Chúa Nhật XIII thường niên - Năm C |
DẤN THÂN THEO ĐỨC KITÔ |
Lm Giuse Đinh lập Liễm |
A. DẪN NHẬP.
Mọi người đều có ơn gọi đi
theo Chúa. Ngày xưa, Thiên Chúa trực tiếp kêu gọi một số người như
Maisen, Êlia, các tổ phụ, các tiên tri, các Tông đồ, nhưng thường Ngài
gọi qua trung gian như trường hợp Êlisê trong bài đọc 1 hôm nay. Êlia đã
truyền nghiệp tiên tri cho Êlisê bằng việc quăng áo choàng của mình cho
ông và ông này đã từ bỏ mọi sự mà theo Êlia. Ngày nay Chúa vẫn còn tiếp
tục kêu gọi chúng ta theo Chúa bằng ơn thánh, bằng những biến cố bên
ngoài hoặc bằng những người khác hướng dẫn, và sự đáp trả tùy thuộc ở sự
tự do của mỗi người.
Bài Tin mừng hôm nay thuật lại
việc ba người thanh niên được kêu gọi đi theo Đức Giêsu để làm môn đệ.
Tuy là ba trường hợp khác nhau, nhưng điều kiện Đức Giêsu đưa ra đều
giống nhau là phải từ bỏ mọi sự, dứt khoát, quên đi quá khứ, và còn phải
chấp nhận một cuộc sống bấp bênh về vật chất. Trước những điều kiện khắt
khe này, không biết ba người đó có quảng đại chấp nhận để theo Chúa
không vì Tin mừng không nói rõ.
Chúng ta đã được chịu phép rửa
tội, đương nhiên chúng ta trở thành “Kitô hữu”, là “Alter
Christus” (Chúa Kitô khác), và một khi đã là Kitô hữu thì đương
nhiên chúng ta đi theo Chúa, trở thành môn đệ của Ngài. Do đó, bổn phận
của Kitô hữu là phải sống đời chứng nhân, phải trở nên đồng hình đồng
dạng với Chúa Kitô để có thể nói như thánh Phaolô:”Tôi sống nhưng
không phải là tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi”.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài đọc 1
: 1V 19,16b.19-21.
Thiên Chúa kêu gọi người ta không theo
bất cứ tiêu chuẩn nhân loại nào cả. Ngài hoàn toàn tự do kêu gọi. Phần
con người, khi đã nhận ra được Thiên Chúa gọi thì phải mau mắn đáp trả.
Thiên Chúa phán bảo Êlia hãy chọn Êlisê
làm tiên tri thay cho mình. Êlia đã đi tìm và gặp Êâlisê đang cầy ruộng.
Thay vì đặt tay trên Êlisê, tiên tri Êlia quăng áo khoác của mình cho đệ
tử, để truyền thừa cho Êlisê ân sủng kế nghiệp làm tiên tri. Sau khi từ
giã cha mẹ, Êlisê lấy chiếc cầy làm củi đốt lên quay cặp bò làm thịt cho
dân chúng ăn, rồi đi theo tiên tri Êlia với sự tự nguyện và đại độ hy
sinh tất cả để nghe theo tiếng gọi của Chúa.
+
Bài đọc 2 : Gl 5,13-18.
Thánh Phaolô cho tín hữu Galata biết
rằng nhờ phép rửa tội họ đã thoát khỏi sự ràng buộc của luật đạo cũ để
trở nên con người tự do. Cuộc sống con người tự do là sống theo sự hướng
dẫn của Thánh Thần chứ không theo sự xúi dục của xác thịt.
Chúng ta là những con người tự do, chỉ
tuân thủ một lề luật duy nhất là : yêu mến Chúa và yêu thương anh em
như chính mình. Điều này là cốt lõi của đạo mới.
+ Bài Tin mừng
: Lc 9,51-62.
Bài Tin mừng chia làm hai phần :
a) Chuyện dân làng Samaria không đón
tiếp Đức Giêsu.
