Chúa Nhật X thường niên  - Năm C
PHÉP LẠ TẠI THÀNH NA-IM
Lm Giuse Đinh lập Liễm

A. DẪN NHẬP 

          Bài đọc 1 và bài Tin mừng hôm nay na ná giống nhau, đều nói về phép lạ cho đứa con trai của bà góa sống lại. Mọi người đều phải chết, đó là một thực tế và cũng là chân lý. Đã chết thì không thể nào sống lại được, trừ ra có một phép maầu. Phép mầu này phải đến bởi Thiên Chúa.  Việc đứa con trai bà góa sống lại có hai nguồn gốc khác nhau :  một đàng tiên tri Êlia phải cầu nguyện xin Thiên Chúa cho đứa bé sống lại; đàng khác Đức Giêsu lấy quyền năng của mình để trực tiếp làm cho đứa bé sống lại khi nói :”Này người thanh niên, Ta bảo anh : hãy chỗi dậy” (Lc 7,14). 

          Đức Giêsu làm phép lạ này để nói lên quyền năng siêu việt của Thiên Chúa. Ngài làm chủ sự sống và sự chết. Vì thế, Ngài có thể làm cho kẻ chết sống lại tùy ý Ngài. Ngoài ra, Đức Giêsu còn nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người. Ngài không thể dửng dưng trước đau khổ của con người, Ngài biết đồng cảm với con người trong cuộc sống hằng ngày. Sau cùng, Ngài cũng hé mở cho chúng ta biết thân xác loài người ngày sau sẽ được sống lại. 

          Qua phép lạ này, noi gương Đức Giêsu, chúng ta hãy học để biết thông cảm với mọi người , chúng ta không thể dửng dưng trước những đau khổ của con người,  vì qua phép Rửa tội, chúng ta là những chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô.  Thánh Phaolô đã thâm hiểu chân lý này khi ngài khuyên nhủ tín hữu Rôma :”Anh em hãy vui củng kẻ vui, khóc cùng kẻ khóc” (Rm 12,15), vì trong một thân thể, bất cứ một chi thể nào cũng có tương quan đến chi thể khác. 

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA 

          + Bài đọc 1 : 1V 17,17-24 

          Bài đọc 1 có vài nét na ná như trong bài Tin mừng hôm nay : nói đến việc làm cho con trai một bà góa sống lại. 

          Sách Các Vua cho biết tiên tri Êlia đến trọ ở nhà một bà góa ở thành Sarepta. Bà đã đón tiếp ông rất nồng hậu. Không may đứa con trai duy nhất của bà bệnh nặng rồi chết và bà tưởng rằng con bà bị chết vì lời nguyền của vị tiên tri nhằm trừng phạt một lỗi nào đó không rõ. 

          Nhưng nhà tiên tri đã cầu xin Chúa cứu đứa bé và ông đã được Thiên Chúa nhận lời. Đứa bé sống lại và đã trao đứa bé cho mẹ nó.  Và bà đã thưa với tiên tri :”Bây giờ nhờ việc này, tôi biết rõ ông là người của Thiên Chúa và lời của Chúa nơi miệng ông là lời chân thật” (1V 17,24). 

          + Bài đọc 2  : Gl 1,11-19 

          Thánh Phaolô xác định với tín hữu Galata rằng : Tin mừng của Ngài rao giảng không phải là của loài người, mà ngài đã lãnh nhận trực tiếp nơi Thiên Chúa. 

          Ngài khuyên họ đừng theo “một Tin mừng nào khác”, tức là chưa đủ an tâm khi sống theo Tin mừng mà ngài đã rao giảng, lại còn giữ thêm một số luật lệ Do thái giáo nữa. 

          Ngài xác quyết với họ rằng người ta chỉ được ơn cứu độ nhờ đức tin chứ không phải nhờ tuân giữ Lề luật. 

          + Bài Tin mừng : Lc 7,11-17 

          Chỉ có thánh Luca mới thuật lại chuyện con trai bà góa thành Naim sống lại,  để nói lên sự can thiệp mang tính cách Thiên sai của Đức Giêsu. 

          Khi vào đến cổng thành Na-im, Đức Giêsu thấy người ta đang đem đi chôn một người thanh niên con một bà góa. Mọi người đều than khóc và chia buồn với mẹ nó. 

