Chúa Nhật XVII thường niên  - Năm C
XIN DẠY CHÚNG CON CẦU NGUYỆN (11, 1-4)
Chú giải của William Barclay

Rapbi Do Thái thường dạy môn đệ một bài cầu nguyện đơn sơ. Gioan đã làm như thế cho môn đệ của ông và bây giờ các môn đệ của Chúa Giêsu cũng đến xin thầy mình dạy cầu nguyện. Đây là bài cầu nguyện Chúa Giêsu dạy, được Luca ghi lại. Bài này ngắn hơn bài của Matthêu nhưng cũng đầy đủ những điều mà chúng ta cần biết phải cầu nguyện thế nào và phải cầu nguyện gì.

1. Nó bắt đầu bằng sự xưng nhận Thiên Chúa là Cha, lời mà mọi Kitô hữu thưa với Chúa (xem Gl 4,6; Rm 8,15; 1Phêrô 1-17). Chính lời đầu tiên này dạy chúng ta rằng, trong khi cầu nguyện, chúng ta không đến với một Đấng phải miễn cưỡng ban ơn cho chúng ta, song đến với một người hằng vui thích thoả mãn mọi nhu cầu của con cái Ngài.

2. Trong tiếng Do Thái, chữ “tên” hay “danh” có ý nghĩa sâu sắc hơn là tên gọi của một người. Chữ “danh” gồm tất cả đặc tính của người mà chúng ta quen biết. Thánh Vịnh 9,10 nói: “Phàm ai biết Danh Ngài sẽ để lòng trông cậy nơi Ngài”. Câu đó có nghĩa sâu hơn chứ không biết tên Thiên Chúa là Giavê. Nó có nghĩa là người nào thấu hiểu điều tư tưởng, ý muốn và tấm lòng của Chúa sẽ vui lòng đặt hết niềm tin cậy vào Ngài.

3. Chúng ta chú ý đặc biệt đến thứ tự các lời cầu nguyện Chúa Giêsu đã dạy. Trước khi xin bất cứ điều gì cho chính mình, chúng ta phải đặt Chúa, sự vinh hiển và tôn trọng Ngài lên hàng đầu. Chỉ sau khi dành cho Chúa chỗ của Ngài, bấy giờ các điều khác mới có chỗ xứng hợp.

4. Bài cầu nguyện bao quát cả cuộc đời.

a. Nó bao trùm các nhu cầu hiện tại. Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu xin lương thực cho chúng ta mỗi ngày. Nên nhớ bánh đủ ăn từng ngày là điều chúng ta cầu xin. Điều này nhắc lại câu chuyện xưa về manna trong đồng vắng (Xh 16,11-21). Dân Chúa chỉ được lượm manna đủ ăn trong một ngày mà thôi. Chúng ta đừng lo một tương lai không rõ, nhưng ngày nào lo cho ngày ấy.

b. Nó bao trùm tội lỗi đã qua. Khi cầu nguyện, chúng ta không thể làm gì hơn là xin ơn tha thứ, vì dù con người tốt nhất trong chúng ta cũng chỉ là một tội nhân đến trước Thiên Chúa vô cùng thánh thiện.

c. Nó bao trùm các thử thách trong tương lai. Từ “cám dỗ” trong Tân Ước có nghĩa là bất cứ hoàn cảnh thử thách nào. Nó không chỉ có nghĩa là quyến rũ phạm tội mà còn bao gồm mọi hoàn cảnh khiến con người bị thử thách về đức độ, thanh liêm, lòng tín trung. Chúng ta chỉ có thể thắng nó nhờ ơn Chúa ban.

Có người nói: Bài cầu nguyện của Chúa có hai lợi ích lớn cho giờ cầu nguyện riêng của chúng ta. Nếu chúng ta dùng để bắt đầu giờ cầu nguyện thì nó khơi dậy những ước muốn tốt đẹp giúp chúng ta cầu nguyện một cách xứng đáng. Nếu chúng ta dùng để kết thúc giờ cầu nguyện thì nó tóm tắt mọi điều chúng ta phải cầu xin Chúa.

CẦU XIN THÌ SẼ ĐƯỢC (11, 5-13)

Trong xứ Palestine, khách bộ hành thường lên đường vào buổi chiều hầu tránh cái nóng bức buổi trưa. Trong câu chuyện Chúa Giêsu kể, có một người khách như vậy đã tới nhà bạn mình lúc nửa đêm. Bên phương Đông, tiếp khách là một bổn phận thiêng liêng. Chỉ cho khách ăn vừa đủ no thôi thì không được, cần cho khách ăn dư dật. Trong các làng quê, người ta làm bánh mì tại nhà và chỉ nướng bánh đủ ăn nội trong một ngày, vì nếu giữ lại, bánh sẽ bị cũ đi và không ai muốn ăn.

