Chúa Nhật XII thường niên  - Năm C
NẾU AI MUỐN THEO CHÚA
Lm Giuse Đinh lập Liễm

A. DẪN NHẬP. 

          Người Do thái đã bao đời mong đợi Đấng Messia đến. Theo họ Đấng Messia phải là một vị đầy quyền lực và chiến thắng. Người ta không thể quan niệm được một Đấng Messia “bị đâm thâu” như tiên tri Giacaria loan báo trong bài đọc 1 hôm nay, cũng không thể quan niệm được một Đấng Messia như “Người tôi tớ” của Giavê như tiên tri Isaia đã loan báo (Is 53). 

          Đức Giêsu đến rao giảng Tin mừng, làm nhiều phép lạ, danh tiếng Ngài đã lừng lẫy khắp nơi nhưng người ta không nhận ra được căn tính của Ngài. Người ta chỉ coi Ngài là Gioan Tẩy giả, ûtiên tri Isaia hay một tiên tri nào ngày xưa sống lại. Chỉ có Phêrô nhìn ra căn tính của Ngài khi ông tuyên xưng :”Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Đức Giêsu chấp nhận lời tuyên xưng ấy nhưng ngăn cấm các ông không được nói điều ấy với ai,vì còn quá sớm đối với người đồng hương, trong khi họ vẫn còn quan niệm về một Messia bách chiến bách thắng. 

          Bất ngờ Đức Giêsu loan báo cho các ông :  Ngài sẽ bị loại bỏ, bị giết chết, nhưng sau ba ngày sẽ sống lại. Lời loan báo này làm các ông khó hiểu, nhưng sau sẽ hiểu. Tiếp theo đó, ùNgài còn bồi thêm cho hai điều kiện nữa cho những ai muốn theo Ngài, muốn làm môn đệ của Ngài :”Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo “. 

          Chúng ta đã được chịu phép rửa, đã ”mặc lấy Chúa Kitô”(bài đọc 2) thì chúng ta đương nhiên đã trở nên môn đệ Chúa Kitô rồi, và đã là môn đệ thì phải đi theo con đường khổ giá mà Đức Giêsu đã vạch ra cho chúng ta, đó là phải tuân phục thánh ý Chúa. Đi theo Chúa với những điều kiện như trên xem ra là một nghịch lý, nhưng với con mắt đức tin, chúng ta sẽ thấy rất hợp lý và là một bảo đảm cho chúng ta phần rỗi đời đời. 

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA. 

          Bài đọc 1 : Dcr 12,10-11. 

          Quả là một sự đảo lộn trong viễn cảnh quen thuộc ! Người ta thường cho là Đấng Messia phải là Đấng quyền năng và chiến thắng. Thế mà ở đây lại là hình ảnh một Đấng Messia “bị đâm thâu”.  Đấng bị đâm thâu được nhắc trong bài đọc chính là Vua Thiên Sai mà tiên tri đã vẽ lại dung mạo. Như người Tôi Tớ đau khổ (Is 53) vị Mục Tử này bị dân Ngài giết chết, nhưng nhờ được Thánh Thần soi sáng , họ sẽ hiểu rằng kẻ mà họ đã giết chết chính là Đấng Messia, cho nên họ sẽ nhìn lên Ngài và sẽ khóc lóc sám hối. 

          Bài đọc 2 : Gl 3,26-29. 

          Đức Kitô là biến cố quyết định của lịch sử. Nhờ Ngài, qua bí tích rửa tội và trong đức tin, chúng ta làm thành dân Thiên Chúa, chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa và có thể nhận nhau như anh em, ngay trong chính những cuộc tranh chấp khiến họ đối đầu với nhau, những cuộc ttranh chấp bắt nguồn từ sự khác biệt về chủng tộc, địa vị xã hội hoặc phái tính. 

          Trong trật tự mới này không còn ai bị loại trừ, không còn phân biệt Do thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà, ai cũng được làm con Thiên Chúa và anh chị em với nhau. Chính nhờ phép rửa tội, người tín hữu đã “mặc lấy Chúa Kitô” thì mọi người cũng trở nên một trong Đức Kitô rồi. 

          Bài Tin mừng : Lc 9,18-24. 

