Chúa Nhật XI thường niên  - Năm C
ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ ĐỨC CHÚA
Chú giải của Noel Quesson

Có người thuộc nhóm Pharisêu mời Đức Giêsu dùng bữa với mình. Đức Giêsu đến nhà người Pharisêu ấy và vào bàn ăn.

Ba lần, Luca ghi lại những người Pharisêu đã mời Đức Giêsu dùng bữa (Lc 7,36; 11,37; 14,1). Trái lại Máccô và Mátthêu đã mô tả một cách có hệ thống những người Pharisêu đại thể là những đối thủ của Đức Giêsu. Sự nhận định tinh tế của Luca có lẽ gần với sự thật lịch sử hơn. Đức Giêsu đã không bị loại trừ một cách tiên hiền. Nếu Người đã thường xuyên đụng chạm với một số người thì không phải vì Người khinh bỉ họ. Chính họ đã không chấp nhận thái độ hết sức cởi mở của Người đối với những kẻ tội lỗi.

Lạy Chúa, theo gương Chúa, xin Chúa cho chúng con đừng trở thành tù nhân của bất cứ phe phái nào, xu hướng nào để luôn cởi mở với những người thường chống đối chúng con và không suy nghĩ giống như chúng con. Thật vật Đức Giêsu có thể đã làm cho người ta "khó chịu” một cách chính đáng: hoàn toàn không giống với điều người ta chờ đợi? Chính Gioan Tẩy Giả trong đoạn văn liền trước đó (Lc 7,18-35) phải đặt câu hỏi: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?". Gioan Tẩy Giả, vị ngôn sứ của Thiên Chúa sống trong sa mạc lánh xa các thành phố, không ăn gì, không uống gì: ông là một nhà khổ tu (Lc 7,33). Còn Đức Giêsu sống trong thế gian, chấp nhận những bữa ăn mà người ta mời Người, đến nỗi làm người ta phải gọi Người là “tay ăn nhậu” (Lc 7,34). Gioan Tẩy giả loan báo sự phán xét của Thiên. Chúa chống lại kẻ tội lỗi. Còn Đức Giêsu là “bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi" (Lc 7,34). Con nhìn ngắm Đức Giêsu ngồi vào bàn, trong một bữa tiệc, ăn và uống!

Thiên Chúa không chống lại đời sống con người. Chính Người đã ban đời sống ấy cho chúng ta. Môn đệ của Đức Giêsu không phải là một con người rầu rĩ ủ dột. Đức Giêsu chấp nhận những lời mời Từ ngữ Hy lạp được dùng ở đây (Katéklithè): thực ra có nghĩa là; "Người nằm ở bàn ăn". Vậy thì đây là một bữa tiệc mừng mà người ta nằm dài trên các đi văng để dùng bữa, trong một khung cảnh tiện nghi. Xét về bản thân, Đức Giêsu là một người nghèo. Nhưng Người đã sống tiếp xúc với những Người giàu có, và không khinh bỉ một ai.

Và kìa một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pharisêu liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.

Ở Phương Đông, người ta có thể tự do vào nhà có tiệc. Cũng thế, khí hậu nóng bức ở Phương Đông giải thích việc sử dụng nhiều nước hoa. Dâng tặng nước hoa làm cho tươi tỉnh là một dấu chỉ lòng hiếu khách bình thường.

Người ta đã biết người phụ nữ ấy. Trong thành phố, mọi người xem ra đều biết trường hợp của chị: Đó là một “phụ nữ tội lỗi", và có lẽ là một gái điếm. Chị ta phạm nhiều tội lỗi. Nhưng chị đã hối hận về những tội lỗi ấy. Chị khóc lóc trước đám đông! Chị chán ngán chính mình. "Sự dễ dãi, trong đời sống đạo đức không làm cho người ta hạnh phúc”. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói như thế với giới trẻ để trả lời mỗi câu hỏi về tình dục.

