Chúa Nhật XI thường niên  - Năm C
KẺ ĐỘT NHẬP VÀO BỮA TIỆC

McCarthy

Suy Niệm 1. HOÁN CẢI MỘT CON NGƯỜI

Một đêm nọ trong lúc bị cúp điện, một người đàn ông tìm được một cái đèn cũ đốt bằng mỡ từ trên tầng gác để đồ cũ. Tình trạng của đèn thật thảm hại, bóng đèn nứt và đen thui. Dù sao, ông cũng đốt đèn và nó toả ra một ánh sáng yếu ớt. Đã vậy, bấc đèn bốc khói toả ra một mùi khét lẹt. Thật là quá mức đối với một người thích mọi vật hoàn hảo như ông. “Cái đèn này thật vô dụng nên vứt nó đi”, ông nói với vợ ông. Nói xong ông tắt đèn dầu, lấy nến ra đốt.

Ba tuần sau, lại cúp điện. Lần này, vợ ông đem lại ánh sáng. Bà lấy ra một cái đèn dầu đẹp, đốt lên. Một ánh sáng màu hồng toả ra làm cả nhà thích thú.

“Cái đèn này tuyệt thật!” ông chồng nói: “Bà mua nó ở đâu?”

“Đó là cái đèn mà ông muốn vứt đi đấy”, bà đáp.

Sau khi đến thật gần để xem xét, ông nói: “Chắc tốn khá nhiều tiền để tân trang nói như thế này?”

“Thật ra chẳng tốn gì mấy”, bà đáp. “Tôi chỉ mua một cái bấc mới và một cái bóng. Nhưng tôi phải bỏ nhiều thời gian và công sức lau chùi và đánh bóng nó. Tôi đã nhận thấy dưới lớp bụi bẩn là một cái đèn đẹp. Và ông không thấy rằng tôi có lý sao?”

“Tôi hoàn toàn đồng ý với bà”, ông đáp.

Vứt bỏ một cái đèn dầu thì dễ hơn vứt bỏ thời gian và công sức để lau chùi và đánh bóng nó. Với con người cũng thế, gán cho họ một loại người nào đó rồi xếp xó họ thì dễ dàng hơn việc đối xử với họ như bạn bè và giúp đỡ họ vượt lên sự khốn cùng của họ. Hoán cải một người là nhiệm vụ tế nhị và khó khăn.

Ông Simon là một người Pharisêu hay biệt phái, và những người biệt phái “tách biệt” họ với những người tội lỗi. Vì thế, ông Simon cảm thấy bị xúc phạm khi thấy Đức Giêsu cho phép một người tội lỗi không chỉ đến gần Người mà còn sờ vào Người nữa.

Trong đầu óc của Simon, người phụ nữ ấy ở bên ngoài ơn cứu chuộc: chị ta là người tội lỗi, và luôn luôn là người tội lỗi. Vì thế, ông không muốn dính dáng gì đến chị ta. Bạn có thể nghĩ rằng Đức Giêsu cũng đã bị một người như chị ta quấy nhiễu. Tuy nhiên Người cho phép chị ta đến gần Người và sờ vào Người không có một lời ám chỉ nào để lên án.

Trong xã hội chúng ta, có nhiều người không chấp nhận khả năng người ta có thể thay đối? Họ không muốn cho người ta một cơ hội thứ hai. Một nền văn hoá không tin vào sự cứu chuộc là một nền văn hoá không hy vọng.

Đức Giêsu biết rõ người phụ nữ ấy là một người tội lỗi. Nhưng Người nhìn thấy nơi chị một khía cạnh khác tốt đẹp hơn. Người thấy rằng chị khao khát được coi như một con người chứ không phải là một đồ vật. Bằng việc vui lòng chấp nhận sự phục vụ khiêm hạ và yêu thương, Người giúp chị tin vào khía cạnh tốt đẹp ấy của mình để bộc lộ nó ra. Thật tuyệt vời khi chúng ta cảm thấy có người tín nhiệm chúng ta, không xét đoán hoặc lên án nhưng yêu thương chúng ta.

Chúng ta phải học nhìn ra điều tốt lành nơi một người khác và xác nhận điều đó. Khuyết điểm của người khác chỉ có thể được sửa chữa bằng cách yêu thương họ. Chúng ta không thể yêu thương một ai nếu chúng ta không chấp nhận con người thật của họ. Lên án không giải thoát mà áp bức. Chúa Giêsu không lên án người phụ nữ. Người thấy sự đau xót, khiêm hạ, lòng can đảm và yêu mến của chị. Người khẳng định khía cạnh ấy của chị.

Người phụ nữ ấy trước đây, chưa bao giờ cảm nghiệm một điều gì giống như thế. Chị chưa bao giờ gặp được một người tốt và hôm nay Đức Giêsu là người tốt nhất chị gặp. Người không chỉ tha thứ mà còn yêu thương chị. Chị hạnh phúc đến nỗi chi gần như kinh hoàng về niềm hạnh phúc ấy. Khi họ ra đi, và như người Châu Phi nói, chị bước đi cùng với trăng sao.

Suy Niệm 2. ĐƯA SỰ PHÁN XÉT VỀ CHÍNH MÌNH

Trong Kinh Thánh chúng ta đọc câu chuyện Vua Đavit đem lòng yêu thương người vợ của một chiến sĩ của ông là Urgia. Để cưới được bà, ông đã đưa Urigia ra mặt trận với hy vọng ông này bị quân thù giết chết, và điều này đã xảy ra. Làm việc hại người như thế quả là ghê tởm. Ngôn sứ Nathan quyết định vạch trần tội lỗi của Đavit. Tuy nhiên, thay vì trực tiếp tố giác Đavit, ông kể cho nhà vua nghe một câu chuyện đại khái như sau:

“Có hai người ở trong cùng một thành, một người giàu, một người nghèo. Người giàu thì có chiên dê và bò nhiều lắm. Còn người nghèo chẳng có gì cả, ngoài con chiên cái nhỏ độc nhất ông đã mua. Ông nuôi nó, nó lớn lên ở bên ông, cùng với con cái ông, nó ăn chúng bánh với ông, uống chung chén với ông, ngủ trong lòng ông: ông coi nó như một đứa con gái.

“Một hôm có khách đến thăm người giàu, ông này tiếc của, không bắt chiên dê hay bò của mình mà làm thịt đãi người lữ khách đến thăm ông. Trái lại, ông bắt con chiên cái của người nghèo mà làm thịt đãi người đến thăm ông”.

“Vua Đavit bừng bừng nổi giận với người ấy và nói với ông Nathan: “Có Đức Chúa hằng sống! Kẻ nào làm điều ấy, thật đáng chết!” Ông Nathan nói với vua Đavit: Kẻ đó chính là Ngài!”

Vua Đavit công nhận điều Nathan muốn nói. Và ông nói: “Tôi đã phạm tội chống Đức Chúa”. Nathan làm cho ông yên tâm rằng Thiên Chúa đã tha thứ cho ông.

Bằng một cách đề cập tế nhị, Nathan khiến Đavit có thể nhìn thấy tính chất nghiêm trọng của tội lỗi của mình và chính mình lên án nó. Nỗ lực của Nathan đạt đến tầm mức cao cả nhất ở chỗ người bị lên án nhìn thấy điều ác của mình đã làm, đưa ra sự phán xét về chính mình và hối hận: “Một sự đau nhói của lương tâm có giá trị hơn nhiều trận đòn roi” (Kinh Talmud).

Giờ đây chúng ta hãy trở lại để tìm hiểu về người phụ nữ tội lỗi trong Tin Mừng. Chị ta phải lấy hết can đảm để bước vào ngôi nhà của Pharisêu và đến trước mặt Đức Giêsu trong tình trạng tội lỗi của mình. Khi làm như thế, chị càng dễ bị làm cho tổn thương nặng nề. Chị liều mình hứng chịu sự lên án và sỉ nhục của dân chúng.

Thay vì xua đuổi chị, Đức Giêsu đã đón nhận chị một cách tử tế, dịu dàng và khoan dung. Người đã xúc động sâu xa bởi các tội lỗi của chị. Chị đã đau đớn biết tội của mình, và hối hận về những tội ấy. Người bảo đảm chị đã được tha thứ. Không những thế, Người để cho chị hiểu rằng chị được yêu thương. Như thế chị có thể thực hiện một sứ bắt đầu mới mẻ.

Một ngày kia một người bạn đến thăm Michel-Angelo. Ông thấy nhà điêu khắc vĩ đại đang đục đẽo một tảng đá cẩm thạch lớn. Sân nhà phủ đầy những mảnh cẩm thạch vỡ và bụi bặm. Một cảnh tượng không lấy gì đẹp lắm.

“Chúa ơi, ông đang làm gì vậy?” người bạn hỏi.

“Tôi đang thả thiên thần bị giam trong khối cẩm thạch này ra” Michel-Angelo đáp.

Người Pharisêu Simon nhìn người phụ nữ chỉ thấy chị ta là tội nhân và mãi mãi là tội nhân. Đức Giêsu nhìn người phụ nữ và thấy chị ta là một người phụ nữ tội lỗi có khả năng trở thành một vị thánh. Nhờ có sự gặp gỡ với Đức Giêsu, người phụ nữ bắt đầu sống một đời sống mới tốt đẹp hơn. Và chị ta có thể hành trình trên con đường ấy xa hơn những người đã xét đoán chị. Bằng việc tiếp xúc tử tế và chấp nhận quà tặng của chị với lòng khoan dung. Đức Giêsu đã thổi gió vào cánh buồm đời chị.