Chúa Nhật XIV thường niên  - Năm C
RA ĐI RAO GIẢNG TIN MỪNG
Lm Giuse Đinh lập Liễm

A. DẪN NHẬP. 

          Đức Giêsu đã đi rao giảng Tin mừng Nước Trời cho dân chúng để đem lại ơn cứu độ cho họ. Mối ưu tư hàng đầu của Ngài là làm cho mọi ngườiø được nghe biết Tin mừng. Mối ưu tư ấy đã được diễn tả trong lúc thổ lộ tâm tình với các môn đệ :”Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít. Vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt lúa về”(Lc 10,2). 

          Sau khi đã trang bị cho họ  những khả năng tinh thần tuyệt diệu, Đức Giêsu đã sai 72 môn đệ đi loan báo Tin mừng bình an cho mọi người. Ngài ân cần khuyên họ đừng lo tìm an toàn nơi các phương tiện vật chất trần gian. Họ vâng lời ra đi và đã trở về trong hân hoan. Đức Kitô cho họ biết họ hãy vui mừng  vì tên tuổi họ đã được ghi trên Nước Trời. 

          Ngày nay, Đức Giêsu vẫn muốn cho công việc rao giảng Tin mừng ấy phải được tiếp tục trong Hội thánh. Vậy những ai được và phải  loan báo Tin mừng ấy ? Đó là mọi Kitô hữu. Tất cả những ai đã được chịu phép rửa tội đều có sứ mạng nên thánh và truyền giáo (Redmptoris Missio)).  Như vậy, các thợ gặt trong cánh đồng truyền giáo không phải chỉ là các Linh mục và nam nữ tu sĩ mà là mọi người mang danh là Kitô hữu. Chúng ta hãy tham gia vào việc truyền giáo bằng cách sống sâu sắc niềm tin của mình và cố gắng trở nên muối đất và ánh sáng cho trần gian trong mọi môi trường xã hội mình đang sống. 

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA. 

          Bài đọc 1 : Is 66,10-14c. 

          Vua Cyrus nước Ba tư vừa tiêu diệt đế quốc Babylon và ký sắc lệnh cho phép dân Do thái hồi hương. Tuy đã được thoát khỏi ách lưu đầy,  dân Do thái vẫn tỏ ra chán nản vì Giêrusalem vẫn chưa được phục hưng như bao người mong đợi. Tiên tri Isaia yên ủi họ bằng cách nêu lên những niềm hy vọng về một tương lai còn mờ mịt. Sau những cơn đau dữ dội của việc sinh con, người phụ nữ Sion cảm thấy vui mừng thư thái. 

          Đó là hình ảnh dân Do thái, một dân tộc được Chúa săn sóc với một tình yêu của một người mẹ. Chúa sẽ ban phúc lành cho dân, và phúc lành quí giá nhất là bình an. 

          Bài đọc 2 : Gl 6,14-18. 

          Đây là đoạn cuối thư gửi cho tín hữu Galata, thánh Phaolô nói lên trọng tâm của Đạo thánh là mầu nhiệm thập giá của Đức Kitô. Có những người coi thập giá là cớ vấp phạm, có người cho là sự điên rồ, nhưng thánh Phaolô đã khám phá ra giá trị tuyệt với của nó :

          - Thập giá đã mang lại ơn cứu độ cho mọi người và ban cho họ sự sống mới.

          - Thập giá là lẽ sống của thánh Phaolô :”Đối với tôi, không một vinh quang nào khác ngoài vinh quang thập giá Đức Kitô”.

          - Thập giá là nguồn bình an và hạnh phúc của ngài. 

          Bài Tin mừng : Lc 10,1-12.17-20. 

          Bài Tin mừng được chia thành hai phần :

          a) Đức Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin mừng.