          Mọi người đang trông ngóng Đấng Cứu Thế, một Đấng Cứu Thế đầy quyền năng và sức mạnh có thế khuất phục được thế giới. Nhưng Đức Giêsu là Đấng Cứu thế  không dùng đến quyền năng và sức mạnh, Ngài chiến thắng bằng cách hy sinh mạng sống mình. 

          Cho đến lúc đó, mặc dầu nghe Đức Giêsu giảng giải nhiều, các môn đệ vẫn chưa hiểu rõ sứ vụ của Ngài. Đức Giêsu hỏi thử các môn đệ để các ông có dịp xác nhận rõ hơn về Ngài. Và Phêrô đã thay mặt anh em  tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Sai. Ngài xác nhận lời tuyên xưng đó, nhưng cho biết thêm Ngài là Messia phải chịu đau khổ và chịu chết. Ngài còn nói thêm rằng ai muốn làm môn đệ Ngài thì cũng phải đi theo con đường đó, con đường thập giá. 

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

Muốn làm môn đệ Chúa.

I. ĐỨC GIÊSU LÀ AI ? 

          1. Căn tính của Đức Giêsu. 

          Vấn đề căn tính của Đức Giêsu luôn vang lên theo nhịp điệu của lời giảng và các hoạt động của Ngài. Gioan Tẩy giả từ trong ngục đã hỏi Ngài, qua trung gian môn đệ được sai đi :”Ngài có thật là Đấng phải đến chăng hay chúng tôi còn phải chờ một vị khác”(Lc 7,19).Ông này là ai mà lại được tha tội (Lc 7,49), những khách dự tiệc nhà ông Simon đã kêu lên như vậy.  Rồi các môn đệ hỏi nhau khi họ thấy Ngài dẹp yên sóng gió:”Người này là ai mà ra lệnh cho cả sóng gió và sóng gió phải tuân lệnh”(Lc 8,25). Rồi chính vua Hêrôđê, người đã chém đầu Gioan Tẩy giả cũng phải suy nghĩ :”Người này là ai mà ta nghe nói nhiều về ông như thế và ông tìm cách gặp Ngài”. 

          Câu hỏi này đôi khi đã được giải đáp.”Một vị tiên tri vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài”. Những người chứng kiến cảnh con trai bà góa Naim được sống lại đã đồng thanh tung hô như thế (Fiches dominicales C, tr 224). 

          2. Dân chúng nghĩ gì về Đức Giêsu ? 

          Trên đường vào các làng trong thành Cêsarê-Philipphê, Đức Giêsu dẫn các môn đệ đến một nơi hoang vắng, nơi rất thuận tiện cho các môn đệ nghỉ ngơi và Đức Giêsu cầu nguyện một mình. Trong khung cảnh lặng lẽ, xa mắt bọn thù địch, xa những tiếng ồn ào của đám dân chúng đi theo Đức Giêsu vì các phép lạ Ngài đã làm, Đức Giêsu cùng các môn đệ  họp mặt để dễ bề tâm sự riêng. 

          Các môn đệ đã từng sống với dân chúng, các ông có thể biết nhận thức của dân chúng đối với Đức Giêsu, nên Ngài đã hỏi các ông :”Dân chúng bảo Thầy là ai” ? Các môn đệ kể ra những ý kiến khác nhau, lời đồn thổi về thân thế của Ngài, như Gioan an Tẩy giả, tiên tri Êâlia (vì tiên tri đến trước loan báo Đấng Messia) hoặc một tiên tri ngày xưa sống lại. 

          Những nhận thức này cho thấy đám dân chúng tuy đã đón nhận các phép lạ Chúa làm nhưng chưa nhận thức được Đức Giêsu là ai, vì thế họ chỉ biết đồng hóa Ngài với Gioan Tẩy giả, với Eâlia hoặc một trong các tiên tri thời xưa. 

          3. Các môn đệ nghĩ gì về Đức Giêsu ? 

          Đức Giêsu hỏi tiếp ngay:”Còn các con, các con bảo Thầy là ai”? Câu hỏi này buộc các môn đệ phải đưa ra ý kiến của mình. Phêrô nhanh nhảu đáp:”Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Lời tuyên tín này biểu lộ đức tin của Phêrô vào Đức Giêsu là vị Thiên Sai của Thiên Chúa, Đấng đã được Thiên Chúa xức dầu (Lc 4,18 ; Cv 10,58). 

