Chúa Nhật XVI thường niên  - Năm C
MARIA ĐÃ CHỌN PHẦN TỐT NHẤT

.

Maria đã chọn phần tốt nhất

và sẽ không bị lấy đi (Lc 10,42)

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng ta vừa nghe thánh Luca thuật lại cho chúng ta một câu chuyện có liên quan đến một gia đình rất quen thuộc với Chúa Giêsu.

Cha đố chúng con đó là gia đình nào và ở đâu?

- Gia đình của ba chị em Matta, Maria và Lagiarô!

- Rất đúng! Chúng con rất giỏi.

- Gia đình này ở đâu vậy chúng con?

- Ở Bêtania gần thành Giêrusalem.

- Lại giỏi nữa.

- Câu chuyện hôm nay có mấy nhân vật chúng con?

- Có ba.

- Những ai nào? Kể ra cho cha nghe.

- Chúa Giêsu - Matta và Maria.

- Đúng rồi. Bây giờ chúng ta bắt đầu vào câu chuyện.

1. Hôm đó, Chúa Giêsu và có lẽ có cả các môn đệ của Chúa ghé vào một gia đình mà mỗi khi có dịp đi Giêrusalem, Chúa thường làm thế. Đây là gia đình không hiểu vì lý do gì mà Chúa rất thương. Chúng ta có thể nhận ra tình thương của Chúa đặc biệt qua biến cố anh Lagiarô chết. Đọc lại Tin Mừng chúng ta sẽ thấy rất rõ điều đó. Chính ở đây Chúa đã làm một phép lạ lớn lao chưa từng có. Đó là cho Lagiarô đã chết. Người ta đã chôn Lagiarô được 4 ngày rồi vậy mà Chúa đã cho anh ta được sống lại trước sự kinh hoàng và ngỡ ngàng của mọi người.

Đó là gia đình Bêtania.

Bởi thế việc Chúa ghé thăm gia đình này hôm nay có lẽ cũng là việc bình thường.

Thế nhưng sự việc có tính cách hơi khác thường một chút đó là hôm nay Chúa làm cho mọi người phải thắc mắc và suy nghĩ vì Chúa công khai khen Maria và một cách nào đó Chúa muốn nói với mọi người ý nghĩ của Chúa qua cách hai chị em đón tiếp Chúa.

Chúng con thấy, khi Chúa đến nhà, cô Matta là chị cả trong gia đình đã phải tất bật vất vả như thế nào để làm những việc cần thiết trong việc tiếp đón, phục vụ Chúa. Chúa đâu có phải là một vị khách tầm thường hoặc là những con người như biết bao người khác trong xa hội đâu. Chúa là vị khách đặc biệt, quá đặc biệt là đàng khác, cho nên việc tiếp đón Chúa cũng phải đặc biệt hơn những trường hợp khác trong cuộc sống. Chính vì vậy mà chị Matta đã dốc hết sức lực của mình ra để lo cho công việc đón tiếp và phục vụ này thật xứng đáng. Đâu có phải ai cũng được cái diễm phúc Chúa đến thăm một cách thân tình như thế. Đây là một vinh dự lớn cho giaa đình nên nếu cô Matta có bỏ hết công sức ra mà làm thì cũng thật là bình thường.

Đang khi, cha nhấn mạnh đang khi cô chị vất vả bận rộn như thế thì cô em có vẻ như chẳng thấy có gì đáng quan tâm. Cô thản nhiên thảnh thơi đến bên chân Chúa và chăm chú ngồi ở đó để lắng nghe những lời Chúa dạy. Cô Maria tỏ ra như không hề biết đến những việc mà chị cô đang làm. Mặc kệ! Chị muốn làm gì thì làm cô không cần biết. Điều mà cô thích thú bây giờ là việc Chúa đến thăm gia đình. Một việc hiếm hoi lắm mới có được. Chúa đến thăm nhà. Một cơ hội ngàn vàng đâu phải lúc nào cũng có, cho nên phải tận dụng hết thời gian khi Chúa viếng thăm để gặp và nghe Chúa dạy bảo. Việc này đâu phải dễ có và đâu phải ai củng có được như cô lúc này. Bởi vậy cô như cô không muốn đến bất cứ một việc nào khác ngoài việc ngồi bên chân Chúa để lắng nghe Lời Chúa.

