Chúa Nhật XIV thường niên - Năm C |
NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÂN CHÍNH |
Suy niệm của Lm Bùi Quang Tuấn |
“Các ngươi hãy đi! Này Ta sai phái các ngươi như chiên vào giữa sói. Đừng mang ví tiền, bao bị, giày dép; cũng đừng chào hỏi dọc đường. Hễ vào nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này”. (Lc 10,3) Đọc qua đoạn Kinh thánh trên đây không ít người cảm thấy dường như Lời Chúa chẳng dính dấp gì đến cuộc sống của mình. Những lời nhắn nhủ “đừng mang gì đi đường, không mang bánh mang bị, không mang tiền mang dép” có lẽ chỉ dành riêng cho các môn đệ Đức Kitô trước khi họ ra đi rao giảng Tin Mừng. Thế nên có thích hợp hay chăng chỉ là thích hợp cho các nhà thừa sai truyền giáo, chứ như dân thường thì e lệnh truyền trên đây không có một chút ý nghĩa nào! Cũng có người thắc mắc: “Tại sao khi sai các môn đệ đi rao giảng, Chúa Giêsu không nghĩ rằng nếu không được đón tiếp thì họ sẽ lấy của gì để ăn, lấy nhà đâu để ở? Thế nên cần phải có chút ít tiền để phòng thân chứ. Rồi nếu như phải ngủ bờ ngủ bụi, mà có chiếc áo che thân thì tốt biết mấy. Tại sao Đức Giêsu lại bảo đừng mang tiền, mang bị, hay mang bánh, mang áo? Tại sao Chúa không phòng xa để giải quyết những trường hợp bất ngờ?” Nhưng đâu phải Chúa Giêsu không biết nghĩ xa. Ngài dư biết sẽ có thành đón tiếp và cũng có thành chối từ. Chính Ngài đã từng căn dặn thành nào không đón tiếp thì hãy rũ bụi chân lại để tố các chúng đã hẹp lòng và bất cập với Tin Mừng đấy chứ. Chúa Giêsu biết sẽ có những người đóng cửa lòng, không đón nhận các môn đệ của Ngài. Nhưng ý tưởng chính toát lên từ lời căn dặn của Chúa Giêsu chính là sứ mạng rao giảng Tin Mừng Nước Trời – sứ mạng đưa bình an đến cho các xóm làng – là một điều cấp bách. Đây là việc chung mà cộng đoàn các tông đồ phải khẩn trương thi hành chứ không được chậm trễ vì lỉnh kỉnh các vật dụng cá nhân. Nói cách khác, ý của Chúa Giêsu là các môn đệ phải biết đặt sự nghiệp chung, lợi ích của Nước Trời trên bao bị, giầy dép, tiền bạc, áo xống. Việc rao giảng Tin mừng phải là công tác quan trọng, cần thiết và cấp bách hơn tất cả mọi lợi ích riêng tư. Sống trong một tập thể hay cộng đoàn, nếu người ta chỉ biết đòi hỏi được đáp ứng các nhu cầu hay lợi ích cá nhân, tập thể hay cộng đoàn đó sẽ bị tổn thương nếu không muốn nói là có nguy cơ sụp đổ. Người hay đòi hỏi chắc chắn sẽ chẳng bao giờ tìm được niềm vui và hạnh phúc chân thật. Kẻ gặp được niềm vui và hạnh phúc trong một cộng đoàn không phải là người được cộng đoàn dành cho nhiều ưu đãi, lợi lộc, hay địa vị, song là người biết sống dấn thân với cộng đoàn và cho cộng đoàn. Người biết nghĩ đến ích chung, tha thiết với việc công sẽ là người đáng được tôn trọng và dễ dàng hoà hợp với tha nhân. Trái lại kẻ chỉ tìm ích riêng sẽ gây nên tình cảnh “khó sống” cho mọi người chung quanh. Họ không thể là môn đệ đích thật của Đức Kitô. Bởi vì người môn