          Đức Giêsu liền nghiêm giọng truyền cho các ông “không được nói điều đó với ai”. Không phải vì Ngài từ chối danh hiệu mà Phêrô vừa tặng cho Ngài, nhưng bởi vì xử dụng danh hiệu đó là quá sớm, vì danh hiệu Messia lúc ấy còn rất hàm hồ trong ý nghĩa của người đồng hương và ngay cả các môn đệ của Ngài : họ hiểu Đấng Messia theo nghĩa chính trị, 

          4. Đức Kitô đúng nghĩa. 

          Đức Giêsu dưới con mắt người đời chỉ là Gioan Tẩy giả hay một tiên tri ngày xưa trở lại chứ đâu có nhìn ra được con người thật của Ngài.  Trong ngôn ngữ của chúng ta có một từ ngữ đặc biệt , đó là chữ “ngờ”. Ngờ là khó tin, khó tin nhưng có thật :

Tưởng rằng nước chảy đá mòn,

Ai ngờ nước chảy đá con trơ trơ.

(Ca dao) 

          Hôm nay, qua bài Tin mừng, các môn đệ cũng lâm vào cảnh khó tin, bất ngờ như vậy. Sau những phép lạ Chúa làm, như phép lạ hóa bánh ra nhiều cho 5000 người ăn, danh tiếng của Chúa lẫy lừng khắp nơi. Người ta còn muốn tôn Ngài làm Vua nữa. Ai ngờ hôm nay, Ngài tuyên bố những điều thật khó hiểu, làm mất hứng :”Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”. 

          Đây là lần thứ nhất Đức Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài. Lần thứ hai ở Lc 9,44-45. Loan tin này là Ngài muốn chỉ cho các môn đệ thấy và hiểu cách thế Ngài cứu chuộc nhân loại : cứu chuộc bằng sự thương khó, tử nạn và phục sinh. 

          Đức Giêsu là Đấng Messia như Phêrô đã đoán  chính xác. Nhưng Ngài không là Đấng Messia vinh quang như dân chúng đã mong đợi. Ngài phải là Đấng Messia đau khổ. Ngài không thống trị, Ngài chỉ phục vụ. Đức Giêsu không quan tâm  chiếu rọi loại hình ảnh mà dân chúng muốn. Ngài biết Ngài có một số phận mà Thiên Chúa đã định  mà Ngài phải hoàn thành, không sai sót. 

II. ĐIỀU KIỆN ĐỂ THEO CHÚA 

          1. Ai muốn theo Chúa. 

          Tiếp theo đó, Đức Giêsu đưa ra lời mời gọi mọi người chứ không riêng gì các môn đệ, là hãy theo Ngài :”Ai muốn theo Ta”. Đức Giêsu muốn khơi động lòng muốn cho những ai theo Ngài. Điều đó chứng tỏ Chúa tôn trọng quyền tự do lựa chọn của con người, theo hay không theo cũng được. Tiếng La tinh dùng chữ “Si quis” (nếu ai) càng rõ nghĩa hơn : chữ “nếu” nói lên sự tự do hoàn toàn. 

          Nếu câu hỏi của Đức Giêsu chỉ có bấy nhiêu chữ “Nếu ai muốn theo Ta”, thì tất cả chúng ta , những người đã được rửa tội, đều có thể đáp lại thật nhanh :”Con muốn…Con muốn theo Chúa”. Nhưng nếu nghe trọn câu Ngài nói :”Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”, thì chắc hẳn số người nhanh chóng trả lời “Con muốn” sẽ giảm đi rất nhiều”. 

          2. Từ bỏ chính mình. 

          “Ai muốn theo Ta” nghĩa là ai muốn làm môn đệ của Đức Giêsu (đi theo ai là làm môn đệ cho người đó). Muốn làm môn đệ của Chúa thì phải thực hiện hai điều kiện : từ bỏ chính mình và vác thập giá hằêng ngày. Điều kiện thứ nhất là TỪ BỎ MÌNH, nghĩa là đừng nghĩ đến mình, đến lợi lộc riêng tư, mà chỉ nghĩ đến Đấng mình làm môn đệ, mình đang theo.