Thế là người phụ nữ tội lỗi đã quỳ sấp trên mặt đất dưới chân của Đức Giêsu. Những tiếng nức nở vang lên làm toàn thân chị run rẩy. Chị hôn lên chân Đức Giêsu nhiều lần và làm cho phòng tiệc sực nức mùi thơm. Các thánh sử đã có thể kể lại những cảnh hàm hồ như thế ra sao? Về việc này, chính Đức Giêsu đã nói ra nhột sứ điệp chủ yếu.

Tôi nghĩ đến những tội lỗi của tôi, và con thủy triều dơ bẩn màu đen của mọi tội lỗi thế gian. Lạy Chúa, Chúa phải quen thấy con người phạm tội từ khi Chúa đã tạo ra con người có tự do, từ khi có con người trên mặt đất.

Thấy vậy ông Pharisêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: "Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: "Một người tội lỗi!”

Ông Pharisêu ấy khinh bỉ đàn bà. Quả thật, theo Luật pháp của Israel, người ta trở thành "ô uế" khi chạm vào một Người đàn bà tội lỗi, cũng như vào một xác chết hay một con heo. Vì thế có dư luận giữa người Pharisêu: Đức Giêsu không phải là một người của Thiên Chúa, không phải là một ngôn sứ.

Vậy bạn thử nghĩ xem, Người đã để cho một phụ nữ xõa tóc mình mà lau chân Người, một hành động đáng xấu hổ và sỗ sàng ngay cả ngày hôm nay cúng thế trong thế giới Do Thái và Hồi giáo truyền thống nơi Người phụ nữ phải dùng khăn trùm mà che giấu tóc họ.

Đức Giêsu lên tiếng bảo ông: "Này ông Simon, tôi có điều muốn nói với ông!". Ông ấy thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói". Đức Giêsu nói: "Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?”. Ông Simon đáp: "Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn". Đức Giêsu bảo: "ông xét đúng lắm".

Thông thường những chủ nợ loài nói thì không như thế! Nhưng Thiên Chúa thì như thế. Đức Giêsu quả là ngôn sứ, Người đã làm cho tình yêu thương của Thiên Chúa Cha trở nên hữu hình…

Sau cùng khi nào chúng ta mới hiểu rằng Thiên Chúa không phải là "Đấng xét xử" nhưng là "Đấng tha nợ", Đấng tha thứ những người tội lỗi? Và ai yêu cầu chúng ta có thái độ giống như thế: "Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con".

Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Simon: "ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây đã không ngừng hôn chân tôi Dàu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi còn chị ấy lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi.

Đức Giêsu đã ngợi khen chị ấy. Người đề cao chị ấy.

Người nhấn mạnh tất cả những việc tốt chị đã làm, từng chi tiết một. Trước đó, chị đã đau khổ biết bao. Lạy Chúa, xin giúp cho con nhìn những kẻ tội lỗi và cả chính con với ánh mắt của Chúa, đầy lòng nhân từ và thương xót. Xin Chúa ban cho các Kitô hữu quyền năng phục hồi những kẻ có tội dưới mắt họ. Lạy Chúa ước gì mọi lời nói và thái độ của Giáo Hội Chúa nói lên rằng Chúa nhân hậu dường bao! Lạy Chúa, ước gì mọi linh mục của Chúa đều đầy lòng nhân từ. Lạy Chúa Giêsu, xin cho họ giống Chúa, xin cho họ là những thánh chức đem sự hòa giải lại cho mọi kẻ tội lỗi.

Vì thế tôi nói cho ông hay: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít".

Dụ ngôn nói trên về hai người mắc nợ có ý nghĩa rõ ràng: Bởi vì người đã tha thứ cho chị nhiều nên chị đã yêu mến nhiều. Trong khi mà bản dịch của sách Kinh Thánh dường như rút ra kết luận ngược lại: vì chị đã yêu mến nhiều nên người ta đã tha thứ cho chị nhiều. Thật vậy, truyền thống to lớn của Kinh Thánh đã lặp lại không mệt mỏi với chúng ta rằng không phải kẻ tội lỗi xứng đáng được Thiên Chúa tha thứ nhưng Thiên Chúa đã tha thứ không đòi hỏi bởi một sáng kiến tự do của tình yêu phổ quát của Người.

