Chúa Nhật XVII thường niên - Năm C |
LỜI CẦU NGUYỆN CỦA NGƯỜI CON THẢO |
Chú giải của Fiches Dominicales |
LỜI CẦU NGUYỆN CỦA NGƯỜI CON THẢO NƠI CÁC MÔN ĐỆ ĐỨC KITÔ VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI 1. Như chúng ta đã học biết nơi Đấng Cứu Thế. Tin Mừng theo thánh Luca, mở đầu bằng lời cầu nguyện của người Do Thái trong Đền Thờ và kết thúc bằng lời cầu nguyện của cộng đoàn các môn đệ “không ngừng chúc tụng Thiên Chúa trong Đền Thờ”, dành một vị trí ưu tiên cho cầu nguyện của Đức Giêsu. + Một lời cầu nguyện mà từ ngày chịu phép rửa ở sông Giôdan đánh dấu tất cả những thời điểm quan trọng trong sứ vụ của Ngài. + Một lời cầu nguyện của con cái, dâng lên Thiên Chúa với sự đơn sơ và thân thiết của trẻ thơ: “Abba”, nghĩa là: “Lạy Cha”. + Một lời cầu nguyện, mà các môn đệ đã là những nhân chứng, không chỉ bằng mắt thấy, mà còn bằng tai nghe, vào thời đó, người ta không biết cầu nguyện nhỏ tiếng, và ‘cầu nguyện’, theo tiếng Do Thái, có nghĩa là ‘nêu lên’. Cha George viết: “Các môn đệ đã phải nghe Đức Giêsu cầu nguyện lớn tiếng, và chính trong các biến cố quan trọng, mà các ông đã có thể hình thành cho mình một ý tưởng cầu nguyện riêng. Đức Giêsu muốn người ta nghe Người cầu nguyện, Người muốn xác định lời cầu nguyện của chúng ta bắt nguồn từ lời nguyện của Người (Cahiers-Evangiles, số 5, trg 43). Trong khi thánh Matthêu thuật việc truyền lại kinh “Lạy Cha” trong khuôn khổ Bài Giảng Trên Núi, thì thánh Luca lại đặt nó trong khuôn khổ của cuộc hành trình về Giêrusalem, thành phố mà ở đó, Đức Giêsu sẽ trút hơi thở cuối cùng trong lời nguyện sau cùng. Đức Giêsu, “ở một nơi nào đó”, “đang cầu nguyện”, và, khi Người đã cầu nguyện xong, một trong các môn đệ xin Người: “Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện. Đây không phải là vấn đề cầu nguyện chung chung, mà là lời cầu nguyện, thêm vào những lời cầu nguyện chính thức của niềm tin Do thái sẽ nêu rõ nét đặc trưng nhóm các môn đệ của Người, theo cách thức - mà chúng ta không biết - mà “Gioan Baotixita dạy các môn đệ ông”. Một lời cầu nguyện tập trung vào điểm chính yếu của sứ điệp Người và xây dựng cộng đoàn các môn đệ chung quanh Người. Đức Giêsu đáp lại lời cầu xin của ông bằng một lời cầu-nguyện-kiểu-mẫu. Một lời cầu nguyện mà từ nay, căn cứ vào đó, tất cả các lời cầu nguyện Kitô giáo sẽ phải rập theo, cách này hay cách khác: đó là kinh “Lạy Cha”. Louis Monloubou nhận xét: “Những hoàn cảnh; trong đó lời cầu-nguyện-kiểu-mẫu được phát biểu rất đặc biệt. Chúng giúp các Kitô-hữu hiểu rằng, lời cầu nguyện của họ là sự nối dài lời cầu nguyện của Đức Giêsu; lời cầu nguyện đó phải là sự bắt chước, phản ảnh... Các môn đệ đã nhìn thấy Chúa cầu nguyện, nên đã xin Người hướng dẫn họ cầu nguyện; nói khác đi đưa dẫn họ vào lời cầu nguyện của Người. Đức Giêsu đồng ý bằng cách công bố kinh Lạy Cha. Khi cầu nguyện bằng kinh nầy, và khi hiểu thấu những tình cảm hay ý hướng nó diễn tả, các Kitô-hữu cầu nguyện như Đức Giêsu: “Nhờ người, với Người, trong Người” là một công thức về sau sẽ diễn tả điều mà thánh Luca gợi ý (L'évangile de Luc Salvator, trg 194-195). 