          “Từ bỏ chính mình” : xem ra từ bỏ mình nghĩa là tha hóa, vong thân (aliénation), mình không còn phải là mình nữa. Xét theo tâm lý học thì điều này không tốt, vì mỗi người phải giữ cái độc đáo của mình. Nhưng xét theo thần học thì lại rất tốt : tuy ta không còn là mình nữa nhưng ta hóa nên giống Chúa Giêsu thì thật tuyệt vời. Đó chính là “thần hóa”. Lý tưởng mà thánh Phaolô luôn nhắm tới là được trở nên “đồng hình đồng dạng” với Chúa Giêsu.  

          Hơn nữa đây thực sự không phải là “tha hóa” mà là tìm lại chính mình, bởi từ đầu Thiên Chúa đã tạo dựng con người “giống hình ảnh” Ngài. Chỉ sau đó do tội lỗi  nên con người bị “tha hóa”. Nay cố gắng trở nên giống Chúa Giêsu chính là tìm lại  hình ảnh ban đầu (Carôlô). 

          Theo Đức Giêsu, cũng có nghĩa là đáp lại đầy đủ lời Người mời gọi “Nếu ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình” (Lc 16,24). Mà, tác động từ bỏ lớn nhất con người có thể được thực hiện là hy sinh tự do của mình, thuần phục hoàn toàn trong mọi sự theo đức vâng lời. Thực thế, đối với con người không có gì quí giá bằng ý chí tự do, vì chính tự do làm cho con người trở nên chủ nhân của người khác; nhờ tự do, họ có thể xử dụng và hưởng thụ những tài năng khác và đặt định cho mọi hành vi của mình. Cũng như con người từ bỏ của cải hay bà con thân thích, họ từ bỏ những thứ đó là từ bỏ tự do của ý riêng ; để làm cho họ được tự chủ, họ cũng khước từ chính mình.

(Sống với Chúa, tập 3, 1967, tr 232-234) 

          3.  Vác thập giá mình 

          Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu hỏi các môn đệ nhận diện “Thầy là ai”(Lc 9,20), để giúp họ biết “họ là ai” trong tương quan giữa họ với Đức Giêsu. Khi tuyên xưng “Thầy là Đức Kitô của Thiên Chúa”(Lc 9,20) Phêrô cũng khẳng định “ông là môn đệ của Ngài”. Vì thế, Chúa mới nói cho các môn đệ biết họ cũng phải đi theo con đường đau khổ giống như Ngài :”Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”(Lc 9,22-23). Đó là con đường biến đổi đau khổ của thập giá thành Thánh giá. 

          Trong bài đọc thứ hai, thánh Phaolô nhắc nhở tín hữu Galát rằng :”Anh em đã chịu phép rửa trong Đức Kitô, nên anh em mặc lấy Đức Kitô”(Gl 3,27). Mặc lấy Đức Kitô, hay mặc lấy chiếc áo trắng rửa tội là mang lấy Thánh giá giống như Ngài. Đau khổ của thập giá tự bản chất là hình phạt bởi tội (St 3,16-19). Nhưng qua Đức Kitô, đau khổ đã trở nên giá cứu chuộc nhận loại, thập giá trở thành Thánh giá.  

Do đó, trong bí tích Rửa tội, Linh mục làm dấu Thánh giá trên trán người được rửa tội. Đây là một sự thực hành mà Giáo hội mượn từ quân đội Rôma. Khi một người đã trở nên một người lính Rôma, anh bị đóng ấn bởi dấu hiệu của hoàng đế  trên trán để chứng tỏ từ bây giờ anh phải phục tùng hoàng đế. Dấu hiệu Thánh giá là dấu hiệu bề ngoài của một người thuộc về Đức Kitô, mang lấy Thánh giá như Chúa Kitô (Nguyễn văn Thái). 

          Khi Đức Giêsu nói với các môn đệ “Hãy vác thập giá hằng ngày”, các ông chưa thể hiểu được điều này, phương chi đại chúng. Đức Giêsu vừa báo tin Ngài sẽ chết, nhưng chưa nói rõ sẽ chết cách nào. Sau khi Hêrôđê chết, hơn 2000 người bị đóng đinh, những người bị giết phải vác khổ giá của họ đến nơi bị giết. Chữ vác thánh giá ở đây hiểu theo nghĩa thiêng liêng : tức là chịu mọi thử thách, chết cho thế gian, chỉ sống cho một mình Chúa. 

