Chúa Nhật XIX thường niên  - Năm C
HÃY SẴN SÀNG

William Barclay

Qua dụ ngôn phú nông khờ dại Chúa cảnh cáo các môn đệ đừng để cho tâm trí bận bịu với việc lo làm giàu cách ích kỷ, rồi phải đặt niềm tin nơi Chúa quan phòng mà quên đi lo âu về cơm ăn áo mặc hàng ngày, nhưng phải quan tâm hết sức về Nước Thiên Chúa sẽ hiện ra khi gặp Ngài trở lại.

Về những biến cố trước khi Ngài trở lại, cùng những tình hình và hậu quả của sự trở lại ấy, Ngài sẽ dạy họ rõ ràng hơn trước khi Ngài qua đời; ở đây Ngài chỉ dạy họ giữ thái độ canh thức, ngụ ý rằng nếu lúc nào tâm trí họ cũng hướng về sự trở lại của Chúa, thì họ sẽ ở ngoài vòng cương tỏa của trần thế, của lo âu, để cần mẫn phục vụ Ngài.

Ngài minh họa thái độ canh thức ấy bằng dụ ngôn ông chủ trở về và kẻ trộm đến. Trong dụ ngôn đầu: ông chủ đi dự tiệc cưới, tôi tớ ở nhà ăn mặc tươm tất, chong đèn thức đợi, sẵn sàng đợi ông chủ về. Về đến nhà, ông hân hoan thấy họ kiên tâm như vậy, ông biểu lộ niềm vui bằng cách cho họ đồng bàn trong bữa tiệc họ đã dọn cho ông.

Dụ ngôn thứ hai biểu lộ chân lý việc đến bất ngờ của kẻ trộm. Trộm đến không bao giờ báo trước, nên chỉ còn một cách là lúc nào cũng rình chờ hắn đến. Chúa thêm: “Cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.

Tại đây cũng như nhiều chỗ khác, Chúa cho biết còn lâu nữa Ngài mới trở lại. Thời gian Ngài vắng mặt sẽ như một đêm dài, còn nhiều điều cần phải được biểu lộ, còn nhiều điều cần thiết trước khi Ngài trở lại. Thế nhưng họ không phải chờ đợi trong bồn chồn lo âu, hoặc ngày Ngài đến đã gần kề, nhưng chỉ cần họ đứng tại vị trí của bổn phận, trung thành thi hành công việc đã được trao phó cho.

Chúng ta có thể dựa vào thái độ canh thức, chú tâm đến sự trở lại của Chúa, mà đón định tư cách của các giáo sư và những người lãnh đạo Giáo Hội. Đó là động lực khiến Phêrô đưa ra câu hỏi. Ông hỏi rằng mọi người sẽ cùng hưởng phước hạnh về sự của Chúa ngang nhau hay những người như các tông đồ, đã phục vụ Chúa nhiều hơn sẽ lãnh phần thưởng lớn hơn. Chúa trả lời cho thấy đặc quyền lớn bao nhiêu thì thử thách lớn về trách nhiệm nặng hơn.

Như vậy đoạn Kinh Thánh này có hai ý nghĩa: nghĩa hẹp chỉ sự trở lại của Chúa vào ngày thế mạt, nghĩa rộng chỉ về thời điểm mà mỗi người chúng ta được gọi trình diện Thiên Chúa. Có lời khen ngợi là dành cho người đầy tớ biết sẵn sàng. Chiếc áo dài lướt thướt của Đông phương gây trở ngại khi làm việc. Vì thế để làm việc, người ta vén áo cao lên, buộc vào thắt lưng để hoạt động thoải mái. Chiếc đèn ở Đông phương chỉ là một sợi tim (bấc) thả trên một đĩa dầu. Tim đèn phải luôn luôn được cắt tỉa và đèn phải luôn luôn đầy dầu, nếu không đèn sẽ tắt. Không ai có thể nói ngày giờ nào cõi đời đời sẽ xâm nhập vào thời gian và khi nào tiếng gọi của Chúa sẽ đến.

