Chúa Nhật Lễ Mình và Máu Chúa Kitô - Năm C |
LÀ CỦA ĂN |
JKN |
Câu hỏi gợi ý: 1. Đức Giêsu đến có phải để lo chuyện ăn uống cho dân chúng không? Tại sao Ngài lại làm chuyện ấy? Động lực nào thúc đẩy Ngài làm chuyện ấy? 2. Nơi Đức Giêsu, tình yêu của Ngài đối với dân chúng hay bản tính Thiên Chúa của Ngài làm nên phép lạ? 3. Nơi bí tích Thánh Thể, chúng ta học được bài học gì? Suy tư gợi ý: 1. Đức Giêsu quan tâm đến nhu cầu cụ thể của dân chúng Ta thấy hoạt động của Đức Giêsu được phối hợp giữa việc rao giảng Tin Mừng và việc thỏa mãn những nhu cầu cụ thể của dân chúng: “Đức Giêsu tiếp đón dân chúng, Ngài nói với họ về Nước Thiên Chúa, và chữa lành những ai cần được chữa”. Điều mà Ngài rao giảng không phải là một cái gì xa vời đối với dân chúng, mà là một cái gì thiết thực, phù hợp với những khát vọng của họ. Đó là Tin Mừng về Nước Thiên Chúa, một tin vui về việc họ được giải phóng, được thoát khổ và hạnh phúc, là điều mà họ hằng mong ước. Đó là thứ Tin Mừng “cho kẻ nghèo hèn”, Tin Mừng giải phóng “cho kẻ bị giam cầm được tha, cho người mù được sáng mắt, cho kẻ bị áp bức được tự do, v. v…” (Mt 4, 18). Việc rao giảng ấy luôn luôn đi kèm với nỗi quan tâm lo lắng của Ngài đến những nhu cầu cụ thể của dân chúng. Nhờ sự quan tâm và những hành động cụ thể ấy, dân chúng cảm thấy được Ngài yêu thương, chăm nom săn sóc. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy tình yêu nhân bản của Ngài: Thấy trời đã tối, các môn đệ đề nghị Đức Giêsu giải tán để họ tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn. Nhưng Ngài bảo các ông: “Anh em hãy cho họ ăn”. Thật là một quan tâm đầy tình người. Và sau đó Ngài đã làm một phép lạ cả thể. 2. Tình yêu có thể làm nên những phép lạ Chúng ta đừng nghĩ rằng Ngài làm như vậy vì Ngài có khả năng làm phép lạ. Còn chúng ta, không làm phép lạ được, nên có gặp trường hợp tương tự, ta sẽ không dám làm như Đức Giêsu, là quan tâm đến nhu cầu cụ thể ấy của dân chúng. Đôi khi chúng ta phải nghĩ ngược lại, chính vì Ngài yêu thương, quan tâm thật sự đến nhu cầu của người khác và quyết tâm thỏa mãn những nhu cầu ấy với bất cứ giá nào, nên Ngài mới làm nên những phép lạ. Chúng ta không làm được những phép lạ, vì chúng ta không thật sự yêu thương và quyết tâm giải quyết những nhu cầu của anh em chúng ta. Nguyễn bá Học có nói: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Trong bối cảnh này, câu ấy có nghĩa: Đừng sợ rằng ta không thể làm được điều gì giúp anh em, mà hãy sợ rằng ta không đủ tình thương, không dám hy sinh vượt khó, không dám chấp nhận gian khổ để thỏa mãn những gì cần thiết cho anh em mình. Tình thương thật sự có thể làm nên những phép lạ. Nhiều trường hợp trong lịch sử chứng minh điều ấy. Nếu ta thật sự yêu thương, quan tâm và nhất quyết giúp đỡ anh em mình khi họ cần, chắc chắn ta vẫn luôn luôn làm được một cái gì đó ích lợi cho họ. Nếu không đủ tình thương để làm nên phép lạ, thì hãy cố gắng làm tối đa trong khả năng của mình. Nếu không đủ tình thương để cố gắng tối đa, thì chí ít cũng nên làm những gì tối thiểu: có còn hơn không! Nếu ta hoàn toàn thờ ơ không làm gì cả trước nhu cầu thực tế của anh em, thì tình yêu của ta có hơn gì những người mà ta cho là phường tội lỗi? Trong họ, biết bao người đã tỏ ra có nhiều tình thương hơn ta (xem dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu, Lc 10,29-37). 