc thật là nhận biết, tôn thờ Thiên Chúa và yêu thương nhau. Nước Thiên Chúa, Vương Quốc và Triều Đại của Thiên Chúa là thế giới của Sự Sống, của Yêu Thương, của Bình An và Hoan Lạc. Để thực hiện hoài bão lớn lao và cao đẹp ấy Đức Giêsu sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh mất mát, thậm chí cả sự hủy diệt bản thân mình. Hơn nữa, Ngài còn nóng lòng mong đợi cuộc Khổ nạn mau tới như mong đợi những ngày tốt đẹp, tuyệt vời nhất của đời mình. 2. Tiên tri Giêrêmia là hình bóng Đức Giêsu. Bài đọc 1 hôm nay mô tả cuộc bách hại tiên tri Giêrêmia. Các Kitô hữu luôn coi ông như một hình bóng của Đức Giêsu. Ôâng là tiên tri ngay thời còn nhỏ tuổi. Ông sống ơn gọi của mình trong một thời kỳ đầy biến động. Người ta chứng kiến sự thất bại của Israel, sự tàn phá thành Giêrusalem và đền thờ. Ông là lương tâm của đất nước ông. Ôâng thương yêu tha thiết dân tộc ông và không bao giờ đánh mất niềm tin vào quyền năng của Thiên Chúa cứu chuộc dân Ngài. Trước những lời nói tiên tri chân thật của ông, nhiều người thù ghét ông và tìm cách giết hại ông. Nhưng cuối cùng ông đã được cứu. Đức Giêsu cũng thế : ngay từ những trang đầu của Tin mừng chúng ta đã thấy Đức Giêsu bị các nhà lãnh đạo đương thời bấy giờ đối xử như thế nào. Ngài đến với những lời chân thật, hằng sống, nhưng người nhà không tiếp rước Ngài, vì cho rằng Ngài là mối nguy cơ đe dọa địa vị, quyền lợi tôn giáo, xã hội và chính trị (dĩ nhiên bao gồm cả kinh tế) của họ. Thật ra Ngài chỉ là “tiêu chuẩn” để con người chọn lựa : theo và đón nhận hoặc không theo và từ chối Thiên Chúa. Người ta không có quyền không chọn lựa ! Nhưng người ta có quyền chọn không đón nhận Đức Giêsu là quà tặng của Thiên Chúa Tình thương. Và chính do chọn lựa này mà mỗi người mỗi ngả. 3. Vì Tin mừng, phải chấp nhận chống đối. Trong bài Tin mừng, Đức Giêsu đã vạch ra điều sẽ dẫn Ngài đến cái chết, và những người môn đệ bước theo Ngài cũng sẽ phải gặp đủ thứ đụng chạm xung khắc (Mt 10,22). Đức Giêsu đã bị chết không chỉ vì những lời rao giảng yêu thương, nhưng còn vì Tin mừng tự do của Ngài đã xung khắc với các nhà cầm quyền tôn giáo và chính trị. Họ coi Ngài chỉ là con người gây rối và họ nhìn thấy Ngài chỉ là một sự đe dọa cho những địa vị và quyền hành của họ. Không phải Đức Giêsu không muốn bình an vì Ngài Là “Hòang Tử của Bình an”, nhưng khi Ngài bênh vực cho những giá trị tinh thần, phục vụ cho công lý và giải phóng nhân lọai khỏi những ràng buộc của tội lỗi, thì chắc chắn phải đụng chạm với quyền lực đang muốn duy trì chúng lại. Đức Giêsu bị người ta ghen ghét. Lòng ghen ghét không đơn giản chút nào, nhiều khi nó rất phức tạp khó lường. Không phải người ta chỉ ghét những điều xấu, người ta có thể ghét cả những điều tốt nào không phù hợp với người ta. Thí dụ kẻ nói dối ghét người nói thật, kẻ buôn gian bán lận ghét người buôn bán thật thà. Chính vì thế mà Đức Giêsu khuyến cáo các Kitô hữu phải chấp nhận bị ghét, có thể bị giết bởi chính những người thân của mình và ngay trong gia đình mình :”Từ nay 5 