          Trong bài Tin mừng, Luca và chỉ có Luca tường thuật việc Đức Giêsu tuyển chọn 72 môn đệ và sai đi trước  “đến các thành và các nơi mà chính Ngài sẽ tới”. Con số 72 được nhắc đến, phải chăng là để ám chỉ 72 nước phát xuất từ miêu duệ ông Noê sau đại hồng thủy, hình ảnh thế giới được kêu gọi đón nhận Tin mừng. Luca nhấn mạnh rằng không riêng gì các Tông đồ, mà tất cả mọi người được Đức Giêsu sai đi rao giảng Tin mừng, vì “Lúa chín  đầy đồng mà thợ gặt thì  ít, các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt đến”(Lc 10,2). 

          b) Khi đi truyền giáo trở vê.

          Sau một thời gian đi truyền giáo trở vê, các môn đệ vui mừng kể lại cho Đức Giêsu nghe về những thành công của mình, nhất là thành công trên ma quỉ. Trong tình thân mật thầy trò, Ngài chia vui với các ông, đồng thời cũng nhắc nhở các ông rằng những thành công ấy đáng ghi nhận ,  nhưng thành công lớn lao là họ được Thiên Chúa coi họ là công dân Nước Trời (“tên các con được ghi trên trời”). 

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

                 Này Thầy sai các con đi

I. CÁNH ĐỒNG TRUYỀN GIÁO HÔM NAY. 

          1. Cánh đồng lúa chín Sichar

          Đức Giêsu đã ra đi rao giảng Tin mừng về Nước Thiên Chúa. Ngài nhận thấy dân chúng muốn được nghe rao giảng Tin mừng. Có những người quên ăn quên ngủ đi theo Chúa để được nghe Ngài giảng, đến nỗi thấy họ đói, Ngài đã làm cho bánh hoá nhiều hai lần để nuôi sống họ. Ngài thấy cánh đồng truyền giáo còn rộng rãi bao la bát ngát trải rộng ra trước mắt Ngài.  Cánh đồng lúa chín là mối ưu tư hàng đầu của Ngài, nên khi đi qua cánh đồng lúa chín Sichar, đúng là tức cảnh sinh tình, Ngài đã bộc lộ tâm tư với các môn đệ :”Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít,  vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt đến gặt lúa của Người”(Lc 10,2). 

          2. Cánh đồng truyền giáo hôm nay

          Chúng ta nhận thấy trên thế giới hôm nay có gần 7 tỷ người, nhưng mới có 1,5 tỷ người biết Chúa. Tại Á châu, trong số 3,5 tỷ người  mới chỉ có 100 triệu tín hữu Công giáo, tính theo tỷ lệ là 2,6%. Như vậy, cứ 100 cánh đồng lúa chín, mới có 2,6 cánh đồng có thợ gặt, còn 97,4 cánh đồng bị bỏ hoang. Chưa kể toàn bộ cánh đồng đã bị bỏ hoang mãi cho đến thế kỷ 16 mới có thợ gặt. Đặc biệt thánh Phanxicô Xaxiê không chỉ là thợ gặt mà là máy gặt. 

          Riêng tại Việt nam chúng ta, dân số hiện nay lên tới 86 triệu, mà số người Công giáo mới tới hơn 6 triệu, tính ra mới được 7%, còn lại 93% kia thì sao ? Cánh đồng truyền giáo của chúng ta vẫn còn trải ra trước mắt. 

          Vì thế, trước tình trạng khẩn cấp ngày nay, Thượng Hội đồng Giám Mục Á châu đã được tổ chức tại Roma, từ ngày19/04 đến 15/05/1998, gồâm có 158 vị đại diện hàng Giám mục Á châu và một số Giám mục đại diện các châu lục khác, cùng với một số chuyên viên, tất cả 230 vị dưới quyền hướng dẫn của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II để bàn về vấn đề truyềân giáo của Á châu ngày nay. 

