Chúa Nhật XIX thường niên  - Năm C
MỘT DÂN TỘC TỈNH THỨC
Chú giải của Fiches Dominicales

GIÁO HỘI, MỘT DÂN TỘC TỈNH THỨC CHỜ CHÚA TRỞ LẠI

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:

1. Một con tim gắn liền với một giá trị duy nhất...

Đang trên đường lên Giêrusalem, có người cầu khẩn Đức Giêsu phân xử một cuộc tranh chấp về gia tài. Nhân dịp này, Người cảnh báo đám đông thính giả, khuyên họ giữ mình khỏi: "mọi thứ tham lam", và lập tức Người minh họa bằng dụ ngôn người giàu có khờ dại (12, 16-21) để đi đến kết luận: "Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như vậy”. Rồi quay sang các môn đệ mà Người thường gọi là "đoàn chiên nhỏ bé", Đức Giêsu kêu gọi hãy biết từ bỏ. Chúa Cha đã cho họ tất cả, đến lượt họ, tại sao họ lại không thể cho đi tất cả? Người nói với họ: "Hãy bán của cải mình đi mà bố thí".

H. Cousin bình luận: "Cho người nghèo của cải mình có (dù là tất cả hay chỉ một phần nhỏ để chia sẻ), chính là làm giàu trước mặt Chúa (12,21), là xây dựng cho mình một kho tàng vô tận nơi Chúa; tóm lại, là bảo đảm cho mình một phần thưởng đời dời. Tuy nhiên, đó không phải là phần thưởng cuối cùng, nhưng biên cố Nước Chúa đến phải động viên các Kitô hữu và giúp họ dấn thân với cả tâm hồn, đó chính là giá trị duy nhất. (Tin Mừng theo thánh Lc. Centurion, trg 184)

2. Tích cực đón chờ Đức Giêsu trở lại.

Tiếp tục câu chuyện với các môn đệ, Đức Giêsu đề cập đến một đề tài mới: tỉnh thức và trung tín. Người đang trên đường lên Giêrusalem, nơi Người sẽ được "đưa lên cao"; bởi vậy Người cần chuẩn bị cho các bạn hữu của mình sống trong một hoàn cảnh mới mà họ sẽ biết sau cuộc Phục Sinh của Người: Chúa của họ sẽ vắng mặt về thể lý, họ sẽ phải đón chờ Người trở lại trong vinh quang.

Ba dụ ngôn sẽ minh họa cho giáo huấn của Đức Giêsu: Trước hết là dụ ngôn những người đầy tớ sẵn sàng trong bộ đồ phục vụ, nghĩa là thắt lưng gọn gàng, vạt áo được săn lên và xiết chặt bằng dây thắt lưng như mọi người thường làm trong bữa tiệc vượt qua mà bài đọc thứ nhất đã thuật lại. Họ còn thắp đèn sẵn đợi chủ về. Họ tỉnh thức.

Cũng như những người đầy tớ trong dụ ngôn, các môn đệ của Đức Giêsu sẵn sàng đón chờ ngày trở lại của Thầy mình, và họ sẽ kinh ngạc khi thấy Đấng họ trông đợi ‘thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ’.

Liền sau đó là dụ ngôn ông chủ nhà tỉnh thức, biết đề phòng kẻ trộm đến bất ngờ.

Cũng vậy, các môn đệ của Đức Giêsu phải sẵn sàng vì Chúa trở lại thật bất ngờ.

- Dụ ngôn viên quản lý trung tín và viên quản lý bất trung kết thúc toàn bộ đoạn Tin Mừng này. Qua câu hỏi của Phêrô, dụ ngôn này giúp nhận rõ Chúa muốn nói với ai: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?"

Trong khi hai dụ ngôn trước nhắm đến tất cả các môn đệ, thì dụ ngôn thứ ba nhắm đến những ai có trách nhiệm riêng trong cộng đoàn và vì trách nhiệm này, họ phải xử sự như những đầy tớ của Đức Kitô và như những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa.

H. Cousin kết luận: "Câu hỏi của Phêrô khiến Đức Giêsu phải đề cập đến một điểm đặc biệt. Sau khi cảnh báo tất cả mọi Kitô hữu qua các câu 36-40, thì ở đây, Người đòi hỏi thái độ trung tín nơi một số các môn đệ là những người thi hành trách nhiệm mục vụ trên các anh em khác trong cộng đoàn. Vì những phận vụ được trao phó trước mặt mọi người, họ phải luôn sẵn sàng hơn những Kitô hữu khác để trả lời trước mặt Thầy mình, về những thái độ xử sự của họ khi Người bất ngờ đến (sđd, tr. 187).

BÀI ĐỌC THÊM

1. “Một đức tin đâm rễ trong quá khứ, hướng về tương lai và thể hiện trong hiện tại như một bước tiến”.

