Chúa Nhật VI Phục Sinh - Năm C |
SỰ HIỆN DIỆN CỦA CHÚA GIÊSU |
Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt |
SỰ HIỆN DIỆN LIÊN TỤC CỦA CHÚA GIÊSU 1. Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đừng bối rối trước viễn ảnh ra đi của Ngài (c.1): Chúa Cha sắp gởi đến cho họ một đấng phù trợ khác trong ngôi vị Thánh Thần (c.16-17); còn Ngài, Ngài sắp trở lại với họ dưới một hình thức mà thế gian không thấy, nhưng những ai tin vào Ngài mới thấy (c.18-21). Việc Thiên Chúa đến ở đây khác xa với ý nghĩ của những người Do thái cũng như của các môn đệ. Được nuôi dưỡng bằng những câu chuyện Cựu Ước, các thị kiến tiên tri, các quang cảnh có tính cách Khải huyền, họ mơ đến một cuộc thần hiện dị thường, chói lòa vinh quang Thiên Chúa (Is 60), một cuộc phán xét toàn diện chấm dứt dòng lịch sử để thiết lập vương quyền Thiên Chúa và các thánh (Đn 7). Giuda bày tỏ sự ngạc nhiên của tất cả các môn đệ: “Thưa Ngài tại sao có thế này: là Ngài chỉ tỏ mình ra cho chúng tôi, chứ không cho thế gian?” (c.22). Ông ta mơ đến một cuộc hiển hiện khả giác. Ông không hiểu rằng việc Chúa Giêsu và thánh linh chỉ được nhận biết trong đức tin. Thoạt nhìn, câu trả lời của Chúa Giêsu (c.23) như bất biết câu hỏi và sự ngạc nhiên của Giuda. Thực ra Ngài trực tiếp trả lời câu hỏi đó, khi loan báo sự mạc khải mầu nhiệm của Ngài và nói lên nguyên nhân khiến thế gian không hiểu được mạc khải ấy. Ngài bỏ qua mọi viễn tượng cánh chung, để chỉ nói việc Thiên Chúa đến trong Giáo hội và trong thời gian. Đó là một quan điểm hoàn toàn mới mẻ được đưa vào nhân câu hỏi của Giuda. Để tiếp đón Thiên Chúa, phải tin nhận lời Ngài và đáp trả bằng tình yêu. Tất cả truyền thống Thánh kinh đã tuyên bố như vậy. Biết Thiên Chúa là có tương quan với Ngài trong nội tâm và tình yêu. Tám thế kỷ trước Chúa Giêsu, Ôse đã loan báo sự cứu độ Israel như là cuộc đính hôn và biểu thị đặc tính của nó bằng sự “nhận biết” Thiên Chúa: “Ta sẽ đính hôn với ngươi muôn thuở, cưới ngươi trong công bình, chính trực, dịu hiền và yêu mến; Ta sẽ đính ước với ngươi trong chung thủy, và ngươi sẽ biết Giavê” (Os 2,20-22). Theo kiểu nói phúc âm, các môn đệ biết rằng yêu Chúa Giêsu đầu tiên cốt tại “giữ lời Ngài” (c. 15 và 21), nghĩa là nhận ra trong sứ điệp của Ngài những đòi hỏi và những ân huệ của tình yêu Thiên Chúa và đáp trả bằng sự dấn thân cả đời sống cách đích thực và quảng đại. Đối với những ai yêu Ngài như thế, Chúa Giêsu hứa hẹn rất tuyệt diệu Ngài không nói đến tình yêu mà NGÀI đương nhiên dành cho họ, nhưng Ngài loan báo cho họ tình yêu và hồng ân kỳ diệu của Chúa Cha: đó là cùng với Chúa Con (c.18-21), chính Chúa Cha sẽ đến ở với các tín hữu. Các Ngài sẽ đến cư ngụ trong họ như trong đền thờ của mình (x.4,21-24). Cựu Ước đã biết việc Thiên Chúa đến, ví dụ việc Ngài đến thăm Abraham dưới cây sồi Membré (St 18,1-15), nhưng đó chỉ là một sự gặp gỡ tạm thời dưới hình dáng bên ngoài. Các tiên tri đã loan báo một cuộc thần hiện vinh quang vào thời cánh chung (Is 60), nhưng sự thể hiện kỳ diệu này không để chỗ cho sự thân mật sâu xa giữa Thiên Chúa và tín hữu Ngài, với lại không có vấn đề cho cuộc sống này. Còn Chúa Giêsu hứa ban cho các người của Ngài, ngay từ đời này, được kết hợp thân mật cá vị với Thiên Chúa trong chốn sâu thẳm của đời sống Ba Ngôi. Ngài không dùng chữ “tỏ mình” nữa (c.21) vì trong câu hỏi của