Chúa Nhật XVI thường niên  - Năm C
LẮNG NGHE VÀ THỰC HÀNH LỜI CHÚA
Lm. Đaminh Lâm Quang Khánh

       Các thiếu nhi yêu mến,

Vào tháng hè có nhiều bạn thiếu nhi khoe với Cha là sẽ về quê ngoại để thăm hỏi ông bà nội ngoại họ hàng và cũng là dịp nghỉ sống quây quần bên gia đình ở trong tháng hè. 

Có nhiều bạn đi nghỉ hè về chia sẻ với Cha: Con về quê con vui lắm Cha ơi.Con được ngồi tâm sự, chia sẻlắng nghe ngoại con kể chuyện cho con nghe... còn các dì các cậu của con đi chợ về làm cơm để thiết đãi gia đình của con, rất là vui và con rất là hạnh phúc, Cha à. 

Cha cũng chia sẻ niềm vui với các bạn thiếu nhi đó! 

Các thiếu nhi thân mến, hôm nay Tin Mừng thánh Luca thuật lại Chúa Giêsu và các môn đệ  tới thăm gia đình ai? 

a. Cô Su-san-na

b. Cô Mác-ta,Ma-ri-a và La-da-rô

c. Nhà mẹ vợ ông Phêrô

d. Ông bà Da-ca-ri-a. 

Cám ơn con rất đúng. Gia đình của Mác-ta,Ma-ri-a và La-da-rô, ở Bêtania cách Giêrusalem ba cây số. Mác-ta là chị cả trong một gia đình có ba chị em . Chúa Giê-su và các môn đệ không những là khách mà còn là bạn thân của gia đình (x. Ga 11,5). 

Các thiếu nhi, trong Tin Mừng  ai lo việc phục vụ Đức Giêsu và các môn đệ? (Lc 10,40)

a. Cô Ma-ri-a

b. Cô Mác-ta

c. La-da-rô 

- Thưa Cha cô Mác-ta.

- Cám ơn con rất đúng. Cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ, lo dọn bữa ăn phục vụ Đức Giê-su và các môn đệ. Còn Ai ngồi nghe Đức Giêsu dạy? (Lc 10,39) 

a. La-da-rô và các môn đệ

c. Cô Mác-ta

d. Cô Ma-ri-a

 

- Cám ơn con rất đúng, nhân dịp này cha chia sẻ một chút về thân phận của Ma-ri-a một chút để các thiếu nhi biết:  

Theo các sách Tin Mừng: Đây là Ma-ri-a làng Bê-ta-ni-a, khác với Ma-ri-a làng Mác-đa-la (x. Lc 8,2), cũng không phải là Ma-ri-a thân mẫu Gia-cô-bê và Giô-sép (x. Mt 27,56), không phải Ma-ri-a mẹ của Gio-an (x. Cv 12,12). Cô Ma-ri-a là em của Mác-ta, là chị của La-da-rô. Chính cô đã hy sinh bình dầu đắt tiền để xức chân Đức Giê-su (x Ga 12,3). Cần phân biệt cô Ma-ri-a này với người phụ nữ tội lỗi cũng xức dầu thơm trên chân Đức Giê-su (x Lc 7,38). Cả 3 chị em nhà này đều được Đức Giê-su yêu mến (x. Ga 11,5). + Ngồi bên chân Chúa mà nghe Lời Người dạy: Trong Lu-ca, ngồi dưới chân là thái độ của người môn đệ (x. Lc 8,35 ; Cv 22,3)   

Trong Tin Mừng cho chúng ta thấy có hai cách đón tiếp Chúa: Mác-ta thì bận rộn lo việc cơm nước, Mác-ta luôn tỏ ra quí mến Đức Giê-su và quan tâm phục vụ Người (x. Ga 12,2). Cô không hài lòng khi thấy cô em Ma-ri-a nhàn nhã ngồi bên và lắng nghe lời Thầy đang khi cô phải vất vả lo dọn bữa ăn cho Người, đang khi Ma-ri-a lại ngồi bên chân Chúa và nghe Lời Người. 

Maria thì lại tiếp đón Chúa cách khác. Chị muốn có nhiều thời giờ để ngồi dưới chân Chúa và thích thú để lắng nghe Lời  Ngài kể chuyện. Việc ham lắng nghe này của Maria không phải vì tò mò, hiếu kỳ nhưng mà là muốn thấu hiểu kỹ càng những gì Chúa dạy để sống tốt.  Đó là cách Maria đón tiếp Chúa . 

Chúa Giê-su không chê trách thái độ phục vụ của cô chị Mác-ta, vì đó là dấu chỉ lòng mến cô đã dành cho Người. Tuy nhiên, qua thái độ của cô em Ma-ri-a, Đức Giê-su nhìn thấy một tâm tình cao đẹp hơn. Đó là lắng nghe lời Chúa, đặt Chúa làm trung tâm cuộc đời của mình. Ở đây, Đức Giê-su muốn dùng Ma-ri-a làm mẫu gương cho các tín hữu chúng ta. Tuy đang sống giữa trần gian, phải tất bật lo tìm kiếm cái ăn cái mặc giống như cô Mác-ta, nhưng chúng ta cũng phải biết dành ra thời giờ để cầu nguyện, bằng việc lắng nghe lời Chúa và tâm sự với Người noi gương cô Ma-ri-a. 

