Chúa Nhật X thường niên  - Năm C
THIÊN CHÚA ĐÃ VIẾNG THĂM DÂN NGƯỜI
Suy niệm của Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Lc 7:11-17)

Tin Mừng Lu-ca nói nhiều đến lòng thương xót của Thiên Chúa đối với kẻ tội lỗi, những người cùng khốn trong xã hội và cả những người dân ngoại. Câu chuyện Chúa Giêsu cho con trai bà góa thành Na-in sống lại là tường thuật duy nhất chỉ có thánh Luca ghi lại. Bà góa thành Na-in này nằm trong số những người cùng khốn được Chúa đoái thương. Điều khiến người ta kinh sợ, đó là quyền năng của Chúa Giêsu làm cho người đã chết được sống lại. Nhưng có lẽ điều làm cho chúng ta cảm động chính là những gì Chúa Giêsu làm cho kẻ còn sống, những gì Người đã phục hồi cho một bà mẹ đã mất mát tất cả khi đứa con trai duy nhất qua đời.

Trong câu chuyện, điều đầu tiên Chúa Giêsu làm cho bà góa thành Na-in là “trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: ‘Bà đừng khóc nữa’”. Chúa Giêsu không chỉ trông thấy bà bằng con mắt, nhưng bằng trái tim. Một cái nhìn lập tức nảy sinh ra lòng thương xót. Không chạnh lòng thương sao được khi nhìn thấy một bà mẹ khóc vật vã, lảo đảo đi bên cạnh xác đứa con trai duy nhất! Mất chồng, bà ký thác tất cả đời mình vào tương lai của đứa con trai này. Nhưng thần chết đã cướp mất nó, để lại cho bà một thiếu vắng không có gì bù đắp được. Có lẽ chúng ta cũng nhiều lần đến với những người bạn có người thân qua đời và nói ít lời an ủi. Rồi có thể chúng ta cũng đã lập lại chính những lời Chúa nói với bà góa thành Na-in: “Thôi đừng khóc nữa”. Nhưng chúng ta chỉ có thể làm những gì trong khả năng của mình, hoặc chưa biểu lộ được lòng thương cách trọn vẹn. Chúng ta thử tưởng tượng ra cung cách của Chúa Giêsu khi Người nói với bà góa: “Bà đừng khóc nữa”. Chúa nói những lời này với tất cả tình yêu thương, bằng ánh mắt hiểu được tận cùng nỗi đau khổ của bà và với giọng nói dịu dàng an ủi làm rung động trái tim bà. Tuy nhiên bên cạnh cung cách biểu lộ “lòng thương”, những lời nói của Chúa Giêsu còn đem lại niềm hy vọng đích thực, một bảo đảm rằng “vị ngôn sứ vĩ đại” này chắc chắn sẽ làm một việc gì đó để tỏ ra một cách cụ thể lòng thương xót của Người. Biểu lộ cụ thể ấy là Chúa đã đến gần người chết, truyền lệnh cho anh ta trỗi dậy.

Cử chỉ thứ hai Chúa Giêsu làm đối với bà góa thành Na-in là sau khi cho con trai bà sống lại, Người “trao anh ta cho bà mẹ”. Thanh niên này đâu còn phải là một đứa bé, vậy mà Chúa trao anh ta cho bà mẹ! Chúng ta có thể nói rằng Chúa Giêsu đã “chạnh lòng thương” trước mất mát quá lớn lao của bà mẹ này thế nào, thì Người cũng “chạnh niềm vui” khi Người làm một cử chỉ của bà mẹ trao con cho bà mẹ đã mất mát như vậy! Chúng ta cũng thử tưởng tượng ra khuôn mặt Chúa lúc trao anh ta cho bà mẹ. Ánh mắt Người chứa đựng cả một trời sao vui. Nụ cười rạng rỡ của Người như bình minh rực lên nắng hồng. Thần chết đã tàn nhẫn cướp đi mọi sự của bà thì giờ đây Chúa Giêsu giành lại và trao tận tay cho bà. Cử chỉ trao lại của Chúa quả thực đầy ắp ý nghĩa. Chúng ta không nghe nói gì thêm sau khi Chúa trao lại cho bà người con. Nhưng chắc chắn đã có hai cuộc sống lại: người con trai duy nhất đã sống lại thể xác và bà mẹ góa đã sống lại phần tinh thần và tình cảm. Những cuộc sống lại ấy đều là kết quả do việc Chúa chạnh lòng thương!

Sống sứ điệp Tin Mừng

Sách Tin Mừng Lu-ca nhiều lần xưng hô Chúa Giêsu là “Chúa”. Trong câu chuyện hôm nay, Chúa Giêsu không chỉ là vị ngôn sứ vĩ đại, nhưng là Chúa, là “Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. Với quyền năng Thiên Chúa, Người đã viếng thăm bà góa thành Na-in, phục hồi sự sống cho con bà và cả bà nữa. Trong cuộc sống đầy khó khăn và thử thách, bị mất mát quá nhiều, có khi nào bạn nghe Chúa nói “Con đừng khóc nữa” không? Hoặc có khi nào Chúa đến gần, chạm vào con người thiêng liêng của bạn đã chết do tội lỗi và truyền lệnh: “hãy trỗi dậy!” không? Có thể bạn đã gặp một mất mát quá lớn khi một người thân yêu qua đời, lúc ấy bạn có để cho Chúa “trao lại” cho bạn niềm vui và bình an đã mất hay không? Rồi sau khi đã được phục hồi, bạn hãy cùng với mọi người tôn vinh và loan truyền Chúa Giêsu cho thế giới!