Giuda, chữ đó dễ gây hiểu lầm (c.22). Việc Thiên Chúa đến mà Ngài loan báo vượt lên trên tất cả những mơ tưởng của Do thái giáo và những kỳ vọng của các tiên tri: đó là sự hiện diện trực tiếp của chính Thiên Chúa trong nội tâm và tình yêu; lời hứa tuyệt vời của phúc âm là vậy. Những ai chối từ tình yêu Thiên Chúa (c.24) thì không thể thấu triệt việc Thiên Chúa Ba Ngôi đến cách vô hình mà Chúa Giêsu vừa loan báo cho những ai yêu mến Ngài. Họ không “biết” Chúa Giêsu vì đã khước từ sứ điệp của Ngài. Họ không thể “biết” Chúa Cha, nguồn sứ điệp này (3,31-34; 5,37-38; 7,16-17; 8,47; 12,48-50). Ở đây, Giuda tìm thấy lời giải đáp cho câu hỏi của ông: chỉ biết được Chúa Giêsu nhờ đức tin (1,9-12), Ngài chỉ tỏ mình ra cho những kẻ tin (14,19). Đã có một thời gian Chúa Giêsu hiện diện cách hữu hình với môn đệ; họ có thể nghe lời Ngài qua giác quan (c.25). Nhưng bây giờ thời gian này không còn nữa, và phục sinh sắp mở đầu một thời gian mới trong đó tương quan giữa thày và trò thay đổi cách thức (Lc 24,44). Sự lưu truyền lời chúa phán trong cuộc đời tại thế vẫn còn. Và chính sự lưu truyền này phát sinh ra phúc âm. Tuy nhiên nó sẽ được đổi mới hoàn toàn. 2. Thật vậy, sự lưu truyền lời Chúa Giêsu trong Giáo hội không phải là một sự tồn kho bất động, một việc sưu tập những lời cổ kính, bởi lẽ chính Thánh Thần làm nên sự lưu truyền này (c.26). Theo các lời từ biệt khác của Chúa Giêsu, Thánh thần là đấng bàu chữa công lý bênh vực Chúa Giêsu và môn đệ của Ngài trước tòa án của thế gian này (15,16; 16,7-11; Mt 10,20; Mc 13,11; Lc 12,12). Ở đây cũng như trong các tiên tri, Ngài (Chúa Thánh Thần) là đấng linh ứng lời Thiên Chúa. Trong sứ mệnh tại thế, Chúa Giêsu đã nói được “những lời của Thiên Chúa, Đấng ban dư đầy THÁNH THẦN cho Ngài” (Ga 3,34) những lời này là “thần trí và là sự sống” (Ga 6,63). Và nếu Thánh Thần được ban cho môn đệ trong ngày phục sinh (Ga 20,22; 7,37-39), đó là để đặc biệt nhắc nhở họ nhớ lại sứ điệp. Không phải một việc ghi vào ký ức cách vật chất; thánh Gioan hai lần ghi chú trong phúc âm là các môn đệ chỉ thấu triệt ý nghĩa lời Chúa Giêsu cũng như các hành động của Ngài khi “nhớ lại” chúng dưới ánh sáng phục sinh (Ga 2,22; 12,16), nghĩa là dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh thần, Đấng giúp họ quán triệt ý nghĩa thâm sâu. (Vai trò soi chiếu của Thánh Thần đã được phác họa trong Ga 16,12-14). Chúa Giêsu đã loan báo trong diễn từ (14,16) là sẽ xin Cha sai Thánh Thần bàu chữa đến với họ. Ở đây Ngài cũng thêm là Cha sẽ sai đến nhân danh Ngài. Cả hai cách nói tương đương và tạo nên một trong những công thức chính xác rõ ràng nhất về thần học Thiên Chúa Ba Ngôi trong Tân Ước. Thiên Chúa Ba Ngôi hiện diện trong tín hữu, có cùng một mục đích là làm cho họ nhận biết sứ điệp Thiên Chúa và cho họ thông hiệp vào mầu nhiệm sự sống của Ngài. 3. Khi đã bảo đảm cho họ về một ánh sáng sống động sắp đến, Chúa Giêsu mới có thể từ giã họ. Ngài từ giã theo phong tục người Do thái, với lời chào: Shalôm: bình an. Tuy nhiên đây không phải là một lời từ giã thông thường: “Ta ban bình an của Ta cho các con”. Thế gian chỉ có thể chúc bình an, còn Ngài ban bình an, bình an riêng của Ngài. Theo não trạng người Hy Bá, chữ “bình an” diễn tả một cái gì còn hơn sự an tĩnh của tâm hồn. Nó bao gồm tất cả những thiện hảo mà người ta có thể cầu chúc; đó chính