Chúa Nhật IV Mùa Chay  - Năm C
DỤ NGÔN NGƯỜI CHA NHÂN HẬU
Chú giải của Fiches Dominicales

CÂU TRẢ LỜI CHO NHỮNG NGƯỜI PHARISÊU VÀ CÁC KINH SƯ

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:

1. Một dụ ngôn nhắm vào đám đông bị xúc phạm.

Tình hình ngày càng trở nên căng thẳng từ khi Đức Giêsu “lên Giêrusalem". Qua dụ ngôn cánh cửa đã đóng lại, Đức Giêsu tuyên bố: thuộc về dân Do Thái, không có nghĩa là tự động được dự tiệc cứu rỗi. Người kết luận: "Anh em sẽ khóc lóc nghiến răng khi thấy Ápraham, Ixaác và Giacóp cùng tất cả các ngôn sứ được trong Nước Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. Bấy giờ, thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa" (13,28-30). Những người Pharisêu và các kinh sư suýt nghẹt thở mà chết khi ngay trong ngôi nhà của một vị thủ lãnh Pharisêu đã mời người, Đức Giêsu không những chỉ chữa một người bệnh thuỷ thủng ngày Sabát, mà còn kể cho họ nghe dụ ngôn tiệc cưới: những khách được mời đã từ chối, thế là chủ tiệc cho mời "những người nghèo khó, què quặt, đui mù" gom nhặt "ngoài công trường, trên phố xá, đường đi, lối ngõ" (14,l5-24). Và rồi, họ cảm thấy như bị xúc phạm, khi Chúa Giêsu hành động theo những gì đã nói, Người: "Tiếp đón những người tội lỗi". Điều này còn tệ hại hơn nữa, vì theo phong tục Đông phương, ý nghĩa biểu tượng của việc nhận biết và đón tiếp qua bữa ăn có tầm quan trọng đặc biệt -Người "ăn uống với họ!" Bởi vậy, những người Pharisêu và các kinh sư "kêu trách Người" như ngày xưa, khi vượt qua sa mạc, tổ tiên họ đã kêu trách Chúa.

Chương 15 có giá trị thực sự là nhờ ba dụ ngôn Đức Giêsu kể cố ý nhắm vào các kinh sư và những người Pharisêu vì họ tự cho mình là công chính, mà khinh khi những người tội lỗi, và những người bị loại trừ.

Ba dụ ngôn này, được ngắt nhịp bằng một điệp khúc, ca ngợi tình thương Thiên Chúa được tỏ bày nơi Đức Giêsu; tình thương ấy dành cho những người không được thương yêu và không đáng yêu; những người, một cách gián tiếp, lên án sự nghiệt ngã và nghiêm khắc mà nhưng kẻ tự phụ là công chính dành cho họ: dụ ngôn con chiên lạc "mất rồi lại tìm thấy", dụ ngôn đồng bạc "mất rồi lại tìm thấy", dụ ngôn cậu con thứ "mất rồi lai tìm thấy".

Chỉ dụ ngôn thứ ba này được đọc trong Chúa nhật thứ 4 Mùa Chay năm C này. Dụ ngôn gồm hai cảnh liên kết với nhau. Cảnh thứ nhất: vai diễn là người con thứ. Cảnh thứ hai: vai diễn là người con cả; trong cả hai cảnh ấy, người cha đóng vai quan trọng có tính quyết định.

2. Trong dụ ngôn ấy, người con thứ đã “mất rồi lại tìm thấy”.

Khuôn mặt của người con thứ được diễn tả hơi cường điệu trong cảnh thứ nhất của dụ ngôn tuyệt diệu này. Không đợi tới khi người cha qua đời, anh đòi chia gia tài ngay. Rồi ra đi để sống tự do. Mau chóng khánh kiệt vì cuộc sống phóng đãng. Anh phải làm công cho một người ngoại giáo ở đất khách quê người, và miễn cưỡng phải "chăn heo" cho chủ - đối với một người Do Thái, đây là công việc hèn hạ - vì heo là một con vật dơ nhớp đối với Do thái giáo. Bị dằn vặt bởi ý nghĩ: ở nhà cha thì đồ ăn dư thừa, người làm công ăn không hết, thế mà ở đây anh đói khát, chỉ mong được "tống đầy bụng những thứ heo ăn" mà không được.

Vừa đói khát, thiếu thốn vừa ân hận, một ngày kia, anh quyết định trở về. Anh phác hoạ trong đầu những lời thống thiết nhất để xoa dịu cơn giận của người cha: "Thưa cha, con đã lỗi phạm đón trời và đến cha, con thật không xứng đáng được gọi là con cha nữa. Hãy coi con như một người làm công trong nhà thôi".