3. Đừng chỉ quan tâm đến nhu cầu thiêng liêng của người khác, mà không quan tâm đến nhu cầu cụ thể và thiết thực của họ Mục đích chính của Đức Giêsu khi đến trần gian là để rao giảng Nước Trời, chứ không phải là để cứu đói, chữa bệnh, trừ quỷ, hay nói chung là cứu khổ về phần xác. Nhưng Ngài đã quan tâm rất nhiều tới những việc này. Thánh Phê-rô đã nói lên điều ấy: “Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỉ kiềm chế” (Cv 10,38). Rất nhiều Kitô hữu lo lắng đến những nhu cầu thiêng liêng của người khác: lo cho người ta biết Chúa, biết sống đạo đức, ăn ngay ở lành, làm lành lánh dữ, biết chăm sóc đến đời sống nội tâm, v.v… Điều ấy rất quí rất tốt, và cũng hết sức cần thiết. Tuy nhiên, trong số những Kitô hữu nhiệt thành ấy, có khá nhiều Kitô hữu chỉ quan tâm lo cho tha nhân những việc thiêng liêng ấy mà thôi, không hề nghĩ đến những nhu cầu thiết thực, cụ thể trước mắt và rất cấp bách của những người gần gũi chung quanh họ. Chính vì thế, những người được họ quan tâm lo những việc thiêng liêng, không cảm nhận được tình thương của họ một cách cụ thể. Điều ấy làm cho những cố gắng tốt đẹp của họ về mặt thiêng liêng bớt hữu hiệu. Thiết tưởng một người được đức ái đích thực thúc đẩy, sẽ không phục vụ tha nhân theo kiểu “công chức”, nghĩa là chỉ phục vụ một số đối tượng nào đó, trong một khía cạnh nào đó, trong một số giờ nào đó mà mình được chỉ định phục vụ. Vì thế, họ không quan tâm phục vụ những đối tượng khác, trong những khía cạnh khác, vào những giờ khác, cho dù có những người cần được họ chăm sóc, phục vụ, nhưng lại vượt ngoài những hạn định ấy. Người có tình yêu đích thực vẫn có thể chọn một loại đối tượng để phục vụ, trong một khía cạnh nào đó mà mình chuyên môn, v.v… Tuy nhiên, trong những trường hợp cần thiết mà đức bác ái đòi hỏi, người ấy vẫn có thể phục vụ những đối tượng khác, trong những khía cạnh khác, vào bất kỳ giờ giấc nào. Một người có tình yêu đích thực, có đức ái đích thực, không tự giới hạn lòng yêu thương, sự phục vụ của mình, nhất là trong những trường hợp đặc biệt cần đến lòng yêu thương và sự phục vụ của mình. Một người chuyên phục vụ tha nhan về mặt tâm linh, vẫn nên quan tâm đến những nhu cầu cụ thể của họ. 4. Hãy noi gương Thánh Thể Nói tới Thánh Thể, chúng ta thường nghĩ tới việc phải làm sao để nhận được từ Thánh Thể những ơn cần thiết cho mình. Nhưng thiết tưởng chúng ta không nên bỏ qua một bài học tuyệt vời và rất quan trọng của Thánh Thể là sự quên mình và tính vị tha. Không có gì tỏ ra quên mình và vị tha cho bằng trở nên của ăn cho người khác, hay sẵn sàng để cho người khác “ăn” mình. Thật vậy, đồ ăn hiện hữu vì người ăn nó, chứ không hiện hữu một chút xíu nào vì bản thân mình cả. Tất cả mọi sự, để trở thành đồ ăn thì đều phải chết đi mới có thể nuôi sống người ăn mình. Bản chất của đồ ăn chính là chết đi để nhờ đó người khác được sống, bị tiêu diệt để nhờ đó người khác tồn tại. Thông thường, chúng ta có khuynh hướng bắt người khác phải vì mình, biến họ thành phương tiện hay công cụ phục vụ cho mình. Biến mình thành đồ ăn thì hoàn toàn đi ngược lại khuynh hướng thông thường ấy: sẵn sàng hiện hữu vì người khác, sẵn sàng chấp nhận làm phương tiện hay công cụ vì hạnh phúc đời này hay đời sau của những người mình yêu thương. Danh ngôn Pháp có câu: “Aimer, c’est permettre d’abuser” (yêu là cho phép người mình yêu lợi dụng mình). Cả cuộc đời Đức Giêsu là một thứ đồ ăn: Ngài hiện hữu không phải vì bản thân Ngài, mà hoàn toàn vì Thiên Chúa và vì con người. Ngài đã chết để con người được sống, đã tự hủy để con người được tồn tại, đã đau khổ để con người hạnh phúc, đã tự hạ để con người được nâng lên, đã chấp nhận bị đối xử như người tội lỗi để làm cho con người trở nên thánh thiện, v.v… Ngài hiện hữu, Ngài làm mọi sự đều vì người khác, chẳng vì mình một chút nào. Và Ngài đã biểu hiện tính chất “là của ăn”một cách cụ thể và tuyệt vời khi lập bí tích Thánh Thể. Chúng ta ăn Ngài, nhưng chúng ta đừng quên bắt chước Ngài trong tính chất ấy. Ngài đã yêu cầu chúng ta: “Anh em hãy làm như Thầy vừa làm, để tưởng nhớ đến Thầy”. Tưởng nhớ ở đây không gì tốt hơn và ý nghĩa hơn là bắt chước Ngài trong tính chất ấy: Hãy trở nên đồ ăn cho những người chung quanh mình, nhất là những người sống gần mình nhất. Cầu nguyện Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin hãy ban cho con nhiều tình yêu hơn, để con bắt chước Chúa, là trở nên của ăn cho những người chung quanh con, bằng cách quên mình đi để sống vì họ, cho họ. |