          3. Đức Giêsu sai các môn đệ đi truyền giáo

          Chỉ có Luca tường thuật việc Đức Giêsu chọn 72 môn đệ và sai đi trước “đến các thành và các nơi mà chính Ngài sẽ tới”. Con số 72 hay 70 (tùy theo thủ bản Hy lạp hay Hy bá) có liên hệ với con số 72 dân tộc làm nên nhân loại theo bản thống kê dân số của Kinh Thánh sau cơn đại hồng thủy (St 10,10). 

          Theo các giáo phụ của Giáo hội Công giáo, số 72 là con số có tính cách biểu tượng của các dân tộc và quốc gia trên thế giới vào thời  Đức Giêsu sinh sống. 

          H. Cousin giải thích thêm : Bảy mươi hai ông thực ra  không phải chỉ là những giao liên tiền trạm, nhưng họ chính là những đại sứ đặc mệnh toàn quyền, giống như nhóm Mười Hai, có quyền lực trên các thần dữ (9,17) và có trách nhiệm công bố Nước Thiên Chúa (10,11). Như thế tác giả muốn xác định rằng không chỉ có Mười Hai ông mới được chính thức được Đức Giêsu bổ nhiệm đi truyền giáo trước lễ Vượt qua. Nhưng khi Đấng Phục Sinh hiện ra, thì cả Nhóm Mười Một với những người đồng hành sẽ là những người được Chúa trao cho sứ mạng truyền giáo

(Fiches dominicales C, tr 239). 

II. TƯ CÁCH CỦA NHÀ TRUYỀN GIÁO

          1. Tinh thần hiệp thông. 

          Đức Giêsu sai “Cứ từøng hai người” đi trước Ngài vì họ phải hoạt động với tư cách chứng nhân. Theo truyền thống Kinh Thánh, người ta không được đặt tin tưởng vào lời xác quyết của một người duy nhất, mà cần phải có lời của hai hoặc ba nhân chứng. 

          H. Cousin quả quyết : “Con số hai không do ngẫu nhiên, bởi vì khi có tranh cãi (Đnl 19,15), câu nói đáng tin  phải dựa trên lời của hai hoặc ba nhân chứng, trường hợp giả dụ được nói đến ở câu 10-11. Trong sách Công vụ Tông đồ, Luca sẽ minh hoạ  công việc truyền giáo của “từng cặp”, như Phaolô và Barnabê (13,2-4), Barnabê và Marcô, Phaolô và Sila (15,39-40).   

(Fiches dominicales C, tr 240). 

          2. Tinh thần chịu đựng. 

Đức Giêsu nhắên nhủ các môn đệ :”Thầy sai các con đi như chiên con đi giữa bầy sói” (Lc 10,3). Các con hãy ra đi ! Đây là một lệnh truyền. Ngài không che giấùu sự khó khăn trong việc truyền giáo. Sự khó khăn này do kẻ thù của Nước Trời gây ra. Các ông sẽ bị bắt bớ bởi đó là số phận của những kẻ được gọi để rao giảng Nước Trời. Đứng trước những khó khăn, các môn đệ như con chiên giữa sói rừng. Con chiên thì hiền lành. Vì thế các môn đệ phải có lòng khoan dung, nhân hậu và yêu thương thù địch, chứ không thù oán như thái độ của Giacôbê và Gioan đối với người Samaria (Lc 9,54). 

3. Tinh thần siêu thoát

          “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép...”.  Đức Giêsu đòi các môn đệ phải có tinh thần siêu thoát đối với của cải vật chất. Nói rõ ra, Ngài đòi các môn đệ phải sống khó nghèo thực sự, vì khó nghèo là điều kiện để được vào Nước Trời (Lc 6,20). Không nên ỷ vào các phương tiện của con người. Đức Giêsu đã không sử dụng võ khí của quyền lực, của giầu sang, lộng lẫy, huy hoàng... Do đó, yêu sách đầu tiên của Giáo hội là theo gương của Thầy mình  là trở nên khó nghèo. 

