Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ - Năm C
TRỘM LÀNH
SƯU TẦM

Khi nói Chúa Giêsu là vua, chúng ta có thể thắc mắc ngay: Chúa là vua của nước nào? Nước Chúa ở đâu? Và ai là dân của Chúa? Những thắc mắc này, chính Chúa đã trả lời khi Chúa nói với tổng trấn Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Câu trả lời ấy cho chúng ta biết: đâu không phải là Nước Chúa và đâu là Nước Chúa. Nước Chúa không thuộc về thế gian, có nghĩa là bất cứ nước nào, bất cứ chế độ nào, với nền văn minh nào, cũng không thể đồng hóa với nước Chúa. Vậy Nước Chúa ở đâu? Thưa Nước Chúa ở trong các tâm hồn, những tâm hồn khao khát sự thật, tôn trọng sự thật, và nhất là đón nhận sự thật. Như vậy, Nước Chúa gồm tất cả các tâm hồn yêu chuộng sự thật. Do đó, Nước Chúa rộng hơn Hội thánh, bởi vì ngoài Hội thánh, vẫn có biết bao nhiêu người yêu chuộng sự thật. Đang khi đó, trong Hội thánh cũng có thể có nhiều người không thuộc về Nước Chúa, vì họ không yêu chuộng sự thật, không đón nhận sự thật. Sự thật đó là tình yêu cứu độ Chúa Giêsu đem đến.

Vậy, tất cả những ai đón nhận tình yêu cứu độ đó, họ sẽ được nhận vào Nước Chúa, điển hình như người trộm lành kể lại trong bài Tin Mừng. Khi Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá, những người chứng kiến đã có những thái độ khác nhau: có kẻ xót thương, có người lãnh đạm vô tình, có kẻ thách thức, nhục mạ, nhưng cũng có người nhận ra Chúa và van xin Chúa. Đó chính là người trộm lành. Anh không dám thách thức Chúa như người trộm khác cùng bị đóng đinh với anh hay như những người vô lễ khác, nhưng anh biết tội mình và suy đoán rằng vương quyền mà Chúa liều chết vì nó phải là một vương quyền tốt đẹp vô lường nên anh kêu xin Chúa cứu vớt để được đưa vào vương quốc ấy. Đúng vậy, giữa đám đông mù quáng, ngược ngạo, ít ra cũng còn một tâm hồn ngay tình. Đó là người trộm lành trong một hoàn cảnh thật bi đát bị treo trên thập giá, anh đã biết nhận tội của mình và nhìn nhận sự vô tội của Chúa Giêsu. Giữa lúc mọi người đều bỏ rơi Chúa, đã quên hết những phép lạ, những lần đi theo Chúa lúc Ngài được tôn vinh, người trộm đã nhận ra vương quyền của Chúa và tuyên xưng đức tin của mình bằng một lời van xin đầy hy vọng sâu xa: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi”. Lời cầu nguyện khiêm hạ của anh đã mở được cửa vương quốc đó cho anh.

Đó, chúng ta thấy, cả hai người trộm cùng có những hoàn cảnh như nhau, nhưng chỉ có người trộm lành bên phải Chúa đã được cứu rỗi, vì anh đã nhận ra tình yêu cứu độ và biết cầu xin. Chắc chắn anh ta không phải là loại người thuộc giáo lý, hiểu biết lý thuyết về đạo, nhưng vì anh ta đã tin và cầu nguyện với lòng khiêm tốn chân thành, nên anh đã được cứu độ. Thánh Âu tinh đã nói về người trộm này như sau: “Từ tội giết người, y được dẫn đến thẩm phán, từ thẩm phán đến thập giá, từ thập giá đến thiên đàng”. Và thánh Gioan Kim Khẩu cũng nói: “Từ thập giá y đã bay bổng lên trời. Thực vậy, tự thân là một tên ăn trộm chuyên nghiệp, y đã dùng ngón nghề của mình để cướp lấy Nước Trời, bằng lòng sám hối và lời tuyên xưng đức tin”.

Ngoài ra, về hai người trộm này còn cho chúng ta một bài học khác nữa, đó là vác thập giá có công và vác thập giá không có công. Chúng ta thấy: người trộm bên trái Chúa đã vác thập giá, hơn nữa, đã bị đóng đinh trên thập giá nhưng không có công gì. Trái lại, người trộm bên phải cũng vác thập giá và bị đóng đinh vào thập giá, sau cùng đã được thưởng công lên thiên đàng. Cái khác nhau về sự thưởng phạt giữa hai người là do cách vác thập giá của mỗi người: người trộm bên trái đã kiêu căng, khích bác và chỉ trích Chúa, nên đã không có công trạng gì. Trái lại, người trộm bên phải Chúa đã khiêm nhường, cậy tin vào Chúa, nên anh đã được công, được Chúa ban phúc thiên đàng.

Trong Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa hứa trả công cho mỗi người tùy theo công việc họ đã làm. Công việc của mỗi người chúng ta là vác thập giá theo Chúa. Lời Chúa hứa thật khích lệ chúng ta. Giả sử Chúa căn cứ vào những thành tích to lớn hay lấy lương trả công cho mỗi người, thì nhiều người chúng ta chắc sẽ là tay không, vì mình chẳng có công trạng gì như thế. Nhưng Chúa nói Chúa sẽ căn cứ vào công việc của mỗi người vác thập giá theo Chúa mà thưởng công. Như vậy thì tất cả chúng ta: những người già yếu, những người khốn khó, những người nghèo túng, những người bệnh tật, những người neo đơn, những người kém cõi… tất cả những ai đang vác thập giá vì Chúa đều là đối tượng được Chúa thưởng sau này.

Lễ Chúa Kitô Vua kết thúc năm phụng vụ là đoạn cực mạnh trong bản Allêluia của Giáo Hội, hô vang niềm hy vọng, niềm vui và sự phấn khởi của người có lòng tin vào Chúa. Ngày lễ hôm nay đem lại cho chúng ta một tâm tình lạc quan tin tưởng, một lòng quảng đại vô bờ bến, một sức mạnh để vươn lên mà không chông gai nào làm chùn được, không đau khổ nào ngăn được, Chúa Kitô Vua đã toàn thắng đau khổ và sự chết để cho chúng ta được toàn thắng đau khổ và sự chết. Allêluia, Allêluia, Allêluia.