          Tất cả mọi người đi đưa xác, chẳng ai mở lời xin Ngài cứu giúp, nhưng Ngài đã ra tay cứu giúp vì Ngài động lòng thương. 

          Đối đầu với cái chết và sự đau khổ, Đức Giêsu đã lập tức chứng tỏ tình yêu và quyền năng siêu việt của Ngài.  Dân chúng từ ngỡ ngàng cảm phục đến nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Đức Kitô.  

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA 

Quyền năng và lòng thương xót của Chúa 

I. PHÉP LẠ TẠI THÀNH NA-IM 

          Chúng ta thấy phép lạ cho người con trai bà góa thành Na-im chỉ có thánh Luca thuật lại để nói lên quyền năng và lòng thương cảm của Đức Giêsu. 

          Na-im, ngày nay chỉ là một làng nhỏ, cách Capharnaum độ 7 hoặc 8 giờ đi bộ, ở hướng tây nam, về phía núi Taborê, cách Nazareth khoảng 8 cây số về phía đông nam. Gần làng về hướng đông, người ta thấy có những ngôi mộ được đào trong các tảng đá. 

          Người ta thường đưa đám ma vào lúc gần tối, nên hình như Đức Giêsu đã gặp đám tang này vào ban tối, khi Ngài và các môn đệ vào đến cửa thành. 

          Đám ma được dẫn đầu bằng một đội khóc mướn với ống sáo và thanh la của họ phát ra tiếng la ó khóc than inh ỏi. 

          Theo tục lệ Phương Đông người chết được để trong quan tài không đậy nắp và được quấn khăn liệm kỹ lưỡng. Có người cho là quan tài ấy không giống quan tài của chúng ta , mà là một cái rọ đan bằng mây để đem thi hài đến phần mộ. 

          Đức Giêsu không đi một mình, vì ngoài các môn đệ, còn có đám đông theo Ngài.  Ngoài ra đám đông có đông đảo dân thành đi theo đưa tiễn.  Các chi tiết này rất quan trọng, vì đó là bằng chứng cho thấy  phép lạ được thực hiện cách công khai. Do đó, không phải là một chuyện hoang đường hoặc bịa đặt. 

          Có những chi tiết chứng minh việc sống lại là có thật :

          - Anh đã đứng lên và bắt đầu nói,

          - Chúa cầm tay trao lại cho mẹ cậu.

          - Thái độ sửng sốt sợ hãi của mọi người  làm chứng một biến cố quan trọng đã thực sự xẩy ra. 

II. Ý NGHĨA CỦA PHÉP LẠ ĐÓ 

          1. Quyền năng của Thiên Chúa 

          Đây là lần đầu tiên trong Tin mừng, Luca gán cho Đức Giêsu tước hiệu “Chúa” (Kurios). Hình như các Kitô hữu đầu tiên tuyên xưng Đức Giêsu (phục sinh) là Chúa, đã ảnh hưởng đến văn thể các bài trình thuật cuộc đời trần thế của Đức Giêsu.  Nếu Đức Giêsu đã mang trong Ngài khả năng phục sinh kẻ chết, thì chính Ngài cách nào đó đã là Chúa Phục Sinh, một ngày kia sẽ chiến thắng cái chết cách khải hoàn. 

          a) Nói về cái chết 

          Theo quan niệm người đời, một cách bình thường mọi người phải đi qua bốn cửa ải là sinh, lão, bệnh, tử.  Mọi người phải kết thúc cuộc hành trình trên trần gian bằng cài chết. Đã có sinh thì ắt phải có tử. 

          Cái chết là một sự kiện hiển nhiên và ai cũng phải đợi thần chết đến để đưa mình đi. Đối với nhiều người, chết thì phải chết, nhưng không hiểu tại sao mình chết ? Cái chết có ý nghĩa gì ? 

          Triết gia hiện sinh vô thần, ông Jean Paul Sartre, cho rằng chết là một sự vô nghĩa (La mort est un non-sens).  Xưa nay người ta vẫn không hiểu hoặc không muốn hiểu lý do sự chết, Vì thế, cái chết thật là phi lý. 

