Chúa Nhật X thường niên  - Năm C
CHÚA ĐỘNG LÒNG THƯƠNG
Suy niệm của Lm. Văn Quy & Lm. Trần Văn Khả

I. TÌM HIỂU

Câu truyện này chỉ có một mình thánh Luca kể lại. Ngài kể tiếp theo câu truyện chữa tên đầy tớ của viên sĩ quan La mã. Nhưng không cho biết rõ thời giờ, chỉ tả về sự việc xẩy ra ở Naim.

Naim, nay là một làng nhỏ cách Capharnaum độ 7, 8 giờ về phía nam núi Tabor, gần Djebel Dahin. Naim không cách Sunem bao xa, nơi mà tiên tri Êlidê đã làm cho con bà chủ nhà trọ sống lại. Gần làng, về phía đông, người ta đã khoét vào núi những lỗ sẵn dùng để chôn cất. Naim, một thành nhỏ chỉ có một cửa để đi về đồng quê và ra nơi chôn cất.

Thường thường việc chôn cất làm cuối ngày, có lẽ lúc buổi chiều. Đức Giêsu đi vào trong thành thì gặp đám xác ở trong thành đi ra, ngay ở cửa thành.

Theo thói tục Đông phương, người chết để trong áo quan không đậy nắp, và đã được quấn khăn liệm kỹ lưỡng. Cùng đi với Chúa Giêsu có môn đệ và một số đông dân chúng. Đám xác có đông người tham dự.

Điều đó quan trọng để chứng minh việc sống lại này có thật chứ không giả tạo. Chàng thanh niên đã sống lại thật sự:

- Anh đã đứng lên và bắt đầu nói được.

- Chúa cầm tay trao lại cho mẹ cậu.

- Thái độ sửng sốt sợ hãi của mọi người làm chứng một biến cố quan trọng đã thực sự xẩy ra.

- Việc sống lại đã được loan truyền khắp vùng.

Câu truyện kể một cách rất đơn sơ, không có chi tiết của một câu truyện hoang đường.

“Trông thấy bà, Chúa động lòng thương”. Trong bài tường thuật này chúng ta cũng nên chú ý một điểm: đây là lần thứ nhất mà thánh sử dùng chữ ‘Chúa’ để chỉ về Chúa Giêsu.

Phép lạ chứng tỏ lòng nhân hậu của Chúa: lý do trước nhất khiến Chúa làm phép lạ mà thánh sử ghi nhận là “Chúa động lòng thương và bảo bà rằng: Đừng khóc nữa”.

Lòng thương xót biểu lộ trong câu nói: “Thôi đừng khóc nữa”. Đây là lời chia buồn với khổ chủ. Thái độ của Chúa còn biểu lộ trong cử chỉ rất nhã nhặn đem cậu trả cho mẹ. Đứa con là hy vọng độc nhất của bà và đã là căn cớ cho bà đổ không biết bao nhiêu là nước mắt.

Quyền năng Chúa biểu lộ qua câu nói: “Hỡi chàng thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy trỗi dậy”.

So sánh với câu truyện sống lại kể trong 1V 18, 17-24 và 2V 4, 18-36 do tiên tri Êlia và tiên tri Êlidê, ta thấy có một sự khác biệt căn bản. Hai tiên tri Êlia và Êlidê đã khẩn khoản nài xin Thiên Chúa rất nhiều và làm nhiều cử động biểu tượng. Còn Chúa Giêsu chỉ phán có một lời, không cầu, không xin, chỉ ra có một lệnh, tức khắc chàng thanh niên sống lại.

Cảm giác của dân chúng

- Đầu hết sợ sệt.

- Sau họ ca ngợi Thiên Chúa, Đấng duy nhất có thể làm được những việc như thế.

- Quan niệm về thời kỳ cứu chuộc sống động lại trong tâm hồn dân chúng.

Hiệu quả: Danh tiếng Chúa đồn khắp xứ Giuđêa, và các vùng lân cận, vào cả trong ngục thất nơi giam cầm vị Tiền hô. Vì thế ngài đã sai sứ giả đến hỏi Chúa về sứ mạng của Chúa

II. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

1) Êlia làm sống lại con trai bà quả phụ ở Sarepta

Trong thời gian Êlia đang ở trong nhà bà quả phụ thì cậu con trai của bà ngã bệnh, và bệnh tình trầm trọng đến nỗi cậu ngã ra chết, vô phương cứu vãn.