Muốn cho gần, Đức Giêsu muốn
đến Giêrusalem, phải đi qua vùng
Samaria. Vì sự nghi kỵ và thù hằn giữa người Do thái và Samaria, dân
làng không đón tiếp mà còn gây phiền nhiễu. Trước sự kiện này, hai ông
Giacôbê và Gioan nổi nóng muốn lửa trên trời đốt cháy dân làng này,
nhưng Đức Giêsu khuyên các ông hãy nhường nhịn và khoan dung.
b) Chuyện ba người muốn làm môn đệ Đức
Giêsu.
Điều quan trọng trong những câu chuyện
này không phải là những nhân vật, mà là giáo huấn của Đức Giêsu và những
điều kiện để làm môn đệ Ngài. Ngài đưa ra những yêu cầu khẩn thiết là
phải từ bỏ nếp sống an toàn, phải coi việc Nước Chúa quan trọng hơn hết
và phải quyết tâm tiến tới, đừng ngoái cổ về dĩ vãng.
C. THỰC HÀNH LỜI
CHÚA.
Dứt khoát đi theo chúa.
Trong bài Tin mừng hôm nay chúng ta thấy
ghi lại hai sự kiện tuy khác nhau nhưng cùng một ý nghĩa, nói lên tinh
thần môn đệ của Đức Giêsu phải có .
Đối với việc dân làng Samaria không đón
tiếp Chúa, còn gây khó khăn cho cuộc hành trình của Ngài, Đức Giêsu dạy
các môn đệ phải có tình thần nhường nhịn và khoan dung bởi vì :”Con
Người đến không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta”. Còn đối
với những người đi theo Chúa, Ngài muốn nêu lên những đức tính mà những
người theo Ngài phải có, cũng như những đòi hỏi của sứ vụ tông đồ.
I. CÂU CHUYỆN
DÂN LÀNG SAMARIA VỚI ĐỨC GIÊSU.
1. Giữa người Do thái
và Samaria có một sự xung khắc về quốc gia và tôn giáo. Người Samaria bị
những người Do thái giáo coi như những kẻ ly giáo, từ khi họ đã xây dựng
một ngôi đền thờ trên đỉnh núi Garizim để cạnh tranh với đền thờ
Giêrusalem. Phải tránh tiếp xúc với những kẻ “lầm lạc” ấy (Ga 4,9-20).
Bị những người Do thái khinh bỉ, họ trả đũa lại bằng cách gây ra mọi
phiền nhiễu cho các đoàn hành hương mượn con đường ngắn nhất để đi từ
Galilêa về Giêrusalem.
Vì hoài nghi tâm địa người trong thôn
xã, Đức Giêsu sai một số môn đệ không phải là tông đồ (Lc 6,13; 10,1)
vào thương lượng trước với người trong làng. . Người Samaria sẵn có ác
cảm từ lâu đời đối với người Do thái, nhất là trong các dịp đại lễ,
tinh thần ác cảm đó còn gợi lại mạnh mẽ thêâm vì người Do thái thường
chỉ trích người Samaria về việc thờ Chúa ở trên núi Garizim, hai nơi vẫn
còn tranh chấp về việc thờ tự Thiên Chúa. Vì thế, khi nghe phái đoàn đi
Giêrusalem, người trong làng từ chối không chấp nhận.
Trước thái độ từ chối của dân làng
Samaria, hai ông Giacôbê và Gioan, với biệt hiệu là “Con trai Thiên
Lôi”: muốn xin lửa từ trời xuống thiêu đốt những kẻ nghịch này. Hai ông
có thái độ như thế vì nhớ lại trường hợp tiên tri Êlia đã làm xưa (2V
1,10) và nghĩ rằng dân làng Samaria làm như thế là đã làm nhục cho
Chúa. Đây là thái độ còn nhiều tinh thần Cựu ước, tinh thần báo thù.
2. Ở đây Đức Giêsu muốn cho các môn đệ
một hình ảnh đích thực về Thiên Chúa, Ngài vốn là Đấng toàn năng nhưng
không can thiệp như một ông vua chuyên chế bắt các bề tôi và kẻ thù phải
qùi mọp dưới chân, nhưng Ngài chờ đợi họ hoán cải như người cha, người
mẹ đối với con cái :”Con Người đến không phải để giết, nhưng để cứu
chữa”.