          Người Kitô hữu biết từ bỏ mình và vác thập giá mình không có nghĩa là  phải làm những điều đặc biệt, những việc phi thường, mà làm những việc bình thường vừa sức mình. Nếu nói dứt khoát “không” với chính mình không có nghĩa là phải ghét mình, bởi lẽ ta phải yêu tha nhân như chính mình; nhưng chính là không qui hướng mọi sự về mình. Dứt khoát nói “không” đó cũng chính là  hiện tại hóa việc vác thập giá. Chính thập giá của riêng tôi  mà tôi phải vác lấy, thập giá của cuộc sống đè nặng vai tôi ; tôi đừng mơ tưởng một thập giá khác. Đó không phải là chứng bệnh tự hành hạ mình, tự làm khổ mình, nhưng chính là vì biết chắc rằng tôi không thể mến Chúa và yêu tha nhân, nếu không hy sinh hoặc cách này, hoặc cách nọ, và nếu không đi qua đau khổ. Khi bắt chước Đức Kitô như vậy, tôi mới thật là môn đệ của Ngài (H. Cousin). 

Truyện vui : Vác thập giá mình. 

          Vào chiều ngày thứ Sáu Tuần Thánh, cha sở kêu gọi giáo dân : khi quí vị đến nhà thờ đi chặng đường Thánh giá tưởng niệm sự chết và đau khổ của Chúa Giêsu, mỗi người nên làm một cây thập giá  bằng bất cứ vật liệu nào  tượng trưng cho sự đau khổ của mình trong cuộc đời đang phải chịu. Sau chặng đàng Thánh giá yêu cầu quí vị mang lên bàn thờ cho tôi làm phép. Mọi người đều mang lên đủ loại thập giá. Ông trùm bước lên tay không, cùng với bà vợ. Khi cha sở hỏi , thập giá của ông đâu, ông chỉ ngay vào bà vợ và nói :”Thưa cha, đây là thập giá của con”. Cha sở cũng làm phép, nhưng sau đó liền bảo ông rằng :”Bây giờ ông hãy ôm lấy cây thập giá này và hôn lên cây thập giá của ông đi”. 

          Đây là một câu chuyện vui cười ! Nhưng Thập giá Đức Giêsu đề cập đến không phải chỉ là bà vợ hay ông chồng. Nó không đơn thuần chỉ là một đám cưới không hạnh phúc, hay những trở ngại khó khăn đến với chúng ta ngoài ý muốn, cũng không chỉ là những điều xui xẻo, không may xẩy đến như thi rớt, bệnh tật, mất việc.  Thập giá Đức Giêsu đề cập chính là sự chọn lựa từ bỏ mình để dâng hiến hoàn toàn cho thánh ý Thiên Chúa (Rm 6,13 ; 12,1). Từ bỏ những ý kiến, suy nghĩ riêng tư, cả cái tôi kiêu căng, tự ái, ích kỷ và lòng ham hố danh lợi (Pl 2,21). Đó là tự làm rỗng mình đi cho Thần Khí của Thiên Chúa ngự trị, để làm theo thánh ý của Thiên Chúa . Đó là với Đức Tin Cậy Mến chúng ta biến đổi Thập giá thành Thánh giá, đau khổ trở nên giá cứu chuộc linh hồn cho mình và cho nhân loại (Nguyễn văn Thái, Sống Lời Chúa giữõa dòng đời, C, tr 229). 

III.  HÃY ĐỒNG THUẬN VỚI CHÚA. 

          1. Tuân phục thánh ý Chúa

          Tuân phục thánh ý Chúa là đặt ý Chúa lên trên ý riêng của ta. Muốn được thế, chúng ta phải hủy diệt ý riêng, từ bỏ sự tự do của mình, hiến dâng nó cho Chúa như dâng một lễ vật toàn thiêu để không còn giữ lại cho mình một chút gì. Đó là sự vâng phục hoàn toàn thánh ý của Chúa  và ta sống hoàn toàn  tin tưởng phó thác nơi Người. 

          Hãy coi mình như dụng cụ Thiên Chúa dùng. Chúng ta là sản phẩm Thiên Chúa dựng nên, cho dù ta đẹp đẽ, hay ho mấy cũng chỉ là dụng cụ của Chúa dùng trong việc làm sáng danh Ngài. Dụng cụ là gì ? Là đồ dùng  để làm việc gì như chàng , đục, cưa để làm thợ mộc; máy may, kim, chỉ dùng để may áo. Dụng cụ được coi như phương tiện cần dùng để đi tới đích. Mà thân phận của dụng cụ là ít được biết tới. Người ta chỉ chú ý tới đồ vật được làm ra hay chỉ nghĩ tới tác giả của nó. 

