Chúa Nhật XV thường niên  - Năm C
YÊU NGƯỜI THÂN CẬN
Chú giải mục vụ của Hugues Cousin

MẾN CHÚA VÀ YÊU NGƯỜI THÂN CẬN

Phải làm gì để được sống đời đời? Bản tóm tắt Lề Luật nói rất rõ (cc. 25-28). Với đề tài điều răn lớn nhất; mà cả hai tác giả Nhất Lãm khác cũng có (x. Mc 12,28-31) có một câu hỏi khác, riêng của Luca, câu hỏi về người thân cận; câu hỏi này được làm sáng tỏ bằng dụ ngôn người Samari tốt lành (cc. 29-37), những tác giả Tin Mừng không ngừng lại giữa đường; đoạn nói về hai chị em Matta và Maria, cho phép ông tiếp tục minh hoạ cho điều răn lớn nhất (cc. 38-42). Dụ ngôn đã giải thích phải hiểu thế nào là yêu người thân cận; câu chuyện về hai chị em cũng làm một công việc tương tự về điều răn yêu mến Chúa. Toàn bộ bản văn dạy phải trao ban có người khác trong khi tiếp nhận từ Chúa.

1. Điều Răn Lớn: 10,25-28

Và này có người thông luật kia đứng lên, một trong những kẻ khôn ngoan và thông thái vắng mặt ở hoạt cảnh trước. Muốn thử thách Chúa Giêsu về kiến thức của Ngài trong vấn đề Luật, ông ta ép buộc Ngài tự tuyên bố về điều Ngài quan tâm, dựa vào truyền thống và suy tư cá nhân của Ngài, đối với cái cốt yếu và quan trọng nhất trong Luật (S. Légasse). Để đạt mục đích này, ông ta đặt ra một câu hỏi, đã được thoả thuận trong Do Thái giáo, về điều răn lớn nhất (x. Mc 12,28) hoặc về những phương thế để đón nhận sự sống của Thiên Chúa (như ở đây và ở Lc 18,18). Lời đáp của Chúa Giêsu thực ra là một câu hỏi ngược lại về luật; như đối thủ của mình, Ngài biết rằng đọc Kinh Thánh chính là giải thích Kinh Thánh. Vì thế Ngài mới hỏi: về vấn đề này: ông đọc thế nào?

Lúc đó Luật sĩ trưng ra điều luật của Đnl 6,4 mà mọi người Do Thái đạo đức đọc hai lần một ngày trong kinh Shema Israel và nó đòi hỏi nơi họ một sự gắn bó hoàn toàn vào Thiên Chúa duy nhất. Rồi ông ta nói thêm điều luật của Lv 19,18 về tình yêu người thân cận. Khi đặt hai câu ấy nối tiếp nhau, ông đã tuân theo truyền thống Do Thái đánh giá tình yêu tha nhân bằng cách đặt nó ngang tầm mức với tình yêu Thiên Chúa. Một cách đọc Kinh Thánh như vậy hoàn toàn ăn khớp với lời giải thích của Chúa Giêsu, chính Người đã đặt ra tình yêu kẻ thù ở trung tâm của ơn gọi Kitô hữu (x. 6,27tt). Trong khi tán thành ý kiến của ông, Chúa Giêsu mời vị luật sĩ đem ra thi hành giới răn yêu thương thương theo hai chiều kích: làm như vậy thì sẽ được hưởng sự sống tròn đầy mà câu hỏi ban đầu đã nói đến. Độc giả cũng được mời gọi nối kết với hoạt cảnh trước (10,21-24): kết quả cuối cùng của tình yêu đối với Thiên Chúa và với người thân cận nảy sinh qua năm tháng, phải chăng không là việc hiểu biết Chúa Cha? Nếu ông luật sĩ thực hành luật mà ông đã phụng tự, ông sẽ trở lại tình trạng của những người bé mọn và sẽ thấy được sự hiện diện hoạt động của Thiên Chúa.