Vị khách nói trên đã đến muộn quá khiến chủ nhà bối rối, vì thức ăn đã hết, chủ nhà không thể làm tròn bổn phận thiêng liêng là tiếp khách. Và dù đêm đã khuya, chủ nhà cũng đã đi tới nhà bạn vay bánh. Cửa nhà người bạn đã đóng. Bên phương Đông, không ai muốn gõ cửa nhà đã đóng, trừ khi cấp bách lắm. Buổi sáng, cửa nhà được mở ra và cứ mở suốt ngày, nhưng nếu cửa đóng lại, đó là dấu hiệu chủ nhà không muốn bị quấy rầy. Nhưng người đi vay bánh đã không e ngại, ông gõ cửa và cứ gõ mãi.

Căn nhà nghèo ở xứ Palestine chỉ có một căn phòng với cửa sổ nhỏ. Nếu nhà bằng đất phủ che khô và cành khô. Căn phòng chia làm hai phần, không phải bằng vách ngăn mà bằng đất. Hai phần ba phòng thì nền đất thấp, phần ba kia thì nền cao hơn một chút. Trên phần cao đó có bếp than ủ cháy suốt đêm, và cả gia đình nằm ngủ quanh bếp đó, họ không nằm giường cao, nhưng trên những tấm chiếu. Các gia đình thường đông người và nằm cạnh nhau cho ấm. Khi một người thức dậy thì tất nhiên làm phiền cả gia đình. Hơn nữa, tại làng quê, buổi tối người ta đem gia súc, gà, dê vào trong nhà. Không lạ gì, trong cảnh đó, một người đã đi ngủ thì không muốn dậy nữa. Không lạ gì, trong cảnh đó, người vay bánh quyết tâm cứ gõ mãi, “gõ hoài không biết xấu hổ” –đó là ý nghĩa của từ Hy Lạp được dùng- cho tới khi chủ nhà đành dậy để cho người kia mọi nhu cầu, dù sao cả gia đình cũng bị quấy rối.

Chúa Giêsu nói: “Câu chuyện này dạy các ngươi về cầu nguyện”. Bài học trong dụ ngôn này không phải dạy chúng ta cứ mãi mãi nài xin, không phải chúng ta cứ phải đập vào cửa cho đến khi ép buộc được Chúa cực chẳng đã, đành ban cho chúng ta điều chúng ta muốn, cho đến khi chúng ta cưỡng bách được Chúa trả lời chúng ta. Một dụ ngôn nói nôm na là một điều gì đó đặt bên cạnh. Nó cho ta thấy sự tương đồng hay tương phản giữa hai sự việc. Chúa Giêsu ngụ ý như sau: “Nếu một người chủ nhà khó tính và thiếu thiện chí, mà cuối cùng có thể bị cưỡng ép bởi một quyết tâm của người bạn trì chí, để phải cho người đó mọi điều mong muốn, huống chi Chúa là Cha Từ Ái sẽ tiếp trợ mọi nhu cầu cho con cái Ngài hơn biết dường nào!” Chúa Giêsu phán “Nếu các ngươi vốn là xấu mà còn biết mình có bổn phận tiếp trợ nhu cầu cho con cái, huống chi Thiên Chúa”.

Điều này không làm chúng ta giảm bớt hăng say và sốt sắng cầu nguyện. Dù sao chúng ta chỉ có thể tỏ lòng ước muốn thành thực bởi sốt sắng và kiên trì cầu nguyện. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải giành giựt các ơn huệ từ tay một Thiên Chúa không thiện chí, nhưng chúng ta đến với một Đấng biết rõ mọi nhu cầu của chúng ta hơn chính chúng ta và Ngài là Đấng có lòng yêu thương và rộng rãi đối với chúng ta. Nếu chúng ta không nhận được điều mình xin, không phải vì Chúa không sẵn lòng ban ơn cho ta, nhưng vì Ngài có ơn phúc tốt hơn để dành cho chúng ta. Không hề có vấn đề mà chúng ta gọi là lời-cầu-nguyện-không-được-nhậm. Sự trả lời của Chúa có thể không đúng theo điều chúng ta ước muốn hoặc trông đợi. Dù Chúa từ chối điều mong muốn của ta, thì đó vẫn là sự trả lời bởi tình thương và khôn ngoan của chính Thiên Chúa là Cha Từ Ái.