Chúa Nhật Lễ Lá  - Năm C
Ý CHA ĐƯỢC NÊN TRỌN
SƯU TẦM

Ý CHA ĐƯỢC NÊN TRỌN (Lc 22,39-46)

Khu vực nội thành Giêrusalem rất nhỏ nên không có những khu vườn rộng rãi. Nhiều người giàu sang có những khu vườn riêng ở ngoại thành, trên sườn núi Ôliu. Có người bạn nào đó đã cho Chúa Giêsu sử dụng một khu vườn như vậy và nay Chúa Giêsu đi tới đó để một mình chiến đấu trận quyết liệt. Chúa Giêsu chỉ mới 33 tuổi và không ai muốn chết ở tuổi này. Ngài hiểu rõ tử hình đóng đinh trên thập tự là thế nào. Ngài đã từng chứng kiến việc đó. Ngài ở trong cơn hấp hối. Danh từ Hy Lạp dùng ở đây chỉ về một người nào phải chiến đấu với tâm hồn đầy kính sợ. Đây chính là điểm mấu chốt và là chỗ ngoặt trong đời sống Chúa Giêsu. Ngài vẫn còn có thể tháo lui. Ngài có thể từ chối thập giá. Sự cứu rỗi nhân loại đang treo trên cán cân khi Con Thiên Chúa kịch liệt chiến đấu trong vườn Giệtsimani và Ngài đã chiến thắng.

Một nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng đã nói về nhạc phẩm “Đêm Xưa” của Chopin rằng: “Tôi phải nói cho anh về điều đó. Chopin đã bảo Liszt và Liszt đã bảo tôi. Trong bản nhạc này tất cả là u sầu và khổ não, ôi biết bao u sầu khổ não, cho tới khi người ta bắt đầu nói với Chúa, bắt đầu cầu nguyện, bấy giờ mọi sự đều tốt đẹp”. Chúa Giêsu cũng thế, Ngài vào vườn Giệtsimani trong tối tăm. Ngài ra khỏi vườn trong ánh sáng bởi Ngài đã nói chuyện với Chúa Cha. Ngài vào vườn Giệtsimani trong cơn hấp hối, Ngài trở ra trong chiến thắng, với sự bình an trong tâm hồn, bởi Ngài đã nói chuyện với Chúa Cha. Thật hoàn toàn có sự khác biệt được thể hiện qua âm điệu của một người khi nói: “Ý Cha được nên trọn”.

1. Người đó có thể nói bằng một giọng hoàn toàn khuất phục như một kẻ đã nằm bất lực dưới một sức mạnh phi thường. Mấy lời đó nghe như tiếng chuông báo tử cho hy vọng.

2. Người đó có thể nói bằng giọng của một kẻ bại trận, đầu hàng. Mấy lời đó nghe như tiếng của kẻ thú nhận thất bại.

3. Người đó có thể nói bằng giọng của kẻ bị thất vọng hoàn toàn khi thấy giấc mộng của mình không thể thành sự thật. Đó là những lời tiếc xót và cũng chất chứa uất hận, tệ hơn nữa là biết mình không thể làm gì trong tình trạng đó.

4. Người đó có thể nói bằng giọng hoàn toàn tin cậy. Đó là điều Chúa Giêsu đã làm. Ngài đang nói với một Đấng là Cha. Ngài đang nói với Chúa Cha là Đấng hằng bao bọc nâng đỡ Ngài dù Ngài đang trên thập tự. Ngài chịu khuất phục, nhưng là khuất phục một tình yêu không rời bỏ Ngài. Việc khó nhất của đời sống là chấp nhận điều mà chúng ta không thể hiểu, nhưng chúng ta cũng có thể làm điều đó nếu chúng ta tin chắc vào tình yêu Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đã nói như vậy, và khi chúng ta có thể nói như vậy, chúng ta có thể nhìn lên và hoàn toàn tin cậy mà thưa rằng “Lạy Chúa, xin cho ý Ngài được nên trọn”.