Cha kể cho các thiếu nhi một câu chuyện về nhà bác học AM-PE, gương sáng về sự cầu nguyện. André-Marie Ampère (1775–1836), một nhà vật lý lừng danh người Pháp, đã để lại nhiều thành quả nghiên cứu khoa học về điện học, nam châm điện... mang lại nhiều ích lợi cho nền văn minh nhân loại. Thế nhưng, Am-pe không coi những thành quả đó là lớn lao mà chỉ xác quyết rằng: “Chúng ta chỉ vĩ đại khi cầu nguyện với Chúa mà thôi”. Chuyện kể rằng:  

Federic Ozanam, một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Giáo hội Pháp vào cuối thế kỷ 19, khi đang là sinh viên đại học đã trải qua một cơn khủng hoảng về đức tin. Một hôm, để tìm một chút thanh thản cho tâm hồn, anh vào một ngôi thánh đường ở Pa-ri. Từ cuối nhà thờ, anh nhìn thấy một bóng đen đang quì cầu nguyện ở hàng ghế đầu gần gian cung thánh. Đến gần, chàng sinh viên mới nhận ra đó không ai khác hơn là nhà bác học Ăm-pe (Ampère), giáo sư của anh, một nhân vật nổi tiếng lúc bấy giờ. Anh đứng lặng lẽ một hồi để quan sát nhà bác học khi ấy đang cầu nguyện rất sốt sắng. Sau đó, anh theo gót thầy trở về phòng làm việc của ông. Thấy chàng sinh viên đứng thập thò ngòai cửa, nhà bác học liền mở lời hỏi: “Này anh bạn trẻ, anh cần gì đó ? Tôi có thể giúp gì được cho anh đây ?” Chàng thanh niên nhỏ nhẹ thưa: “Thưa giáo sư, con là một sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm. Hôm nay con xin hỏi thầy một vấn đề về đức tin !” Nhà bác học mỉm cười khiêm tốn đáp: “Anh lầm rồi. Đức tin là môn yếu nhất của tôi đấy. Nhưng nếu giúp được anh điều gì thì tôi cũng sẵn sàng”. Chàng sinh viên liền hỏi: “Thưa giáo sư, người ta có thể vừa là một nhà bác học vĩ đại, vừa là một tín hữu đạo đức chuyên cần cầu nguyện hay không?” Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của anh học trò. Sau một lát im lặng, ông trả lời bằng một giọng run run đầy cảm xúc: “Con ơi! Chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi !”.  

Các thiếu nhi thân mến, 

Sự cần thiết phải cầu nguyện: Đôi tay của cô Mác-ta phục vụ bữa ăn cho Đức Giê-su là việc làm quan trọng và không thể thiếu để phục vụ Chúa về phần thể xác. Nhưng đôi chân quì bên Chúa và đôi tai lắng nghe Lời Người của cô Ma-ri-a lại quan trọng và cần thiết hơn vì nó mang lại sự sống đời đời như lời Đức Giê-su trong Tin Mừng hôm nay (x Lc 10,42). 

Các thiếu nhi, Tập cầu nguyện ngay khi đang làm việc: là một Hội thánh sẽ trở nên quân bình khi có cả Mác-ta và Ma-ri-a. Một tín hữu sẽ quân bình khi vừa chu tòan các việc bác ái tông đồ phục vụ Chúa và tha nhân, nhưng đồng thời còn phải luôn sống cầu nguyện hiệp thông với Người. Đừng đợi tới khi rảnh việc mới đến gặp Chúa, vì chính khi đang bận rộn làm việc lại là lúc chúng ta cần tới sự nâng đỡ của Chúa hơn cả.

Lời Chúa hôm nay mời gọi Cha và các con, chúng ta thống nhất đời sống: Trong một ngày, chúng ta thường chỉ dành một ít giờ phút cho việc cầu nguyện dâng lễ, còn phần lớn thời gian còn lại, chúng ta dành cho các sinh hoạt khác. Dù vậy, chúng ta vẫn có thể biến mọi sinh hoạt đời thường như: ăn uống, ngủ nghỉ, học tập, làm việc... kia trở thành một lời cầu nguyện liên lỉ, bằng việc dâng ngàymỗi buổi sáng khi vừa thức giấc, bằng những lời nguyện tắt dâng lên Chúa trước mỗi công việc… Nhờ đó, chúng ta sẽ biến những việc làm ấy trở thành lễ vật hy sinh, kết hiệp với lễ vật cao trọng là Mình Máu Chúa Giê-su đang được dâng trên các bàn thờ mỗi ngày. Nhờ đó chúng ta mới có sự sống đời đời như lời Chúa dạy . Cha cám ơn các thiếu nhi .,.