Bà quả phụ quá buồn thưa với tiên tri rằng: ‘Hỡi người của Chúa, ngài với tôi có liên quan gì chăng? Ngài đến nhà tôi để nhắc lại những lỗi lầm thầm kín của tôi làm cho Chúa giết chết con tôi’. Vị tiên tri nói với bà: Đem nó lại đây. Rồi ông bế lấy đứa nhỏ khỏi tay mẹ nó, đem lên phòng cao nơi ông ở và đặt nó trên giường. Ông kêu cầu Đức Chúa rằng: "Lạy Đức Chúa, Thiên Chúa của con. Chúa nỡ hại cả bà goá đã cho con ở nhờ, mà làm cho con bà ấy phải chết sao?" Ba lần ông nằm lên trên đứa trẻ, và kêu cầu Đức Chúa rằng: "Lạy Đức Chúa, Thiên Chúa của con, xin cho hồn vía đứa trẻ này lại trở về với nó!" Đức Chúa nghe tiếng ông Êlia kêu cầu, hồn vía đứa trẻ trở về với nó, và nó sống. Ông Êlia liền bồng đứa trẻ từ phòng trên xuống nhà dưới, trao cho mẹ nó, và nói: "Bà xem, con bà đang sống đây!" Bà nói với ông Êlia: "Vâng, bây giờ tôi biết ông là người của Thiên Chúa, và lời Đức Chúa do miệng ông nói ra là đúng."

2) Êlidê làm cho một em nhỏ sống lại

Một hôm, ông Êlidê đi qua Sunêm. Ở đó có một phụ nữ giàu sang. Bà ta giữ ông lại dùng bữa. Từ đó, mỗi lần đi qua, ông đều ghé vào dùng bữa. Bà ấy nói với chồng: "Này ông! Tôi biết người thường ghé vào nhà chúng ta là một thánh nhân của Thiên Chúa. Mình phải làm cho ông một căn phòng nhỏ trên lầu có tường có vách, rồi kê ở đó một cái giường, đặt bàn ghế và để một cái đèn cho ông dùng. Như thế, khi nào đến nhà mình, ông sẽ lui vào đó." Một hôm, ông đến nơi ấy, ông lui vào phòng trên lầu và nghỉ ở đó. Ông nói với Giê-kha-di, tiểu đồng của ông: "Đi gọi bà Su-nêm." Nó đi gọi bà và bà đến trước mặt nó. Ông Êlidê bảo nó: "Hãy nói với bà ấy: Bà đã quá lo lắng bận rộn vì chúng tôi. Chúng tôi biết phải làm gì cho bà đây? Có cần chúng tôi phải nói một lời với đức vua hay với tướng chỉ huy quân đội cho bà không?" Bà trả lời: "Tôi sống yên hàn giữa dân tôi." Ông Êlidê nói với tiểu đồng: "Nên làm gì cho bà ấy?" Giê-kha-di đáp: "Tội nghiệp, bà ấy không có con trai, mà chồng thì đã già." Ông Êlidê bảo: "Đi gọi bà ấy." Nó đi gọi bà, và bà ấy đến đứng ngoài cửa. Ông Êlidê nói: "Vào thời kỳ này, vào độ này sang năm, bà sẽ được bế con trai." Bà mới nói: "Không, thưa ngài, người của Thiên Chúa, xin đừng lừa dối nữ tỳ ngài!" Quả nhiên, bà ấy có thai, và năm sau, vào thời kỳ, vào độ mà ông Êlidê đã nói, thì bà sinh con trai. Đứa trẻ lớn lên. Một ngày kia, khi đi kiếm cha nó ở giữa những người thợ gặt, nó nói với cha: "Ôi, cái đầu con! Cái đầu con!" Người cha bảo anh đầy tớ: "Bồng nó về cho mẹ nó." Người tớ trai bồng nó, đem về cho bà mẹ. Đứa trẻ ngồi trên đầu gối bà đến trưa, rồi nó chết. Bà đem nó lên đặt trên giường dành cho người của Thiên Chúa, đóng cửa lại, để nó ở trong rồi đi ra. Bà đi gọi chồng và nói: "Xin ông sai đến tôi một anh đầy tớ và một con lừa cái. Tôi chạy đến người của Thiên Chúa, rồi sẽ về." Người chồng bảo: "Tại sao bà lại đi gặp ngài ngày hôm nay? Không phải là ngày đầu tháng, cũng chẳng phải là ngày sa-bát." Nhưng bà trả lời: "Ông cứ yên tâm!" Rồi bà cho thắng lừa và nói với anh đầy tớ: "Hãy đưa tôi đi và lên đường! Chỉ dừng xe lại khi tôi bảo." Bà lên đường và đi đến với người của Thiên Chúa ở núi Các-men. Vừa thấy bà đằng xa, người của Thiên Chúa nói với Giê-kha-di, tiểu đồng của ông: "Kìa bà Su-nêm. Con hãy chạy ra đón và nói với bà ấy: "Bà có được mạnh khoẻ không? Ông nhà có được mạnh khoẻ không? Cậu bé có được mạnh khoẻ không?" Bà trả lời: "Vâng, mạnh khoẻ cả." Khi đến gần người của Thiên Chúa ở trên núi, bà ôm lấy chân ông. Giê-kha-di tiến tới, đẩy bà ra, nhưng người của Thiên Chúa bảo: "Để yên cho bà ấy, vì tâm hồn bà đang phải cay đắng. Đức Chúa đã giấu ta điều ấy, Người không cho ta biết." Khi ấy, bà nói: "Nào tôi có xin ngài cho tôi được đứa con đâu? Tôi đã chẳng nói: "Xin đừng đánh lừa tôi, đó sao?" Ông Êlidê bảo Giê-kha-di: "Hãy thắt lưng, cầm gậy của ta mà đi! Gặp ai thì đừng có chào, ai chào thì đừng đáp lại. Ngươi sẽ đặt gậy của ta trên mặt cậu bé." Mẹ cậu bé nói: "Có Đức Chúa hằng sống và có ngài đang sống đây, tôi xin thề sẽ không rời xa ngài." Ông trỗi dậy và đi theo bà. Giê-kha-di đã đi trước hai người và đặt gậy trên mặt cậu bé; nhưng không nghe thấy tiếng, không thấy động đậy. Anh ta quay lại đón ông Êlidê và trình ông: "Cậu bé đã không thức dậy." Khi ông Êlidê tới nhà thì cậu bé đã chết, nằm trên giường của ông. Ông đi vào chỗ cậu bé, đóng cửa lại, chỉ có hai người ở bên trong, rồi cầu nguyện với Đức Chúa. Ông lên giường nằm lên trên đứa trẻ, kề miệng ông trên miệng nó, kề mắt ông trên mắt nó, đặt bàn tay ông trên bàn tay nó. Ông cứ nằm trên đứa trẻ, da thịt nó nóng lên. Ông đi đi lại lại trong nhà, rồi lại lên nằm trên nó; cậu bé hắt hơi đến bảy lần, và mở mắt ra. Ông Êlidê gọi Giê-kha-di và bảo: "Đi gọi bà Su-nêm." Nó đi gọi bà; bà đến với ông, ông nói: "Bà hãy đem con đi!"