Nói đến hiện hữu của người Kitô hữu là nói đến đức tin. Đức tin hướng về quá khứ, dựa vào một lời nói, chỉ một lời, một lời hứa.

Đức tin cũng hoàn toàn hướng về tương lai, vì chờ đợi lời hứa được thực hiện dù lời hứa ấy chỉ được bảo đảm bằng một lời nói. Người tín hữu tin rằng Thiên Chúa có thể thực hiện điều Ngài đã nói nhưng đức tin là tiến bước từ lời hứa này đến lời hứa khác mà không nắm giữ hoặc chiếm hữu điều gì.

Trong giây phút hiện tại, đức tin là một cuộc lữ hành, một bước đi, giống như Abraham và các tổ phụ là những di dân, khách lữ hành và những người rày đây mai đó.

Như vậy, phải chăng chúng ta bị kết án là chẳng có gì, chúng nắm giữ được gì? Đây chính là điều nghịch lý của đức tin: đức tin là "phương tiện giúp chiếm hữu được điều chúng ta mong đợi."

Sự chờ đợi đã có đầy tràn tương lai rồi. Đức Kitô, Đấng sẽ đến, Đấng chúng ta đón chờ, đã hiện diện rồi. Người ở giữa chúng ta qua những ai phục vụ. Như vậy, công việc của đức tin là loại trừ khỏi chúng ta những gì chúng ta tin là đã nắm vững và đặt trong tay chúng ta giá trị duy nhất của tương lai. Chúng ta tiến về giá trị đó và trông đợi nó: giá trị đó là phục vụ và chia sẻ. Đó là cách thế tốt để đón chờ, để tỉnh thức trong đức tin.

2. "Hãy thắt lưng sẵn sàng phục vụ”

Thiên Chúa gõ cửa nhà tôi. Người tỏ lộ qua các biến cố và lời khẩn nài của mọi người. Người còn tỏ lộ cho tôi qua lời kêu gọi của những người chung quanh và bè bạn. Người ước mong được ở với tôi. Và tôi có nguy cơ không quan tâm đến những ước muốn của Người. Người gọi tôi nhưng tôi không có mặt để trả lời. Tôi thuộc loại những kẻ thuê bao vắng mặt.

Đúng, từ lâu lắm, có thể nói là suốt cả cuộc đời, tôi đã là loại người như thế? Thiên Chúa không ngừng đi qua nhà tôi để chỉ thấy nơi tôi sự trống vắng và bóng tối.

Phải chăng chúng ta đã đánh mất sở thích chờ đợi và ước ao? Chúng ta muốn tất cả mọi sự và muốn chúng phải có ngay lập tức. Toàn bộ cuộc sống của chúng ta đã được hoạch định.

Điều bất ngờ khó có chỗ đứng.

Chính Thiên Chúa ước ao đến nhà chúng ta. Vào bất cứ giờ nào. Ngay cả buổi tối khi chúng ta đã chuẩn bị lên giường. Hoặc thậm chí ban đêm khi chúng ta muốn được yên ắng nghỉ ngơi sau một ngày lao động mệt nhọc.

Thiên Chúa không để ý đến giờ giấc. Người luôn hiện diện. Người can thiệp thường xuyên, bất cứ lúc nào. Khi thấy chúng ta tỉnh thức và chờ đợi, Người sẽ sung sướng và vui mừng chia sẻ của ăn và những phương diện tết đẹp nhất trong đời sống của chúng ta.

Nếu thấy chúng ta vì ao ước mà săn sàng. Người sẽ "đốt lên” trong ta ngọn lửa sự sống. Người sẽ trao cho chúng ta Lời của Người. Người sẽ liên kết chúng ta với sứ mạng loan báo Nước Thiên Chúa của Người.

Chúng ta phải thắt lưng sẵn sàng, đó là thái độ của người sẵn sàng tham dự. Không phải một giờ mỗi tuần. Cũng không phải vài phút mỗi ngày, nhưng luôn luôn, thường xuyên. Đến nỗi Chúa đến bất cứ giờ phút nào cũng không bao giờ có thể làm chúng ta bất ngờ. Người sẽ thấy chúng ta luôn thắt lưng sẵn sàng. Và ngọn đèn của chúng ta luôn thắp sáng để nhận ra Đấng đang đến mà đón tiếp Người, mọi lúc. Một thái độ như vậy không có nghĩa là chúng ta không bao giờ kịp thở. Không có nghĩa là chúng ta không ngừng lại, không nghỉ ngơi. Nhưng có nghĩa là đôi mắt chúng ta luôn dò xét đôi tai luôn lắng nghe. Con tim luôn sẵn sàng. Tinh thần luôn tỉnh thức.