          Trong Cựu ước, dân Chúa vẫn coi sự chết là một sự gở lạ. Làm sao Thiên Chúa nhân từ tạo nên vạn vật  lại để cho sự chết lẻn vào trong con người. 

          Nhưng dần hồi, Thánh Kinh hé mở cho thấy rằng sự chết không phải là một bức tường thành kiên cố không vượt qua được, mà là một cửa khẩu để đi đến sự sống thật, đến với Thiên Chúa là nguồn sự sống. 

          Như thế, phải chăng tất cả mọi vấn đề của ta sẽ kết thúc khi đôi tay xuôi xuống và mắt nhắm lại vĩnh viễn ? Nếu làm người mà thân phận chỉ có thế thôi, thì cuộc sống này có hàng tỉ cái vô lý, bất công. Đâu có gì đáng cho ta phải ân cần tận tụy để sống cho ra sống ? Tất nhiên là về phần thân xác. Cái chết không chừa ai. 

          Nhưng cái chết đâu phải là mồ chôn vĩnh viễn thân phận con người. Trái lại, cái chết chính là cánh cửa mở sang một thế giới kỳ diệu khác. Niềm tin về thế giới bên kia đã và đang tồn tại trong đời sống con người, nhất là đối với Kitô hữu. 

          b) Đức Giêsu, chủ của sự sống và sự chết 

          Đức Giêsu còn là Chúa Cứu Thế đầy quyền năng.  Thầy thuốc Luca còn nêu thêm một chi tiết cá biệt nữa. Chữ “Chúa” ở đây được tác giả dùng đầu tiên trong bản văn Hy Lạp, và theo nguyên ngữ có nghĩa là “Chủ”.  Luca dùng đầu tiên hẳn ông có dụng ý.  Ông muốn nói Chúa Giêsu, vì là chủ của sự sống, nên Ngài có thẩm quyền trên sự chết.  

          Trong sự kiện này, không có người nào yêu cầu Ngài hành động, nhưng Ngài là Chúa, chủ của sự sống, Chúa hiểu nỗi cô đơn của người mmẹ có đứa con trai, người đàn ông duy nhật để chăm sóc cho bà.  Ngài động lòng trắc ẩn, an ủi bà đừng khóc. Ngài hành động ngay. 

          Chỉ Thiên Chúa mới có quyền năng vượt qua sự chết. Chính vì Êlia (trong bài đọc 1) đã đi đến với quyền năng của Thiên Chúa mà ông có thể trả lại sự sống cho con trai của bà góa. Nhưng rõ ràng trong phép lạ Na-im, Đức Giêsu tự mình có quyền năng.  Và chúng ta thấy đường lối thương xót trong đó Ngài thực hiện phép lạ ấy. 

          c) Đức Giêsu đem lại sự sống đời đời 

          Thiên Chúa yêu thương con người vì Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,16). Vì bản chất của Thiên Chúa là yêu thương, nên Ngài muốn giải thoát con người khỏi nỗi cô đơn buồn phiền, khỏi thất vọng đắng cay, khỏi đau thương tuyệt vọng.  Và nỗi đau thương tuyệt vọng lớn nhât của con người là sự chết, thì Ngài cũng sẵn lòng giải thoát con người khỏi chết. 

          Tình yêu của Thiên Chúa không dừng lại đó. Ngài còn muốn đi xa hơn nữa trong tình yêu. Ngài muốn giải thoát con người khỏi cái chết muôn đời.  Con trai bà góa Na-im sống lại để rồi lại phải chết, nhưng những ai được Ngài yêu thương giải thoát  thì sẽ vĩnh viễn sống lại miên trường.  Đó mới là sứ mạng của Ngài khi xuống trần gian. 

          Sự kiện con trai bà góa thành Na-im được Ngài cho sống lại  là hình bóng báo trước biến có vô cùng lớn lao hơn.  Biến cố đó là cốt lõi của đạo, là trung tâm điểm của Kitô giáo. Đó là nhờ sự chết và sự sống lại của Đức Giêsu mà tất cả cúng ta được giải thoát khỏi cái chết muôn đời. 