          4.  Tinh thần nhanh nhẹ. 

          “Đừng chào hỏi ai dọc đường”.

          Đây không phải là một lệnh về sự vô lễ, nhưng là một sứ  mệnh khẩn cấp không được trì hoãn. Giống như xưa kia người đầy tớ của tiên tri Êlisê trong sách các Vua (2V 4,29), các sứ giả được lệnh lên đường đừng mất nhiều thì giờ trong việc chào hỏi dài dòng  của người phương Đông. 

          Lời khuyên nhủ này có ý nhắc nhở các môn đệ hãy tránh xa những chuyện vô ích thường thấy trong xã hội Cận đông thời Đức Giêsu. Người môn đệ đi truyền giáo đừng chia trí nhưng dồn nỗ lực vào việc rao giảng Nước Trời là điều cấp bách. 

          5. Tinh thần kiên nhẫn. 

          “Vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón”.

          Đức Giêsu đã có kinh nghiệm về vấn đề này. Ngài đã phải đối diện với những thất bại, những sự khước từ, chống đối, không tin. Do đó, Ngài muốn truyền cho các môn đệ kinh nghiệm đó để các ông đừng ngạc nhiên, đừng thất vọng. Nhưng các ông hãy tin chắc rằng, dù các ông có muốn hay không, một ngày kia, Thiên Chúa sẽ hiển trị, Nước Thiên Chúa sẽ phổ biến khắêp nơi. 

          Tuy nhiên, về phía các ông, trong thời gian rao giảng Tin mừng, các ông sẽ gặp phải sự chống đối và khước từ. Các ông hãy nhẫn nhục chịu đựng, đừng nổi nóng lên như trường hợp ông Giacôbê và Gioan  muốn xin lửa trên trời  xuống đốt cháy dân làng Samaria đã dám từ chối không tiếp nhận Đức Giêsu và các ông. Sau cùng,  những thất bại cấp thời của các ông vẫn góp phần vào việc làm thành một thành công lớn : Nước Chúa sẽ hiển trị. Đừng sợ thất bại vì ngạn ngữ Pháp có nói :”Thất bại là mẹ thành công”. 

III. ƠN GỌI RA ĐI TRUYỀN GIÁO. 

          1. Sứ mạng truyền giáo của mọi người. 

          Khi xuống thế làm người, một phần nào đó, Đức Giêsu bị hạn chế trong không gian và thời gian, nhưng quyền năng của một Ngôi Vị Thiên Chúa nơi Ngài đâu có bị giảm sút. Thế mà, thay vì sống trăm tuổi hay trường thọ hơn nữa để có đủ thời giờ rao giảng Tin mừng cứu độ muôn dân thì Ngài lại chỉ sống có 33 năm và dành vỏn vẹn có 3 năm để đi giảng đạo. Thêm vào đó, Ngài còn nhờ đến mấy ông quê mùa, dốt nát phụ giúp công việc truyền đạo khi chọn 12 Tông đồ và 72 môn đệ. Kết quả là sau 20 thế kỷ, nhân loại nay đã gần 7 tỷ người  mà chỉ có một tỷ rưỡi Kitô hữu. Tại sao Chúa không dùng quyền phép bắt nhân loại theo đạo cả mà phải nhờ đến con người phụ giúp và còn dạy phải xin Chúa Cha sai thêm thợ gặt truyền giáo ? 

          Lý do là vì Chúa muốn mọi tín hữu phải thâm tín rằng việc rao giảng tin mừng, mở rộng Nước Chúa là công việc của con người, chứ không phải để mặc Chúa lo toan, định liệu cả. Vì thế, Khi Đức Giêsu bảo chúng ta xin Chúa Cha sai thêm thợ gặt, điều đó chứng tỏ Chúa muốn trao cho chúng ta trách nhiệm là phải lo lấy phần rỗi của mình và của anh em nữa. 