Các môn đệ được hiểu rằng việc báo thù
là việc của tà thần chứ không phải là việc của Thiên Chúa. Thiên Chúa
không phải là Thiên Chúa báo oán, mà là Thiên Chúa tình thương. Đức
Giêsu muốn dạy cho các ông con đường đi theo Chúa không luôn thẳng tắp,
không gặp trắc trở. Vậy những ai muốn theo Chúa phải nhẫn nại hiền lành
để đối xử lại, để chinh phục lại các linh hồn. Thánh Phanxicô Salêsiô
nói :”Một thìa mật lôi kéo nhiều ruồi hơn một thùng giấm”. II. CÂU CHUYỆN BA NGƯỜI MUỐN LÀM MÔN ĐỆ ĐỨC GIÊSU.
Bị người Samaria từ chối thẳng thừng,
Đức Giêsu không để ý đến việc đó, Ngài bảo các môn đệ đi sang làng khác
để đi tới Giêrusalem. Trên đường tiến về Giêrusalem, Luca ghi lại có ba
trường hợp về ơn gọi theo Chúa. Ba trường hợp khác nhau nhưng tất cả đều
nói lên những đòi hỏi dứt khoát đối với những người muốn làm môn đệ
Chúa.
1. Trường hợp thứ nhất.
Một người tự nguyện đến xin theo Đức
Giêsu, Ngài bảo anh ta :”Con cáo cóù hang, chim trời có tổ, Con Người
không có nơi tựa đầu”.
Người thứ nhất, theo Tin mừng Matthêu,
là một luật sĩ, tự thân hành đến theo Ngài. Thấy người ta tấp nập đi
theo Chúa, anh cũng hớn hở đi theo, phải chăng anh ta “Thấy người
ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”(tục ngữ) ? Anh ta sẵn sàng
đi theo Ngài khắp nơi, phải chăng vì anh ta thấy nơi Ngài có thể thoả
mãn được những tham vọng của anh như giầu có, địa vị, quyền thế... Nhưng
Đức Giêsu đã trả lời rằng Ngài nghèo lắm, không có nhà cửa, chỉ sống nay
đây mai đó, không có gì bảo đảm cho cuộc sống, đến nỗi còn thua con chồn
có hang, chim trời có tổ. Ngài nghèo đến nỗi không có nơi tựa đầu, tức
là không có một cái nhà để ở.
Ngài cho biết là Ngài nghèo như thế đó,
anh ta có thể theo được không ? Ngài muốn đòi hỏi phải từ bỏ mọi an
toàn, nhất là vật chất. Tin mừng không cho biết anh ta có chấp nhận điều
kiện Ngài đưa ra không, tức là anh ta có đi theo Ngài không ?
2. Trường hợp thứ hai.
Đức Giêsu kêu gọi một kẻ theo Ngài. Anh
ta xin khất trở về chôn cất cha già mới chết đã. Ngài bảo :”Hãy để kẻ
chết chôn kẻ chết, phần anh hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa”(Lc
9,59-60).
Anh chàng này không tự ý đến xin theo
Đức Giêsu, nhưng chính Ngài kêu gọi anh ta. Anh ta sẽ đi theo Ngài nhưng
chỉ xin về chôn cất cha già mới chết đã rồi sẽ đi theo. Nhưng Đức Giêsu
không chấp nhận. Phải chăng Ngài không chấp nhận vì kế hoãn binh của
anh ta ? Nói rằng “về chôn cất cha già” không nhất thiết là cha già vừa
mới chết, vì tại Palestine, việc chôn cất một người chết phải được thực
hiện ngay trong ngày, nên khó mà nghĩ rằng Đức Giêsu đã không đồng ý cho
anh ta lưu lại vài giờ trong trường hợp ấy. Nhưng ở đây anh ta có ý
thoái thác, muốn đợi cho cha mình chết rồi mới có thể theo Đức Giêsu.
Đó là cách trì hoãn mà Ngài từ chối.