          2. Lòng thương cảm của Chúa 

          Bà góa trong Tin mừng hôm nay đau khổ biết bao : một đàng chồng đã chết rồi, đàng khác con trai duy nhất cũng chết theo.  Xã hội thời đó lại càng chất thêm nỗi khổ cho phụ nữ neo đơn như bà.  Không có chồng, không có con trai, pháp luật không cho bà bảo lãnh bản thân và tài sản, bà sống như kẻ bị bỏ rơi ngoài lề xã hội. 

          Trong cảnh tang thương đó, bà đau buồn khóc lóc thảm thiết, đến nỗi rất đông dân thành đã đi tiễn biệt con của bà, thì Đức Giêsu cũng xuất hiện đứng bên quan tài. Với quyền năng của Thiên Chúa đầy lòng thương xót những người cùng khổ như bà góa này, và với con tim nhạy bén trước đau khổ của loài người, Đức Giêsu đã mủi lòng thương, khẽ an ủi bà :”Bà đừng khóc nữa”, rồi sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giêsu nói :”Này người thanh niên, ta bảo anh : Hãy chỗi dậy” ! Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ. mọi người đều kinh ngạc và tôn vinh Thiên Chúa. 

          Ngoài mục đích của thánh Luca là trình bầy cho các độc giả thấy tấm lòng ưu ái và hiền dịu của Con Người Giêsu, thì chúng ta dễ hiểu tại sao, trong các tác giả viết Tin Mừng, chỉ một mình vị bác sĩ này kể lại câu chuyện cảm động Chúa cứu sống người con trai của bà góa thành Na-im. Không còn bức tranh nào đầy lòng xót thương trắc ẩn như thể. 

          Thánh Luca đã dùng chữ “chạnh lòng thương” (esplanchnisthè)thì phải có lý do. Từ Hy Lạp, có nghĩa chính xác là “xúc động đến ruột gan”, hầu như luôn luôn được áp dụng cho tình thương yêu của Thiên Chúa đối với loài người trong Tin mừng.

          Trong ngôn ngữ Hy Lạp không còn từ nào mạnh hơn để diễn tả lòng thương xót cảm thông. Và đây là một từ đã được dùng nhiều lần cho Chúa Giêsu trong Tin mừng. 

          Đối với thế giới ngày xưa thì đây là một việc lạ lùng. Trong thời cổ, đức tin được kể là cao trọng nhất là đức tin của Phái Khắc Kỷ . Các người của trường phái này tin rằng đặc tính thứ nhất của Thượng Đế là không tình cảm, không thể bị xúc cảm hay động lòng. Họ lập luận : nếu kẻ nào có thể làm cho người khác  buồn sầu, lo âu, vui mừng, thỏa thích… có nghĩa là  người đó có thể ảnh hưởng đến kẻ khác, có nghĩa là  anh ta vượt trên hơn kẻ khác. 

          Nhưng không ai có thể lớn hơn Thượng Đế, không ai ảnh hưởng được Ngài, cho nên lẽ đương nhiên, Thượng Đế phải là Đấng bất khả xúc động. Nhưng ở đây loài người  được đứng trước một tư tưởng kỳ lạ về một nhân vật là Con Thượng Đế mà lại chịu cảm động đến tận đáy lòng Ngài.  Đối với nhiều người, đây là một điều rât quí báu về Thượng Đế, Cha của Chúa Cứu Thế Giêsu. 

          3. Dấu hiệu phục sinh kẻ chết 

          Giai thoại này chứa đựng một giáo thuyết sâu xa, vì nói lên một dấu chỉ Thiên sai, tức là dấu chỉ phục sinh kẻ chết, dấu chỉ mà Đức Gêsu sau này sẽ dùng để trả lời câu Gioan tẩy Giả hỏi :”Kẻ chết sống lại”… 

          Đây là sứ điệp Đức Giêsu muốn gửi đến cho chúng ta qua bài Tin mừng hôm nay. Ngài muốn chúng ta nhìn thấy nơi phép lạ thành Na-im không chỉ là dấu chứng lòng thương của Ngài  đối với bà góa nọ, cũng không chỉ là dấu hiệu minh chứng Ngài là Đấng Messia, mà còn là dấu chỉ báo trước điều Ngài sẽ thực hiện cho chúng ta nếu chúng ta tin vào Ngài, nghĩa là Ngài sẽ làm cho chúng ta sống lại  không phải chỉ với một thân xác mới mẻ về thể lý và còn với một cuộc sống trường tồn vĩnh cửu nữa. 