Nhưng, chưa kịp thốt lên một lời, người cha đã giang rộng vòng tay xiết chặt lấy anh. Cho tới bây giờ, anh chưa một lần nghi ngờ tình yêu vô bờ bến của cha anh. Con tim anh rộn ràng những nhịp đập thổn thức. Không phải đứa làm thuê? Con ta chứ! Hãy mặc áo đẹp ngày đại lễ. Đeo nhẫn vào tay, biểu hiệu quyền uy. Xỏ giầy vào chân, biểu hiệu người tự do. Hãy ngồi vào bàn tiệc. Mọii thành phần gia đình đang quây quần bên bàn ăn cùng chia sẻ niềm vui của người cha.

3. Còn người anh trong tâm trạng giận dữ

Người anh "từ ngoài đồng" về đến nhà thì cuộc vui đang diễn tiến. Nghe trong nhà có nhạc vui, anh hỏi xem có chuyện gì? Hiểu ra, tâm trạng anh chuyển từ ngạc nhiên sang "giận dữ". Lại có thể cư xử như vậy với thằng con hư đốn ư? Như phản ánh thái độ của các kinh sư và những người Pharisêu luôn chỉ nghĩ đến phụng sự Chúa không sai một lời, nên, anh cằn nhằn với cha mình: "Đã bao năm con phụng dưỡng cha, không bao giờ bất tuân hay trái lệnh, mà chẳng bao giờ cha cho con một con dê để vui với bạn bè". Để ở lại nhà cha, anh đã cư xử thật không khác một người làm công, cần mẫn, nhưng vô tình, xa lạ. Anh không thể hiểu được ngôn ngữ của Giao ước mà cha anh nói với anh: "Con ơi! Con luôn ở bên cha, mọi sự của cha là của con mà". Anh chỉ nói bằng ngôn ngữ của quyền lợi và nghĩa vụ, của mệnh lệnh và phần thưởng. Như các kinh sư và những người Pharisêu đối với tội nhân, anh cũng giữ khoảng cách với đứa em mới trở về mà mọi người đang ăn mừng. "Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo để ăn mừng".

4. Lòng quảng đại phi thường của người cha

Nếu phải coi chừng để đừng quên người con cả, thì chúng ta càng không được quên chân dung người cha mà từ đầu đến cuối dụ ngôn luôn là một nhân vật trung tâm, một người cha mà tình yêu luôn thôi thúc ông hướng về các con. Ông không chỉ ngồi chờ. Phải "chạy ra" coi, và ông phải chạy ra đến hai lần.

Ông chạy ra. hấp tấp, một thái độ đặc biệt đối với người Đông phương. Ôm lấy cổ đứa con hoang đàng. Hôn nó tới tấp Nâng nó lên, ngắt quãng những lời nó định nói, đưa nó vào nhà. Nhà của nó mà. "Mau lên!" ông nói với các đầy tớ không chần chừ một giây. Phải mặc cho cậu chiếc áo đẹp nhất đúng với cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay cậu, mang giầy vào chân cậu. Giết bê béo. Dọn tiệc ăn mừng. "Mau lên!" vì một niềm vui đang trào ngập lòng ông: "Con ta đây đã chết nay sống lại đã mất nay lại tìm thấy”.

Ông lại chạy ra để nài người anh vào nhà, để người anh nhìn nhận đứa em mà anh ta đã miệt thị, để dự tiệc chung vui với mọi người.

Đây đúng là một dụ ngôn có tầm vóc thần học. Dụ ngôn của ân huệ Chúa ban tặng con người. Dụ ngôn về tình yêu nhưng không Cha ban cho mọi người, dầu tội lỗi mấy đi nữa. Cha muốn họ tham dự niềm vui, muốn mời họ khám phá ra: anh huynh đệ chân chính. Làm sao không nhìn ra qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn trao cho chúng ta bí mật trong cách cư xử và đời sống của Người? Người là Người Con được Cha sai đến loan báo sự hoà giải cho các tội nhân. Đó là những người mà Đức Giêsu khắc hoạ hình ảnh nơi người em và đó cũng là những người được mời gọi nhận ra chính mình nơi hình, ảnh của người anh!

5. Một dụ ngôn đặt chúng ta trong tình trạng người anh.

Thật ra, dụ ngôn còn để ngỏ đó. Người anh cả có thuận theo lời khuyên dụ của cha anh không? Anh có bằng lòng vào chung vui không? Anh có ưng thuận chung bàn với người em đã trở nên "dơ" không? Hay anh vẫn giận dữ. Tường thuật của Tin Mừng không trả lời. Có lẽ mục đích của Tin Mừng là để chúng ta tự phác hoạ cách chúng ta sẽ đối xử với anh em mình.

Huguses Cousin kết luận: "Thính giả là độc giả hãy đặt mình vào vị trí của người anh: chính tôi sẽ ưng thuận lời thỉnh cầu của người cha hay không. Thuận thì không dễ đâu, có khi khổ nữa. Dụ ngôn cho thật sự đáp ứng ý cha không tự đến cách dễ dãi. kết thúc của dụ ngôn đặt chúng ta vào vị thế người anh. Phụng vụ Mùa Chay như chẳng hoan hỉ đặt chúng ta vào vị thế này mà trái lại, như muốn chúng ta thấy mình trong tâm trạng người em. Thánh Luca thì chắc chắn nhấn mạnh hơn đến thái độ người anh. Dẫu sao, qua suốt câu chuyện, chúng ta vẫn thấy nổi bật lên tình yêu là lòng cảm thương của người cha đối với từng người. Chính nhờ tình thương này mà tội nhân hối cải, là chúng ta vui vì họ trở về dù đôi khi rất khó mà vui được".

