Chúa Nhật XII thường niên  - Năm C
THEO CHÚA GIÊSU
Chú giải mục vụ của Hugues Cousin

PHÊRÔ TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN VÀ LOAN BÁO LẦN THỨ NHẤT VỀ CUỘC THỤ NẠN (9,18-22)

Như toàn bộ chương này, Luca tiếp tục xen kẽ những cảnh công cộng với những đàm đạo riêng tư. Những cuộc đàm đạo này –như câu chuyện ở đây- sẽ làm sáng tỏ nhân cách Chúa Giêsu và ý nghĩa sâu xa các hành vi của Ngài trước đám đông. Như vậy, việc hoá bánh ra nhiều được tiếp liền bằng việc tuyên xưng đức tin của Phêrô. Luca tách rời khá xa nguồn tài liệu của ông khi bỏ bảy mươi lăm câu của Mc (6,45-8,26). Tuy không có thể hiểu một cách chắc chắn tại sao Luca bỏ phần này của Maccô, người ta có thể – và đó là điều chính yếu- thấy được hiệu quả của bố cục mới này. Một phần, Chúa Giêsu không tự mình khai mạc bàn tiệc cho lương dân, tuy rằng Ngài đã loan báo (13,28-30); điều ấy dành cho Giáo Hội sau này. Phần khác, việc Phêrô nhận ra tính Mêsia của Chúa Giêsu được gắn liền mật thiết với cảnh trước, trong đó ông thấy Thầy của ông trao ban bánh và tự tỏ mình như vị ngôn sứ của thời đại cuối cùng. Những dư luận bình dân mà các môn đệ kể với Ngài không khác những gì Hêrôđê mới nghe được trước đó, và tước hiệu mà Phêrô sắp tuyên xưng một cách rõ ràng là một giải đáp cho câu hỏi căn bản mà cả Chúa Giêsu (c.18) và tiểu vương xứ Galilê đã nêu ra (9,9).

Tuy nhiên, như thường thấy ở Luca, vào những lúc quan trọng của sứ mệnh, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là để chuẩn bị cho mặc khải mà Ngài sắp ban cho các môn đệ (c.22), hơn là để chuẩn bị cho câu hỏi ở câu 18. Nếu các môn đệ báo cáo dư luận chung phát sinh từ hấp lực của nhân vật tiên tri có phép thần thông, thì chính Phêrô lại là phát ngôn nhân cho toàn nhóm và ông làm điều đó bằng cách “chuyển hệ”: ông đi xa hơn khi đề cập tới một sự đợi chờ khác của dân (x.3,15): chờ đợi một phó vương của Thiên Chúa, thuộc chi tộc Đavit, có sứ mệnh cứu Israel. Ngay từ đầu sứ vụ của Chúa Giêsu, chỉ có quỷ dữ, được phú bẩm một tri thức siêu nhiên, nên đã biết được tính Mêsia của vị sứ ngôn miền Galilê (4,14). Phêrô là người đầu tiên tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô của Thiên Chúa và, vì lệnh phải giữ im lặng sau đó, chỉ trong diễn từ vào lễ Ngũ tuần mà người phát ngôn của nhóm Mười Hai mới lại công bố tước hiệu này (Cv 2,31.36.38).