Matta chẳng làm sao mà hiểu được thái độ cô em gái của mình. Chị cũng không hiểu được Ðức Giêsu như thế nào. Hình như Chúa cũng chẳng quan tâm đến việc chị đang làm mà chỉ biết hứng thú trong việc dạy dỗ Maria.

 Cuối cùng thì những gì phải tới đã tới. Matta mạnh dạn đến với Chúa và không ngần ngại nói lên tiếng nói của mình. Chị muốn Thầy để ý đến việc mình đang làm, muốn Thầy nhận ra sự vất vả mình phải chịu. “Em con để mình con phục vụ mà Thầy không để ý tới sao?"

Một câu nói vừa mang tính van xin nhưng đồng thời cũng mang vẻ trách móc. Làm sao mà Chúa vô cảm đến thế.

"Xin Thầy bảo em giúp con một tay".

Một đề nghị hết sức nhân bản và cũng rất hợp với lẽ thường tình. Ai đâu chỉ có hai người trong gia đình. Ở đây chúng ta không thấy nói tới Lagiarô. Chúng ta không biết tại sao hay Luca cố ý làm như thế để làm nổi bật lên bài học Chúa muốn dạy trong Tin Mừng hôm nay. Ai đâu trong gia đình chỉ có hai chị em mà một người vất vả, còn một người thì hầu như vô xảm đối với việc rất quan trọng là đón tiếp Chúa.

Đến đây thì chúng ta mới thấy câu chuyện đã rẽ sang một hướng mới: Ý kiến của Chúa Giêsu.

 Sau khi nghe lời đề nghị của Matta, Chúa Giêsu đã lên tiếng. Chúa lên tiếng thật vắn gọn nhưng ai cũng có thể hiểu được ý Chúa muốn nói gì. Rõ ràng là Chúa không "chê" thái độ của Matta nhưng xem ra Chúa thích thái độ của Maria hơn: "Matta! Matta ơi! Chị lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi".Câu trả lời của Chúa dường như muốn bảo cho Matta biết rằng, Chúa đến trần gian này đâu phải chỉ như một Con Người mà Ngài còn là một Thiên Chúa-Làm-Người cho nên con người phải biết đối xử với Chúa cho tương xứng. Maria đã nhìn thấy điều đó cho nên thái độ của Maria hoàn toàn khác thái độ của Matta.

Tới đây thì cha có thể kể cho chúng con câu chuyện này:

Người ta kể lại rằng Charles Lamb là một văn sĩ người Anh rất nổi tiếng về tài hài hước một cách nhẹ nhàng. Ông cũng là một người có một lòng quí mến và nhiệt tình hiếm có đối với gia đình và bạn bè. Ông thường tụ tập các bạn bè lại để trao đổi về vấn đề văn chương. Một lần kia trong một buổi họp, có một người bạn của ông đặt vấn đề: "Nếu chúng ta được trực tiếp nói truyện tay đôi với các văn sĩ nổi tiếng trên thế giới mà nay đã qua đời thì không biết chúng ta sẽ có phải có thái độ như thế nào đây?"

Rồi một người đưa ra một thí dụ: "Thí dụ như Dante (Người viết cuốn Hài kịch thánh về Thiên đàng - Địa ngục, luyện ngục...) bước vào phòng này thì chúng ta sẽ phản ứng ra sao?

Người khác hỏi: Nếu Shakespeare, một văn sĩ người Anh rất nổi tiếng, cùng tham dự với chúng ta đêm nay thì sao?

  Ông Lamb nói thật lớn: "Tôi sẽ hân hoan đưa cả hai tay vui mừng đón tiếp tất cả những vị đó.Thật là một vinh dự vô cùng lớn lao không biết diễn tả sao cho hết."

