Chúa Nhật XIV thường niên  - Năm C
SAI 72 MÔN ĐỆ ĐI RAO GIẢNG

McCarthy

Suy Niệm 1. Mùa gặt bội thu

Kitô giáo là một tôn giáo thực hành. Catherine de Hueck Doherty là một Kitô hữu nổi tiếng. Sinh ra trong một gia đình quý tộc ở nước Nga, bà sống phần lớn cuộc đời ở Mỹ. Bà nói: “Ngay khi còn nhỏ tuổi, tôi biết rằng Tin Mừng là để sống”.

Khi đã trưởng thành chị làm công việc của một người bưng nước trong một quán ba ở Manhattan. Trong một dịp kia, chị thông báo cho một nhóm lính Mỹ và những bạn gái của họ (họ đều biết chị là người Công giáo) đã đến giờ đóng cửa (4 giờ sáng) và chị phải về.

“Chị đi đâu, Latie?” họ hỏi.

“Hôm nay Chúa nhật, tôi đi dự Thánh lễ”.

“Vâng, ra cô là người Công giáo?”.

“Vâng” chị đáp.

Họ không thể nào hiểu nổi sự kiện chị là một người Công giáo hành đạo mà lại làm việc ở một nơi như thế. Tất cả bọn họ đi theo chị đến nhà thờ dự Thánh lễ. Hai tuần sau, một cô gái trong nhóm trở lại. Cô ấy nói: “Chị làm tôi suy nghĩ. Nếu chị có thể sống một đời sống tốt lành khi phải làm việc ở một nơi như thế này, vì thế có lẽ tôi cũng có thể làm được”.

Một lần khác Catherine đi tàu điện ngầm ở Montrial thì gặp một phụ nữ già, cô độc nói với chị: “Chị có muốn nói chuyện với tôi một lúc không?”. Họ làm hai chuyến đi từ đầu này đến đầu kia của tàu điện ngầm và nói chuyện hết thời gian. Họ trở thành bạn tốt của nhau, và thường viết thư cho nhau cho đến lúc người phụ nữ ấy qua đời.

Mùa gặt dĩ nhiên là bội thu đối với những người có con mắt nhìn nó và một tâm hồn đáp lại. Mùa gặt ấy trong các bệnh viện, gia đình, trường học, nhà tù, công trường, vùng phụ cận. Mỗi ngày là một ngày gặt hái.

Đức Kitô sai các Tông đồ ra đi giúp Người thu hoạch mùa màng. Chúng ta có khuynh hướng để việc ấy cho những nhà chuyên môn: cho các linh mục, nữ tu, các nhà truyền giáo. Những người mà Đức Kitô sai đi không phải là những nhà chuyên môn. Tuy vậy, họ đã trở thành những công cụ của người. Trao trách nhiệm cho một cá nhân và để cho người ấy biết bạn tín nhiệm người ấy là đem lại cho người ấy một sự giúp đỡ mà ít có sự giúp đỡ nào bằng.

Nhóm bảy mươi hai bắt đầu là những môn đệ của Người. Rồi Người hướng họ đến mục tiêu bên trên họ với việc làm cho họ thành những Tông đồ. Đó là cách thức phải luôn luôn được thực hiện. Chúa yêu cầu chúng ta chia sẽ với những người khác điều mà chúng ta đã nhận được từ Người. Có những điều vẫn còn chưa làm được nếu chính chúng ta không làm. Chúng ta nâng cao chúng ta lên trong mức độ chúng ta nâng cao người khác lên.

Làm một Tông đồ có nghĩa là một người được sai đi. Để có thể làm được công việc của Đức Giêsu. Chúng ta không cần phải là một loại thiên tài hoặc siêu nhân nào đó. Có sự khác nhau giữa một Tông đồ và một thiên tài. Sự khác nhau ấy ít liên quan đến tài năng và trí tuệ, mà có liên quan đến mục đích và sự dấn thân.

Bởi lẽ người ta được kêu gọi không có nghĩa để được trở thành thông minh hơn hoặc có nhiều tưởng tuợng hơn trước đó. Không, người ta vẫn có quan hệ với những ơn tự nhiên. Nhưng giờ đây, họ có nhiều quyết tâm hơn, nhiều sự dâng hiến hơn. Điều ấy đã tạo ra sự khác nhau to lớn.

 

Suy Niệm 2. Làm chứng bằng thương tích

Bốn mươi năm sau khi rời bỏ trại giam Auschwitz, nhà văn Ý Primo Levi vẫn còn mang hình xăm với con số của ông khi còn ở đó. Khi người ta hỏi ông tại sao không xoá nó đi, ông đáp: “Tại sao tôi phải làm thế? Không có nhiều người trong chúng ta được đưa vào thế giới để làm nhân chứng”.