Vậy chúng ta muốn Chúa gặp chúng ta trong tình trạng thế nào?

1. Chúng ta muốn Chúa gặp chúng ta lúc đã chu toàn bổn phận của mình.

Biết bao người trong chúng ta có đời sống dở dang, có những việc chưa làm và những việc mới làm một nửa. Có những việc bỏ bê và có những việc chưa bắt đầu. Các bậc vĩ nhân bao giờ cũng nghĩ đến bổn phận phải làm trọn. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Con đã làm xong công việc mà Cha đã trao ban cho con”. (Ga 17,4). Không ai được coi thường, bỏ bê công tác mà mình phải chu toàn, hay có thể hoàn tất trước khi đêm đến.

2. Chúng ta muốn Chúa gặp chúng ta đang sống hòa thuận cùng mọi người.

Thật đáng sợ nếu ta lìa khỏi thế gian này mà lòng còn cay đắng với một người nào. Không ai được để cho mặt trời lặn trên cơn giận của mình (Ep 4,26), nhất là khi mặt trời lặn lần cuối cùng trong đời mình, và ai có thể biết được ngày nào mình nhìn thấy mặt trời lặn lần cuối.

3. Chúng ta muốn Chúa gặp chúng ta đang bình an với chính Ngài.

Trong giờ cuối cùng, chúng ta cảm thấy mình sắp phải gặp một người xa lạ, một kẻ thù, hay sắp được nằm yên trong vòng tay êm ái của Cha lành, đó là tất cả sự khác biệt.

Trong phần thứ hai của đoạn Kinh Thánh này, Chúa Giêsu cho biết thế nào là người quản gia khôn ngoan và không khôn ngoan. Bên Đông phương, người quản gia có quyền hạn rất rộng. Bản thân là nô lệ, nhưng anh ta có quyền điều khiển các nô lệ khác. Một quản gia tín nhiệm được coi sóc mọi việc trong nhà và điều hành gia tài của mình. Người quản gia không khôn ngoan đã phạm hai lỗi lầm:

1. Anh ta nói: “Ta sẽ làm theo ý thích của ta trong khi chủ ta đi vắng”, vì anh ta quên rằng ngày tính sổ phải đến. Chúng ta thường chia đời sống ra nhiều phần. Trong phần này của đời sống thì chúng ta nhớ Chúa hiện diện, trong phần khác thì chúng ta chẳng nghĩ đến Chúa chút nào. Chúng ta có khuynh hướng vạch một đường ranh giới giữa những hoạt động thiêng liêng và những hoạt động thế tục. Nhưng nếu hiểu rõ Kitô giáo là gì? Chúng ta hẳn biết rằng không có phần nào trong đời sống chúng ta khuất mắt của Chúa được. Chúng ta đang làm việc và sống động mãi dưới cái nhìn thấu suốt của Chủ Lớn của chúng ta.

2. Anh ta nói: “Ta có đủ thời giờ sắp xếp mọi công việc trước khi chủ đến”. Không có gì nguy hiểm cho bằng cảm tưởng là chúng ta có đủ thời giờ. Chính Chúa Giêsu phán: “Ta phải làm công việc của Đấng đã sai Ta đang khi còn ban ngày, đêm đến thì không ai còn làm việc được nữa” (Ga 9,4). Một trong những chữ rất nguy hiểm trong đời sống con người là chữ “ngày mai”.

Đoạn Kinh Thánh chấm dứt với lời cảnh cáo rằng sự nguy hiểu biết và đặc ân bao giờ cũng mang theo trách nhiệm. Tội trở nên nặng gấp đôi cho người nào hiểu biết mà cứ phạm. Thất bại sẽ đáng trách gấp đôi cho người nào có điều kiện để thành công mà lại không chịu lợi dụng các điều kiện ấy.