          Ngay khi lãnh Bí tích Rửa tội, người Kitô hữu đã được Chúa Cứu Thế kêu mời tham gia vào sứ mạng truyền giáo.  Trong hiến chế tín lý Lumen gentium, công đồng VaticanII nhấn mạnh rằng ơn gọi nên thánh phổ quát bao gồm trong lời mời gọi mọi người tiến đến sự trọn hảo của lòng bác ái. Sự nên thánh và sứ mạng truyền giáo là những khía cạnh bất khả phân ly của ơn gọi dành cho mọi người đã chịu phép rửa tội. Cam kết trở nên thánh thiện hơn được liên kết chặt chẽ  với sứ mạng truyền bá thông điệp cứu độ. 

          Trong thông điệp Redemptoris Missio của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô 2, đoạn 9, có nhắc lại rằng :”Mọi tín hữu được mời gọi đến với sự thánh thiện và sứ mạng truyền giáo”. 

          2. Việc Tông đồ giáo dân. 

          Bảy mươi hai môn đệ còn là hình bóng của mọi tín hữu được kêu mời tham gia vào việc tông đồ của hàng Giáo phẩm. Đức Giêsu đã nói :”Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít”. Vậy thợ gặt là ai ? Trước đây người ta thường dành danh xưng “thợ gặt” cho các Linh mục. các tu sĩ nam nữ, các nhà truyền giáo. Đây là một nhầm lẫn. Không ai có thể trở thành Kitô hữu mà lại không cảm nghiệm nơi  mình nỗi lo âu của Đức Giêsu trước cánh đồng lúa chín mênh mông. Những tác vụ đa dạng  sẽ làm nảy sinh  những hình thức hoạt động khác nhau nơi mỗi người, nhưng ai nấy theo cách của mình, đều được gọi và làm việc ở đồng lúa chín (L. Sintas). 

          Thánh Luca cho biết  các cộng đoàn Kitô hữu được khai sinh ở giữa các đô thị và vùng đất của dân ngoại. Một số các nhà thờ địa phương ấy được khai sinh không phải do hoạt động của các tông đồ được chính thức ủy nhiệm, nhưng do hoạt động tông đồ của giáo dân, của các ông, các bà phải di chuyển vì nghề nghiệp và họ đã loan báo Đức Giêsu (Rm 16). 

          Giáo hội được xây dựng trên nền tảng Tông đồø thì đồng thời cũng dựa trên sức mạnh của từng viên gạch nối kết đó đây xuất hiện những Giáo hội địa phương giữa vùng đất “ngoại” do những người đàn ông đàn bà giáo dân gầy dựng. Giáo hội Triều tiên chẳng hạn đã được khai lập đầu tiên không phải do các Linh mục thừa sai mà do chính giáo dân bản xứ, như ngày xưa, tiếng gọi của một người Macédonia :”Hãy vượt biển, đến cùng chúng tôi”(Cv 16,9) đã hấp dẫn Phaolô và là nguyên do của giáo đoàn. 

Truyện : Đôi tay của Chúa. 

          Vào cuối thế chiến thứ hai, để thu phục thiện cảm và tin tưởng của người dân trong làng vừa mới đuợc giải phóng khỏi tay quân Đức Quốc xã, toán lính thuộc lực lượng đồng minh cố gắng lượm lại từng mảnh vỡ của bức tượng Chúa Giêsu đã được dựng lên ở quảng trường trước ngôi nhà thờ nhỏ, trung tâm sinh hoạt của làng quê miền cực nam nước Italia. 

          Sau nhiều ngày cố gắng, toán lính đã gắn lại được gần như toàn bức tượng của Chúa. Nhưng chỉ có đôi tay bức tượng là không thể nào hàn gắn lại được. Vì các mảnh vụn  lớp thì bị bể quá nhỏ, lớp thì đã bị nát thành như bụi. 