Câu truyện đang có vẻ vui như thế thì có một người khác lên tiếng đặt vấn đề: "Giả sử như Chúa Kitô bước vào phòng này?"

  Nét mặt của Ông Lamb bỗng trở nên nghiêm nghị khác thường. Im lặng một chút rồi ông trả lời: "Dĩ nhiên là tất cả chúng ta phải quì xuống!"

Chúng con yêu quí.

Chẳng cần phải nói thêm nữa, chúng ta cũng thấy được Maria đã chọn được phần tốt nhất là phần như thế nào. Maria đã không đón tiếp Chúa như một con người mà Maria đã nhận ra Chúa Giêsu là Chúa cuộc đời của mình nên Maria đã chọn cho mình một vị trí thật xứng hợp: ngồi bên chân Chúa để được dạy bảo. Đó là thái độ mà Chúa thích nhất và sự chọn lựa này đem đến cho Maria thật nhiều niềm vui và thật nhiều hạnh phúc là điều không ai lấy được.  

Ngấm ngầm, Martha không chấp nhận kiểu phục vụ của Maria.

Có lẽ chị nghĩ đó là một hành vi vô ích, trong khi có biết bao việc quan trọng khác cần phải làm hơn.

Ðức Giêsu không ghét Martha, không coi nhẹ việc phục vụ của chị, nhưng buộc lòng Ngài phải lên tiếng.

Ngài muốn giải phóng Martha khỏi nỗi bồn chồn quá mức.

Ngài muốn giải phóng chị khỏi cái tôi, khỏi cái lối nhìn hẹp hòi, để nhận ra điều duy nhất cần thiết.

Ngài gọi tên chị tới hai lần: “Martha! Martha! Con lo lắng và xao động vì nhiều chuyện quá, dù chuyện ấy là chuyện con lo cho Thầy.”

Khi làm như thế rõ ràng chúng ta thấy Chúa muốn con người phải thanh lọc lòng mình cho khỏi những tìm kiếm vị kỷ, khỏi những ganh tị nhỏ mọn và tự mãn ngấm ngầm, để có thể làm việc cho Chúa trong bình an thư thái, dù có gặp thất bại hay bị lãng quên.

Chỉ có một chuyện cần mà thôi. Coi chừng nỗi lo lắng về nhiều chuyện phụ lại làm ta quên mất chuyện chính, một chuyện cần hơn cả, đó là an tĩnh gặp gỡ và lắng nghe Chúa mỗi ngày trong tư thế khiêm hạ của người môn đệ.  

  Câu chuyện nhỏ nhưng ý nghĩa của nó thật lớn.

Anh chị em thân mến.

Chúng ta vừa nghe một đoạn Tin Mừng chỉ gồm có 4 câu. Đây là một trong những đoạn Tin Mừng hơi khó cắt nghĩa. Tuy nhiên nếu chúng ta đặt đoạn Tin Mừng này vào trong mối tương quan với bài Tin Mừng Chúa nhật tuần vừa qua thì chúng ta lại thấy ý nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay rất rõ. Có thể nói bài Tin Mừng hôm nay bổ túc cho bài Tin Mừng Chúa nhật tuần vừa qua.

Chắc anh chị em còn nhớ: Trong bài Tin Mừng Chúa nhật vừa qua, qua dụ ngôn người Samaria nhân hậu, Chúa Giêsu dạy cho chúng biết thế nào là một cuộc sống có tình có nghĩa giữa người với người.

Cách thức dạy dỗ của Chúa rất cụ thể. Câu truyện Chúa Giêsu đưa ra đã có một sức hấp dẫn lạ thường. Đồng thời với câu kết luận như một mệnh lệnh lên đường hết sức rõ ràng: "Hãy đi và làm như thế"  nhiều người đã vội có cảm nghĩ rằng: thi hành được như vậy thì kể như đã là sống đạo trọn vẹn rồi.