Thực ra, Đức Giêsu không bãi bỏ giới răn
thứ tư, nhưng Ngài dạy rằng có những lúc phải đặt việc phụng sự Chúa
trước và trên hết (Lc 14,26). Trong trường hợp phải lựa chọn, thì những
đòi hỏi của Nước Trời phải chiếm phần ưu tiên trên tất cả. Như vậy,
trong trường hợp thứ hai này, Đức Giêsu muốn đòi hỏi phải coi tất cả là
phụ thuộc trước bổn phận cấp bách rao giảng Tin mừng.
Chúng ta có những gương : Thánh Neron,
tử đạo tại Sơn tây Việt nam, trên đường xuống hải cảng Marseille để đi
truyền giáo, đã cố tình tránh cha mẹ bà con ra tiễn tại sân ga. Nữ thánh
Chantal nước mắt tràn trụa bước qua các con nằm chận cửa, không cho mẹ
đi lập dòng Thăm Viếng.
3. Trường hợp thứ ba.
Trong trường hợp này, cũng có một anh
chàng đến xin theo Đức Giêsu, giống như trường hợp người thứ nhất. Điều
kiện tiên quyết mà anh ta đặt ra gần giống điều kiện của Êlisê (bài đọc
1), tức là xin về từ giã gia đình trước đã. Đức Giêsu trả lời :”Ai
đã tra tay cầm cầy mà còn ngoái lại đàng sau thì không thích hợp với
Nước Thiên Chúa”(Lc 9,60-61).
Tin mừng diễn tả thái độ dứt khoát từ bỏ
của ông Phêrô và Anrê:”Lập tức, hai ông bỏ chài lưới mà đi theo
Ngài”(Mt 4,20), của Giacôbê và Gioan :”Lập tức, các ông bỏ
thuyền, bỏ cha mẹ mà theo Ngài”(Mt 4,22).
Đối với anh chàng này xem ra anh ta còn
lưỡng lự, nhập nhằng nửa muốn theo, nửa còn quyến luyến thế gian. Nên
Đức Giêsu nói rõ:”Ai đã trao tay vào cầy mà còn ngoái lại sau lưng
thì không xứng đáng Nước Thiên Chúa”. Kinh nghiệm cho hay để rạch
một đường cầy cho đúng thì không được quay mặt lui. Ở đây muốn nói :
Theo Đức Giêsu thì phải dứt khoát với quá khứ, không những phải cắt đứt
những ràng buộc cũ với gia đình mà còn phải từ bỏ nỗi lo lắng giữ lại
tất cả gia sản, những giá trị và kinh nghiệm luân lý mà quá khứ đã cho
ta đạt được. Để trở nên thích hợp với Nước Trời, phải từ bỏ tất cả quá
khứ (1Pr 5,8-9).
Thế mà vẫn có một số người luôn để lại
con tim ở một nơi nào, cho một ai đó trong quá khứ như bài hát :”Để
quên con tim” của Đức Huy :”Ngày rời Paris anh đã để quên con
tim” hay đi tìm hạnh phúc ở sự nuối tiếc những ngày tháng huy hoàng
đã qua.
Và trong cuộc sống mới phải có một con
tim không chia sẻ, phải bước đi mắt nhìn thẳng về phía đàng trước (1Pr
3, 43) nghĩa là nhìn vào Đấng đi trước là Đức Giêsu Kitô (Dt 12,1-2).
Trường hợp thứ ba này, Đức Giêsu muốn đòi hỏi phải quay lưng lại quá
khứ và nhìn về phía đàng trước . Thánh Phaolô đã thực hiện Lời Chúa :”Quên
phía sau mà lao mình tới trước, tôi nhắm đích chạy đến giải thưởng của
ơn kêu gọi Chúa ban”(Phil 3,13-14).
Truyện
: Ta đã ném vào chỗ đó.
Một linh sư Ấn độ đang ngồi tịnh niệm
bên bờ sông. Có một người đàn ông nọ muốn xin làm đệ tử, rón rén đến bên
vị linh sư và đặt dưới chân vị tu hành hai viên ngọc qúi như của lễ ra
mắt. Vị linh sư cầm lấy một viên và ném xuống sông. Tiếc của, người đàn
ông giầu có liền nhảy xuống sông để cố tìm lại viên ngọc. Nhưng mất một
ngày mà không tài nào tìm lại được. Chiều đến, người đàn ông đến xin vị
linh sư chỉ rõ nơi ông đã ném viên ngọc quí. Vị linh sư cầm viên ngọc
còn lại ném xuống sông và nói :”Ta đã ném vào chỗ đó. Ngươi hãy lặn
xuống mà tìm”.