III. BÀI HỌC CHO CHÚNG TA 

          Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật. Đứng về phương diện nhân loại, Đức Giêsu cũng có tình cảm như mọi người, nghĩa là Ngài sống như chúng ta, chỉ trừ tội lỗi. 

          Hôm nay, Đức Giêsu cũng thấy chạnh lòng thương đối với bà góa  có một người con trai mới chết đem đi chôn.  Đức Giêsu hiểu thấu tâm trạng của bà : mất chồng, mất người con nâng đỡ mình trong tuổi già, thiếu người bênh vực, sống cô đơn… Tuy không ai xin Ngài làm phép lạ cứu sống đứa con ấy, nhưng chính Ngài đã ra tay, Ngài khuyên bà đừng khóc nữa, truyền cho người thanh niên chỗi dậy và trao anh ta cho mẹ nó. 

          Bài Tin mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta phải biết thông cảm với người khác.  Đừng ai sống trơ trơ như một hòn đảo giữa đại dương (theo Thomas Merton), một mình mình biết, một mình mình hay, nhưng hãy biết tìm đến với nhau, biết chia vui sẻ buồn với nhau như lời thánh Phaolô đã khuyên bảo :”Hãy vui cùng kẻ vui, khóc cùng kẻ khóc” (Rm 12,15). 

          Con người không thể sống trơ trơ như đá. Con vật còn biết thương nhau, chia sẻ với nhau, huống chi là con người.  Người Việt nam chúng ta đã có kinh nhgiệm về vấn đề này nên đã lưu truyền tinh thần ấy trong câu tục ngữ mà ai cũng biết : 

Một con ngựa đau, cả tầu chê cỏ

          Có nghĩa là một con ngựa bị đau ốm không ăn được cỏ thì cả tầu ngựa (cái máng để chứa thóc, cỏ cho chuồng ngựa ăn) đều chê cỏ không ăn.  Ý nói loài vật có tình đồng loại, thấy một con ngựa đau thì cả đàn đều thương. 

          Theo gương Đức Giêsu, chúng ta hãy tập cho mình biết đi ra khỏi mình, đừng bao giờ co cụm lại. Hãy biết đi đến với người khác. Mang lấy cái tâm tình của người khác , nghĩa là hãy học để biết thông cảm . 

          Bí quyết để hiểu người khác chính là đặt mình vào trong vị trí của họ. Khi Chúa Giêsu đến thế gian, Ngài đã làm như thế vì chúng ta. Ngài trực tiếp trải nghiệm những khó khăn của cuộc sống. Ngài cũng trải qua cảm giác mệt mỏi, đói khát, cô đơn, đau đớn và mọi vấn đề khác. Và khi trải nghiệm như thế, Ngài thật sự cảm thông với chúng ta, Ngài cứu giúp, nâng đỡ và ủi an chúng ta theo cách chúng ta cần nơi Ngài.

          Đó cũng là bí quyết để chúng ta học biết cảm thông tốt hơn đối với người khác. Lẽ dĩ nhiên chúng ta không thể hoàn toàn thay đổi hoàn cảnh của mình như Chúa Giêsu đã làm. Nhưng chỉ cần chúng ta tưởng tượng mình ở trong hoàn cảnh của họ.

          Chẳng hạn trước khi nhờ ai đó làm điều gì có vẻ đơn giản và không phiền phức gì đối với chúng ta, trước tiên, chúng ta hãy suy nghĩ kỹ xem người ấy có cảm thấy như vậy không. Hoặc nếu ai đó bực tức, giận dữ, hãy suy nghĩ điều gì khiến họ trở nên như thế. Hành động như thế thận trọng hơn là cho rằng mọi người cũng nhìn và cảm nhận mọi thứ giống như chúng ta.