Thực ra thì không phải là như vậy. Sống được như thế thì đã là tốt lắm. Tốt nhưng chưa đủ. Bởi vì sống như vậy thì cũng mới chỉ sống được một trong hai vế của một giới luật mà Chúa Giêsu cho là căn bản và quan trọng nhất trong toàn bộ Kinh Thánh Cựu cũng như Tân Ước. Sống có tình có nghĩa như trong bài Tin Mừng tuần qua mới là sống mối tương quan giữa người với người mà chúng ta có thể tạm gọi là mối tương quan hàng ngang. Còn một mối tương quan khác cũng quan trọng không kém. Đó là mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Chúng ta tạm gọi là mối tương quan hàng dọc.

Chúng ta hãy đọc lại giới luật ấy. "Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi và người hãy yêu người thân cận như chính mình ngươi" (Lc 10,27). Rõ ràng là lần trước Chúa mới dạy cho chúng ta biết cách để sống vế thứ hai: Yêu mến người thân cận như chính mình.

Hôm nay Chúa chỉ cho chúng ta biết cách để sống vế thứ nhất: Yêu mến Thiên Chúa.

A. Chẳng cần phải nói nhiều: Đọc bài Tin Mừng hôm nay anh chị em cũng thấy xem ra Chúa có vẻ bằng lòng với thái độ của Maria hơn của Matta.

1. Thái độ của Matta trong bài Tin Mừng hôm nay rất giống với thái độ của người Samaria trong bài Tin Mừng Chúa nhật trước. Cung cách có khác nhau nhưng nội dung cũng chỉ là một. Đó là phục vụ.

Dưới con mắt của Matta thì Chúa chỉ là một con người. Có thể là một người đặc biệt, một vị khách rất quí chính vì thế mà chị đã đem hết khả năng ra để phục vụ, không những cho Chúa mà còn cho cả những người có liên hệ với Chúa nữa. Công việc phục vụ như thế quả thực là vất vả. Giá Chúa tưởng thưởng cho chị một vài lời khen thì chắc là chị vui lắm. Thế nhưng Chúa lại không làm như thế. Tại sao vậy?

2. Chúng ta nhìn vào thái độ của Maria chúng ta sẽ thấy câu trả lời?

Giữa lúc Matta vất vả cực nhọc phải làm đủ mọi thứ để đón đoàn khách quí thì Maria lại tỏ ra là rất lãnh đạm thờ ơ với những việc có tính cách bên ngoài đó.

Giữa lúc Matta bôn chôn lo lắng làm mãi mà không hết việc thì Maria lại bình thản ngồi ở bên chân Chúa mà nghe lời của Người.

Nếu phải đánh giá và phê phán về thái độ của hai người thì có lẽ chúng ta sẽ nghiêng về việc bênh vực Matta hơn.

B. Thế nhưng Chúa Giêsu không nghĩ như vậy. Rõ ràng là Ngài có thái độ của một bậc làm thầy. Chúa quan sát và Chúa đánh giá. Chúa không kết án nhưng Chúa cho biết đâu là thái độ làm Chúa vui.

a- Thái độ của Matta chứng tỏ bà mới chỉ có được một quan niệm tốt về Chúa. Nếu phải so sánh với thái độ của Maria thì chúng ta thấy thái độ của Maria cao hơn nhiều.

Chúng ta hãy nghe Matta nói:

"Lạy Thầy, em tôi để tôi hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm đến sao? Xin Thầy bảo em tôi giúp tôi một tay!".

Một câu nói:

- Vừa có tính cách kể công: "Tôi hầu hạ một mình" 

- Vừa có tính cách trách móc: "mà thầy không quan tâm đến sao'"

- Và vừa có tính cách áp đặt ý muốn của mình trên ý muốn của Chúa. Lời nói tuy có nhẹ nhưng nội dung quả đúng là như thế: "Xin Thầy bảo em tôi giúp tôi một tay"

Hoàn toàn như một con người với một con người.

b- Trái lại Maria thì khác hẳn. Điều mà Maria cần ở nơi Chúa là những Lời dạy bảo của Người. Chính vì thế mà Maria đã biết chọn cho mình một vị trí thật khiêm hạ. Vị trí của một người học trò, một người tôi tớ. Chúa Giêsu cũng ngồi nhưng ngồi trong tư thế của một bậc làm thầy. Còn Maria ngồi và Luca ghi rất rõ: ngồi dưới chân của Chúa.

