Chúa Nhật XI thường niên  - Năm C
NGƯỜI ĐÀN BÀ TỘI LỖI NÀY LÀ AI?
Suy niệm của Lm. Văn Quy

I. TÌM HIỂU

Câu truyện kể ở đây là đặc biệt của thánh Luca

Không được lẫn câu truyện thánh Luca kể đây với một việc xức dầu ở nhà ông Simon tật phong kể trong Matthêu 26,6-13 và Marcô 14,3-9 và Ga 12,1-8

Cũng không nên lẫn người tội lỗi này với bà Maria quê ở Bêtania, ông Simon mời Chúa đến dự tiệc. Simon là một tên rất thông thường của người Do Thái. Ông không phải là bạn thân Chúa; ông không dành cho Chúa sự tôn kính thường lệ (c.44tt).

Ông mời Chúa vì tò mò muốn có một quan niệm về một nhân vật đã được thiên hạ đồn đãi rất nhiều.

Không thấy nói rõ việc xẩy ra ở đâu: Capharnaum, hay Giêrusalem? Tên người đàn bà cũng không được nêu lên. Chỉ biết là một người đời sống đã gây tai tiếng. Chắc cũng không phải là kỹ nữ buôn son bán phấn, vì gái như thế không vào nhà người Biệt phái được.

Nghe biết Chúa, biết lòng nhân hậu của Chúa, bà hối tiếc đời sống, cương quyết đến với Ngài để được tha thứ.

Bà vào trong phòng tiệc, những người dự tiệc nằm trên những đi-văng, chân thò ra ngoài. Đến chỗ Chúa nằm, không thấy Chúa đuổi, bà phần vui mừng, phần đau đớn vì tội lỗi, nước mắt tuôn rơi trên chân Chúa, rồi bà lấy tóc dài của bà lau đi. Sau đó bà hôn chân Chúa. Sau cùng bà đập bể một bình thuốc thơm quý giá đổ trên chân Chúa. Bà nghĩ không xứng đáng đổ trên đầu. Bà không nói câu nào, nhưng cử chỉ đã nói tất cả.

Chúa tỏ ra như chấp nhận việc đó, vì thế ông chủ nhà nghĩ rằng Chúa Giêsu không phải là vị tiên tri: vì nếu Ngài là tiên tri, thì âu là đã biết lòng người (1V 14,6; 2V 1,3; 5,24tt)

Đây ông chủ nhà không hồ nghi về sự thánh thiện của Chúa, mà nghi ngờ về sự biết rõ lòng con người. Vì thế, Chúa Giêsu cho ông thấy rằng, Ngài thấu suốt ý nghĩ của ông, dầu rất thầm kín.

Chúa Giêsu kể một dụ ngôn vắn tắt để dạy ông chủ nhà một bài học. Kể dụ ngôn rồi Chúa lại đưa ra một kết luận ngược với cái ý nghĩ của người ta. Vì thế các nhà chú giải không đồng ý kiến với nhau về cách cắt nghĩa.

Đại khái dụ ngôn: Hai con nợ, một người nợ chủ 500 đồng, một người nợ 50. Chủ tha cho cả hai. Vậy người nào sẽ yêu chủ nợ hơn? Ông Simon thưa: kẻ được tha nhiều. Chúa nhận câu trả lời đúng.

Vậy áp dụng vào trường hợp bà tội lỗi này, lẽ ra Chúa phải kết luận “Tội bà rất nhiều đã được tha nếu bà đã được yêu mến nhiều”. Những cử chỉ yêu mến tôn trọng rất nhiều của bà từ khi bước vào nhà là vì bà đã được tha nhiều. Nhưng đây Chúa lại tuyên bố: “Tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi vì bà đã yêu mến nhiều”. Theo lời tuyên bố của Chúa: tình yêu của tội nhân thay vì là hiệu quả thì lại là nguyên nhân sự tha thứ.

Kết luận như thế để làm bài học rất quan trọng cho Simon cũng như cho các người dự tiệc. Chúa tha tội không phải không đòi hỏi một tâm tình nội tâm của tội nhân. Để được tha thứ, tội nhân phải thống hối trước đã.