Nhưng, dù sao chân lý có thể có trong cả hai lập luận: Tình yêu là nguyên nhân của sự tha thứ: "Tội của chị được tha vì chị đã yêu mến nhiều”.

- Tình yêu là hậu quả của sự tha thứ: "Người ta càng được tha thứ, người ta càng hướng về lòng yêu mến".

Tình yêu khiến cho tha thứ! Vâng đúng vậy.

Tha thứ khiến cho mến yêu! Còn đúng hơn nữa.

Như thế bản văn này của Luca, vị thánh sử của lòng thương xót, là một viên ngọc quý của Tin Mừng. Đức Giêsu đã trả lời cho người Pharisêu ngạc nhiên khi thấy một phụ nữ tội lỗi chạm vào Đức Giêsu và có vẻ nghi ngờ quyền năng ngôn sứ phải biết được bí mật các tâm hồn của Người: "Tôi biết rất rõ chị ấy là ai và chính vì tôi biết mà tôi đã để cho chị ấy chạm vào tôi: Bởi vì tôi đến vì những kẻ tội lỗi chứ không phải vì nhũng người công chính" (Lc 5,31-32).

Con cám ơn Chúa về sự mạc khải này. Có lẽ vì điều đó Chúa cho phép chúng con lạm dụng sự tự do mà phạm tội để một ngày kia tội lỗi của chúng con biến đổi thành tình yêu to lớn hơn, bởi vì chúng con sẽ hiểu và đón nhận sự tha thứ của Chúa. Ôi mầu nhiệm biết bao khi mỗi tội lỗi của con có thể trở thành một cơ hội yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn: Giây phút tuyệt vời khi con ý thức được lòng thương xót; khi con đoán biết Thiên Chúa yêu thương con đến mức độ nào; Chính sự tha thứ là tình yêu cao cả nhất. Chẳng đáng bỏ công cử hành sự tha thứ ấy trong một bí tích hay sao? Giáo Hội hiện nay thật có lý muốn gọi bí tích này là bí tích "hòa giải", thay vì là bí tích "sám hối"? Tôi có thích thực hành bí tích ấy không? Thánh âu-tinh đã viết: "Sự xưng thú tội lỗi chỉ có ý nghĩa Kitô giáo nếu nó được thực hiện trong sự tuyên xưng lời khen ngợi". Xưng thú tội lỗi của chúng ta, chính là tuyên xưng tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta.

Rồi Đức Giêsu nói với người phụ nữ: "Tội của chị đã được tha rồi". Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: "Ông này là ai mà lại tha được tội?" Nhưng Đức Giêsu nói với người phụ nữ: "Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an!".

Một cách hoàn toàn tự nhiên, Đức Giêsu cư xử như một người có quyền bính của Thiên Chúa, Đấng tha thứ mọi tội lỗi. Chính vì những thái độ và lời nói, như thế đã khiến cho các môn đệ thắc mắc về căn tính sâu xa của Người: "Vậy thì người “này là ai?" Ngày trong các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, Người ta đã dám trả lời rằng: "Đức Giêsu Kitô là Đức Chúa!”.

Sau đó, Đức Gìêsu rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Maria gọi là Maria Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gio-an-na, vợ ông Khuda quản lý của vua Hêrôđê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ…

Theo thói quen, Luca nhấn mạnh đến các "phụ nữ", như thế là phản ứng lại xã hội và các tôn giáo trong thời của ngài Các giáo trưởng Do Thái đã loại các phụ nữ ra khỏi tập thể các môn đệ của họ. Quả là một cuộc cách mạng thật sự đã bắt đầu với Đức Giêsu. Dù chưa hoàn tất.