Chúa Nhật XIX thường niên - Năm C |
NGƯỜI Ở PHÒNG SỐ 40 |
Cha Mark Link, S.J. |
Chủ đề: "Chúng ta có thể thấy tương lai của
mình Trong cuốn Unfinished Business (Việc Dang Dở), ông Halford Luccock có đăng một câu chuyện của Osbert Sitwell. Câu chuyện mang tên The Man Who Lost Himself (Người Đánh Mất Chính Mình). Trong một cảnh, nhân vật chính trong chuyện theo dõi một người đến Balê. Ông này tin rằng ông đã biết được khách sạn chỗ người này ở, nhưng ông không dám chắc. Do đó ông vạch ra một kế hoạch đi tìm mà không làm cho ai nghi ngờ. Ông sẽ cho người thư ký khách sạn biết tên của chính ông và hỏi xem có tên đó trong khách sạn ấy không. Và rồi khi thư ký mở sổ tìm kiếm, ông sẽ có thể liếc trộm vào sổ để biết tên và số phòng của người kia. Với ý định đó trong đầu, ông đến khách sạn và yêu cầu người thư ký kiểm điểm xem có tên của ông ở đây không. Thật ngạc nhiên, người thư ký chẳng cần mở sổ và nói tỉnh queo: "Có, ông ta ở phòng 40; ông ta đang đợi ông. Tôi sẽ nói bồi phòng đưa ông đến." Thật điếng người, nhân vật chính trong chuyện không biết làm gì khác hơn là theo người bồi đến phòng 40. Ông gõ cửa và khi cánh cửa mở ra, ông không thể tin ở mắt mình. Đứng trước mặt ông là một người giống hệt như ông, ngoại trừ tóc bạc hơn, mập hơn và già hơn khoảng 20 tuổi. Người đó chính là ông trong tương lai 20 năm sau. Câu chuyện trên hoàn toàn khoa học giả tưởng, nhưng nó chứa đựng một sự thật quan trọng-đó là sự thật mà bài phúc âm hôm nay đề cập đến. Trong tương lai, có một người nào đó đang chờ đợi mỗi người chúng ta. Đó là con người của chính chúng ta trong tương lai, 10 hay 20 năm sau. Bài phúc âm hôm nay đặt ra cho chúng ta một câu hỏi: Chúng ta sẽ là loại người nào? Chúng ta sẽ là người mà gia đình chúng ta hãnh diện? Chúng ta sẽ là người mà chính chúng ta hãnh diện? Điều ngạc nhiên là câu trả lời cho các câu hỏi ấy thì không quá khó như chúng ta nghĩ. Tỉ như, cuộc đời chúng ta đang đi về hướng nào? Một cách cụ thể, hôm nay chúng ta có ít thành thật hơn một năm trước--hay năm năm trước không? Hôm nay chúng ta có hiểu biết ít hơn một năm trước--hay năm năm trước không? Hôm nay chúng ta có cầu nguyện ít hơn một năm trước--hay năm năm trước không? Trả lời cho các câu hỏi ấy là mấu chốt về con người tương lai của chúng ta trong 20 năm sắp tới. Có một câu châm ngôn nói rằng, "Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó." Nói cách khác, bây giờ cuộc đời chúng ta đi về hướng nào thì có lẽ nó sẽ tiếp tục đi về hướng ấy. Thí dụ, nếu mỗi ngày chúng ta càng ít thành thật, có lẽ 20 năm nữa chúng ta cũng không thành thật hơn. Nếu mỗi ngày chúng ta càng ít hiểu biết hơn, có lẽ 20 năm nữa chúng ta cũng không hiểu biết hơn. Nếu mỗi ngày chúng ta càng ít cầu nguyện, có lẽ 20 năm nữa chúng ta sẽ không còn cầu nguyện nữa. Điều này đưa đến một câu hỏi quan trọng. Nếu chúng ta thấy mình ngày càng ít thành thật, ít hiểu biết, và ít cầu nguyện hơn thì chúng ta có thể làm gì để thay đổi chiều hướng tụt dốc đó? Làm thế nào để chúng ta xoay hướng cuộc đời? Điều đầu tiên chúng ta có thể làm là thành thật thú nhận rằng chúng ta đang tụt dốc ở lãnh vực nào đó. Thí dụ, chúng ta có thể thú nhận là ngày nay chúng ta không còn siêng năng cầu nguyện như trước. Thú nhận điều này không chỉ là bước đầu tiên mà còn là bước khó khăn nhất và quan trọng nhất. Thật không dễ để thú nhận khuyết điểm của mình. Bước thứ hai là xin Thiên Chúa tha thứ lỗi lầm của mình. Chúng ta có thể thi hành điều này trong sự cầu nguyện. Hoặc, lý tưởng hơn, chúng ta thi hành điều này trong bí tích Hòa Giải. Bí tích này là một trong những ơn sủng lớn lao của đức tin Công Giáo. Và thật khích lệ khi thấy nhiều người bắt đầu dùng bí tích này cách thường xuyên hơn. Bước thứ ba là bắt đầu một chương trình thực tiễn để thay đổi cuộc đời chúng ta. Thí dụ, nếu chúng ta không còn cầu nguyện như trước, chúng ta có thể dành một vài phút mỗi tối để cầu nguyện. Khi thi hành điều này, chúng ta phải có sẵn sách Phúc Âm hay các sách cầu nguyện. Thánh Têrêsa Avila luôn bắt đầu cầu nguyện từ một cuốn sách. Các sách cầu nguyện thì đầy dẫy ở thư viện hay tiệm sách. Hoặc nếu khuyết điểm của chúng ta là thiếu kiên nhẫn, chúng ta có thể ngồi xuống suy nghĩ xem hoàn cảnh đặc biệt nào đã làm chúng ta thiếu kiên nhẫn. Sau đó, mỗi đêm chúng ta tự xét mình để xem hôm đó chúng ta đã giải quyết việc thiếu kiên nhẫn như thế nào. Chúng ta có thể làm nhiều điều hơn nữa. Nếu thất bại, chúng ta phải tìm hiểu lý do và sửa đổi bất cứ gì làm chúng ta thất bại. Thay đổi thói quen thì không dễ. Nhưng với nỗ lực của chúng ta và với sự trợ giúp của Thiên Chúa, chúng ta có thể thi hành điều đó, như nhiều người trước chúng ta. Tóm lại, bài phúc âm hôm nay mời gọi chúng ta tự hỏi mình: Chúng ta có ít thành thật, ít hiểu biết, ít cầu nguyện hơn một năm trước-hay năm năm trước không? Nếu câu trả lời là có thì chúng ta phải thi hành các bước kế tiếp để thay đổi chiều hướng tụt dốc của cuộc đời mình. Trước hết, chúng ta phải thú nhận lỗi lầm của mình. Thứ hai, chúng ta phải xin Thiên Chúa tha thứ các lỗi lầâm ấy. Sau cùng, chúng ta phải bắt đầu chương trình hằng ngày để sửa đổi hay thay đổi bất cứ gì cần thay đổi trong đời sống. Chúng ta hãy kết thúc với lời cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết nhìn vào đời sống chúng con với con mắt của Chúa--và như khi chúng con phải ra trước tòa phán xét. Xin giúp chúng con nhận ra những gì cần phải thăng tiến hay cần phải sửa đổi. Xin giúp chúng con thi hành những bước cần thiết để đời sống chúng con hòa hợp với cuộc đời mà Chúa đã muốn cho chúng con ngay từ khi chào đời. |