Giáo Huấn của Công Đồng Vatican II

Chúa Giêsu Kitô là người được Thiên Chúa sai đến: “Sau khi phán dạy nhiều lần, nhiều cách qua các Tiên Tri, "nay là thời cuối cùng, Thiên Chúa đã nói với chúng ta qua Chúa Con" (Dth 1,1-2). Thực vậy, Ngài đã sai Con Ngài là Ngôi Lời vĩnh cửu, Đấng sáng soi mọi người, đến sống giữa loài người và nói cho họ nghe những điều kín nhiệm nơi Thiên Chúa (x. Gio 1,1-18). Bởi vậy, Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể "là người đã được sai đến với loài người", "nói tiếng nói của Thiên Chúa" (Gio 3,34) và hoàn thành công trình cứu rỗi của Chúa Cha đã giao phó cho Ngài thực hiện (x. Gio 5,36; 17,4). Vì thế, chính Ngài, Đấng mà ai thấy, tức là thấy Chúa Cha (x. Gio 14,9), đã đến bổ túc và hoàn tất mạc khải, bằng tất cả sự hiện diện và tỏ mình qua lời nói cũng như việc làm, dấu chỉ và phép lạ, nhất là qua cái chết và sự sống lại vinh quang từ kẻ chết, sau cùng bằng việc phái Thần Chân Lý đến, bằng chứng tích của một Thiên Chúa, Ngài xác nhận Thiên Chúa hằng ở với chúng ta để giải thoát chúng ta khỏi bóng tối tội lỗi và sự chết, rồi phục sinh chúng ta để được sống đời đời.

Vậy nhiệm cuộc Kitô giáo, vì là giao ước mới và vĩnh viễn, sẽ không bao giờ mai một. Chúng ta không phải chờ đợi một mạc khải công cộng nào khác nữa trước khi Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta hiện đến trong vinh quang (x. 1Tm 6,14; Tit 2,13).

(Hiến Chế Tín Lý Về Mạc Khải Của Thiên Chúa – số 4)