          Chúng ta là những dụng cụ của Chúa, những dụng cụ vô dụng được ở dưới sự xử dụng vô cùng khôn khéo của Thiên Chúa, để mặc dầu chúng ta là vô dụng, nhưng chính Chúa sẽ làm cho nó trở nên hữu dụng, ích lợi và còn cần thiết nữa, như người ta nói :

 

Ai làm cho cải tôi ngồng,

Cho dưa tôi khú cho chồng tôi chê.

Chồng chê thì mặc chồng chê,

Dưa khú nấu với cá trê ngọt lừ.

(Ca dao)

          Vì là dụng cụ của Chúa nên chúng ta cần phải có thái độ khiêm nhường, những thành công tốt đẹp không phải chỉ do chúng ta, mà do Chúa vì một bài thơ hay, không phải tự cái bút mà là do thi sĩ. Cái bút tốt hay xấu, có nó hay không thì những vần thơ vẫn có trong đầu óc thi sĩ rồi. Cũng đừng buồn khi không được dùng vào những công việc cao vì không có tài : đôi guốc không hề phàn nàn vì phải ở dưới chân, cái mũ không hãnh diện vì được ở trên đầu người ta… Ở đâu hay được dùng vào việc gì là tùy ở công dụng của nó và tùy ở quyền người xử dụng.  Chúng ta chỉ biết than thở với Chúa rằng :

Khi hoàn tất việc đã làm,

Nâng lòng lên Chúa mà than thở rằng :

Này con vô dụng muôn phần

Phần con, con đã thi hành mà thôi.

(Lc 17,10)                            

Truyện : Tờ giấy trắng và cây viết 

          Khi nhắc đến ông Leonardo da Vinci, chúng ta thường nghĩ đến những phát minh khoa học và những bức họa nổi tiếng của ông. Chúng ta không biết rằng để giải trí ông Leonardo de Vinci còn sưu tầm những chuyện cổ tích hoặc đặt ra những câu chuyện vui sau đây về một cuộc đối thoại tưởng tượng giữa một tờ giấy trắng và cây viết :

          Tờ giấy trắng từ lâu nằm ù lì trên bàn giấy cùng với những đồng bạn khác, nhưng bỗng nó được chọn đem ra nằm giữa bàn và chịu cảnh cây viết mực đen ngòm vẽ lên nó không biết bao nhiêu là dấu hiệu mà nó không hiểu gì cả. Nó phàn nàn với cây viết như sau :

          - Tại sao anh lại làm thế ? Anh vẽ trên mình tôi những dấu đen làm mất đi sự trong trắng ban đầu. Anh làm nhục tôi như thế này sao ? Anh làm hư cả cuộc đời tôi rồi.

          Nhưng cây viết trả lời :

          - Không đâu anh giấy ạ, anh hiểu lầm tôi rồi. Tôi không bôi đen anh đâu, tôi vẽ lêân anh những dấu hiệu, những dòng chữ kể từ nay  anh không còn là tờ giấy vô dụng nữa, nhưng có mang trên mình những sứ điệp. Anh trở thành kẻ cộng tác với con người. Lưu giữ những tư tưởng cao siêu. Và vì thế được con người nâng niu, bảo vệ. Anh sẽ được sống mãi để trợ giúp cho con người.

          Tờ giấy chưa kịp trả lời cây viết thì nó bỗng nhìn thấy một bàn tay người quơ lấy những tờ giấy khác, trước kia trắng tinh nay đã đổi mầu, đầy bụi mà quăng vào ngọn lửa bên cạnh. Tờ giấy bị vẽ trên mình những lằn mực đen kia mới hiểu được hành động của cây viết và lấy làm sung sướng, vì được trở thành như người cộng tác  lưu giữ trong kho tàng trí khôn con người (R.Veritas, Mạch nước trường sinh, tr 52). 