Alexander Solzhenitsyn nói rằng ông vẫn còn bốn mảnh vải dùng để vá mang con số mà người ta phát cho ông khi còn trong nhà tù. Ông không phải là người duy nhất đem chúng ra khỏi trại giam. Không xấu hổ về những điều đó, ông nói: “Trong một số gia đình, chúng được phô bày ra như những thành tích”.

Thánh Phaolô cũng không xấu hổ vì những dấu tích mà ông mang trên mình ông vì Đức Giêsu Kitô. Thật vậy, ông bình thản lôi kéo sự chú ý về những dấu tích ấy (Bài đọc 2). Ông nói với những tín hữu Galat1: “Những dấu tích trên người tôi là những dấu tích của Đức Kitô”. Bằng từ “dấu tích”, ông không có ý nói đến những dấu thành như Padre Pio và những người khác cho rằng mình được in dấu thánh. Ông muốn nói đến những dấu tích, vết thẹo mà những gian lao, bệnh tật, sự đánh đòn, ném đá còn để lại trên thân thể của ông. Đó là những sự trả giá cho việc ông phục vụ Đức Kitô.

Điều thú vị hơn nữa là sự kiện Đức Giêsu giữ lại dấu đinh và vết đòng đâm trên thân thể Phục Sinh của Người. Người ta có thể hy vọng Người làm mất hết mọi dấu tích để chứng tỏ rằng mọi sự đã qua cả rồi, đã ở sau lưng Người, và bởi vì Người đã không muốn làm cho các Tông đồ khó xử vì họ đã bỏ rơi Người hoặc những người trực tiếp hay gián tiếp có trách nhiệm gây ra các dấu tích ấy.

Nhưng Đức Giêsu đã không tháo bỏ mọi thương tích. Người đã giữ chúng lại. Đối với Người những vết tích ấy không làm cho Người xấu hổ hoặc bối rối. Chúng là những chứng cứ sống động của tình yêu Người, là những dấu chỉ hữu hình và hùng hồn một tình yêu chân thật phải trả giá như thế nào. Chúng giống như những huy hiệu danh dự, hoặc những huy chương chỉ sự lỗi lạc mà khó khăn lắm người ta mới dành được. Chúng vẫn là những thương tích nhưng chất độc đã bị trừ khử, và vì thế không còn làm tổn thương. Bởi vì các thương tích của Đức Giêsu vẫn còn thấy rõ trên thân thể Phục Sinh của Người, chúng đã trở thành suối nguồn hy vọng cho tất cả chúng ta, đặc biệt cho những người đã chịu đau khổ và vẫn đang còn đau khổ.

Rất nhiều lần chúng ta muốn che giấu những thương tích của chúng ta. Chúng ta muốn giấu kín những tổn thương của quá khứ. Và cả khi bên ngoài của chúng đã lành lặn, chất độc thường vẫn còn lại, và do đó còn gây thương tổn. Nếu chúng ta yêu, chúng ta phải sẵn sàng chịu thương tích. Tuy nhiên, điều đó không giúp chúng ta bị đầu độc bởi sự cay đắng và lòng thù hận. Sự cay đắng là điều tệ hại khủng khiếp. “Người ta có thể sống qua những gian khổ lớn lao nhưng lại chết bởi những cảm nghĩ đắng cay” (Solzhenitsyn).

CÂU CHUYỆN KHÁC

Felix Frankfurter là một quan toà nổi tiếng của Toà án Tối cao Hoa Kỳ. Một lần kia ông được đưa vào bệnh viện ở đó ông quen biết một y tá có tên là Lucy. Họ có những lúc ngồi nói chuyện thân mật và ông biết được nhiều điều về Lucy.

Trước đó, chưa bao giờ ông gặp được người nào có lòng quảng đại và nhân hậu như chị. Và ông bắt đầu tự hỏi và suy nghĩ, cố gắng khám phá suối nguồn của thái độ của chị. Điều ông khám phá như sau: Suối nguồn ấy không có gì là bí ẩn. Nói đơn giản chỉ là sự áp dụng thực hành đức tin của chị. Ông rất ngạc nhiên bởi vì ông chưa bao giờ biết có người nào mà đời sống mỗi ngày được đặt trên nền tảng tôn giáo như chị.

Lucy không bao giờ biết đức tin sống động của chị có ảnh hưởng như thế nào, nhưng cô đã làm cho Đức Giêsu hiện diện cụ thể trong bệnh viện này. Chị đem đến đôi bàn tay mà Đức Giêsu cần đến. Đức Giêsu cần những nhân chứng cho người ta như chị Lucy đến nỗi Người có thể trở thành Đấng an ủi như Người muốn làm.

Một quan hệ thật sự với Đức Giêsu sẽ có một ảnh huởng cả khi người có mối quan hệ ấy không đề cập đến Đức Giêsu. Dĩ nhiên, những người tin vào Đức Giêsu và yêu mến Người, cũng sẽ khi thuận lợi nói về Chúa Giêsu một cách rõ ràng cởi mở.