III. CÂU CHUYỆN ĐỜI KITÔ HỮU.
1. Câu chuyện lựa
chọn trong đời.
Đời là một chuỗi những lựa chọn, lựa
chọn cho mình và cho người khác. Lựa chọn cho mình là quan trọng nhất vì
mình phải nhận lấy cái hậu quả của sự lựa chọn ấy. Vì thế, người ta thấy
thao thức băn khoăn đứng trước một sự lựa chọn quan trọng . Lựa chọn đòi
sự dấn thân.
Ngày nay người ta nói nhiều
đến dấn thân. Dấn thân, nhập cuộc là thân phận của con
người. Sống là lựa chọn. Mà lựa chọn là liều lĩnh, vì không bao giờ ta
nắm được một cách rành rọt như 2 với 2 là 4 tất cả những lý do chọn lựa
và những điều tương lai có thể dành cho sự lựa chọn của ta. Nhưng không
phải vì thế mà chúng ta không dám liều mình. Khi đã dùng trí khôn suy
nghĩ, cân nhắc theo như ta có thể rồi, ta có quyền bước lên.
Có những định hướng lựa chọn
cho cả cuộc đời. Sự liều lĩnh lại còn lớn hơn. Chọn một nghề nghiệp
nhiều khi cũng quan trọng vô cùng, nhưng thường người ta có thể thay
người mà không ảnh hưởng sâu xa đến đời sống. Còn chọn một người bạn
trăm năm, hay chọn con đường tu trì gần như là chọn chính đời sống của
mình. Đó là những chọn lựa căn bản, sẽ chi phối những chọn lựa riêng rẽ
khác về sau. (Nguyễn hồng Giáo, báo Nhà Chúa, 1971).
Ai mà không lo lắng trước khi
kết hôn vì đây là khúc quặt của đời sống, nó chi phối cả cuộc đời của
mình, may rủi ai mà biết ? Một cô gái trước khi lấy chồng đã nói lên nỗi
băn khoăn lo lắng của mình trước một tương lai còn mở rộng ra trước mắt
:
Theo anh
em cũng muốn theo
Em sợ
anh nghèo, anh bán em đi.
Người muốn chọn bậc tu trì
cũng không khỏi băn khoăn thao thức trước quyết định của mình. Sống độc
thân hay lập gia đình ? Nếu sống độc thân thì sống ở ngoài đời hay trong
bậc tu trì ? Nỗi băn khoăn đó đã được Thanh Tâm diễn tả trong Lời
nguyện biện phân của mình :
... Con yêu biết bao khung
cảnh yên tịnh và bầu khí thánh thiện của các tu viện, nhiều lúc con xúc
động mãnh liệt khi tham dự các lễ khấn trong Dòng, khi thấy các soeurs,
các thầy sống vui tươi với đời tận hiến. Con bắt đầu hiểu đúng hơn về từ
LỰA CHỌN. Không phải là chọn lựa giữa cái xấu và cái tốt nhưng là lựa
chọn giữa hai điều cùng tốt như nhau đối với mình, chọn một, bỏ một và
có khi bỏ với một sự tiếc nuối. Con nghĩ về mối tình của mình và cuộc
sống dấn thân đang mời gọi. Bên nào cũng đẹp, song thật tình mà nói con
vẫn muốn có cả hai. Dao động, băn khoăn, thao thức...
Có lẽ Chúa đã chuẩn bị cho
con tất cả những gì cần thiết để đến một lúc, con biết bình tĩnh và nhẹ
nhàng chia tay với người yêu. Không phải là con đã lựa chọn nhưng đã có
những trắc trở nào đó can thiệp và con hiểu rằng không thể làm khác
được. Song con hiểu rằng, Chúa đã chuẩn bị từng bước cho con để con có
thể đứng vững trước sự mất mát của mình. Chúa biết rõ sự yếu đuối của
con và Chúa đã tiếp sức cho con (Thanh Tâm, Chúng tôi nhữøng người
trẻ... 1993, tr 70).