          Hãy bước đi một dặm bằng đôi giày của người khác, và chúng ta sẽ dần trở thành người thông hiểu và cảm thông trong những tình huống cần thiết. Sau đó, hãy điều chỉnh kỳ vọng và cách biểu hiện của chúng ta cho phù hợp. Người khác sẽ nhận ra rằng chúng ta biết trước được những khó khăn và những mối bận tâm của họ và quan tâm đến những khó khăn của họ, và điều này sẽ giúp chúng ta sống và làm việc với mọi người tốt hơn.

          Cảm thông giúp tạo nên sự thống nhất về ý kiến và mục tiêu, và đó chính là một điều tuyệt vời! (Thiên Ân).

          Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta càng biết cho đi thì lại càng lãnh nhận được nhiều vì đúng như thánh Phanxicô Asssi đã diễn tả trong Kinh Hòa bình :”Chính lúc hiến thân là lúc được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”.  Càng co cụm lại nơi mình thì càng nghèo đi và có khi còn đánh mất cả bản thân. Tư tưởng này sẽ được minh họa trong câu truyện sau đây.                                     

Truyện : Cái giếng cũ 

          Ðây là một cái giếng mà nước rất trong sạch và dịu mát làm cho ai uống vào cũng cảm thấy khoan khoái. Một điều đặc biệt nữa là chưa bao giờ giếng này cạn nước cho dù mùa hè có nắng hạn đến đâu đi nữa. Chủ nhân của cái giếng này là một bác nông dân nghèo.

          Nhưng đến một lúc mà hệ thống điện nước chuyển đến nông thôn, thì cái giếng của bác xem ra cũng trở thành vô dụng. Căn nhà của bác cũng được sửa chữa lại, hệ thống dẫn nước cũng được thiết lập. Không ai buồn nghĩ đến chuyện phải vất vả để kéo nước từ cái giếng đó nữa. Thế là cái giếng bị đóng lại. 

          Bẵng đi nhiều năm trời. Một ngày nọ vì tò mò, người nhà của bác nông dân mở cái giếng cũ ra xem, thì lạ thay, giếng nước đã bị khô cạn. Bác nông dân không thể hiểu tại sao cái giếng nước trong lành của mình đã trở thành khô cạn. Mãi về sau, ông mới khám phá ra nguyên do: cái giếng cũ của ông vốn được bao nhiêu mạch nhỏ tiếp tế, càng múc nước thì nước càng tuôn chảy vào giếng. Nay đã nhiều năm qua, nước giếng không còn được múc lên nữa cho nên các mạch nước bị bít kín và phần nước còn sót lại trong đáy giếng cũng dần bị bốc hơi và khô cạn. 

          Câu chuyện về cái giếng cũ trên đây có thể là một dụ ngôn về suối nước không bao giờ khô cạn mà Thiên Chúa đã mở ra qua cái chết của Chúa Giêsu Kitô. Từ cạnh sườn Người, khi một người lính La Mã đâm thủng thì nước hằng sống đã tuôn trào để xoa dịu nỗi khát khao của con người. Mạch nước có được mở ra để trao ban thì nguồn nước mới tuôn trào. Cái chết của Chúa Giêsu là tuyệt đỉnh của một cuộc đời hướng về tha nhân, tiêu hao vì tha nhân, dốc cạn vì tha nhân. Ðó cũng là chân lý về cuộc đời. Càng trao ban, càng dốc cạn, càng được múc lấy. Càng tiêu hao, càng mất chính mình thì con người càng trở nên phong phú, con người càng trở nên chính mình. Giếng nước càng được múc thì càng trở nên dồi dào. Con người càng trao ban thì cũng càng trở nên phong phú hơn. 

          Song song với những hy sinh, hãm mình, nhẫn nại, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cũng được mời gọi để sống san sẻ. Ðó không là một việc làm tùy hứng, mà là một đòi hỏi thiết yếu của sự hoán cải. Hoán cải đích thực là trở về với sự thật về con người. Ðó là một con người lấy sự trao ban làm lý tưởng (Internet). 

          Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dốc cạn đến giọt máu cuối cùng cho nhân loại và đã trở thành nguồn mạch tuôn trào xoa dịu nỗi khao khát của chúng con. Xin cho chúng con khi suy ngắm về cuộc tử nạn của Chúa cũng luôn biết bước theo con đường của chính Chúa. Ðó là con đường của phục vụ, quảng đại, quên mình. Amen.