người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, 3 chống lại 2 và 2 chống lại 3. Cha chống đối con trai và con trai chống đối cha. Mẹ chống đối con gái và con gái chống đối mẹ…” Tình trạng này đã xẩy ra trong Giáo hội sơ khai và vẫn xẩy ra luôn mãi. Lịch sử các vị tử đạo đã chứng minh : những người theo đạo thường bị chính quyền hoặc đồng đạo mình ghét bỏ. Hoặc là trong một gia đình ngoại giáo, có một người trở lại đạo, là để kết hôn với người có đạo chẳng hạn, cha mẹ không bằng lòng. Thế là có sự xung khắc giữa cha mẹ và chính người con của mình. Truyện : Chấp nhận bị chửi. Trong một buổi huấn đức tại đại chủng viện Mundelein vào khoảng năm 1992, Đức cố hồng y Joseph Bernadin của tổng giáo phận Chicago đã tâm sự rằng, từ ngày ngài về lãnh trách nhiệm ở Chicago, mỗi ngày đều đặn, không sót một ngày, có một lá thư gửi đến chửi ngài là “son of bitch” –“chó đẻ” ! Vì sao ? Vì ngài theo giảng huấn của Giáo hội chống lại các thứ tệ đoan xã hội, làm mất quyền lợi của bọn tư bản vật chất. ! Đức tin và những giá trị tôn giáo đặt chúng ta vào tư thế đụng chạm, xung khắc với xã hội. Đó là lý do tại sao Đức Giêsu đã nói :”Các con tưởng rằng Thấy đến để đem sự bình an đến cho thế gian ư ? Thầy bảo thật các con : không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ” (Lc 12,51). Đó là những sự thù ghét đáng chấp nhận vì nếu không chấp nhận thì có nghĩa là phản bội lý tưởng Tin mừng của mình.
III. ĐỨC GIÊSU ĐÒI SỰ LỰA CHỌN CỦA TA. 1. Kitô hữu phải lựa chọn. Nếu đặt câu hỏi : là người Kitô hữu, bạn đã lựa chọn Đức Kitô và đạo của Ngài chưa ? Chắc có người cho là thừa và có thể là một câu hỏi ngớ ngẩn vì khi đã được chịu phép rửa tội chúng ta đã thề hứa bỏ ma qủi mà chỉ phụng sự một mình Thiên Chúa, tin theo Đức Giêsu Kitô, do đó, mới được mang danh là “Kitô hữu”. Kitô hữu là người thuộc về Đức Kitô, và được mang tên của Ngài. Đồng ý vậy, đã là Kitô hữu thì dĩ nhiên chúng ta đã chọn Đức Giêsu và đạo của Ngài rồi, nhưng không phải chọn một lần là đủ, là xong. Mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi giai đọan của cuộc đời chúng ta phải chọn lại. Chọn lại là kiểm điểm xem chúng ta đã thực sự chọn lựa Chúa chưa, vì nhiều khi, trong nhiều tình huống chúng ta sống theo thế gian, xác thịt và ma qủi mà chúng ta không ý thức. Để kiểm chứng lại sự chọn lựa của chúng ta, hằng ngày chúng ta phải đặt cho mình một câu hỏi :”Đối với tôi, Đức Giêsu là ai” ? Chắc chúng ta sẽ thưa được Đức Giêsu là thế nọ, thế kia… nhưng thể hiệân chứng minh những lời ấy thì không dễ. 2. Chọn lựa phải dứt khóat và hiệu quả. Cuộc sống con người hiện nay quá phức tạp và đa đoan khiến cho tâm tư bị phân tán, xé mỏng – ý chí và nghị lực cũng vì đó mà suy yếu. Một đội quân mạnh cũng dễ gì đánh thắng cùng một lúc 3, 4 mặt trận, phải có tinh thần mạnh mẽ mới vào được Nước Trời (Mt 11,12). Các thánh Tử đạo đã can đảm thực hiện Lời Chúa (Mc 8,38; Lc 9,26). Lời Ngài đâu phải không rõ ràng hoặc chúng ta có thể thực hành hay không là tùy ý ? Tình yêu và chân lý luôn đòi hỏi sự lựa chọn