Chúa Nhật IV Mùa Chay  - Năm C
NGƯỜI CHA NHÂN HẬU
                                                Lm, Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa anh chị em,

Chúa Giêsu nhập thể làm người là để cứu độ nhân loại, Ngài đến tìm kiếm và cứu chữa những kẻ hư hỏng (Lc 19,10); Ngài đến kêu gọi những người tội lỗi hối cải (Lc 5,32). Bằng chứng trong ba năm rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu thường đón tiếp, đồng bàn với những người thu thuế và tội lỗi. Điều này làm chướng tai gai mắt giới lãnh đạo Do thái. Nhân cơ hội này, Chúa Giêsu kể cho dân chúng nghe câu chuyện dụ ngôn “Người cha nhân hậu”, để họ thấu cảm được một Thiên Chúa là Cha đầy lòng nhân hậu.

Theo tục lệ người Do thái thời đó, cha mẹ còn đang sống mà con cái đòi chia gia tài là một tội bất hiếu. Vậy mà ở đây người cha sẵn sàng chia gia tài cho những đứa con của mình. Sau khi thỏa mãn ước nguyện, người con thứ thu quén tất cả tài sản trẩy đi phương xa.

 Nơi đây, anh ta ăn chơi tiêu xài phung phí với bọn đàng điếm. Với lối ăn chơi như thế, chẳng mấy chốc thì tiền hết sạch. Hết tiền, hết bạc thì bạn bè cũng xa lánh. Đúng như lời sách Huấn Ca nói: “Có bạn là bạn đồng bàn, vào ngày tai họa chẳng tìm thấy ai”(Hc 6, 10).

Cùng đường sinh sống, anh ta đành phải đi ở mướn chăn heo và hèn hạ đến nỗi thèm cả cám heo, ăn cho đỡ đói mà cũng chẳng có. Lúc bấy giờ anh ta hồi tâm và quyết định trở về nhà cha không phải vì lòng hiếu thảo nhưng là để giải quyết cái bụng đói mà thôi.

Trong khi đó người cha ở nhà hằng nhớ con da diết, đêm ngày mong con trở về. Từ ngày người con bỏ nhà ra đi, không ngày nào mà ông không đi ra đi vô, nóng lòng ra tận cổng làng đầu ngõ trông ngóng đứa  con trở về.

 Thật vậy, khi thấy bóng dáng con mình từ đàng xa, người cha vội chạy lại ôm lấy. Ông không bệ vệ và lững thững chắp tay sau lưng đi tới theo cung cách của các đại gia bề thế. Ông quên luôn tư cách đạo mạo của người cha trong một gia đình đông phương nề nếp; Ông không nhớ mình đang là một bậc vị vọng sang trọng.

 Gặp thấy con, Ông không hạch hỏi gì, cũng chẳng nói năng chi, mà chỉ ôm chầm lấy và hôn nó hồi lâu. Ông thấy nó lem luốc, hôi hám và bẩn thỉu, nó tệ hại và bệ rạc làm sao! Mặc kệ, ông càng chạnh lòng thương con hơn. Ông bảo đầy tớ hãy mau đem áo quần mới và trang sức đẹp cho con mình,  và còn ra lệnh giết bê béo mở tiệc ăn mừng nữa.

Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn bày tỏ cho chúng ta thấu hiểu Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Ngài luôn sẵn sàng mở toang cõi lòng nhân hậu chờ đón con cái mình, để yêu thương và tha thứ, bất kể chúng ta như thế nào.

Đồng thời, Chúa Giêsu muốn phơi bày bộ mặt thật của nhóm Pharisiêu và các luật sĩ. Đời sống của họ được diễn tả qua thái độ cư xử của người con cả. Thực vậy, họ luôn tự hào vì đã giữ cẩn thận các lề luật, nhưng lại tỏ ra mù quáng trước tấm lòng yêu thương của Thiên Chúa, nên họ tỏ ra tức tối khó chịu khi thấy Chúa Giêsu đón tiếp những kẻ tội lỗi và đồng bàn với họ.

Anh chị em thân mến,

Chúng ta có thể đồng hóa mình với ai trong ba nhân vật trên. Chắc chắn chúng ta không dám cho mình đóng vai người cha trong dụ ngôn, bởi lẽ chỉ mình Thiên Chúa mới có tấm lòng bao la nhân từ như thế. Thế còn hai nhân vật kia thì sao?

Biết đâu chúng ta mang dung mạo của người con thứ, lạc xa đường ngay nẻo chính, quay lưng lại với Thiên Chúa, cuộc sống tội lỗi xấu xa, phung phí của cải Chúa ban như: tiền bạc, thời giờ, sức khỏe… chạy theo những vật chất chóng qua mà quên đi ân tình của Thiên Chúa.

Rất có thể chúng ta đóng vai người con cả. Khi tuân giữ được một vài điều đạo đức, bác ái bên ngoài như: đọc kinh, dự lễ, làm việc bác ái… chúng ta tự khoác lên mình một chiếc áo thánh thiện, tự gán cho mình một nhãn hiệu tốt; coi mình đạo đức thánh thiện hơn người khác, và loại trừ anh em đồng loại ra khỏi con tim của mình.

Thế nhưng, dù chúng ta là con út hay con cả, chúng ta cũng phải trở về. Nếu chúng ta chưa đi hoang trong đời sống, thì cũng có nhiều lần chúng ta đi hoang trong tâm hồn, và đôi khi cũng chỉ vì một chút của cải nào đó của cha mẹ để lại mà chúng ta loại trừ anh em của mình.

Tin tưởng vào lòng nhân từ của Thiên Chúa, chúng ta hãy quyết tâm từ bỏ những thói hư tật xấu, những gì làm buồn Chúa và làm mất lòng nhau. Để rồi bắt chước tâm tình của người con thứ nhủ thầm: “Tôi muốn ra đi trở về với cha và thưa người rằng: Lạy cha! Con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa….” (Lc 15, 18-19).

Xin cho chúng ta xác tín Chúa là người cha yêu thương chúng ta trước khi chúng ta yêu Ngài; đi tìm chúng ta trước khi chúng ta đi tìm Ngài, tha thứ cho chúng ta trước khi chúng ta xin lỗi Ngài. Đồng thời, thưa lên với Chúa rằng: Lạy Cha! Tin lòng Cha bao la luôn thứ tha vạn lần ngã xa; Lạy Cha! Tin lòng Cha thương con, con chỉ mong gặp lại tình thương. Amen.