2. Dụ Ngôn Người Samari Tốt Lành: 10,29-37

Hoạt cảnh lại tiếp diễn bởi vì ông luật sĩ đặt một câu hỏi mới, mà ông cho là tuỳ phụ thôi: ông muốn tỏ ra mình có lý khi đặt vấn nạn ban đầu. Ở đây Chúa Giêsu không trả lời câu hỏi. Đưa ra một định nghĩa về người thân cận có thể sẽ rơi vào cái chi li của luật mà Ngài đã từng trách các Kinh sư và nhóm Pharisêu; Chúa Giêsu sẽ trở thành một luật sĩ mất! Trái lại, Ngài kể một dụ ngôn (cc.30-35) mà Ngài sẽ kết thúc bằng một câu hỏi ngược lại (c.36).

Trong hoạt cảnh, những người ẩn danh được biết qua vai trò xã hội hay tôn giáo của họ: kẻ cướp và chủ quán cư ngụ tại con đường này; thầy tư tế và Lêvi là khách qua đường, người Samari đi đường. Người này là một tên lạc giáo chỉ chấp nhận có Luật thành văn là bộ Ngũ thư và từ chối hoàn toàn luật truyền khẩu. Dưới mắt ông luật sĩ, anh ta hoàn toàn trái ngược với hai vị đáng kính phục vụ Đền Thờ. Còn về con người nửa sống nửa chết thì không hề có một lý lịch xã hội nào; người ta cũng chẳng biết anh ta có phải là Do Thái hay không nữa. Khi dàn dựng các nhân vật như thế, Chúa Giêsu tránh được cái lôgich của câu hỏi mà ông luật sĩ đặt ra, có thể đưa Ngài tới chỗ trình bày người thân cận dưới dáng vẻ một anh chàng Samari nửa sống nửa chết. Thế nhưng, người Samari là một trong những người đi đường ấy. Cũng như các công chức của Đền Thờ, ông nhìn thấy kẻ bị thương. Nhưng người kia đứng cách xa bởi vì biết chừng đâu đó là một tử thi và sẽ làm họ bị nhiễm uế: họ tuân giữ Luật cấm (Ds 19,11-16). Trái lại, người Samari chạnh lòng thương – cũng chính là thái độ của Chúa khi thấy bà goá ở Nain (7,13). Trong khi các giáo sĩ, vì tôn trọng Luật về sự trong sạch, tách rời tình yêu Chúa khỏi tình yêu người thân cận (xc.27) và”tránh qua bên kia” mà đi, thì người Samari lại săn sóc người bị thương, một hành động được diễn tả bằng sáu động từ ở câu 34 và tiếp tục những biến thái ở câu 35. Thực vậy, ông ta trao tiền cho chủ quán để ông này săn sóc người xa lạ này thay cho ông. Như thế, thay vì phải ở lại do biến cố bất ngờ, ông một mình tiếp tục lên đường. Nếu ông dự trù trở lại để thanh toán tổn phí phải trả thêm, ông không nói đến việc sẽ hỏi tin tức về người ông đã cứu giúp.

Phù hợp với tâm trạng của các nhân vật trong dụ ngôn, câu hỏi ngược lại đầy năng động của Chúa Giêsu đặt ra làm biến đổi câu hỏi của ông luật sĩ (câu 33 so sánh với câu 29). Ông luật sĩ tự đặt mình làm trung tâm thế giới khi hỏi ai là người thân cận của ông. Chúa Giêsu đảo ngược vấn đề:”Ai đã là người thân cận của người bị rơi vào tay kẻ cướp?”. Người thân cận là người tỏ lòng thương xót chứ không phải kẻ thụ hưởng lòng thương xót.”Người thân cận không còn phải là người khác để yêu thương, nhưng là kẻ đã tỏ ra gần gũi với họ, mà là chủ thể của hành động đã được làm vì anh ta” (J.Delorme). Người thông luật đã trả lời được chính xác khi bảo người thân cận chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót (Cl 37). Chẳng sao cả: chính một kẻ lạc giáo, tức là có một tương quan sai lạc với luật, đã biết giữ luật của Lêvi 19,18 chứ không phải các chuyên viên phụng tự… Lúc đó, Chúa Giêsu chỉ cần kêu mời ông luật sĩ cũng làm những việc giống như vậy.