là sự an lạc. Nhưng sự bình an của Chúa Phục sinh (20,19.21.26) còn hơn sự an lạc vật chất hay hạnh phúc nhân bản. Bình an hệ tại việc chiếm hữu chân lý (theo nghĩa đã giải thích ở trên) với sự hiện diện viên mãn của Thiên Chúa. Sự chiếm hữu này làm cho các môn đệ thoát khỏi những thăng trầm của cuộc sống này, bằng cách bảo đảm cho họ rằng họ sẽ vượt qua tất cả các chướng ngại vật thế gian gây ra cho các việc chứng nhân của họ: “Hãy vững lòng, Ta đã thắng thế gian” (16,33). Lời từ biệt này có thể làm cho họ bối rối (14,1), nhưng họ chẳng có gì phải sợ, vì sự ra đi này không phải là một sự chia cách. 4. “Cha lớn hơn Ta”. Các giáo phụ và các thần học gia, nhất là những vị đã từng tranh luận về Thiên Chúa Ba Ngôi, đã bối rối vì mấy chữ đó, và đã dựa vào chúng để bàn cãi sôi nổi về mối liên hệ giữa Ngôi Cha và Ngôi Con, cũng như việc phân biệt hai bản tính trong Đức Kitô và về nguồn gốc của Chúa Con. Nhưng những cuộc bút chiến này, nếu không đi sai đường, thì cũng đi vào ngõ cụt. Tình yêu của môn đệ chỉ nhằm đến vẻ bề ngoài của con người Chúa Giêsu. Họ còn yêu Ngài trong mức độ họ còn có thể đụng chạm Ngài dưới hình thức nhân loại của Ngài và tùy theo địa vị mà họ ao ước nắm giữ trong vương quốc thiên sai. Họ đã phán đoán và yêu Ngài từ bên ngoài. Nhưng con người của Ngài bám chặt cách thâm sâu vào Chúa Cha, Cha trở nên hữu hình trong Ngài (x.14,9). Cái quan trọng không phải là cái mà họ đã nắm chắc được nơi Ngài cho tới bây giờ, nhưng là Chúa Cha qua Ngài. Chính trong nghĩa này mà Gioan đã có thể viết mà không sợ đụng chạm đến đức tin tí nào: “Cha trọng hơn Ta”, có nghĩa là trọng hơn cái mà các con đã thấy nơi ta. Chúa Giêsu kém cao trọng xét như là người mạc khải Cha. Sự phân biệt đó không nhằm đối chiếu bản tính loài người và bản tính Thiên Chúa (như truyền thống đã cắt nghĩa) nhưng nhằm đối chiếu cái môn đệ hình dung, trình bày về Ngài (sa “prêsentation humaine”) (trong tư thế một vị thiên sai) với ý nghĩa thiện linh trọn vẹn của Ngài (sa pleine signification divine) là mạc khải Chúa Cha. Đây là vấn đề nhận biết Chúa Cha trong Chúa Giêsu. Khi các môn đệ nhận biết điều đó rồi, thì không còn vấn đề hơn thua, vì Cha và Ngài chỉ là một. KẾT LUẬN Nhờ suy tư sau khi gần hoàn tất phúc âm, thánh Gioan ngày càng thấu triệt khiếm diện và hiện diện của Chúa Giêsu trong các môn đệ. Từ lúc Chúa chết trên thập giá, ông đã sống trong sự khiếm diện siêu việt của Chúa. Ông có thể kết luận cuốn phúc âm của mình: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20,29). Vì ông kinh nghiệm rằng sự hiện diện của Chúa Giêsu đối với các môn đệ không cốt tại các thị kiến phi thường, cũng không phải trong các lần hiện ra ngắn ngủi và dành riêng cho một vài nhân chứng sau khi sống lại, nhưng sự hiện diện luôn có đối với những ai tìm kiếm Ngài với niềm tin. Được nâng lên trong vinh quang Thiên Chúa, hiệp nhất cách mầu nhiệm với Cha và Thánh Thần, Đấng Phục sinh đã từ bỏ đời sống trần thế, là đời sống đã làm cho Ngài có thể nhận biết một cách khả giác. Nhưng khuất mắt ta để từ đây luôn luôn hiện diện với chúng ta theo cách thế của Thiên Chúa (Mt 28,20) Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG 1. Trái ngược với việc tuân giữ cách máy móc và mệt nhọc những giới luật tỉ mỉ, không sống động, thích hợp chút nào với tâm hồn tín hữu, Chúa Giêsu thiết lập các tương