2. Chúng con dám nguyện rằng: “Lạy Cha” Khác với thánh Matthêu, “kinh lạy Cha“ của thánh Luca ngắn hơn, bao gồm một lời cầu khẩn, hai ước nguyện và ba lời xin ơn. Một lời cầu khẩn. Để thưa với Thiên Chúa, kinh này lấy lại từ ngữ mà Đức Giêsu, ngôi Con, dùng trong lời nguyện của riêng ngài: “Lạy Cha” (“Lạy Cha chúng con” trong thánh Mátthêu). Lập tức, lời này mạc khải cho chúng ta chiều sâu của mối liên hệ giữa Đức Giêsu Kitô và Thiên Chúa. Jean-Luc Vesco cắt nghĩa: “Lời cầu nguyện Kitô giáo, giúp môn đệ Đức Giêsu bước vào sự thân mật duy nhất liên kết Chúa Con với Chúa Cha. Trong lời cầu nguyện của Người con thảo, người Kitô hữu có thể lấy lại lời cầu khẩn này của Đức Kitô: “Lạy Cha” (Gl. 4, 6; Rm. 8, 15). Tiếng kêu Cha đó có tính cách năng biệt, cá nhân. Nó diễn tả một sắc thái thân mật và cũng muốn nhấn mạnh là, mối liên hệ duy nhất và đặc biệt mà Chúa Con có với Chúa Cha cũng là mối liên hệ nối kết tất cả các Kitô hữu với Thiên Chúa”. (“Jérusalem et son prophète”, trg 72). - Hai ước nguyện, cùng có song song trong lời nguyện Do Thái Qaddish. + Sự thánh hoá Danh Thiên Chúa: chớ gì Thiên Chúa can thiệp và tỏ rõ mình là Thiên Chúa, ước mong người được mọi người nhận biết? + Nước Ngài trị đến: chớ gì Thiên Chúa đích thân ngự đến và tỏ lộ ra sự hiện diện cao cả và năng động của Ngài! Như thế, H. Cousin nhận xét: “Lạy Cha, xin ngự đến” đã được làm thành công thức dưới hai hình thức khác nhau; Thiên Chúa là “đối tượng” duy nhất của lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa (L’evangile de Luc, Centurion, trg 162). - Ba lời xin ơn, được diễn tả, không phải ở ngôi thứ nhất số ít: “Con”, nhưng ở ngôi thứ nhất số nhiều: “Chúng con”, các môn đệ thân thưa với Thiên Chúa cho chính họ với tư cách là một cộng đoàn. + Lời xin ơn thứ nhất hướng về “cơm bánh mà chúng con cần mỗi ngày” để tiếp tục cuộc hành trình. H. Cousin nhận xét: “Trước tiên ở đó, có sự ám chỉ đến manna, bánh từ trời đã hồi phục dân Thiên Chúa trong thời kỳ xuất Hành, và theo sự mong đợi của dân Do Thái, bánh này sẽ lại được trao ban như là lương thực cho cộng đoàn của thời sau hết. Nơi thánh Luca, các tín hữu được mời gọi cầu xin Bánh hằng sống nầy hằng ngày”. (Sđd). + Lời cầu xin thứ hai nhắm đến “sự tha thứ tội lỗi của chúng con”. Ơn tha thứ là ơn huệ nhưng không của Thiên Chúa, không có ơn tha thứ, chúng ta sẽ không thể nào sống trong tình thân với thiên Chúa, vì chúng ta là những con nợ không có gì để trả. Ơn tha thứ đó cần thiết cho chúng ta còn hơn là cơm bánh. Hơn nữa, chúng ta còn phải tha thứ cho các con nợ của chúng