Chúa Nhật XI thường niên  - Năm C
THIÊN CHÚA XÓT THƯƠNG
                                           Lm, Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

              Thưa anh chị em,

Trong bốn sách Tin mừng, thì Tin mừng của thánh Luca được mệnh danh là Tin mừng của lòng thương xót. Thật vậy, chúng ta thấy Tin mừng Luca trình bày rất nhiều dụ ngôn và những việc làm của một Thiên Chúa giàu lòng xót thương.

 Chúa nhật tuần trước, kể lại việc Chúa Giêsu thể hiện lòng thương xót đối với một quả phụ thành Naim, làm cho con trai duy nhất của bà được hồi sinh.

Chúa nhật tuần này, tường thuật lại lòng thương xót tha thứ của Chúa dành cho người đàn bà tội lỗi, nơi nhà Simon Biệt phái. Tuy nhiên, đây không chỉ là câu chuyện nói về lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa dành cho tội nhân, nhưng còn là một chứng từ đức tin sống động cùng với thái độ khiêm tốn của người được ơn tha thứ.

Hôm ấy, Chúa Giêsu đang dùng bữa tại nhà ông Simon Biệt phái, có một phụ nữ nổi tiếng xấu nết xuất hiện. Dường như nàng đã từng nghe lời Chúa giảng, từng thấy phép lạ Chúa làm. Và có lẽ nàng được ơn Chúa đánh thức lương tâm muốn trở về đường ngay nẻo chính, làm lại cuộc đời, nên tìm đến với Chúa Giêsu, để bày tỏ lòng sám hối của mình. Nàng bất chấp những con mắt soi mói của những người có mặt ở trong khán phòng đó.

 Khi nhìn thấy Chúa, nàng quá cảm động nước mắt dàn dụa đổ ra chảy xuống ướt đẫm chân Ngài. Nàng vội vã tháo tóc ra lau khô rồi đổ chai dầu thơm lên mà xức. Theo tục lệ Do thái lúc bấy giờ, phụ nữ mà buông xõa tóc nơi công cộng là phạm tội lớn về phẩm hạnh.

Việc Chúa để cho một phụ nữ kém phẩm hạnh biểu lộ lòng yêu mến đối với Ngài khiến ông Simon thầm nghĩ trong lòng rằng: Dường như ông Giêsu này không phải là nhà tiên tri chính hiệu. Vì nếu là tiên tri thì hẳn Ngài phải biết sự thật về người đàn bà hư hỏng này chứ!.

Điều ông Simon nghĩ trong lòng, Chúa đều biết rõ, nên Ngài đưa ra ví dụ về hai người mắc nợ rồi được tha. Ngài giải thích lòng biết ơn nhiều hay ít tùy theo món nợ được tha nhiều hay ít, rồi áp dụng nguyên tắc ấy cho ông Simon và người đàn bà mà ông có ý khinh dể.

Chúa Giêsu giải thích cho ông Simon biết: ông thiếu lòng hiếu khác đối với Ngài như thế nào, khi đối chiếu với sự ân cần của người phụ nữ.

 Khi vào nhà, ông Simon đã bỏ qua tục lệ lấy nước rửa chân cho khách; còn người đàn bà đã rửa chân Chúa bằng nước mắt  sám hối của mình. Ông Simon đã bỏ qua nụ hôn mà đáng lẽ người chủ phải bày tỏ để đón chào vị khách; còn người đàn bà đã khiêm tốn không ngừng hôn chân Chúa. Ông Simon không lấy dầu thơm xức trên đầu cho vị khách quý; còn người đàn bà này đã khiêm tốn quỳ gối xuống xức dầu thơm lên chân Chúa.

Qua dụ ngôn Chúa kể cho ông Simon, Ngài kết luận rằng: “Yêu nhiều được tha nhiều, yêu ít thì tha ít". Tình yêu là kết quả của sự tha thứ. Tình yêu là điều kiện được ơn tha tội.

Những lời này không có ý nói ông Simon được tha tội, mà chỉ nói rằng: vì ông thiếu tình yêu đối với Chúa, nên ông không cảm nghiệm được ơn tha thứ.

Rồi Chúa quay lại nói với người phụ nữ: "Tội của con đã được tha rồi". Và Ngài cũng biện minh cho nàng trước công chúng để họ biết rằng, nàng đã được ơn biến đổi nên con người mới.

Đồng thời, Chúa nói thêm với người phụ nữ như một ân huệ: "Lòng tin của con đã cứu con. Con hãy đi bình an". Đây là bài học đức tin đem lại ơn tha thứ, sự tha thứ dẫn đến lòng biết ơn, và lòng biết ơn được diễn tả qua hành động yêu thương phục vụ.

Anh chị em thân mến,

Qua câu chuyện Tin mừng hôm nay, cho chúng ta thấy rằng:  tình yêu là khởi điểm cho sự tha thứ của Thiên Chúa. Hay nói đúng hơn, lòng thương xót của Thiên Chúa luôn đi bước trước. Chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước khi chúng ta hiện hữu trên đời. Ngài thương xót chúng ta trước khi chúng ta xin lỗi Ngài.

Trong tông huấn “Niềm vui của Tin mừng”, Đức thánh cha Phanxicô đã nói: “Thiên Chúa không biết mệt mỏi khi tha thứ cho chúng ta. Chỉ có con người mệt mỏi đi tìm sự tha thứ của Thiên Chúa”.

Có một nhà tư tưởng nói rằng: “Lỗi lầm là của con người và tha thứ là của Thiên Chúa”. Thật vậy, đối diện trước mặt Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều là tội nhân. Vì thế, chúng ta cần có tâm tình sám hối nhìn nhận mình là tội nhân, qua việc chạy đến kín múc lòng thương xót của Chúa nơi Bí tích Hòa giải, để được Thiên Chúa yêu thương và tha thứ. Vì dẫu cho tội lỗi có ngập tràn, nguồn thánh sủng còn chứa chan gấp mấy. Amen.