Lựa chọn là một hành vi nhân
linh. Con vật cũng có lựa chọn nhưng chỉ là lựa chọn theo bản năng, còn
con người hơn con vật ở chỗ biết lựa chọn theo lý trí và ý chí của mình.
Có người không dám lựa chọn nên không có hướng đi cho cuộc sống, họ sống
vất vưởng ở ngã ba đường.
Truyện
: bắt cá hai tay.
Ông viện trưởng Đại họa Paris
ở thế kỷ 14 đã làm một thí nghiệm như sau : Ông để cho con lừa nhịn đói,
nhịn khát trong mấy ngày. Sau đó, ông đưa nó đến sân ăn, đặt nó giữa một
thùng nước và một bó cỏ non. Lừa ta tuy đói lắm nhưng hết nhìn đống cỏ
này lại ngó thùng nước kia, nó lưỡng lự giữa nước và cỏ, để rồi cuối
cùng kiệt lả mà chết.
2. Câu chuyện làm
Kitô hữu.
Mọi người sinh ra ở đời đều có
khả năng khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa qua những khả năng tự
nhiên của mình. Nhìn vào trời đất vạn vật, lý trí nhắc nhở ta phải nhìn
nhận có một vị dựng nên tất cả những cái đó. Và nếu đứng về phương diện
tôn giáo thì phải gọi đấy là Đức Chúa Trời.
Khi Ngôi Hai xuống thế làm
người mặc lấy thân xác loài người, trở nên con người như mọi người, là
Đức Giêsu Kitô thì Thiên Chúa cũng ban cho con người có khả năng nhận
biết Đức Giêsu là Thiên Chúa qua ánh sáng mạc khải. Qua ơn soi sáng của
Chúa, con người có thể khám phá ra Đức Giêsu.
Truyện
: Khám phá ra Đức Giêsu
Có người cho rằng việc khám
phá ra thuốc mê đã giúp con người giảm bớt đau đớn nhiều hơn bất cứ khám
phá nào trong y khoa.
Một hôm có người hỏi James
Simpson :
- Ông cho điều gì là
khám phá lớn nhất của ông ? Và mong được câu trả lời rằng :
- Thuốc mê – vì ông
là người đã khám phá ra môn thần dược này.
Nhưng Simpson trả lời rằng :
- Khám phá lớn nhất của tôi là
Chúa Giêsu, Chúa Cứu chuộc của tôi.
Chúng ta không thể nhìn thấy
Đức Giêsu một cách hữu hình thì có thể hình dung ra con người của Ngài
với một vài nét mờ nhạt. Dĩ nhiên sự hình dung đều đa dạng, hình dung
nào cũng chỉ có thể nói lên được một khía cạnh con người của Ngài . Qua
thời gian có nhiều cách hình dung :
- Người Do thái coi Đức Giêsu
như một người giảng đạo, một người làm phù phép.
- Vào những năm đầu của thập
niên 70, cao trào hippi đang lên, người ta coi Ngài như tiêu biểu và
người mẫu cho giới Hippi.
- Đối với Fidel Castro và
Nguyễn văn Linh thì Đức Giêsu là một nhà đại cách mạng. Vì Ngài đã đề
xuất nhiều quan điểm cấp tiến, táo bạo để cải thiện xã hội, cải thiện
con người với người.
- Trước đây vài chục năm. một
cuốn phim về Chúa Giêsu với dụng ý bôi lọ Chúa, đã coi Chúa như gã si
tình nàng Madalena.
Ta thấy Chúa Giêsu đã được
hình dung, tô vẽ thật phiến diện. Sai ? Đúng ? Bị bóp méo ? Tất cả những
hình dung ấy đều cho ta thấy rằng : Đức Giêsu luôn luôn là nhân
vật bắt buộc người ta đặt vấn đề.
Ta phải khẳng định : “Đức
Giêsu hôm qua, hôm nay và muôn thuở vẫn là một”(Dt 13,8).