ta, nếu không, Thiện Chúa sẽ không thứ tha cho chúng ta. + Sau cùng, lời xin ơn thứ ba liên hệ đến sự trợ giúp trong “cơn cám dỗ”. Một lời cầu xin mà bản tiếng Pháp dịch là: “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ“ có ý nghĩa mơ hồ. Chúng ta không xin cho chúng ta được miễn trừ khỏi cơn cám dỗ hay thử thách: Chính Đức Giêsu đã chẳng được Thánh Thần đưa đến hoang địa để chịu ma quỉ cám dỗ đó sao (Luc 4)? Chúng ta cầu xin đừng sa chước cám dỗ, theo ý nghĩa của lời cầu cho Phêrô, trong 22,32: “Thầy cầu nguyện cho con, để con không mất đức tin”. Chúng ta cầu xin cho thử thách không làm chúng ta ngã quỵ cho chúng ta đừng sa vào kế hoạch của Tên Cám Dỗ. 3. Trong một lời nguyện tin tưởng và kiên trì: Rồi, Đức Giêsu tiếp nối bằng một dụ ngôn và những lời cắt nghĩa. -Dụ ngôn là dụ ngôn người bạn quấy rầy, nhân danh tình bạn, không sợ làm phiền một trong những người bạn của mình, ngay “lúc giữa đêm”, và không ngại năn nỉ đến độ “sỗ sàng”, để giúp đỡ một người bạn khác, đường xa mới đến. Cũng chính với sự tin tưởng, sự kiên trì, táo bạo, làm nền tảng cho tình yêu của Người mà chúng ta dám thân thưa với Thiên Chúa: Đức Giêsu nhấn mạnh, các con hãy xin, thì sẽ được; hãy tìm thì sẽ thấy; hãy gõ, thì cửa sẽ mở cho các con. Là người cha tốt lành, Thiên Chúa không thể không lắng nghe lời cầu nguyện của con cái Người. Tốt lành hơn mọi người cha trên trái đất, Chúa Cha trên trời sẽ trao ban cho những ai cầu xin Người ơn huệ tuyệt hảo: Chúa Thánh Thần. Cách nay hai tuần, khi đọc dụ ngôn Người Samaritanô Nhân Hậu, chúng ta biết rằng, để đi theo Đức Giêsu lên Giêrusalem, chúng ta phải bước qua con đường tình yêu tha nhân, một tình yêu vượt trên tất cả mọi thứ lề luật. Chúa Nhật vừa qua, trong nhà của Mátta và Maria, chúng ta khám phá ra rằng con đường nầy là con đường lắng nghe Lời Chúa. Hôm nay, chúng ta được báo cho biết, con đường nầy cũng là “con đường của lời cầu nguyện khiêm nhường, tin tưởng và kiên trì, con đường trao ban Thánh Thần và sẽ được Người tác động” (J.L. Vesco, sđd, trg 75). BÀI ĐỌC THÊM. 1. “Vượt ra khỏi những thói quen của những kẻ xin xỏ tầm thường” Ở đây không phải những nhu cầu của con người là giai đoạn đầu tiên của hành trình tôn giáo. Chính Thiên Chúa đã trao cho Abram một lời yêu cầu: “Ngươi hãy đi khỏi xứ sở của ngươi và đi đến xứ sở mà Ta sẽ chỉ cho ngươi”. Vai trò của con người trong tôn giáo mới nầy, rõ ràng là đón nhận lời Thiên Chúa; lắng nghe lời yêu cầu của Ngài và vui lòng đáp lại. Điều đó thay đổi tất cả. Thiên Chúa không còn được kêu cầu để phục dịch con người nữa. Ngược lại, con người tìm đến phụng sự Thiên Chúa... Lời cầu nguyện Kitô giáo, rất có thể là lời xin ơn, nhưng không bao giờ bắt đầu từ chúng ta vã những nhu cầu của chúng ta. Nó luôn luôn bắt đầu từ Thiên Chúa. Gọi Thiên Chúa là Cha, là nhìn nhận sự hiện hữu của