CÁI HÔN CỦA KẺ PHẢN BỘI (Lc 22,47-53)

Giuđa đã tìm ra cách nộp Chúa để các nhà cầm quyền bắt Ngài khi dân chúng vắng mặt. Hắn biết rằng ban đêm Chúa thường đến khu vườn trên đồi và hắn dẫn các tay sai của Toà Công Luận tới đó. Viên đội trưởng của Đền Thờ cũng gọi là sagan, là một sĩ quan có trách nhiệm giữ an ninh trật tự cho Đền Thờ, còn các thầy đội coi Đền Thờ được đề cập đây là những sĩ quan có trách nhiệm thi hành lệnh bắt Chúa Giêsu. Khi một môn đệ gặp rabbi quý mến thì chàng đặt tay phải mình lên vai trái của thầy và hôn thầy. Cái hôn giữa môn đệ với thầy yêu quý này là cái hôn mà Giuđa đã dùng làm dấu hiệu để phản thầy mình. Có bốn thành phần khác nhau liên hệ trong việc truy bắt này. Hành động và phản ứng của họ rất có ý nghĩa.

1. Giuđa, kẻ phản bội. Hắn là con người đã bỏ Thiên Chúa và đi liên hiệp với Satan. Chỉ khi nào người ta bỏ Chúa ra ngoài đời sống và rước Satan vào lòng mình thì người đó mới có thể bán Chúa Giêsu.

2. Những người Do Thái đến bắt Chúa Giêsu. Họ là những người mù loà đối với Thiên Chúa. Khi Chúa nhập thể, đến thế gian thì họ chỉ có một ý nghĩ là làm thế nào để mau treo Ngài lên cây thập tự. Từ lâu họ đã chọn con đường riêng của họ, bịt tai trước tiếng gọi của Chúa, nhắm mắt trước sự dẫn dắt của Ngài, đến nỗi sau cùng khi Ngài ngự đến thì họ không thể nhận biết. Thật đáng sợ khi người ta trở nên mù và điếc đối với Chúa.

3. Các môn đệ. Họ là những người bỏ Chúa. Thế giới của họ đã sụp đổ, họ tin chắc thôi thế là hết. Điều sau cùng mà họ còn nhớ được lúc đó là Thiên Chúa, trí óc họ chỉ còn suy nghĩ đến một điều là tình trạng khủng khiếp đang vây bủa họ. Hai điều xảy ra cho người quên Chúa và bỏ Chúa ra ngoài cuộc sống của mình. Một là người ấy rất sợ hãi và hoàn toàn rối loạn tâm thần; hai là người ấy mất năng lực đối diện với đời sống và thích nghi với cuộc sống. Trong giờ thử thách, đời sống sẽ bị tiêu huỷ nếu thiếu Chúa.

Chỉ khi nào con người biết cúi đầu xuống trước mặt Chúa, bấy giờ người ấy mới có thể nói năng và hành động như người chiến thắng được.

ĐƯỜNG LÊN ĐỒI GÔNGÔTHA (Lc 23,26-31)