đệ đích thật sẽ không cứ lo tìm kiếm, bao bọc, chở che cho sự sống riêng mình, nhưng là dám đánh mất sự sống mình vì Nước Trời và vì tha nhân. Người ta kể trong thời Chiến Quốc, khi quân nước Tề sang đánh nước Lỗ, lúc đến chỗ biên giới, bỗng thấy một người đàn bà, tay bồng một đứa bé, tay kia đang dắt đứa khác lớn hơn. Thấy quân giặc kéo tới, bà ta vội vàng bỏ đứa đang bồng trên tay xuống và bồng đứa bé kia lên, rồi chạy trốn vào núi. Viên tướng nước Tề thấy lạ bèn cho lính đuổi theo bắt lại và hỏi: “Tại sao bà lại ẳm thằng lớn mà bỏ thằng nhỏ?” Người đàn bà thưa: “Đức nhỏ là con tôi, còn đứa lớn là con anh tôi. Vì quân lính kéo tới nhanh quá, lượng sức không thể bảo toàn được cả hai đứa, cho nên tôi đành phải bỏ con tôi lại.” Tướng nước Tề ngạc nhiên: “Con với mẹ là tình máu mủ ruột thịt rất gần. Nay bỏ con mình thì như cắt ruột mà cứu lấy con anh thì nghĩa là sao?” Người đàn bà trả lời: “Con tôi là tình riêng, con anh tôi là nghĩa công. Con đẻ tuy đau xót thật, nhưng đối với việc nghĩa thì biết tính làm sao. Tôi không thể nào sống mà chịu mang tiếng vô nghĩa giữa làng giữa xóm được. Viên tướng nước Tề vội cho dừng quân lại và sai người về tâu với vua: “Nước Lỗ chưa thể đánh được. Vì quân ta vừa mới đến chỗ biên cương đã thấy con mụ đàn bà nơi xó rừng còn biết đặt tình riêng trên nghĩa công, thì huống chi là những bậc quan lại sĩ phu trong nước. Nên xin vua cho rút quân về.” Vua Tề cho là đúng và đồng ý lui quân. Thế đó, một quốc gia, một cộng đoàn hay một gia đình sẽ rất vững chắc khi có những con người biết nghĩa đến kẻ khác, dám hy sinh quyền lợi riêng tư cho sứ mạnh và sự nghiệp chung. Không một sức mạnh nào của kẻ thù mà lại không chùn bước trước sức mạnh của đoàn kết yêu thương. Hình ảnh của người mẹ bỏ rơi đứa con mang nặng đẻ đau của mình để cứu đứa con của người anh nhắc tôi về hình ảnh của một người Cha “bỏ rơi” người Con yêu dấu của mình để cứu vớt kẻ khác: Hình ảnh của một Thiên Cbúa đã dứt lòng hy sinh mạng Con, đến nỗi người Con đó phải thốt lên trong đau đớn tột cùng: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con,” một tiếng kêu xé lòng Cha. Nhưng chính nhờ sự hy sinh đó mà nhân loại đã được ơn giải thoát. Thiên Chúa đã dâng hiến chính tình yêu giữa Cha và Con vì sự sống và hạnh phúc chung của toàn nhân loại. Thiết tưởng không có một tình yêu hay sự hy sinh nào lớn hơn tình yêu và hy sinh của Thiên Chúa. Và tình yêu mời gọi đáp trả tình yêu. Thiên Chúa gọi mời bạn và tôi đáp trả tình yêu bằng cách sống như Ngài trong sự hiến dâng chính mình cho lợi ích của tha nhân và cộng đoàn. Cách cụ thể, ta hãy cùng tự vấn: “Tôi có vì nghĩa công mà hy sinh ích riêng chưa? Tôi đã làm được gì cho giáo xứ? Tôi sẽ làm những gì cho cộng đoàn? Tôi đã dấn thân cho ích lợi của đất nước và dân tộc chưa? Trả lời bằng những quyết tâm chân thành là ta đang trở nên những người môn đệ chân chính của Đức Kitô rồi đó. |