          2. Theo Chúa là khôn ngoan. 

          Ở đời, con người có cái dại có cái khôn, tùy theo quan niệm của từng người. Đối với tiền của, mỗi người có một quan niệm. Người có tinh thần siêu thoát thì coi tiền của như đầy tớ trung thành phục vụ cho mình, người phàm tục coi tiền của như ông chủ khắc nghiệt, mình phải làm tôi tớ cho nó. Nó có thể sai khiến mình phải làm bất cứ một việc gì, mặc dầu có hại cho mình. Đúng như người ta nói :”Hoàng kim hắc thế tâm nhân” : đồng tiền làm đen tối lòng người. 

          Vì thế, dại khôn, khôn dại bị đảo lộn, tùy theo quan niệm của từng người. Thi sĩ Nguyễn công Trứ có cái nhìn đúng đắn khi ông nói :

                  

Đã không điều lợi khôn thành dại,

Đã có đồng tiền dở cũng hay. 

          Đối với những người theo Chúa, người đời có những cái nhìn khác nhau. Đã theo Chúa thì phải đi con đường khổ giá mà con đường khổ giá là phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. 

          Đối với thập giá, nhiều người cũng có cái nhìn khác nhau. Đại đa số người ta có cái nhìn bi quan về thập giá, họ cho thập giá là một sự điên rồ hay là cớ vấp phạm, không chấp nhận được. Ta hãy nghe thánh Phaolô nói về vấn đề này như thế nào : 

“Trong khi người Do thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do thái cho là ô nhục không thể chấp nhận được, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do thái hay Hy lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người”(1Cr 1,22-25). 

          Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng nói đến hai điều nghịch lý, thoạt xem ra có vẻ phi lý, nhưng khi suy nghĩ kỹ thì thấy rất hợp lý. Đó là nghịch lý giữa mấtcòn, giữa chếtsống.  

          Theo khuynh hướng tự nhiên thì ai cũng muốn được và sợ mất. Nhưng nghịch lý thay, nhiều khi vì “được” mà phải “mất” : Thí dụ trong một vụ tranh cãi, bạn cố gắng dùng đủ mọi mưu mô để cãi cho bằng được, kết quả là bạn thắng một vụ cãi, nhưng mất tình nghĩa bạn bè, anh em và có khi cả cha con. … 

          Chết và sống không hẳn là hai điều luôn đối nghịch nhau, nhiều khi chúng liên kết hỗ trợ nhau : ví dụ hạt giống có thối nát ra thì mới sinh hoa kết quả được, con vật có bị giết chết đi thì mới phục vụ sự sống cho con người, cây nến sáp phải chảy ra và bị đốt đi thì mới cung cấp ánh sáng cho con người (Carôlô). 

          Như vậy, với con mắt đức tin, những người theo Chúa và đi theo con đường thập giá của Ngài là nhưng người khôn ngoan, hiểu Lời Chúa và biết lo cho tương lai của mình :”Nếu được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì” ? 

Truyện : Hạt trân châu 

          Ngày xưa có ba chàng kỵ mã vượt qua một bãi sa mạc quạnh hiu không một bóng người. Một hôm trời vừøa sập tối, ba chàng kỵ mã cũng vừa đến  một bờ suối đã khô cạn từ lâu. Bỗng chốc trong đêm tối có một tiếng nói bí mật vang lên mơ hồ :

          - Hãy dừng chân lại.

          Cả ba đều tuân lệnh. Tiếng nói bí mật ấy lại tiếp tục vang lên mơ hồ :

          - Các ngươi hãy xuống ngựa, bước xuống lòng suối, nhặt lấy cho mình ít đá sỏi, bỏ vào túi rồi tiếp tục lên đường. Cả ba đều làm theo lời chỉ dạy thiêng liêng. Rồi tiếng nói kia lại cất lên trầm ấm

          - Hay lắm, các ngươi đã làm theo lệnh ta. Ngày mai, khi vừng đông vừa ló dạng các người sẽ vừa sung sướng vừa buồn bã.

          Các kỵ mã lên đường dong ruổi ban đêm. Quả đúng như lời mách trước, khi mặt trời vừøa lên, ba chàng ky mã thấy cái gì lấp lánh trong túi mình. Thì ra, những hòn sỏi họ lấy chiều hôm trước bây giờ đã trở nên những hạt trân châu sáng ngời muôn sắc. Cả ba đều vừa sung sướng, nhưng cũng vừa nuối tiếc. Họ sung sướng vì nhận được của báu, nhưng họ hối tiếc vì nhặt quá ít (Nguyễn văn Huệ, báo Rạng đông, số 64, 1970, tr 26).