Khi một tên tù đã bị kết án đóng đinh trên thập tự, thì hắn bị lôi ra khỏi toà án và giao cho bốn người lính Rôma. Cây thập hình của hắn được đặt lên vai hắn, hắn phải vác nó đến pháp trường bằng con đường dài nhất trong lúc một tên lính đi trước hắn mang tấm bảng ghi rõ tội trạng để điều đó trở thành một sự khủng khiếp cho người nào còn có ý muốn phạm thứ tội tương tự như hắn. Họ đã làm điều đó cho Chúa Giêsu, Ngài bắt đầu vác thập tự của mình (Ga 19,17), nhưng sức nặng của nó vượt quá sức lực của Ngài nên Ngài không thể vác đi được nữa. Palestine là một xứ bị chiếm đóng, nên mọi người dân đều có thể tức khắc bị xung vào công tác phục dịch chính phủ Rôma. Dấu hiệu của sự ép buộc đó là khi thấy có lưỡi giáo Rôma đặt nhẹ lên vai người nào thì người đó phải phục dịch. Khi Chúa Giêsu đã ngã quỵ dưới sức nặng của cây thập tự thì viên đội trưởng Rôma nhìn quanh tìm kiếm một người để vác thập giá đó. Bấy giờ có một người tên là Simon quê ở Kyrênê xa xôi, đang từ vùng quê đi vào thành. Chắc chắn ông là người Do Thái đã suốt đời chắt chiu dành dụm để có thể dự một Lễ Vượt Qua tại Giêrusalem. Lưỡi giáo Rôma đã chạm vai ông, tức khắc, dù muốn hay không, ông cũng đành vác cây thập tự của người tử tù. Chúng ta thử tưởng tượng lúc bấy giờ Simon đã nghĩ gì? Ông đã đến Giêrusalem để thực hiện hoài bão của đời mình, thế mà ông phải vác cây thập tự lên đồi Gôngôtha. Lòng ông hẳn chứa đầy cay đắng đối với quân Rôma và đối với tên tử tù ngày là kẻ khiến ông bỗng dưng phải liên luỵ vào tội của hắn. Nhưng nếu chúng ta đọc thêm một số chi tiết, thì sẽ biệt câu chuyện không chấm dứt ở đây. J.A.Robertson coi đó là một trong những chuyện cảm động nhất của Tân Ước, Máccô tả rõ Simon là cha của Alecxandơ và của Ruphô (Mc 15,21). Bạn không thể nhận diện một người bằng tên các con của người đó trừ khi các con đó rất được quen thuộc trong cộng đồng của người mà bạn viết thư cho. Mọi người đều công nhận rằng Máccô đã viết Phúc Âm của ông cho Hội Thánh tại Rôma. Giữa ác lời chào ở cuối thư, ông viết rằng “Xin hãy chào thăm Ruphô, người được chọn của Chúa, và chào thăm mẹ người cũng là mẹ tôi” (Rm 16,13). Như vậy trong Hội Thánh Rôma có Ruphô, một Kitô hữu quý báu đến nỗi Phaolô gọi người đó là một trong những kẻ được chọn của Chúa, với một bà mẹ rất yêu dấu đối với Phaolô, đến nỗi ông gọi bà là mẹ của ông trong đức tin. Rất có thể Ruphô này là Ruphô con của Simon ở Kyrênê, mẹ chàng là vợ ông Simon ấy. Rất có thể khi Simon nhìn thấy Chúa Giêsu, bao nhiêu cay đắng của ông đã biến thành ngạc nhiên và sau cùng ông đã tin, đã trở thành Kitô hữu và gia đình ông đã cung cấp cho Hội Thánh những tâm hồn quý giá nhất. Có thể Simon nghĩ rằng ông đến đó để thực hiện một ước vọng của đời sống, ông đang chuẩn bị mọi sự để mừng Lễ Vượt Qua tại Giêrusalem, nhưng ông đã phải vác thập giá cho một phạm nhân, thật hoàn toàn trái ngược với ý muốn của mình, nhưng khi ông nhìn xem Ngài, thì nỗi buồn bực của ông đã trở thành nỗi ngạc nhiên và niềm tin, và trong sự việc mà thoạt đầu ông coi như một điều sỉ nhục đó đã cho ông gặp được chính Cứu Chúa của đời ông.

Theo sau Chúa Giêsu là một đám phụ nữ khóc thương Ngài. Ngài quay lại bảo họ đừng khóc vì Ngài, nhưng hãy khóc cho chính mình. Những ngày khủng khiếp sắp xảy đến. Trong gia đình người Do Thái không có thảm kịch nào cho người vợ bằng cuộc hôn nhân không con, vì không con là lý do đủ mạnh để ly dị. Nhưng sẽ đến một ngày mà người đàn bà son sẻ lại vui mừng vì không con. Một lần nữa Chúa Giêsu lại nhìn thấy trước sự tàn phá thành này là thành đã nhiều phen và hiện giờ vẫn còn đang từ chối lời mời gọi của Chúa. Câu 31 là câu châm ngôn, có thể dùng trong nhiều trường hợp. Ở đây nó có nghĩa là nếu họ làm điều này cho một người vô tội thì một ngày kia, họ sẽ còn làm gì nữa cho những kẻ có tội?

TẠI ĐÓ CHÚNG ĐÓNG ĐINH NGÀI (23,32-38)

Khi đã tới chỗ đóng đinh, tội nhân đặt thập giá nằm xuống đất. Thường thì thập giá giống hình chữ T, không có phần nhô lên trên để có thể dựa đầu. Nó khá thấp, đến nỗi chân của tội nhân chỉ cách xa mặt đất độ 6-8 tấc. Có một nhóm phụ nữ nhân đức ở Giêrusalem thường tới chỗ tội nhân và tặng một chén rượu pha thuốc mê có tác dụng làm tê liệt những cảm giác đau đớn ghê gớm đó. Họ đến tặng Chúa Giêsu chén rượu và Ngài từ chối (Mt 27,34). Ngài quyết định nếm tới tận cùng vị cay đắng nhất của sự chết, với một tâm trí minh mẫn và giác quan tinh tường. Hai tay phạm nhân bị căng ra trên đà ngang của thập giá, đinh đóng xiên qua hai bàn tay. Thường hai bàn chân thì không đóng đinh, nhưng được buộc sơ vào thập giá. Ở lưng chừng có một miếng gỗ nhô ra để đỡ sức nặng thân thế phạm nhân, kẻo các đinh xé rách toạc hai bàn tay. Rồi thập giá được dựng thẳng đứng, cắm vào lỗ sâu. Sự khủng khiếp của tử hình đóng đinh nằm ở chỗ cơn đau đớn rất dữ dội, nhưng lại không giết chết ngay, phạm nhân bị để cho chết đói, chết khát dần dưới sức nóng của mặt trời ban trưa và giá lạnh của đêm trường. Có nhiều phạm nhân bị đóng đinh sống ngắc ngoải đến cả một tuần lễ trên thập giá, sau cùng chết trong cơn điên cuồng.

