Chúa Nhật XVIII thường niên - Năm C |
CUỘC GẶP GỠ |
Cha Mark Link, S.J. |
Chủ đề: "Điều quan trọng trong đời không phải những gì chúng ta kiếm được, nhưng con người mà chúng ta trở thành"Nhiều năm trước đây, một nhà hàng ăn ở Chicago có tấm trải bàn độc đáo trên mỗi bàn ăn. Và nếu bạn muốn, người hầu bàn sẽ vui vẻ tặng bạn tấm trải bàn này để đem về nhà, đóng khung và treo trên tường. Trên tấm trải bàn ấy có ghi lại một câu chuyện như sau: "Vào năm 1923, một cuộc họp quan trọng đã xảy ra tại khách sạn Edwater Beach ở Chicago. Tham dự cuộc họp này là các nhân vật sau đây: "Chủ tịch công ty sắt thép lớn nhất, chủ tịch công ty sản xuất đồ tiêu dùng lớn nhất, chủ tịch công ty dầu khí lớn nhất, chủ tịch thị trường trao đổi chứng khoán Nữu Ước, chủ tịch Ngân Hàng Tài Sản Quốc Tế, người dự trữ lúa mạch lớn nhất, người có nhiều chứng khoán nhất ở Wall Street, người đại tư bản độc quyền lớn nhất thế giới, và một bộ trưởng của chính phủ Harding." Thật là một danh sách của những người nổi tiếng. Tuy nhiên, 25 năm sau, chín nhà đại tư bản này đã ra sao? Theo câu chuyện được in trên tấm trải bàn, chủ tịch công ty sắt thép lớn nhất là Charles Schwab đã từ trần trong sự phá sản; chủ tịch công ty sản xuất đồ tiêu dùng lớn nhất là Samuel Insull khi chết không có một đồng xu dính túi; chủ tịch công ty dầu khí lớn nhất là Howard Hobson trở nên điên dại; chủ tịch thị trường chứng khoán Nữu Ước là Richard Whitney vừa mới ra khỏi tù; chủ tịch ngân hàng là Leon Fraser thì tự tử; người dự trữ lúa mạch lớn nhất là Arthur Cutten chết trong sự nghèo nàn; người có nhiều chứng khoán nhất ở Wall Street là Jesse Livermore thì tự tử; người đại tư bản độc quyền lớn nhất thế giới là Ivar Kruegar cũng tự tử; và ông bộ trưởng của chính phủ Harding là Abert Fall vừa mới được ân xá mãn hạn tù để có thể về chết ở nhà! Câu chuyện này nhấn mạnh đến vài điểm đằng sau bài Phúc Âm hôm nay. Và đó là điểm gì? Điểm đó được tóm lược trong dụ ngôn của Chúa Giêsu về người phú hộ dại khờ. Trái với ý nghĩ của nhiều người, trong dụ ngôn này Chúa Giêsu không đả phá việc tìm kiếm của cải. Người không đả phá các công ty. Điều Chúa Giêsu đả phá là ý tưởng điên rồ của một số người khi coi tài sản vật chất quan trọng hơn tài sản tinh thần. Một vài năm trước đây, một nhà truyền giáo ở Phi Châu cho biết người dân ở đây có thói quen mai táng người chết mà cởi bỏ hết y phục. Một trong những mục đích của thói quen này là để nhấn mạnh đến sự kiện: chúng ta từ bỏ thế giới này cũng y như khi chúng ta đi vào thế giới ấy. Đó cũng chính là điểm Thánh Phaolô viết trong Thư I gửi cho Timôtê, "Cái gì chúng ta đem vào thế giới này? Chẳng có gì. Cái gì chúng ta đem ra khỏi thế giới này? Cũng chẳng có gì!" 1 Tim. 6:7 Và đây cũng là điểm mà Chúa Giêsu muốn nói trong dụ ngôn người phú hộ dại khờ. Người nói với chúng ta rằng khi chúng ta chết điều đáng kể không phải là tài sản chúng ta kiếm được khi còn sống, nhưng là con người mà chúng ta trở thành trong hành trình cuộc đời. Chúa Giêsu nói rằng điều ưu tiên trong đời sống phải là trở nên một con người đích thực, chứ không phải tìm kiếm tài sản. Một cách cụ thể, chúng