Người cũng vững chắc như sự hiện hữu của một người cha bình thường của tất cả mọi người... Gọi Thiên Chúa là Cha, có nghĩa là, chúng ta từ chối làm cho đức tin chúng ta tuỳ thuộc vào cách thức chúng ta được nhậm lời. Nói với Người, chớ gì ý cha được thể hiện, cũng có nghĩa là, nhìn nhận rằng, ngay cả khi không thấy Người nhậm lời như mong muốn, chúng la vẫn chắc chắn rằng, ý muốn của Người luôn luôn là tốt lành và có thể là chúng ta không hiểu biết hết điều chúng ta cầu xin.. Chúng ta đừng xấu hổ vì những lời xin ơn. Chúng ta hãy dám khẩn khoản Thiên Chúa cho những nhu cầu riêng tư của chúng ta, và những nhu cầu, cho dù rất ghê gớm, của anh em nhân loại. Đơn giản là chúng ta đừng làm điều đó theo cách thế của dân ngoại. Khi lời cầu xin của chúng ta hình như không được nhậm lời, chính lúc ấy, thái độ bên trong sẽ giúp chúng ta biết mình có phải là người có đức tin hay không, tình yêu của mình: đối với Chúa có hoàn toàn dính liền với những lợi lộc hy vọng có được từ mối liên hệ nầy hay không, hoặc sự tin tưởng có vượt lên trên nổi thất vọng hay không. 2. Lời cầu nguyện: mặt khác của mầu nhiệm Thiên Chúa Cầu Nguyện! đó là một từ ngữ của đức tin. Một tín hữu mà không cầu nguyện thì còn có nghĩa gì nữa! Thế nhưng, phải nhận là điều đó không dễ dàng gì. Cầu nguyện là một thử thách, nhất là khi lời cầu nguyện không được phụng vụ hoặc một cộng đoàn nâng đỡ cầu nguyện, như là mặt khác của mầu nhiệm Thiên Chúa, mất nhiệm của Thiên Chúa sống động trống con người. Một dấu vết mờ nhạt và nóng bỏng. Thiên Chúa là Đấng Thánh, đó là lời nguyện chúc tụng. Thiên Chúa là Đấng Tốt Lành, đó là lời nguyện cầu xin. Không cần phải nhấn mạnh đến lời chức tụng. Nó nằm trong kinh Lạy Cha: nguyện Danh cha được hiển thánh. Yêu mến ai, là nói với người ấy tất cả những từ ngữ tỏ lòng trân trọng. Huống chi là đối với Thiên Chúa. Thế nhưng lời nguyện xin ơn, có thể gây ra vấn đề. Trước hết, những người tinh thần mạnh mẽ thì cho rằng, thật là vô ích và ấu trĩ khi cầu xin Thiên Chúa điều mà Người biết rõ hơn chúng ta. Đó cũng là cơn cám dỗ của những người yếu đuối, tôi muốn nói những người cầu xin Thiên Chúa những ơn lành một cách vụng về hay hiển nhiên lệch lạc. Làm gì đây?. Trước hết, đừng bao giờ xem Thiên Chúa như là một người phân phát ơn huệ một cách máy móc. Hay là theo kiểu đổi chác: “Tôi cho Ngài, Ngài cho tôi”. Tệ hơn nữa: đừng bao giờ đặt Thiên Chúa trước một tối hậu thư. Không đổi chác, không tối hậu thư, lời cầu xin đích thực trước hết chấp nhận chúng ta sẽ không được nhậm lời như chúng ta hiểu biết hay mong muốn. Như thế, không được điều mình cầu xin cũng có thể là một ơn huệ. Bởi vì Thiên Chúa luôn luôn ban cho chúng ta điều Người đã hứa: Thánh Thần của Người. Trong tất cả những gì anh em cầu xin, hãy cầu xin Thiên Chúa và Thánh Linh của Người, và anh em sẽ được tràn đầy. |