Bài học khác: Ông Simon biệt phái cũng như nhóm biệt phái của ông hay tự phụ khinh chê tội nhân. Chúa cho ông biết rằng: ông nhầm, tất cả mọi việc người đàn bà này làm đều chứng thực lòng quý mến thực sự của bà. Chúa đã cảm thấy và cho ông Simon cảm thấy như thế.

Ông biệt phái này coi món nợ của mình nhẹ. Ông đặt tin tưởng ở sự đạo đức của ông hơn là tin ở lòng thương xót Chúa. Sự tự mãn đó không để chỗ cho lòng yêu mến Chúa. Yêu ít nên được tha ít.

Sau khi đã cho Simon một bài học, Chúa quay ra nói với người đàn bà tội lỗi: “Tội con đã được tha rồi”. Những người ở đó ngạc nhiên; nhưng Chúa nhấn mạnh thêm bằng một nguyên tắc mới Chúa đưa ra: “Đức tin con đã cứu con, con hãy về bình an”.

Người đàn bà tội lỗi này là ai?

Từ đời thánh Grêgôriô Cả (+604) một số tác giả Tây phương hay đồng nhất hóa người đàn bà tội lỗi này với bà Maria Madalêna và bà Maria quê ở Bêtania. Theo sự nghiên cứu rất kỹ lưỡng của linh mục Holzmeister thì sự đồng nhất hóa đó không dựa trên một truyền thống nào vững chắc, Đông cũng như Tây.

Có phải bà là Maria quê Bêtania, chị ông Lagiarô, em bà thánh Matta chăng? Người ta đã lẫn hai người này vì câu truyện thánh Gioan kể ở 12,1tt. Nhưng không được lẫn. Bà Maria xức thuốc thơm Đức Giêsu ở Bêtania trước ngày Người chịu đau khổ. Đây sự việc xẩy ra ở Galilê, vào đầu đời giảng giáo của Chúa. Đàng khác, chị ông Lagiarô chưa bao giờ thấy kể là một tội nhân.

Tinh thần hai cảnh khác hẳn nhau. Trong thánh Luca tinh thần thống hối đứng đầu. Còn trong thánh Gioan chính là sự báo trước việc chịu đau khổ.

Có phải bà là Maria Madalêna chăng?

Có người dựa vào Luca 8,2 mà cho rằng người đàn bà tội lỗi đây là Maria Madalêna, vì bà này đã được Chúa trừ 7 quỷ. Nói Chúa trừ 7 quỷ mà không nói là người tội lỗi. Vì thế không có đủ lý để đồng nhất hóa hai người. Vả chăng tiếp sau câu truyện này, thánh Luca nêu lên tên bà Maria Madalêna như là một nhân vật mới.

Vậy câu hỏi: người đàn bà tội lỗi này là ai, vẫn chưa có câu trả lời. Nhưng mà không nên đồng hóa vô căn cứ.

Những người phụ nữ theo giúp Chúa (8,1-3)

Một số phụ nữ tỏ lòng biết ơn Chúa đã chữa cho khỏi bệnh, khỏi quỷ ám; đi theo giúp Chúa và ủng hộ Chúa bằng tiền bạc.

Đây không phải là những người trước kia tội lỗi trở lại, nhưng là những người đau ốm, hoặc bị quỷ ám được chữa khỏi. Trong số có bà Gioanna vợ của ông Chouza, quản lý của vua Hêrôđê Antipas. Ta phải đoán rằng gia đình này khá giả. Bà Suzanna, ta chỉ biết tên mà không biết gì hơn về bà. Bà Maria quê thành Magdala, Chúa đã xua đuổi 7 quỷ. Số 7 đây chỉ có nghĩa là tình trạng đau khổ thực sự và nặng nề. Ngoài ra theo thánh Marcô và thánh Matthêu còn có một số bà khác nữa, thí dụ bà Maria mẹ ông Giacôbê, và ông Giuse; bà Salomê mẹ hai con ông Dêbêđê.

Các bà theo giúp Chúa và các Tông đồ. Người đời bấy giờ không ai ngạc nhiên vì sự giúp đỡ này. Theo thánh Jêrôme: “Đó là thói quen người Do Thái và cũng phù hợp với cựu tục của dân tộc”.

II. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

Nhìn bên ngoài

Chỉ nhìn bên ngoài sự vật: ông Simon, nhà biệt phái mời Chúa Giêsu ăn. Chúa Giêsu vào bàn tiệc với một số khách được mời. Một người đàn bà có tiếng là tội lỗi, nhân cơ hội cũng bước vào, theo tục Đông phương, cửa không đóng.

Bà ta đã đối xử với Chúa rất tốt, khóc lóc tràn trề, nước mắt chảy đầy chân Chúa, bà ta lấy tóc lau, rồi hôn đi hôn lại chân Chúa; sau cùng lại đập bể bình thuốc thơm đổ trên chân Chúa.

Ba nhân vật được làm nổi bật: Simon, người đàn bà tội lỗi và Chúa Giêsu.

Xét đoán theo bên ngoài, Simon đã nhìn mọi cái dưới khía cạnh xấu và theo hình thức bên ngoài. Xem ra ông có lý. Ông chủ nhà không vấp phạm vì bà này là phụ nữ trắc nết, mà chỉ vấp phạm vì xét đoán Chúa không phải là vị tiên tri như thiên hạ đồn. Nếu Ngài là tiên tri ắt Ngài phải biết người đàn bà đó đáng khinh bỉ, một tội nhân ai cũng biết.

Nhưng điều mà ông Simon không biết là bà này là một tội nhân đã được tha. Người đàn bà đó biết và Đức Giêsu đã làm cho bà hiểu điều đó mà không cần nói ra.

Simon xét đoán một cách khắt khe người phụ nữ này và Chúa Giêsu; cho bà là một đĩ tõa và cho Chúa không phải là tiên tri. Trái lại, ông cho mình là người tốt, đáng kính, quảng đại, lịch sự.

Sự thật bên trong

Người đàn bà tội lỗi đã được tha hết tội. Những cử chỉ bên ngoài chứng tỏ lòng yêu mến của bà đối với Chúa nhiều, nên đã được tha nhiều và sự thực Chúa đã tuyên bố bà được tha mọi tội lỗi dù nhiều đến đâu. Còn ông Simon bị khiển trách là đã quá sơ sài trong những xã giao rất thường đối với Chúa. Hơn nữa, ông chỉ để trí xét nét những cái nhỏ nhặt bên ngoài. Điều đó tỏ ra ông ít lòng yêu mến đối với Chúa, nên Chúa tuyên bố: “Kẻ được tha ít thì yêu mến ít”.

Giáo huấn của Công Đồng Vatican II

Lương tâm con người là tấm gương trong sáng phản ảnh sự thánh thiện của Thiên Chúa. Nhưng lương tâm đó bị tội lỗi làm lu mờ đi trước sự kêu mời vươn lên của Thiên Chúa. Chúa Kitô đến để giải thoát lương tâm khỏi nô lệ tội lỗi. Ta hãy đọc lại tư tưởng của Công Đồng Vatican II: “Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo, và tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người: hãy làm điều này, hãy tránh điều kia. Quả thật con người có lề luật được Chúa khắc ghi trong tâm hồn. Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người và chính con người cũng sẽ bị xét xử theo lề luật ấy nữa. Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong thâm tâm họ. Nhờ lương tâm, lề luật được thực hiện trong sự yêu mến Thiên Chúa và anh em, và được biểu lộ cách kỳ diệu. Trung thành với lương tâm, người Kitô giáo liên kết với những người khác để tìm kiếm chân lý và giải quyết trong chân lý biết bao vấn đề luân lý được đặt ra trong đời sống cá nhân cũng như trong giao tiếp xã hội. Bởi vậy lương tâm ngay thẳng càng thắng thế thì những cá nhân và cộng đoàn càng tránh được độc đoán mù quáng và càng nỗ lực tuân phục những tiêu chuẩn khách quan của luân lý. Tuy nhiên, lương tâm nhiều khi lầm lạc vì vô tri bất khả thắng, nhưng cũng không vì thế mà mất hết phẩm giá. Nhưng không thể nói như vậy khi con người ít lo lắng tìm kiếm điều chân và điều thiện cũng như khi vì thói quen phạm tội mà lương tâm dần dần trở nên mù quáng…”.

(Hiến Chế Gaudium et Spes, số 16)