          Sau nhiều giờ bàn luận và gần như sắp quyết định bỏ dở công việc, thì một người trong toán lính có sáng kiến tìm lấy hai khúc gỗ gắn vào nơi hai cánh tay bị bể nát của bức tượng, rồi viết vào đó một hàng chữ bất hủ, không những đánh động được tâm hồn  những người dân trong làng, mà còn thu hút được nhiều khách du lịch đến vùng này để đọc tận mắt hàng chữ đầy ý nghĩa. Các bạn có thể đoán được hàng chữ này không ? Đó là :

             “CHÍNH BẠN LÀ ĐÔI TAY CỦA CHÚA”. 

          3. Truyền giáo bằng sống niềm tin. 

          Trong bí tích Rửa tội, Linh mục hỏi người chịu phép rửa :

          - Hôm nay con xin gì cùng Hội thánh ?

          Người chịu phép thưa :

          - Thưa, con xin đức tin.

          Linh mục hỏi tiếp :

          - Đức tin sinh ơn ích gì cho con ?

          Người chịu phép thưa :

          - Thưa, đức tin đem lại cho con sự sống đời đời. 

          Như vậy, Thiên Chúa đã ban đức tin cho người chịu phép rửa tội, và một khi đã là một Kitô hữu thì phải có đức tin. Một Kitô chỉ có đức tin thôi chưa đủ, còn phải sống đức tin nữa, nghĩa là phải thể hiện đức tin ấy trong cuộc sống hằng ngày. Chính vì thế, thánh Giacôbê đã quả quyết :”Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. 

          Có người cho rằng sống đức tin Kitô giáo là biết “sống tử tế” với mọi người. Sống tử tế là sống thế nào cho xứng với danh hiệu là “Kitô hữu”, người được mang tên Chúa, được thuộc về Chúa.  Một trong những cuốn phim gây nhiều chú ý nhất ở ngoại quốc trong thập niên 80 là phim “Truyện tử tế” của đạo diễn Trần văn Thủy. Cuốn phim này được hãng truyền hình Pháp S.R.K mua và được trình chiếu trong chương trình có tên “Đại dương”. Khi một ký giả ngoại quốc hỏi :”Những người Kitô Việt nam có thể làm gì  để giúp dân tộc họ sống tử tế”? Nhà đạo diễn đã trả lời :”Điều người ta mong đợi ở các người Kitô hữu Việt nam  là niềm tin của họ và họ phải sống điều họ tin. 

          Lời phát biểu của nhà đạo diễn trên đây đáng để chúng ta suy nghĩ. Sống trong một dân tộc  còn nhiều người chưa biết Chúa. Sống trong một đất nước còn nhiều khó khăn. Sống trong một xã hội còn nhiều giả dối, gian manh, lừa đảo, tiêu cực, thì đối với người Kitô, tin và sống niềm tin của mình  là phải sống, phải tin thật tử tế, tức là tin và sống tình nhân loại, sống quảng đại, tóm lại là sống tình người với nhau. Tin và sống như thế không phải chỉ là cách sống dành cho các nữ tu, các linh mục mà cũng chính là sứ mạng và ơn gọi của mỗi Kitô hữu chúng ta (Phạm văn Phượng, Chia sẻ Tin mừng, năm C, tr 161). 

Truyện : Đức tin sống động 

          Felix Frankfurter là một quan toà nổi tiếng của toà án tối cao của Hoa kỳ. Một lần kia ông được đưa vào bệnh viện, ở đó ông quen biết một y tá có tên là Lucy. Họ có những lúc ngồi nói chuyện thân mật và ông biết nhiều điều về Lucy. 

          Trước đó, chưa bao giờ ông gặp được người nào có lòng quảng đại và nhân hậu như chị. Và ông bắt đầu tự hỏi và suy nghĩ, cố gắng phám phá suối nguồn của thái độ của chị. Điều ông khám phá như sau : Suối nguồn ấy không có gì là bí ẩn. Nó đơn giản , chỉ là sự áp dụng thực hành đức tin của chị.