Nếu được phép nhìn toàn cảnh cuộc đối thoại giữa ba người theo ngôn ngữ của hình ảnh thì chúng ta sẽ thấy rõ hơn: Chúa Giêsu ngồi. Maria cũng ngồi nhưng ở bên chân của Chúa. Còn Matta thì đứng. Với tư thế này thì chúng ta thấy vị trí ba cái đầu: một của Chúa, một của Matta và một của Maria ở một độ cao khác nhau. Đầu của Matta ở độ cao nhất. Sau đó mới đến vị trí đầu của Chúa và cuối cùng mới đến Maria.

Từ vị trí đó chúng ta sẽ dễ hiểu lý do tại sao mà Matta lại dám kể công, trách móc và muốn áp đặt ý muốn mình trên ý muốn của Chúa. Còn Maria thì trái lại, lại mở thật rộng cõi lòng để đón nhận mọi lời Chúa dạy bảo.

Mối tương quan giữa Chúa và Maria đẹp hơn. Maria đã biết chọn Chúa làm Chúa cuộc đời của mình. Bà đã dành cho Chúa một vị trí thật xứng đáng.

c- Bây giờ chúng ta nghe sự phán quyết của Chúa. Chúa không trách nhưng Chúa dạy. Chúa muốn cho mọi người phải có một quan niệm đẹp và đúng về Ngài. Ngài đến không phải vì miếng ăn. Ngài đến để dạy cho người ta biết con đường đi đến Nước Trời. Có lần Ngài đã công khai tuyên bố điều đó. Và chính vì thế mà Ngài mới đến trong thế gian: "Trước tiên hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa". 

Maria đã làm đúng ý của Chúa. Chúa bảo Maria đã chọn phần tốt nhất.

C. Đi xa hơn một chút chúng ta còn có thể coi thái độ của Maria như là thái độ mẫu mực của Tình yêu đối với Thiên Chúa. Bằng những việc làm cụ thể của mình, Maria đã cho chúng ta thấy thế nào là lòng yêu đích thực đối với Người. 

Con người phải yêu mến Thiên Chúa, yêu hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn. Nhưng yêu bằng cách nào?  Rõ ràng là con người không thể thể hiện tình yêu đối với Thiên Chúa theo cùng một cung cách với cách biểu lộ tình yêu giữa người với người.

Người Samaria đã biểu lộ tình yêu giữa người với người một cách thật tốt đẹp bằng những hy sinh thật đáng nể phục.

Matta đã thể hiện tình yêu đối với Chúa và các môn đệ của Ngài qua việc phục vụ thật chu đáo.

Những thái độ như thế quả là rất đáng khen. Chính Chúa cũng khuyên người ta làm như thế. Thế  nhưng đó mới chỉ là những việc giữa người với người.

Thiên Chúa đòi chúng ta phải yêu Người ở một mức độ cao hơn.

Đọc trong Tin Mừng chúng ta thấy rất rõ điều đó:

"Ai yêu mến Thầy sẽ giữ lời thầy cha của thầy sẽ yêu mến người ấy" (Ga 14,23) -

"Tôi bảo thật các ông: Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi thì sẽ có sự sống đời đời" (Ga 5,24)

"Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy (Ga 14,21) 

Maria đã chọn phần tốt nhất vì Maria đã chọn thánh ý của Chúa và thi hành thánh ý đó. Việc làm của Maria đẹp lòng Chúa. Nó vừa nói lên ý thức của Maria đối với Chúa và đồng thời nó cũng nói lên vị trí của Chúa trong cuộc đời của mình.

 CHÚA NHẬT XVI TN C

A. Trên dặm đường rao giảng Tin Mừng, thỉnh thoảng Ðức Giêsu và các môn đệ cũng gặp được một chỗ nghỉ chân chan chứa tình người.