dứt khóat, mạnh mẽ. Dù phải hy sinh – Không thể vừa muốn một đời sống dễ dãi, nhàn hạ (hay lười biếng) đồng thời lại muốn vào Nước Trời. Hai cái muốn đó làm sao có thể đi đôi với nhau (Mt 10,36t)? Chính Đức Kitô còn không sống theo ý Ngài (Mt 4,4; Ga 4,34). Thế nên khi dứt khóat chọn Đức Kitô, ta phải nỗ lực sống theo Lời Ngài và đồng thời luôn vững tin vào tình yêu và sự quan phòng của Ngài (Mt 6,25t; Lc 12,22t). Truyện : Thánh nữ Perpetua. Perpetua thuộc gia đình quí tộc, bị bắt vì đạo. Cha của nàng vẫn là dân ngọai, thuyết phục nàng bỏ đạo. Chỉ vào chiếc bình, nàng lễ phép nói với cha :”Thưa cha, người ta có thể gọi vật này bằng một cái tên nào khác hơn là cái bình không ? Đối với con cũng thế, con không thể cho mình một cái tên nào khác ngoài danh hiệu là Kitô hữu”. Tức quá, ông đánh đập nàng tàn nhẫn, rồi bỏ đi nhiều ngày không tới. Perpetua có một đứa con đang bú, rất khổ vì phải xa con. Đứa bé kiệt sức nên người ta đưa lại cho mẹ nó, và nàng quên hết đau khổ vì có con bên cạnh. Vì biết con gái mình sắp bị án tử, người cha lại đến với những lời thảm thiết :”Con ơi, hãy thương đến mái tóc bạc của cha, hãy nhớ đến đôi tay cha đã dưỡng nuôi con. Hãy nhớ tới mẹ con, anh em con và đến con nhỏ của con nữa, nó sống làm sao nếu không có con. Con hãy bỏ đạo, bỏ đi điều đã làm cho chúng ta mất tất cả”. Tuy rất cảm động và đau khổ, Perpetua chỉ nghẹn ngào trả lời :”Thưa cha, tại tòa án sẽ xẩy ra điều Chúa muốn, bởi vì chúng ta không thuộc về mình”. Người cha còn cho đem đứa trẻ đến năn nỉ :”Con hãy thương đến đứa con nhỏ của con”. Tuy nhiên trước tòa án, cùng với các bạn khác, Perpetua đã công khai tuyên bố trung thành với Chúa và bằng lòng hy sinh tất cả. Mỗi người tin Chúa phải quyết định hoặc yêu mến gia đình hơn hoặc yêu Chúa Giêsu hơn. Bản chất của Kitô giáo là phải đặt sự trung thành với Chúa Giêsu lên trên tất cả các sự trung thành khác của thế gian. Người ta phải sẵn sàng coi mọi sự như thua lỗ vì cớ cao trọng tuyệt đối của Chúa Giêsu. 3. Lựa chọn và Thập giá. Đức Giêsu đã nói :”Thầy còn một phép rửa phải chịu và lòng Thầy khắc khỏai biết bao cho đến khi việc này hoàn tất”. Một phép rửa mới đang chờ đợi Đức Giêsu : tử đạo, cái chết ! Đức Giêsu quả quyết rõ ràng nếu chính Ngài phải trải qua cơn thử thách thì những ai theo Ngài cũng sẽ gặp thử thách trên bước đường họ đi. Nếu Ngài đến đem bình an của Đấng Thiên Sai mà các tiên tri đã công bố (Is 9,5-6; Mk 5,4; Lc 2,13) thì đây không phải là sự bình an dễ dãi do các tiên tri giả loan báo, sự bình an mà con người không ngừng mơ tưởng; nhưng là bình an Nước Trời mà người ta chỉ đạt được qua Thập giá. Mỗi người được mời lựa chọn thái độ của mình đối với Đức Giêsu, hoặc theo Ngài, hoặc chống Ngài như ông Simêon đã nói tiên tri (Lc 3,35). Truyện : Họ đã chọn một phép rửa. Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta thấy có biết bao gương sáng của những vị anh hùng. Họ mang lửa nhiệt tình can đảm trong tim để làm chứng cho sự thật Phúc âm. Họ cũng đã phải chịu “một phép rửa” của đau khổ như Đức Giêsu đã chịu. Chẳng hạn như cựu Tổng thống Nam phi Nelson Mendela, người được giải thưởng Nobel về Hòa bình, đã bị tù 27 năm vì đấu tranh chống lại nạn kỳ thị chủng tộc ở Nam phi. Yitzak Rabin, cựu thủ tướng Do thái, bị ám sát chết vì lập trường hòa bình của mình. Đức Tổng Giám mục Oscar Rômêrô ở El Salvado bị bắn chết lúc dâng Thánh lễ vì bảo vệ người nghèo chống lại quyền lực. Và Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã bị ám sát hụt, như một hậu quả của những giá trị Ngài bênh vực. Chúng ta có thể sống ung dung để tránh né “ngọn lửa” thanh luyện mà Đức Giêsu đề cập tới không ? Nếu Đức Giêsu đã nịnh hót đám đông, và chỉ nói với họ những lời “dễ nghe”, hẳn Ngài đã trở nên một người được quần chúng ưa thích. Nhưng Ngài đã chọn cách làm cho quần chúng bối rối. Bởi lẽ họ cần có người làm cho họ phải bối rối. Chúng ta sẽ phản bội Tin mừng nếu chúng ta giản lược nó thành một sứ điệp dịu dàng, từ tốn cho tất cả mọi người không cần biết đến những sự khác nhau giữa người giầu và người nghèo, giữa người có quyền và người cùng khổ, giữa người tốt và người xấu. Một Tin mừng nhạt nhẽo như thế không thể nào thành men làm dậy bột thế gian. Có một xu huớng “thuần hóa” Tin mừng, giản lược nó thành những lời hay ý đẹp và những kinh nghiệm an tòan dễ chịu. Khi điều ấy xẩy ra thì lửa tàn lụi, men mất hết sức mạnh, muối mất hết vị, ánh sáng trở nên mù mờ. Nếu chúng ta sống như vậy, e rằng đến ngày sau hết Đức Giêsu sẽ đem “ngọn lửa phán xét” từ trờ xuống mà phán rằng :”Ngày ông Lót ra khỏi Sôđôma, thì Thiên Chúa khiến mưa lửa và diêm sinh từ trời đổ xuống tiêu diệt tất cả. Sự việc cũng sẽ xẩy ra như thế, ngày Con Người được mạc khải”(Lc 17,29). Hãy làm cho ngọn lửa nhiệt tình bùng cháy lên như thánh Phanxicô Assisi đã làm. Ngài đã dám lột bỏ hết mọi sự giầu sang nhung lụa, trả lại cho người cha trần thế, để chỉ chú tâm kiếm tìm các giá trị thiêng liêng nơi người Cha trên trời. Truyện : Ozanam, ngọn lửa nhiệt tình. Năm 1843, thành phố Paris đang bị xáo trộn, Đạo Công giáo bị đe dọa, các cơ sở tôn giáo bị phá phách. Tại Lyon, bọn thợ thuyền cũng kéo cờ đỏ, hát những bài phạm đến Chúa và phản đạo. Năm ấy Ozanam học luật tại Paris. Dầu còn thanh niên, cậu đã dùng ngòi bút và việc bác ái để phản công. Cậu siêng năng đọc Phúc âm, rước lễ. Cậu thụ giáo với giáo sư Ampère về học thức và đạo đức. Và cậu mạnh bạo bênh vực Giáo hội. Với Ozanam các sinh viên, trước đây rụt rè lo sợ, bây giờ mạnh bạo. Các giáo sư đại học cũng phải kiêng nể Công giáo. Cậu tổ chức các buổi diễn thuyết làm sống lại Đạo Công giáo. Về phía dân chúng, cậu đã cùng 6 anh em khác lập hội Bác ái Vinh sơn giúp đỡ các người nghèo khổ. Hồi 18 tuổi, cậu đã thề :”Nhất định hy sinh đến thí mạng cho dân nghèo”. Đồng thời với Ozanam, Montalembert tranh đấu cho tự do giáo dục của Giáo hội, tại nghị trường. Dù là giáo sư đại học, Oznam vẫn hàng tuần đi các khu nghèo khó để dạy giáo lý cho những người công nhân nghèo khổ. Ngày nay Giáo hội cũng cần nhiều tâm hồn có lửa nhiệt tình như Ozanam. |