quan giữa Ngài với các môn đệ trên mối liên lạc tình yêu. Để thấy Chúa Giêsu, để sống nhờ Ngài, với Ngài, thì phải “giữ lời Ngài” (c.24). Sự sống này, như Chúa Giêsu xác định, là chính sự sống của Ngài nhận từ Cha, sự sống mà Ngài có với Cha, nghĩa là mối dây tình yêu. 2. Lúc sắp lìa xa các môn đệ, lúc sắp được nâng lên, Đức Kitô loan báo cho họ biết Ngài hằng hiện diện luyôn mãi qua lời Ngài. Bài giã từ trong chương 14 của Gioan không mang một mục đích nào khác ngoài việc tỏ cho biết sự hiện diện mới mẻ này. Đối với người Semit, lời nói là cái gì cụ thể; cũng như tên gọi, lời nói là biểu thức của một hữu thể, một ngôi vị; hơn tất cả các phương tiện khác, nó bảo đảm được mối giây liên lạc sống động mà mỗi người cố nối kết với tha nhân; đó là cơn mưa đưa sự sống đến cho trái đất, làm nẩy mầm những hạt lúa sẽ trở thành cơm bánh (Is 55,8-11) Sự hiện diện của Chúa Giêsu đã biến đổi cuộc đời các tông đồ khi đi sâu vào trong những xác tín của họ. Lúc Chúa Giêsu rời bỏ họ, họ nhớ lại kinh nghiệm đặc biệt mà họ vừa có mà Chúa Giêsu tóm lại trong một chữ: Lời ta. Bằng ấy nói lên tất cả con người của Ngài đối với họ (x.1Ga 2,23; 4,15; 2Ga 9). Sự hiện diện này sẽ sinh hiệu quả trong họ như sự hiện diện của Thiên Chúa đã sinh hiệu quả suốt lịch sử Israel. Sự hiện diện đó là Shékinah đã theo dân trong sa mạc, đã bao phủ đền thờ trong ngày Salomon cung hiến, đã nâng đỡ những người bị lưu đày, đã hoàn lại sự sống cho “nhóm còn lại”, đã ngập tràn tâm hồn mỗi người trong niềm mong chờ sự hiện diện sung mãn. Khi theo Chúa Giêsu, các tông đồ đã sống lại lịch sử dân Do thái và thấy mình được kêu gọi sống thông hiệp thân mật với Đấng đã nói với Môisen “như bạn nói với bạn” (Xac 33,11). Việc khám phá ra sự hiện diện cao quí vô giá sẽ Giáo hội được thực hiện hàng ngày, qua kinh nghiệm của cuộc sống thường nhật, dưới sự phù trợ của Thánh Thần, Đấng làm sống lại tạo vật mới đang thoát dần khỏi bóng tối của sự bách hại, sự chia rẽ và sự chết. Không gì có thể lay chuyển được sự hiện diện đó do Thánh Thần ban. 3. Sự ra đi của Đức Kitô, tức cuộc tử nạn, Phục sinh của Ngài, là cần thiết để các tông đồ khám phá một cách rõ ràng Chúa Giêsu là ai: là nhân chứng đặc biệt của Cha và của tình yêu Ngài. Họ phải khám phá thấy tình yêu đó còn lớn hơn tất cả những gì họ đã khám phá ra nơi Đức Kitô. Như vậy, Chúa Giêsu mời gọi họ khám phá ra điều họ đã tiên cảm. Làm sao họ lại không vui cho được. 4. Sự hiện diện hữu hình của Chúa Giêsu không phải là tất cả. Sự hiện diện vô hình trong tâm hồn cao quí hơn nhiều. Cũng như thánh Phaolô, chúng ta không nuối tiếc vì đã không sống vào thời phúc âm. Thật là mối nguy hiểm nếu chỉ nhận biết Chúa Giêsu qua ngoại diện (theo xác thịt) mà không sống kết hiệp nội tâm với Ngài theo Thánh thần (2Co 5,16). 5. Tuần tới, chúng ta sẽ cử hành lễ Chúa Thăng thiên, một cuộc ra đi cần thiết để ban Chúa Thánh Thần xuống cho ta. Ngay từ bây giờ, chúng ta hãy tin tưởng mong đợi Chúa Thánh Thần. Để được như vậy, chỉ cần biết chấp nhận bình an của Đức Kitô và tuân giữ lời Ngài, nghĩa là tin và để lời đó phát sinh trong ta hoa trái đã được Chúa loan báo trước. Chúng ta sắp thông phần với hy tế của Ngài, sắp lãnh nhận Ngài làm của ăn; ước gì sự hiện diện sống động của Ngài là sức mạnh và kiên nhẫn cho chúng ta. Chớ gì bình an vượt quá mọi sự của Ngài tràn ngập chúng ta. |