Chúa Nhật XIX thường niên  - Năm C
NHỮNG DỤ NGÔN VỀ SỰ TỈNH THỨC
Chú giải mục vụ của Hugues Cousin

Tiếp tục trò chuyện riêng với các môn đệ, Chúa Giêsu bàn về một đề tài mới, sự tỉnh thức và lòng trung thành. Trên đường hướng về Giêrusalem nơi mà Ngài sắp thực hiện cuộc xuất hành của mình, Ngài phải chuẩn bị cho các người thân thuộc sống trong tình trạng mà sau ngày Phục Sinh họ phải sống: trông đợi Chúa của họ Đấng sẽ vắng mặt. Trình thuật về cuộc thăng thiên (Cv 1,9-11) ý nghĩa đặc biệt rằng thời kỳ của Giáo Hội là giai đoạn vắng bóng Chúa Kitô, Đấng mà người ta kêu cầu:”Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!”. Trong thời kỳ này, mọi tín hữu phải sẵn sàng (cc.35-40); nhưng các môn đệ, được gọi để thi hành nhiệm vụ đặc biệt của những người có trách nhiệm trong các cộng đoàn được mời gọi cách đặc biệt phải sống trung thành (cc.41-48). Để được vậy, Chúa Giêsu sắp kể những dụ ngôn để tức thời trao ban cho một thái độ mà họ phải bắt chước.

1. Những đầy tớ tỉnh thức.

Người chủ nhà tỉnh thức (12,35-40)

Chúa Giêsu bắt đầu mời gọi các môn đệ trong tư thế đang làm việc; sau ngày thăng thiên, chính trong lúc không ngừng lo lắng thi hành nhiệm vụ mà họ phải đợi chờ giây phút mở cửa cho Chúa của họ (c.35). Họ được so sánh (cc. 36-38) với các đầy tớ mà ông chủ đi ăn cưới có thể trở về bất cứ lúc nào trong đêm; như thế việc áp dụng dụ ngôn thứ nhất lại được nói trước dụ ngôn (đây không phải là điều thường xảy ra). Hai lần Chúa Giêsu tuyên bố phúc cho những đầy tớ mà chủ thấy tỉnh thức: họ sẽ được ngồi ăn với ông. Việc ám chỉ bàn tiệc cánh chung mà Thiên Chúa đã dự kiến cho dân Ngài (x.Is 25,6-8) sẽ được sáng tỏ với 13, 29 và, rõ hơn nữa, với 22,30 nơi đó Chúa Kitô loan báo rằng những kẻ thuộc về Ngài sẽ ăn uống với Ngài trong Vương Quốc của Ngài. Hơn nữa, phần thưởng được diễn tả trong việc đảo ngược các vai trò: chính ông chủ sẽ phục vụ để tiếp đãi họ. Ở đây nữa, một lời của Chúa Giêsu mang đến ánh sáng cần thiết: Ngài ở giữa họ như một người phục vụ (22,27).

Để minh hoạ cũng đề tài tỉnh thức này, dụ ngôn thứ hai nhắc lại rằng một ông chủ nhà không bao giờ biết được khi nào kẻ trộm đến. Không thể tỉnh dậy đúng lúc! Bài học được rút ra từ đó –phải không ngừng canh gác- lần này rõ ràng được áp dụng cho những thành viên của Giáo Hội trong việc họ chờ đợi ngày Quang lâm, ngày Con Người đến lần cuối cùng. Nếu ở đây Chúa Giêsu tự xưng mình bằng tước hiệu này chứ không dùng tước hiệu Chúa chẳng hạn, chính là để nhấn mạnh đến vai trò thẩm phán hoàn vũ của Ngài (x.21-36) và nhấn mạnh đến tính chất hoàn toàn bất ngờ của việc Ngài đến (x.17,23-26).

2. Người quản gia trung thành (12,41-48)

Một câu hỏi của Phêrô làm cho việc áp dụng dụ ngôn được tinh tế hơn: dụ ngôn này được nói cho ai? Cho mọi người –kể cả đám đông dân chúng- hảy chỉ nói cho các môn đệ (c.41)? Bằng một cách thức có ý nghĩa, Luca ghi chú rằng chính Chúa, người chủ của Giáo Hội, sẽ trả lời bằng dụ ngôn thứ ba. Tình trạng mà dụ ngôn nêu ra rõ rằng là ở vào sau ngày Phục Sinh: các động từ ở thì tương lai, đặc biệt động từ kể lại việc đặt định của người quản qua. Những câu 42-44 nhắc lại một phần các câu 36-38: Chúa Giêsu đưa vào hoạt cảnh một người đầy tớ mà khi trở về ông chủ gặp thấy đang làm việc và Ngài tuyên bố phúc cho anh ta. Nhưng có điều mới ở đây: đó là một đầy tớ-quản gia có nhiệm vụ cung cấp lương thực cho kẻ ăn người ở. Thi hành đúng mức nhiệm vụ này đó là trung thành đáng tin cậy và khôn ngoan – biết rằng đời sống vĩnh cửu có liên quan tới công việc hằng ngày. Để thưởng công, người đầy tớ này được giao phó một nhiệm vụ đáng kể hơn, coi sóc tất cả tài sản của chủ mình.

Khi phác hoạ một trường hợp ngược lại, các câu 45-46 nêu lên một chi tiết khá rõ. Nghĩ bụng rằng chủ về muộn, người đầy tớ quản gia lợi dụng cơ hội để hống hách. Đó là một ám chỉ khá rõ về thời hạn, trong Giáo Hội, kéo dài từ ngày Chúa thăng thiên đến khi Chúa quang lâm, khi Chúa đến vào thời cuối cùng (x.Cv 1,6-8; 2Pr 3,8tt). Không những không thi hành nhiệm vụ –anh ta chè chén say sưa- anh ta lại còn hành hạ tôi trai tớ gái những kẻ mà anh ta có nhiệm vụ phải nuôi dưỡng. Sau khi nhắc lại việc trở về bất ngờ, là đến hình phạt: ông chủ cách chức anh ta và bắt phải chung số phận với những kẻ bất trung, trường hợp của một sự chểnh mảng cố ý; một sự bất tuân phục như thế sẽ bị trừng trị nghiêm khắc. Còn kẻ nào chểnh mảng, vô tình, vô ý, vì thiếu khả năng, sẽ bị phạt ít hơn (c.48a).

Như thế câu hỏi của Phêrô đã khiến Chúa Giêsu bàn đến một điểm riêng biệt. Sau lời cảnh cáo các câu 36-40 nói cho tất cả mọi tín hữu, ở đây Ngài đòi hỏi một thái độ trung thành nơi một số môn đệ, những người có trách nhiệm mục vụ đối với những anh em khác trong cộng đoàn. Tuy nhiên ta đừng quên rằng ở đây Chúa Kitô nói bằng dụ ngôn: tất cả mọi chi tiết đều được coi là phóng dụ, chẳng hạn việc đánh đòn (cc.47-48a). tuy nhiên giáo huấn không vì thế mà kém phần trong sáng: Chúa Kitô trông đợi rất nhiều ở các vị lãnh đạo cộng đoàn, điều đó được biểu lộ qua câu châm ngôn bình dân mà Người đưa ra (c.48b). vì được Thiên Chúa trao phó những chức vụ ở giữa dân Ngài, họ phải luôn luôn, hơn tất cả các tín hữu khác, sẵn sàng trả lẽ, bằng cách hành xử của họ, với vị Tôn Sư khi Ngài đến bất ngờ.