ta đã vi phạm điều ưu tiên mà Chúa Giêsu muốn nói đến khi chúng ta tìm kiếm của cải mà trở nên thiếu thành thật, khi chúng ta có được quyền thế mà trở nên tàn nhẫn độc ác, khi chúng ta được nổi tiếng trong cộng đồng mà quên đi chính gia đình mình. Nói tóm lại, chúng ta đã vi phạm điều ưu tiên mà Chúa Giêsu nói đến khi chúng ta có được của cải chóng qua ở thế gian này mà đánh mất của cải vĩnh cửu ở đời sau. Các bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại các ưu tiên trong đời sống. Hãy nghĩ như thế này. Nếu có ai hỏi con bạn, "Ưu tiên hàng đầu của bố con trong đời sống là gì?" thì con bạn sẽ trả lời thế nào? Liệu cháu sẽ nói, "Ô dễ quá. Ưu tiên hàng đầu của bố cháu là gia đình!" Hoặc cháu sẽ nói, "Ưu tiên hàng đầu của bố cháu là công việc làm ăn!" Hoặc nếu có ai hỏi cô con gái bạn, "Ưu tiên hàng đầu của mẹ con trong đời sống là gì?" thì con bạn sẽ trả lời thế nào? Liệu cháu sẽ nói, "Ô dễ quá. Ưu tiên hàng đầu của mẹ cháu là gia đình!" Hoặc cháu sẽ nói, "Cháu cũng không biết rõ nhưng chắc chắn không phải là gia đình!" Hoặc nếu có ai hỏi cha bạn: ưu tiên của bạn là gì, thì cha bạn sẽ trả lời sao? Liệu ông có trả lời như một người cha nọ đã nói, "Thật khó thú nhận, nhưng tôi phải nói là nó chỉ biết đến mình. Nó chẳng thích gì cả trừ khi điều đó có lợi cho nó." Nhiều năm trước đây, vào một buổi sáng nọ ông Alfred Nobel mở tờ nhật báo ra và thấy bài cáo phó của mình ở trong đó. Một phóng viên người Pháp đã cẩu thả loan tin ông từ trần thay vì em của ông. Ông Alfred thật bàng hoàng. Vì lần đầu tiên trong đời, ông nhìn về chính mình dưới con mắt của người khác. Ông thấy chính mình như một "ông vua thuốc nổ" đã dùng toàn thể cuộc đời để chế tạo vũ khí sát hại và tiêu diệt. Sáng hôm ấy, ông Nobel quyết tâm thay đổi hình ảnh người ta nhìn về ông. Sự quyết tâm của ông đã đưa đến kết quả là các giải thường Nobel hằng năm trong các lãnh vực vật lý, hóa học, y học, văn chương và hòa bình. Bài Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta hãy thi hành giống như ông Alfred Nobel. Nó mời gọi chúng ta hãy tưởng tượng đọc bài cáo phó của mình. Nó mời gọi chúng ta nhìn về chính mình dưới con mắt của người khác. Nó mời gọi chúng ta nhìn về con người thực sự của mình. Nó mời gọi chúng ta nhìn về chính mình như Thiên Chúa nhìn chúng ta. Hoặc, theo ngôn ngữ trong dụ ngôn của bài Phúc Âm hôm nay, nếu chúng ta phải ra trước mặt Thiên Chúa tối nay để báo cáo về cuộc đời trần thế này, thì liệu Thiên Chúa có nói với chúng ta như Người đã nói với ông phú hộ kia: "Sao con dại thế! Nếu đêm nay con phải từ giã cuộc đời này thì ai sẽ hưởng tất cả những gì con cất giữ cho mình?" Chúng ta hãy kết thúc với lời cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã nói với các môn đệ, "Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì?" Xin Chúa giúp chúng con luôn ghi nhớ những lời ấy. Xin giúp chúng con nhìn ra con người đích thực của chúng con. Nhất là xin giúp chúng con nhận ra điều đáng kể khi chúng con từ giã cõi đời này, không phải những gì chúng con kiếm được, nhưng là con người mà chúng con phải trở thành trong hành trình cuộc đời. |