          Lucy không bao giờ biết đức tin sống động của chị  có ảnh hưởng như thế nào, nhưng chịâ đã làm cho Đức Giêsu hiện diện cụ thể trong bệnh viện này. Chị đem đến đôi bàn tay mà Đức Giêsu cần đến. Đức Giêsu cần những nhân chứng cho người ta như chị Lucy đến nỗi Người có thể trở thành Đấng an ủi như Người muốn làm. 

          Một quan hệ thật sự với Đức Giêsu sẽ có một ảnh hưởng cả khi người có mối quan hệ ấy không đề cập đến Đức Giêsu. Dĩ nhiên, những người tin vào Đức Giêsu và yêu mến Người, cũng sẽ, khi thuận lợi, nói về Đức Giêsu một cách rõ ràng cởi mở (McCarthy). 

          4. Truyền giáo bằng đèøn sáng và muối đất. 

          Đức Giêsu đã gọi các môn đệ của Ngài là muối cho đời và ánh sáng cho thế gian (Mt13-14). Muối, ánh sáng và thành xây trên núi là những hình ảnh nói lên vai trò chứng tá của môn đệ Chúa trên trần gian. 

          Muối thì thấp hèn, âm thầm và khiêm tốn, nhưng muối có hai công dụng chính : ướp cho khỏi hư và làm gia vị. Người môn đệ phải giữ cho xã hội khỏi suy thoái, đồng thời giúp cho sự thăng tiến của xã hội. Người Kitô hữu mang danh nghĩa là con cái Thiên Chúa, phải hết sức bảo vệ và phát triển danh nghĩa ấy trong môi trường thế gian, nếu không làm như vậy, thì người Kitô hữu đã bị biến chất và trở nên vô dụng, vô tích sự.

          Còn ánh sáng thì rực rỡ, huy hoàng. Ánh sáng soi cho người ta thấy rõ đường đi, nhận rõ các đồ vật. Người Kitô hữu là con cái sự sáng, phải dùng đời sống gương mẫu và chứng tá của mình để soi dẫn cho những người chung quanh biết đường về cùng Thiên Chúa. Việc tỏa sáng bằng đời sống gương sáng và chứng tích để lôi cuốn, phải được coi là bổn phận của người Kitô hữu vì “đèn thắp lên là để soi sáng cho mọi người trong nhà”. 

          Là muối, là ánh sáng thế gian, hơn ai hết, Kitô hữu chúng ta  cần phải thắp sáng lên niềm hy vọng bằng cuộc sống toả lan tình nghười. Dù chỉ là ngọn đèn mù mờ giữa biển khơi, chứng từ của một Kitô hữu vẫn luôn cần thiết cho cuộc sống. 

Truyện : Ảnh hưởng của chứng từ. 

          Ông Pi-tơ Bơ-rốt là một người ngoài công giáo, ông hằng ước ao chứng kiến đời sống thánh thiện của Giám mục Fénelon. Ngày kia ông đã liên lạc với vị Giám mục thời danh  xin ngài cho ông tới thăm một thời gian.

          Vị Giám mục đã niềm nở tiếp đón khách và đối xử ân cần đến nỗi Pi-tơ Bơ-rốt còn thấy thoải mái hơn cả ở nhà mình. Tuy nhiên chỉ lưu lại được vài ngày ông đã thu dọn hành lý, chào vị Giám mục và ra đi trước thời hạn dự định.

          Khi được hỏi tại sao  ông lại vội vàng bỏ đi như vậy, ông Pi-tơ Bơ-rốt đã thú nhận :”Tôi không thể ở lại lâu hơn. Vì nếu còn ở lại sớm muộn tôi cũng sẽ theo đạo Công giáo mất, một điều mà hiện tại bản thân tôi chưa muốn”.