Chúa Nhật XII thường niên  - Năm C
LÚC NÀY ĐÂY, THEO CON, TA LÀ AI?
André Sève

“Còn các con nghĩ Thầy là ai?”

Đây là câu hỏi kiểm tra quan hệ giữa chúng ta với Chúa Giêsu. Một đàng, mầu nhiệm nhân tính của Ngài lớn lao và làm hoang mang đến thế, đàng khác chúng ta tiến triển đến nỗi điều mà chúng ta trở nên trong tương quan với Ngài không ngừng phải được xác định lại. Những ngày này tôi đang nghiên cứu về một tác phẩm mới xuất bản về Kitô học và những tư tưởng mới làm giao động những tư tưởng cũ của tôi. Đột nhiên xuất hiện trước tôi khuôn mặt mà Chúa Giêsu phải có khi Ngài đã từng hỏi các môn đệ của Ngài: “Giờ đây, đối với con, Ta là ai?”

Luca xác định rằng Chúa Giêsu đi ra “cầu nguyện ở một nơi vắng”. Luôn luôn Ngài tự chuẩn bị như thế khi đến một giai đoạn mấu chốt trong cuộc đời của Ngài.

Trước khi bước vào những ngày khổ nạn, Ngài muốn kiểm chứng tình hình quan hệ giữa Ngài với các môn đệ. Nếu Ngài chỉ là một Luật sĩ, chính giáo huấn của Ngài là quan trọng nhất. Nhưng bởi vì tất cả những gì Ngài là, người ta chỉ có thể lắng nghe và theo Ngài nếu người ta tiến về chính con người của Ngài, về mầu nhiệm của Ngài. Câu “Theo các con, Thầy là ai?” Không phải là câu hỏi tò mò và tình cảm của một ông Thầy, đây là một sự kiểm chứng chủ yếu: nếu các con không cảm thấy Ta là ai, các con sẽ không đi vào được trong quan hệ tuyệt đối duy nhất nối kết các con với Ta.

Tuy nhiên thường gặp sai lầm này: chúng ta đọc Tin Mừng và cố gắng sống Tin Mừng mà không kiểm chứng đủ các ý tưởng của chúng ta về Chúa Giêsu. Phải có thể bắt đầu mỗi khi nghe hoặc đọc Tin Mừng –và hơn nữa là mỗi giai đoạn quan trọng của cuộc sống tín hữu- bằng cách tự đặt mình dưới câu hỏi: “Theo con, vào lúc này đây, Ta là ai?”.

Thế là chúng ta sẽ tiến bộ theo hai cách: trong việc nhận biết Chúa Giêsu và trong xác tín rằng chúng ta chỉ sống điều gì đó thực sự với Ngài (lắng nghe, yêu mến và đi theo Ngài) khi miệt mài tự đặt mình trước mầu nhiệm dưới đất và trên trời.

Mỗi lần chúng ta nắm vững một tước hiệu, Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa, Ngôi Lời, Thiên Chúa và Con Người, Đấng Giải Phóng và có thể là Ômêga của Teilhard de Chardin, chúng ta bị cám dỗ tin rằng chúng ta nắm vững mầu nhiệm. Nhưng không, quan hệ với Chúa Giêsu là một cuộc tìm kiếm vĩnh viễn có hai căn tính: “Giờ đây, ta là ai? Và giờ đây, đối với ta, Chúa Giêsu là ai?”

Đàng khác đây là chân lý của mọi quan hệ: quan hệ này là một sự điều chỉnh không ngừng từ hai phía bởi vì hai phía đều thay đổi. Đây là sự thường tình mà chúng ta rất thường hay quên trong việc thực hành các quan hệ thông thường với nhau, và hơn thế nữa với Chúa Kitô.

- Nhưng Chúa Kitô không thay đổi phải không?

- Có chứ, dưới hai khía cạnh. Trước tiên, Ngài luôn luôn được biết rõ hơn. Các nhà chú giải, các nhà thần học, các nhà thần bí và Dân Chúa được Thánh Linh tác động, không ngừng tìm hiểu mầu nhiệm của Ngài.

Đó là mầu nhiệm của một Đấng hằng sống! Kết quả của sự Nhập Thể và Sống Lại, điều mà Chúa Kitô sống với con người từ thời đại này tới thời đại khác, làm cho Ngài thành một Chúa Kitô đang thay đổi, một Chúa Kitô “hoàn toàn” hơn, trong khi chờ đợi ngày Ngài sẽ có được toàn bộ tầm vóc của Ngài. Thật sự chúng ta chỉ có thể lui tới với Ngài bằng cách để cho mình được tác động do câu hỏi luôn luôn thời sự này của Ngài: “Lúc này đây, theo con và theo thế giới trong đó con đang sống và đang ảnh hưởng tới con, Ta là ai?”.