Quần áo của tử tù thuộc về bốn tên lính áp giải phạm nhân ra pháp trường. Mỗi người Do Thái có năm loại trang phục: áo trong, áo ngoài, dây thắt lưng, khăn đội đầu và giầy dép. Bốn thứ chia cho bốn tên, còn lại chiếc áo choàng bên ngoài, áo đó dệt thành một tấm không có đường nối (Ga 19,23-24). Nếu cắt nó ra để chia thì làm hỏng cả áo, vì thế bọn lính ngồi ngay dưới chân thập giá gieo súc sắc, bắt thăm chiếc áo đó. Tên tử tù có hấp hối bao lâu cũng chẳng có nghĩa lý gì với bọn này.

Tấm bảng gắn trên đầu thập giá chính là bảng chữ mà người lính mang đi trước tội nhân qua các đường phố đến nơi hành hình.

Chúa Giêsu đã nói nhiều lời tuyệt diệu, nhưng có lẽ câu tuyệt diệu nhất mà Ngài nói là “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không hiểu việc họ làm. Sự tha thứ trong Kitô giáo thật sự là một sự lạ lùng. Khi Stephanô bị ném đá chết, ông cũng cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin đừng chấp tội họ” (Cv 7,60). Không có điều gì đáng yêu, cũng không có gì hiếm cho bằng sự tha thứ của người Kitô hữu. Khi nào tinh thần thiếu tha thứ đe doạ biến lòng chúng ta thành cay đắng, hãy nhớ lại lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, xin tha thứ cho những kẻ đóng đinh Ngài và lời Phaolô dặn dò các bạn hữu “Hãy ở lại với nhau cách nhân từ, đầy lòng thương xót, tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho anh em trong Chúa Kitô vậy” (Ep 4,32).

LỜI HỨA THIÊN ĐÀNG (Lc 23,39-43)

Chủ ý của nhà cầm quyền là họ đóng đinh Chúa ở giữa hai tên cướp khét tiếng. Họ làm như vậy để sỉ nhục Ngài trước mặt cả dân chúng, liệt Ngài vào hạng trộm cướp. Người ta đã nói nhiều về tên trộm biết hoán cải. Hắn được gọi bằng những tên khác nhau như Dismas, Demas, Dumachus. Có một chuyện kể hắn là một thứ Robin Hood của Do Thái, ăn trộm của người giàu để phân phát cho người nghèo. Có chuyện rất đáng yêu kể rằng khi Chúa Giêsu còn nhỏ được gia đình đem sang Ai Cập, dọc đường bị một bọn cướp tấn công. Một thanh niên là con một thủ lãnh đảng cướp thấy con trẻ Giêsu dễ thương qua, nên người đó không nỡ ra tay, hắn tha Ngài và nói “Hỡi con trẻ rất có phước, nếu sau này có dịp nào để thương xót tôi, thì hãy nhớ đến tôi, đừng quên giây phút này nhé”. Tên cướp đó là kẻ đã cứu Chúa Giêsu khi còn nhỏ, nay gặp lại Ngài trên thập giá trên đồi Gôngôtha. Lần này thì Chúa Giêsu đã cứu anh ta.

Parađi là từ trong tiếng Ba Tư có nghĩa là “Một khu vườn rào kín”. Khi vị vua Ba Tư muốn đặc biệt tôn trọng một bầy tôi nào của ông thì người ấy được cùng dạo mát với vua trong vườn thượng uyển. Chúa Giêsu đã hứa cho tên trộm cướp ăn năn đó một sự gì quý hơn là sự bất tử. Ngài hứa cho hắn vinh dự được làm bạn của Ngài trong vườn thượng uyển trên trời.