Không từ chối tước hiệu này, một tước hiệu chính xác, Chúa Giêsu cấm các ông nói ra (c.21) và thêm một bổ túc cần thiết (c.22). người bác bỏ những cách hiểu rộng về một Đấng Mêsia thuộc hoàng tộc Đavit, đặc biệt tính cách cục bộ và đế quốc chủ nghĩa theo tinh thần quốc gia quá khích. Một bản văn của người Pharisêu được viết khoảng tám mươi năm trước đó; Thánh Vịnh Salomon 17, mô tả Đấng Mêsia xua đuổi người di dân và ngoại kiều ra khỏi đất thánh để tẩy trừ mọi ô uế, và cai trị mọi quốc gia trên địa cầu khởi từ Giêrusalem… Mọi nét trên đều không có trong lời rao giảng Tin Mừng về Vương Quốc! Như vậy, Chúa Giêsu mang đến một sự điều chỉnh rất lớn khi loan báo cuộc thụ nạn và Phục Sinh của Ngài, đồng thời tự xưng mình là Con Người, và đây là lần thứ năm Ngài tự xưng như thế. Sứ mệnh Mêsia của Ngài phải được thực hiện bằng đau khổ, bằng sự loại trừ bởi các nhà cầm quyền Do Thái (ba nhóm người lập thành Thượng hội đồng), bằng việc bị giết… Nhưng Thiên Chúa đã minh oan cho Ngài bằng cách cho Ngài sống lại ngày thứ ba. Bốn động từ nói về lộ trình vượt qua của Chúa Giêsu được bắt đầu bằng từ “phải”, điều Chúa Giêsu mặc khải cho các môn đệ, đó là chương trình cứu độ của Thiên Chúa mà đảm nhận hoàn toàn.

Ngược với những gì xảy ra ở Mc 8,32-33, ở đây không có phản ứng nào của các môn đệ; Phêrô không hề khuyên can Chúa Giêsu –đó là cung cách của Luca, ông không muốn nêu lên những yếu đuối của nhóm Mười Hai. Việc im lặng này cho phép ta rút ra tức khắc những hậu quả của một Kitô hữu như thế đối với đời sống thực tế của những ai muốn làm môn đệ.

THEO CHÚA GIÊSU (9,23-24)

Sau việc loan báo cuộc thụ nạn cho riêng các môn đệ mà thôi, là lời kêu gọi gửi đến tất cả mọi người. Đám đông đã đi theo Chúa Giêsu trong tư thế của người môn đệ (8,10) và đã hưởng nhờ việc bẻ bánh nay xuất hiện lại trong hoạt cảnh; đó là tất cả những ai, qua các thế kỷ, một ngày nào đó sẽ đón nhận Tin Mừng. Họ phải biết con đường bước theo Chúa Kitô thiết yếu gồm những gì! Các câu 23-27 không chỉ nói cho riêng nhóm nhỏ Mười Hai hay các môn đệ xác tín nhất. Phần khác những câu đó cũng là lời giải đáp mới cho câu hỏi của Hêrôđê bởi vì chúng trình bày cách minh bạch đòi hỏi của Chúa Giêsu. Chính Ngài vừa loan báo cái chết của chính mình vì bị người ta giết, đặt điều kiện cho những ai muốn làm môn đệ mình phải đi theo cũng chính con đường đó và khi hoàn cảnh đòi hỏi phải dám chết để làm chứng nữa.

Nhưng, còn hơn cả điều ngoại thường, đó là chính sự trung tín hằng ngày của một Kitô hữu, một sự trung tín được tìm kiếm trước hết và mọi sự nơi ba mệnh lệnh (c. 23). Nói không triệt để với chính mình không có nghĩa là ghét mình, bởi vì ngược lại phải yêu người lân cận như chính mình tôi (10,27); đó là tôi không được tập trung về mình. Cũng phải hiện tại hoá việc vác thập giá. Đó là thập giá của riêng tôi mà tôi phải mang lấy, thập giá mà cuộc đời áp đặt cho tôi; chẳng cần phải mơ tới một thập giá khác. Không có chút gì là tự hành hạ mình ở đây, nhưng xác tín rằng tôi không thể yêu có thể và người khác nếu không tự hy sinh một cách nào đó và không trải qua đau khổ. Bắt chước Chúa Kitô, tôi sẽ là môn đệ đích thực của Ngài.

Kẻ nào tìm an toàn trong cuộc sống hằng ngày (x. người giàu khờ dại ở 12,16-21) sẽ không thừa hưởng được cuộc sống trong thế giới mới đang đến (c.24); ai phó thác cho Chúa (x.12,22-32) và trao ban mạng sống cho kẻ khác vì Chúa Kitô sẽ lãnh nhận được chính sự sống của Thiên Chúa. Rõ ràng lời này, giữa lời dặn bảo ở câu 23 và lời cảnh cáo ở câu 20, khuyến khích các môn đệ trung thành cho đến chết vì tử đạo, nếu cần.