Chúa Nhật XI thường niên  - Năm C
YÊU NHIỀU, YÊU ÍT

Lm ViKiNi

Chúng ta thường thấy những nghi thức đón chào khách quốc tế rất long trọng, có lúc rất sơ sài, tùy theo vị khách nào được yêu mến, quý trọng nhiều hay ít.

Hôm nay ông Simon mở tiệc đãi khách, có mời Đức Giêsu  nữa, tuy ông là người thuộc phái Pharisiêu, nhưng có lẽ ông cũng có ít nhiều thiện cảm với Người. Còn hầu hết các người Pharisiêu đều không ưa Người, có kẻ còn chống đối Đức Giêsu  mạnh mẽ nữa. Ông Simon đón tiếp Người cũng sơ sài, không theo nghi thức đón tiếp đàng hoàng: Không có nước rửa chân tay, không hôn chào, không xức dầu thơm, theo như tục lệ. Trong khi đó có một phụ nữ nổi tiếng tội lỗi, đột nhiên đến lấy nước mắt tưới ướt chân Người, lấy tóc lau chân và xức dầu chân Người để tỏ lòng tôn trọng yêu mến Người rất cuồng nhiệt.

Trước hai cảnh tiếp đón Chúa như vậy, gợi cho chúng ta mấy suy nghĩ:

1) Lối đánh giá của Đức Giêsu: Người đánh giá ta theo lòng yêu mến, chứ không theo tội lỗi. Dù tội nặng nề tầy trời đến đâu, Người cũng không kể, không kết án. Người chỉ xét theo lòng mến Chúa và yêu người của ta thôi. Càng có lòng mến nhiều, càng được tha thứ nhiều, càng được đánh giá cao. Kẻ khô khan thờ ơ, nguội lạnh, dù có giữ trọn các giới răn cũng bị Người coi là kẻ giả hình như Pharisiêu. Họ giữ luật lệ rất kỹ, rất khắt khe, nhưng lòng họ xa Thiên Chúa. Họ đã bị Người vạch mặt: “Quân này mến Ta ngoài môi ngoài miệng mà lòng thì xa Ta... Họ như mồ mả sơn phết cho đẹp, mà trong đầy hôi thối”. Thánh Phaolô, trước thuộc phái Pharisiêu, khi  trở lại với Chúa, đã biết rõ lối sống nào là có giá trị, nên Ngài đã viết: “Con người được công chính hóa không phải do các việc làm như luật dậy, nhưng chỉ nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô” (Gal. 2, 16) Lòng tin do lòng mến mà ra.

2- Lối đánh giá của Pharisiêu: Lối nhìn tha nhân của Đức Giêsu khác với lối nhìn của Pharisiêu và của chúng ta. Pharisiêu và chúng ta thường nhìn người khác theo lý lịch quá khứ. Họ nhìn người phụ nữ theo lý lịch tội lỗi: Một nàng chơi, sống ngoài đường phố xấu nết, ô nhục, không được phép động đến ai, để hạng phụ nữ này đụng đến sẽ làm nhơ nhớp, đáng khinh bỉ. Họ cũng nhìn Đức Giêsu bằng con mắt xấu: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi”. Như vậy, khi ông Simon mời Đức Giêsu, ông mong  được vinh dự đón một ngôn sứ của Thiên Chúa, thôi bây giờ hết vinh dự rồi. Ông còn sợ bạn hữu chê cười, vì đã mời một người đụng chạm với phụ nữ tội lỗi. Có lẽ ông rất buồn và hổ then! Thấy vậy, Đức Giêsu vừa tháo gỡ tâm trạng hổ thẹn của ông, vừa khen người phụ nữ can đảm đã hạ mình xuống trước mặt hạng người Pharisiêu có tiếng là đạo đức và khắt khe với kẻ tội lỗi. Qua ví dụ hai con nợ, con nợ được tha nhiều thì yêu chủ nhiều, con nợ được tha ít thì mến ít, Đức Giêsu đã cho phái Pharisiêu biết người phụ nữ này được tha nhiều nên mến Chúa rất mãnh liệt, còn các ông cậy mình vô tội, nên các ông còn ít mến Chúa lắm. Vậy lối nhìn của Đức Giêsu đối với phụ nữ tội lỗi theo tâm tình đổi mới: Một tâm tình sám hối cải thiện, một tâm tình khiêm tốn hạ mình xuống như nô lệ, lấy nước mắt và tóc lau chân, hôn chân, xức dầu chân Người, tôn vinh Người là chủ, là Chúa của mình trước mặt mọi người.

Chị đã hạ mình xuống và đã được nâng lên hàng các thánh. Còn Pharisiêu và chúng ta cứ nâng mình lên, trách cứ và đấm ngực người khác, moi móc cái rác trong mắt người khác, không lo lấy cái xà trong mắt mình ra, không chịu đấm ngực mình ăn năn, thì sẽ bị hạ xuống vực thẳm đời đời.

3) Cách dự tiệc Thánh: Người Do Thái mời khách, đón khách theo nghi thức có chất văn hoá rất đẹp: bưng nước rửa tay chân sạch sẽ, mát mẻ, hôn chào niềm nở thân ái, xức dầu thơm trên đầu vừa cho dễ chịu thoải mái, vừa có ý tôn vinh khách như ông hoàng. Những cách cư xử văn hóa đó rất đáng cảm phục.

Khi chúng ta đến dự tiệc Thánh,  chúng ta có phong độ văn hóa nào đẹp chăng?

Đối với Chúa, tấm lòng đẹp nhất là khiêm tốn và hạ mình xuống ăn năn mọi lỗi lầm và hết lòng khát khao yêu mến rước Chúa vào nhà linh hồn.

Đối với cộng đoàn, chúng ta nên giữ đúng giờ kinh lễ, đến trước một chút để chuẩn bị tâm hồn là hay nhất, đừng vô tâm đến trễ gây cảnh hỗn độn mất trật tự. Ai đến trước ngồi trước, nhường chỗ cho người đến sau, người đến sau phải đi qua đi lại trước mặt, rất khó coi và gây chia trí. Đồng thời biết tham gia với cộng đồng cùng thưa đáp lời kinh tiếng hát, biểu lộ sự hiệp thông, hiệp nhất. Chúng ta cũng luôn giữ hết sức nghiêm trang, cung kính, nhân nhượng và ăn mặc đứng đắn để tôn trọng nơi thánh. Nhất là tránh hết sức những tiếng động, ồn ào, ho ngáp, thở dài, hôi miệng, hơi rượu, hơi thuốc làm người khác rất khó chịu và sợ mất vệ sinh.