Hình dung nào cũng phiến diện,
chỉ có lời tuyên xưng của Phêrô là đủ :”Thầy là Đức Kitô, Con Thiên
Chúa hằng sống”(Mt 16,16) (GM Nguyễn bình Tĩnh, Như một kỷ niệm, tr
15).
Qua bài Tin mừng hôm nay,
chúng ta biết rằng mọi người có ơn gọi đi theo Đức Giêsu, làm môn đệ của
Ngài. Chúa có thể kêu gọi trực tiếp hay gián tiếp qua những hoàn cảnh
bên ngoài. Tuy nhiên, những người đã được chịu phép Thánh tẩy thì đã trở
thành môn đệ của Đức Giêsu vì họ được mang tước hiệu là “Kitô hữu”,
người Kitô hữu là một “Kitô khác”, là “Alter Christus”,
được mang danh Ngài, được thuộc về Ngài, được kết hợp với Ngài, để có
thể nói được như thánh Phaolô:”Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà
là Chúa Kitô sống trong tôi”.
Về tước hiệu cao quí này,
thánh Grêgôriô, Giám mục Nitxê đã phát biểu :”Chúa nhân lành
đã thông ban cho chúng ta một danh hiệu cao quí nhất, linh thiêng nhất,
trọng đại nhất, vượt trên mọi danh hiệu, đến độ chúng ta được vinh dự
mang chính danh của Đức Kitô khi được gọi là “Kitô hữu”. Vì thế, mọi
danh xưng dùng để giải thích tên gọi trên nhất thiết phải được tỏ rõ nơi
con người chúng ta. Chúng ta đừng để mình bị xem là “Kitô hữu” giả,
nhưng phải dùng đời sống mình mà minh chứng cho tên gọi ấy”
(Các bài đọc Kinh sách, tập 3, tr 351).
Được làm môn đệ của Đức Kitô
là một vinh dự. Nhiều người đã nhận lấy vinh dự đó trong ngày chịu phép
rửa tội. Họ đã thề hứa trung thành với Chúa, nhưng mối quan hệ của những
người thời nay đã làm cho lòng tin của họ bị lung lay, chao đảo, họ có
mặc cảm về sự lựa chọn của mình, họ không giữ vững lấp trường nên dần
dần họ sống theo dư luận, xa dần với đời sống Kitô hữu.
Truyện vui
: Sống theo dư luận,
Hai cha con một bác nhà quê
dắt con lừa đi ra tỉnh. Mới đi được một quãng thì gặp một người hỏi :
- Chà, sao ông không để cho
con ông cỡi con lừa ?
- Ồ, tôi chưa nghĩ tới điều
đó.
Nói xong ông bồng con cho
ngồi lên lưng lừa. Đi được một lát lại gặp một người khác nói :
- Sao mày ngồi trên lưng lừa
mà để cho ông già đi bộ ? Mày xuống ngay đi cho cha mày cỡi.
- Phải đấy.
Đứa con vội nhảy xuống đất đỡ
cha mình lên lưng lừa. Đi thêm một đỗi nữa họ gặp một mụ bán cá, mụ kêu
lên :
- Ông không mắc cỡ à, sao lại
để thằng bé phải đi bộ dưới trời nắng như thế ?
Ông già tuột xuống khỏi lưng
lừa và hai người tiếp tục đi bộ như trước. Khi sắp vào thành phố, có mấy
người nhìn chăm chăm và nói :
- Sao hai cha con không biết
cỡi lên lưng lừa mà đi cho khỏe ?
Hai cha con nghe nói chí lý
liền leo lên. Nhưng con lừa mới đi được mấy bước đã quị xuống vì không
chịu nổi sức nặng. Hai cha con lại vội vã xuống đi bộ và dắt lừa đi như
trước.
Chúng ta phải cảm tạ ơn Chúa
vì đã ban cho chúng ta được trở thành “Công dân Nước Trời”
qua bí tích rửa tội. Đây là một hồng ân nhưng không Chúa ban chứ không
phải do công nghiệp của chúng ta. Người ta cho biết : muốn được làm công
dân Hoa kỳ thì phải qua một kỳ thi nhập tịch khó khăn. Muốn được làm “Công
dân danh dự” Hoa kỳ lại càng khó. Cho đến nay chỉ có 4 người được
trao tặng vinh dự nói trên. Đó là thủ tướng Anh Winston Churchill, nhà
ngoại giao Thụy điển Raoul Wallenberg và vợ ông là William Hannah Penn;
và Mẹ Têrêsa Calcutta mới được trao tặng vinh dự vào ngày 01.10.1996.
a) Kitô hữu sống đời chứng
nhân.