Người chủ nhà đón tiếp Ðức Giêsu hôm nay là gia đình của Martha. Chị tất bật lo việc tiếp đãi nấu nướng, chị lo lắng trước bao việc phải làm ngay để có được một bữa ăn thịnh soạn hầu tỏ lòng kính trọng đối với vị khách quý.

Trong khi đó thì cô em Maria lại vô tư và bình thản, ngồi dưới chân Chúa mà nghe Lời Người. Maria say mê nghe Lời Chúa, Lời mở tâm tư cô ra trước những chân trời mới mẻ. Cô thấy chẳng có gì hạnh phúc hơn giây phút này, khi được ngồi nghe Thầy giảng như một môn đệ thực thụ.

B. Kính thưa anh chị em

Cuộc sống xô bồ dồn dập hôm nay dễ biến chúng ta thành Martha: xao động, âu lo, căng thẳng, mất kiên nhẫn. Cả những người làm việc cho Chúa nhiều khi cũng bị cuốn hút vào những xao động, căng thẳng, mất kiên nhẫn như thế.

Một linh mục ở một giáo xứ kia làm thống kê về tình hình của xứ đạo của mình, ngài hỏi một gia đình nọ một câu hỏi thường lệ :

- Các con có thường cầu nguyện chung cả gia đình không ?

  Gia trưởng trả lời :

- Thưa cha, chúng con không có thời giờ.

- Giả như con biết một đứa con nào của chúng con sẽ bị bệnh nếu chúng con không cầu nguyện, thì gia đình chúng con có cầu nguyện không ?

- Ồ, con tưởng chúng con sẽ cầu nguyện.

- Giả sử con biết ngày nào đó khi gia đình lơ là việc cầu nguyện, một đứa con sẽ gặp tai nạn. Các con có cùng cầu nguyện không ?

- Tất nhiên chúng con sẽ cầu nguyện.

- Giả sử mỗi ngày con quên cầu nguyện, giáo luật phạt 5 đôla. Các con có sao lãng việc cầu nguyện không ?

- Chắc chúng con sẽ cầu nguyện. Nhưng ý của những câu hỏi này là gì ?

- Vấn đề của chúng con là không có thời giờ. Con có thể tìm được thời giờ. Con không nghĩ cầu nguyện chung gia đình là quan trọng như nộp phạt hay giữ sức khỏe cho chúng con. Ơn ban của Chúa qua lời cầu nguyện quan trọng hơn bất cứ những gì chúng con có thể nghĩ tới.

Sách Gương Phúc nói: “Người công chính quyết định theo ơn Chúa hơn là theo cái khôn của mình, và mưu tính việc gì họ cũng tin tưởng nơi Chúa.”

Khi ơn Chúa xuống trên ai, người đó làm được mọi cái.

Nhưng khi ơn Chúa rút lui, người ấy sẽ trở nên túng nghèo, yếu đuối và có thể nói là đã trở nên mồi ngon của đau khổ .

Sách Châm Ngôn dạy: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên"(Prov, 16)

Vâng! Có lẽ cần phải bớt việc và thêm giờ cầu nguyện, cần để cho Chúa làm việc nơi chúng ta và qua chúng ta thay vì cứ tự mình bươn chải.

Lạy Chúa,

Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,

xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.

Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,

xin cho con quý chuộng những lúc được an nghỉ trước nhan Chúa.

Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,

xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa để nghe Lời Người.

Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,

xin cho con thoát được lên cao nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.

Lạy Chúa, ước gì tinh thần cầu nguyện thấm nhuần vào cả đời con.

Nhờ cầu nguyện, xin cho con gặp được con người thật của con và khuôn mặt thật của Chúa. Amen.

 

X Lời Chúa: (Lc 10,38-42)

Một hôm, Ðức Giêsu vào làng kia. 38 Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà. 39 Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. 40 Còn cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: "Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!" 41 Chúa đáp: "Mácta! Mácta ơi! Chị lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá! 42 Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi".