Chúa Nhật XI thường niên  - Năm C
CHÚA GIÊSU THA THỨ...
Chú giải mục vụ của Hugues Cousin

 

CHÚA GIÊSU THA THỨ CHO NGƯỜI PHỤ NỮ TỘI LỖI (7,36-50)

Luca đưa vào đây một đoạn văn mà độ dài nói lên được tầm quan trọng mà ông gán cho nó; đoạn này là của riêng ông, dù không hoàn toàn không có những đoạn song song ở Mc 14,3 (và Matthêu) và ở Gs 12,3. Một sự liên hệ kép nối liền nó với những gì được nói ở trước (đặc biệt các câu 29-30 và 34 được minh hoạ khá dài ở đây): đó là những người tội lỗi biết nhìn nhận Chúa Giêsu như ngôn sứ; việc Ngài tiếp đón họ làm cho những người Pharisêu từ chối tính cách ngôn sứ của Ngài.

Tuy nhiên, câu chuyện bắt đầu thật hay: một người Pharisêu mời Chúa Giêsu đến nhà dùng một bữa tiệc mừng, trong đó khách được mời nằm mà ăn. Một sự cố mở màn cho câu chuyện: một người phụ nữ tội lỗi đi vào phòng ăn và đến nơi Chúa Giêsu đang nằm và thái độ của cô ta quá suồng sã, đúng là gai mắt thật, mãi dâm có lẽ, dù sao cô ta cũng là một người đàn bà bị ô uế. Bấy giờ Chúa Giêsu đang dùng bữa tại nhà, cô nhận ra nơi Ngài –mà chân Ngài đã đẫm ướt vì nước mắt của cô ta rồi- Đấng mang lại sự thứ tha và ơn cứu độ của Thiên Chúa cho những người tội lỗi. Đó là ý nghĩa mà Chúa Giêsu –vị Ngôn Sứ sẽ đem đến tiếp theo đó là cử chỉ của người phụ nữ này. Nhưng ông chủ biệt phái lại không nhìn thấy xa được như thế, ông chỉ dừng lại ở ngoài mắt của những đụng chạm này- tất cả đối với ông ta có vẻ khiêu khích quá. Kết luận lầm lạc mà ông nghĩ trong thâm tâm dựa vào hai xác tín: một ngôn sứ phải có khả năng hiểu thấu lý lịch của những kẻ mình tiếp xúc và ông phải giữ khoảng cách giữa cái tinh sạch và cái ô uế (cc.36-39). Thái độ của vị chủ nhà này rất đặc biệt: ông mời Chúa Giêsu vì những lần Ngài chữa lành bệnh tật thể lý –có thể cả những lời giảng dạy của Ngài nữa- đón tiếp kẻ tội lỗi và kẻ bị ruồng bỏ- không ăn khớp với tư tưởng mà ông ta có về một sứ giả của Thiên Chúa.

Khi lên tiếng nói, Chúa Giêsu biểu lộ sự hiểu biết có tính tiên tri của mình mà ông Simêon ngấm ngầm chối bỏ. Ngài bắt đầu kể một dụ ngôn dường như chẳng ăn nhập gì với tình thế này (cc.40-43). Nó không đưa ra một tri thức nào, nhưng trước tiên nó đưa ra một khoảng cách mà Simêon chỉ có thể đồng ý với người mà ông ta vừa chỉ trích trong thâm tâm ông. Câu chuyện này bao hàm một yếu tố đến từ cái bình thường: sẽ thật lạ lùng khi một chủ nợ xoá bỏ những món nợ không thể thanh toán nổi (năm trăm quan tiền bằng tám tháng lương của một công nhân). “Ông thương tình tha cho cả hai” chi tiết không bình thường này cho thấy chuyện thường ngày đó nhắc ta nghĩ đến một thực tại sâu sắc hơn: mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Bởi đó, tình yêu của các con nợ là biết ơn đối với kẻ tha nợ cho mình. Đó là bài học mà Chúa Giêsu rút ra từ vấn nạn được nêu lên với Simon (và với độc giả) và nó mời gọi một lời đáp không có gì bất ngờ. Như vẻ do dự (tôi thiết nghĩ…) của ông cho thấy, Simon đoán được Chúa Giêsu sẽ đưa mình đi tới đâu; nhưng ông bị kẹt trong câu chuyện dụ ngôn và không thể trả lời cách khác được. Ngược với kết luận sai lầm mà ông có trong đầu, lần này ông đã công khai phán đoán đúng.

“Ông thấy người phụ nữ này chứ?”. Vừa được sự đồng tình của người Pharisêu, Chúa Giêsu chuyển chú ý về đối tượng của cuộc tranh cãi và đưa ra việc áp dụng dụ ngôn (cc. 44-47). Ngài đối chiếu cách hành xử của Simon tuy đúng nhưng thiếu sự niềm nở hiếu khách với ba cử chỉ của người phụ nữ vô danh rất quan tâm đến đôi chân Chúa Giêsu (được lặp lại mỗi lần); càng rõ hơn nữa về dầu thơm, Chúa Giêsu phân biệt việc xức dầu trên đầu mà Simon đã không làm cho Ngài với việc người phụ nữ đổ dầu trên chân Ngài. Điều đó làm ta nghĩ tới thái độ khiêm tốn của người phụ nữ đứng bên chân Chúa Giêsu (c. 38); đó là cử chỉ chính yếu đã khiến cho xảy ra ba hành vi được miêu tả ở đây. Trong mạch văn, kết luận mà Chúa Giêsu rút ra (c.47) chỉ muốn nói lên một điều: thái độ của người phụ nữ là hậu quả của tình yêu Thiên Chúa mà chị đã lãnh nhận. Tội lỗi đầy tràn của chị đã được Thiên Chúa tha hết, điều đó thể hiện rõ ràng qua thái độ của chị. Tình yêu là lời đáp của con người khi được Chúa tha nợ và tha tội. Như những người thu thuế – một dạng tội nhân công khai khác (x. 7,29), người phụ nữ này đã nhìn nhận rằng Thiên Chúa công chính và đã đón nhận tha thứ của Người. Trái lại, ông Pharisêu vẫn ở trong chiều hướng của các bạn đồng nghiệp (x. 7,30), ông đã khước từ ý định của Thiên Chúa về ông. Nhưng ai biết được? Bài học tên sẽ mang lại kết quả và ông Pharisêu, sau khi ăn tiệc này, sẽ được biến đổi chăng?

Lần đầu tiên Chúa Giêsu nói với người phụ nữ (cc.48-50) và tuyên bố với chị Thiên Chúa đã tha thứ cho chị và từ nay chị được hưởng ơn tha thứ đó. Khi những khách mời khác phản ứng như các Kinh sư và Pharisêu trong dịp người bại liệt được ơn tha tội (5,20-21), thì Chúa Giêsu lại cho thấy rõ tiến trình của ơn cứu độ. Tình yêu mà người phụ nữ đã bày tỏ đối với Ngài, chứng tỏ rằng chị ta hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa và vào vị sứ giả của Ngài; hình ảnh mà chị có về Thiên Chúa là đúng, trong khi ông Pharisêu lại có ý niệm sai lạc về Ngài. Đức tin của người phụ nữ đã là điểm khởi hành của một tiến trình hoán cải, đức tin ấy là nguyên nhân ơn cứu độ của chị.

NHỮNG PHỤ NỮ ĐI THEO CHÚA GIÊSU (8,1-3)

Với tư cách một văn sĩ Hy Lạp có tài, Luca thay đổi thể loại văn; đây là một tóm lược về cuộc hành trình truyền giáo mà Chúa Giêsu không ngừng thực hiện ở Galilê: Có hai nhóm người là nhân chứng cho những hành động và quyền năng và những giáo huấn của Chúa Giêsu và sẽ sát cánh với nhau làm bảo chứng cho những điều ấy (x.23,49). Trước hết là nhóm Mười Hai, mà chỉ được nói rõ là ở với Người – phải đợi đến 9,1 họ mới cộng tác vào sứ vụ của Chúa Giêsu.

Rồi tới nhóm các phụ nữ được triển khai rộng hơn. Không có chỗ nào Luca mô tả một cách chi tiết những việc trừ quỷ và chữa lành mà các bà được hưởng và duờng như, về phía các bà, những việc đó đóng một vai trò tương tự như việc kêu gọi các ông (5,10-11; 27-28); người ta nhắc đến ba tên trong số các bà như đã làm đối với nhóm Mười Hai (6,12-16). Bù lại, các bà này sẽ lại xuất hiện ở hàng đầu trong những thời điểm then chốt, lúc Chúa Giêsu chết trên thập giá và lúc chôn cất Người (23,49-55), rồi ở ngôi mộ trống ở đó đặc biệt có mặt bà Maria Magđala và bà Gioanna; người ta cũng sẽ gặp các bà này với nhóm Mười Hai và mấy người khác trong phòng lầu trên trước lễ Ngũ tuần (Cv 1,14). Ở đây các bà này sống Chúa Giêsu và nhóm Mười Hai, đặc biệt lấy của cải mình mà giúp đỡ –Luca cũng sẽ dùng cùng một động từ trong Cv 6,2 khi nói nhóm Bảy (phó tế); trong số các bà, có một người trước đây bệnh hoạn nhiều hơn cả (bảy quỷ x. 11,26), Maria gọi là Magđala (một làng gần hồ Gênêsaret); một bà thuộc xã hội thượng lưu, Gioanna, đã từ bỏ chồng và triều đình Hêrôđê (x.5,11), một chi tiết làm ta có thể hiểu được việc can thiệp của vua Hêrôđê ở 9,7-9.

Các phụ nữ chiếm một chỗ quan trọng trong Luca và Công vụ. Tác giả không nêu ra tính cách bất tiện vì sự có mặt của các bà khi họ đi theo Chúa Giêsu và nhóm các ông. Chúa Giêsu tỏ ra tự do một cách làm ta phải kinh ngạc khi đem các bà theo trong nhóm đệ tử lưu động của Người. Như thế, trong Tin Mừng của ông, không một đối thủ nào trách cứ Chúa Giêsu về điểm này, trong khi việc Ngài dám tiếp với những người tội lỗi và ăn uống với họ đã bị chỉ trích nhiều lần.