BÀI ĐỌC THÊM:

1. Cả hai người con của dụ ngôn cùng hiện hữu trong ta

Niềm vui Phục sinh đã gần. Chúng ta có ưng thuận chia sẻ niềm vui của người cha và đón nhận lời mời gọi dự lễ?

Như dân Israel vào đất Hứa, chúng ta cũng phải sống kinh nghiệm vượt qua, đó là cuộc vượt qua của sự hoà giải, cuộc vượt qua này sẽ tái tạo chúng ta trong một hiện hữu mới.

Dụ ngôn về người cha và hai người con vẫn để ngỏ! không ai xác định được câu chuyện sẽ kết thúc thế nào.

Chúng ta hãy nhập vai. Cả hai người con cùng hiện diện trong ta. Chúng ta có thể nhận ra mình trong những ảo tưởng của họ. Cả hai cùng hiểu lầm về bản chất của mối tương quan giữa họ với cha và không biết tình yêu của cha mình. Hãy theo sát những toan tính của người con khi trở về. Anh đã sống lại nhờ người cha hân hoan loan báo sự tha thứ. Nhưng chúng ta cũng là người anh, xơ cứng trong kiêu căng vì đã trung thành với cha. Anh sẽ cải mở là chọn một chỗ ngồi trong bàn tiệc tập thể vì những kẻ mời đến, những kẻ từ xa trở về. Còn đối với chúng ta, ai sẽ là "những người khác" mà cộng đoàn chúng ta phải mở rộng cửa đón tiếp?

Nhận biết anh em là điều kiện để Cha nhận biết ta. Hoà giải với anh em là cửa ngõ để hoà giải với Thiên Chúa. Đó là chân lý trong Thánh lễ tạ ơn (eucharistie) mà chúng ta cử hành.

2. Tha thứ: từ ngữ đúng nhất của đức tin Kitô giáo.

(H. Denis, trong “100 từ ngữ diễn tả đức tin”, DDB, trg 17- 18).

Trong các từ ngữ chỉ đức tin Kitô giáo, thì chắc chắn tha thứ là ưu việt hơn cả. Không phải tình cờ mà nó nằm trong kinh Lạy Cha.

Con chiên lạc, người con đi hoang, người phụ nữ ngoại tình. Dakêu trên cây sung, người bại liệt được ròng xuống từ trên mái nhà. Đức Giêsu đã gặp tất cả nhưng người này. Họ là những người tội lỗi, lầm lạc, hư mất. Nhưng, Thiên Chúa tha thứ cho họ trong Đức Giêsu mà không cần một điều kiện tiên quyết nào. Người không đòi hỏi gì. Đức Giêsu không bảo: "Làm cái này rồi tôi tha thứ cho". Không? Người tha thứ rồi mới nói: "Hãy về và đừng phạm tội nữa".

Người ta có thể chất vấn: tại sao tha thứ lại là một điều thần thiêng như vậy? Tại sao tha thứ lại đưa người ta đến gần Thiên Chúa thế?

Câu trả lời có lẽ nằm trong chính từ ngữ: tha thứ vì tha thứ là một ân huệ ở trên cao, siêu việt.

Ơn huệ thứ nhất ta được là hiện hữu của ta như một tạo vật. May mắn là chúng ta vẫn là vậy. Nhưng cách cư xử, phong tục, lỗi lầm của chúng la có thể phá huỷ ơn huệ đầu tiên này nơi ta, làm chúng ta bị "tha hoá"

Chính lúc đó ơn tha thứ đến, một loại ơn tái tạo. Chúng ta đã chết mà nay sống lại. Chúng ta không còn phải chịu đựng lẫn nhau nửa, chúng ta lại chấp nhận lẫn nhau và lại thương yêu nhau. Đó là một cuộc tái sinh, một sự Phục Sinh, một bước đi vào đời sống mới.

Như vậy thật là tốt đẹp khi chúng ta được tha thứ. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, liệu chính chúng ta có thể tha thứ được không? Tha thứ đây không phải là quên, cũng không phải là chối bỏ những xác tín của chúng ta, mà là tìm đến với kẻ xúc phạm ta. Và không cần để mất một chút gì về chân lý, hoặc về lương tri phân biệt tốt xấu, để nói với kẻ phạm lỗi: bạn là anh, là chị tôi.

Và có thể thêm một lời phi thường này: chính bạn hãy tha cho tôi, vì bạn đã không xúc phạm đến tôi nếu trước đó tôi đã không xúc phạm đến bạn.