Mỗi Kitô hữu được gọi trở nên
chứng nhân của Tin mừng bằng cách tiếp cận trực tiếp giữa người với
người. Hẳn nhiên, bổn phận này cũng có thể thực hiện dưới nhiều hình
thức, kỹ thuật khác nhau, nhằm canh tân cuộc sống xã hội, cổ vũ công
bằng và hoà bình thế giới. Nếu ta cho rằng không phải Kitô hữu nào cũng
có thể đóng nổi một vai trò hữu hiệu trên bình diện xã hội, trong sinh
hoạt tập thể, thì ta cũng có một lối tiếp cận trực tiếp và thân mật mà
mỗi người ở cấp độ nào cũng có thể thực hiện được. Chúng ta hãy là que
diêm đang cháy và tiếp cận với những cây diêm khác.
Truyện
: Gương lành lôi kéo.
Một nhà truyền giáo tại Ấn độ,
ông Gordon M. Suer đã xin một tín đồ Ấn độ giáo sống bên cạnh, đến nuôi
dạy ông tiếng bản xứ, nhưng tín đồ Ấn độ giáo này từ chối như sau :
- Thưa ngài, tôi không đến dạy tiếng bản
xứ cho ngài, vì tôi không muốn trở nên người Kitô hữu.
Nhà truyền giáo trả lời :
- Tôi muốn học tiếng bản xứ để
có thể giao thiệp với những người chung quanh, để hiểu biết họ hơn chứ
không nhằm bắt họ trở lại đạo Chúa.
Nhưng người tín đồ Ấn độ giáo
đáp lại :
- Thưa ngài, tôi biết vậy
nhưng đối với tôi, tôi nhận thấy rằng : không ai có thể sống bên cạnh
ngài lâu, mà không bị ngài cảm hoá tin theo Chúa. Tôi không thể dạy
ngài, vì tôi không thể sống bên cạnh ngài mà không trở thành người Kitô.
b) Kitô hữu phải đi qua cửa
hẹp.
Muốn đi theo Đức Kitô thì phải
đi theo con đường Ngài đã đi, đó là con đường khổ giá, là đi qua cửa hẹp
để vào Nước Trời. Ai theo Chúa là phải hy sinh, mất mát vì phải từ bỏ.
Từ bỏ tận căn những ràng buộc của tội lỗi, từ bỏ gương mù gương xấu, bê
tha, rượu chè say sưa, dâm ô, cở bạc...
Theo Chúa còn đòi hỏi phải từ
bỏ chình mình :”Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá
mình mà theo”. Từ bỏ mình, vác thập giá mình là thẳng thắn tuyên bố
tiêu diệt “cái tôi” của chúng ta. Thế nhưng không phải
tiêu diệt “cái tôi” tốt lành, “cái tôi” chân thật. Chúa Giêsu yêu cầu
chúng ta hy hiến cái tôi giả tạo mà chúng ta tạo nên bằng những nhu cầu
vô ích và những phù phiếm trẻ con :”Đó là cái tôi, thánh Gioan Thánh giá
nói, của những thèm muốn thúc giục chúng ta trở nên bất hạnh đối với
chúng ta, khô khan đối vói tha nhân, nặng nhọc và biếng nhác đối với
công việc của Chúa” (André Sève, Sương mai, tr 209).
Nói tóm lại, lý tưởng của đời
sống người Kitô hữu là thành thật chấp nhận mọi đau khổ, mọi thiếu thốn
vì Thầy, bằng lòng hy sinh tất cả cho Ngài, không giữ lại một luyến tiếc
nào đối với tình cảm sự đời, ý chí người môn đệ Chúa phải gắn bó với
Ngài đến mức độ không tiếc xót, không thèm nhìn tới cái mình đã từ bỏ. |