Trên hết mọi điều khác, chắc chắn câu chuyện này cho chúng ta biết rằng không bao giờ là quá trễ để trở lại với Chúa. Về các việc khác, chúng ta có thể nói “Thì giờ để làm việc đó đã qua rồi”. “Bây giờ tôi đã quá lớn tuổi, không làm được việc đó”. Nhưng không bao giờ chúng ta có thể nói như thế về sự trở lại với Chúa. Bao lâu trái tim còn đập, bấy lâu lời kêu gọi của Chúa Giêsu vẫn còn hiệu lực đối với chúng ta. Sự thật vẫn chính xác là hơi thở còn thì vẫn còn hy vọng.

NGÀY DÀI CHẤM DỨT (Lc 23,44-49)

Trong đoạn Kinh Thánh này, mỗi câu đều có nhiều ý nghĩa.

1. Có sự tối tăm khủng khiếp khi Chúa Giêsu tắt thở. Dường như mặt trời cũng không thể nhìn xem việc gớm ghiếc mà tay loài người vừa làm ra. Thế giới bao giờ cũng tối tăm khi con người tìm cách loại bỏ và khai trừ Chúa Kitô.

2. Màn trong Đền Thờ xé ra làm đôi. Đây là tấm màn ngăn Nơi Cực Thánh, là nơi có sự hiện diện đặc biệt của Thiên Chúa nơi không ai được phép vào trừ vị thượng tế, và ông chỉ được vào mỗi năm một lần trong ngày Đại Lễ Chuộc Tội. Chúng ta hạnh phúc mà nói rằng con đường vào nơi Thiên Chúa hiện diện một cách bí nhiệm, bấy lâu nay ngăn cách với loài người, thì nay đã được mở toang cho mọi người. Trái tim của Chúa bấy lâu giữ kín nay được phơi bày ra cho loài người. Sự Giáng Sinh, đời sống và sự chết của Chúa Giêsu đã xé đôi bức màn bấy lâu nay che giấu Chúa khỏi loài người. Chúa Giêsu đã phán: “Ai thấy Ta là thấy Cha” (Ga 14,9). Nơi thập giá, loài người đã được nhìn thấy cao điểm của tình yêu Thiên Chúa như họ chưa hề thấy trước đó bao giờ.

3. Chúa Giêsu đã kêu lên một tiếng lớn. Cả ba sách Phúc Âm đều nói về tiếng kêu lớn này (Mt 27,50; Mc 15,37). Gioan thì không nói đến tiếng kêu lớn ấy, nhưng ông cho biết Chúa Giêsu khi chết đã nói: “Mọi việc đã hoàn tất”. (Ga 19,30). Trong tiếng Hy Lạp và tiếng Aram thì “mọi việc đã hoàn tất” chỉ gồm trong một từ mà thôi. Cho nên mọi việc đã được trọn vẹn và tiếng kêu lớn cũng là một mà thôi, và Chúa Giêsu thật đã chết với tiếng kêu chiến thắng trên môi. Ngài đã không nói thì thầm “Thế là hết” như một người bị hành hạ đến nỗi phải quỳ gối xuống và bị buộc phải chấp nhận sự thua bại. Ngài kêu lớn như một người chiến thắng, đã thắng đối thủ trong trận cuối cùng và đã đưa một công tác vĩ đại tới chỗ kết thúc tối hậu đầy vẻ vang. “Đã xong” đó là tiếng kêu của Chúa Cứu Thế, Đấng chịu đóng đinh, nhưng là Đấng toàn thắng.

4. Chúa Giêsu chết với lời cầu nguyện trên môi. “Lạy Cha, con xin trao phó linh hồn con trong tay Cha”. Câu này có trong Thánh Vịnh 31,5 với tiếng “Cha” được thêm vào. Câu này là lời cầu nguyện trước nhất mà mỗi bà mẹ Do Thái dậy cho con mình đọc trước giờ đi ngủ, trước khi bóng tối ghê rợn đổ xuống: “Con trao phó linh hồn con trong tay Chúa”. Chúa Giêsu đã nói câu đó tha thiết hơn nhiều vì Ngài đã bắt đầu với tiếng Cha, dù trên thập giá Chúa Giêsu đã chết như đứa con nằm ngủ trong cánh tay Cha mình.

5. Viên đội trưởng và đám dân chúng đã xúc động sâu xa khi chứng kiến cái chết của Chúa Giêsu. Cái chết của Ngài đã thực hiện điều mà khi sống Ngài đã không thể làm, tức là làm tan vỡ những tấm lòng sắt đá của loài người. Lời phán của Ngài trước đó giờ đây được ứng nghiệm “Khi Ta bị treo lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người đến cùng Ta”. Ngay lúc Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng thì sức thu hút của thập giá đã bắt đầu thực hiện.