Chúa Nhật III Mùa Chay - Năm C |
HÃY SÁM HỐI |
Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái |
I. Dẫn vào Thánh lễ Anh chị em thân mến Lời Chúa hôm nay rất khẩn thiết: "Nếu các ngươi không sám hối, các ngươi sẽ phải chết". Phụng vụ dành cho chúng ta một thời gian dài 40 ngày của Mùa Chay để chúng ta nhận thức tình trạng tội lỗi của mình mà ăn năn sám hối. Đây đúng là lúc thuận tiện, đây đúng là thời cứu độ. Chúng ta đừng phí phạm cơ hội Chúa ban, đừng làm ngơ trước lời kêu gọi của Chúa. II. Gợi ý sám hối · Chúng con thiếu sót rất nhiều trong bổn phận kính mến và thờ phượng Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con. · Chúng con lỗi phạm rất nhiều trong tương quan với tha nhân. Xin Chúa thương xót chúng con. · Chúng con còn làm nô lệ cho tiền bạc, của cải, tiện nghi. Xin Chúa thương xót chúng con. III. Lời Chúa 1. Bài đọc I (Xh 3,1-15) Tuần vừa qua, chúng ta được kể về chặng thứ nhất trong Lịch sử cứu độ: Thiên Chúa chọn Abraham để thành lập một dân mới. Tuần này chúng ta được nghe kể tiếp chặng thứ hai: Thiên Chúa chọn Ông Môsê để giải phóng dân ấy khỏi ách nô lệ Ai cập. Lúc bấy giờ Môsê đang trốn trong sa mạc vì sợ Pharao lùng bắt. Ông làm nghề chăn chiên. Một hôm đang khi Môsê chăn chiên thì Thiên Chúa hiện ra với ông. · Thiên Chúa hiện ra trong một bụi gai rực lửa nhưng bụi gai ấy không bị cháy rụi: Thiên Chúa là Đấng rất hùng mạnh, nhưng sức mạnh của Ngài không phải dể tiêu diệt mà để giải thoát. · Thiên Chúa gọi đích danh Môsê: Ngài biết rõ từng người. · Thiên Chúa nói với Môsê "Ta đã thấy rõ cảnh khổ của dân Ta... Ta xuống giải thoát chúng...": Thiên Chúa là Đấng giải thoát. · Khi Môsê hỏi Tên Thiên Chúa thì Ngài đáp bằng một câu nói bí ẩn "Ta là điều Ta là". Có nhiều lối giải thích kiểu nói này: (1) Thiên Chúa từ chối không nói tên mình, bởi vì không ai có thể hiểu được Thiên Chúa; (2) Ta là thế nào thì các ngươi sẽ hiểu khi thấy các việc Ta sẽ làm (sau này khi thấy Thiên Chúa giải thoát dân Do Thái: người ta sẽ hiểu Ngài là Đấng giải thoát); (3) Câu nói đó có thể dịch là "Ta là Đấng hằng hữu"; (4) Cũng có thể dịch là "Ta là Đấng là": ngược với các thần Ai cập chỉ là hư vô giả trả, chỉ có một mình Thiên Chúa là có thật. Điều quan trọng nhất của tường thuật này là Thiên Chúa thương dân Ngài và muốn giải thoát họ khỏi cảnh khổ. 2. Đáp ca (Tv 102) Thánh vịnh 102 triển khai ý chính của bài đọc I: ca tụng những công trình giải thoát của Thiên Chúa. 3. Tin Mừng (Lc 13,1-9) Ý chính của đoạn Tin Mừng này là kêu gọi sám hối: · cc 1-5: người Do Thái thời Chúa Giêsu quen nghĩ "ác giả ác báo". Trước hai tai nạn đột ngột làm chết nhiều người, họ kết luận ngay rằng những nạn nhân ấy là "ác giả" cho nên bị "ác báo". Chúa Giêsu khuyên đừng hồ đồ suy đoán về người khác những mỗi người hãy coi các tai nạn đó là tiếng nhắc nhở hãy xét lại lương tâm mình để lo sám hối. · cc 6-9: Qua dụ ngôn cây vả không sinh trái, Chúa Giêsu bảo mỗi người hãy tận dùng thời gian gia hạn mà Thiên Chúa đã ban cho mình để sớm lo sám hối. 4. Bài đọc II (1 Cr 10,1-6.10-12) Thánh Phaolô giải thích ý nghĩa các biến cố trong cuộc Xuất hành: · Việc vượt qua Biển Đỏ là tượng trưng cho Phép Rửa. · Tảng đá đã phun ra nước cho dân Do Thái uống tượng trưng cho Chúa Giêsu. · Kitô hữu chúng ta cũng xuất hành như dân Do Thái xưa. Nhưng đừng bắt chước họ chìu theo dục vọng xấu xa, đừng kêu ca trách móc, trái lại ngoan ngoãn hành trình theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa. IV. Gợi ý giảng * 1. Hãy ăn năn sám hối Lời Chúa hôm nay kêu gọi chúng ta hãy ăn năn sám hối. Lời kêu gọi này không chỉ nhắm đến những kẻ tội lỗi mà nhắm đến mọi người không trừ ai. Thế nhưng có người sẽ thắc mắc: người tốt cũng cần phải sám hối sao? Trong trường hợp những người được gọi là tốt, họ vẫn phải sám hối vì những việc tốt lẽ ra họ có thể làm mà lại không làm. Họ giống như cây vả trong bài Tin Mừng này. Ông chủ muốn đốn nó không phải vì nó đã sinh ra những trái xấu, mà vì nó không sinh ra những trái vả như nó phải sinh ra. Một cây vả mà không sinh trai vả thì đâu còn là cây vả nữa. Các kitô hữu ít khi tự đặt cho mình câu hỏi này: Điều gì lẽ ra tôi phải làm mà lại không làm? Tiếng gọi sám hối không chỉ kêu gọi ta thôi đừng làm điều xấu nữa, mà còn kêu gọi ta hãy "sinh trái" bằng những việc tốt. Chính vì thế mà lời kêu gọi này nhắm đến mọi người. (FM) * 2. Cơ hội thứ hai Có một câu chuyện về một cây vĩ cầm như sau: Cây vĩ cầm bị rạn nứt, người ta dán lại và đem ra bán đấu giá. Người bán đấu giá nghĩ rằng chẳng nên phí thời giờ chăm chút nó làm gì. Nhưng ông vẫn tươi cười cầm nó lên và rao bán: - Thưa quí vị ai sẽ bắt đầu trả giá đầu tiên đây? Một đồng, rồi hai đồng. Chỉ có hai đồng thôi sao? Ai sẽ trả nó ba đồng đây. Vâng, một người trả ba đồng. Không ai trả hơn sao? Bỗng từ cuối phòng, một người đàn ông tóc hoa râm bước lên cầm lấy cây đàn, ông lau sạch bụi chiếc đàn cũ kỹ, rồi lên dây lại. Sau đó, ông tấu lên một bản nhạc êm dịu, ngọt ngào, du dương như bài ca của các thiên thần. Tiếng nhạc dừng lại, người bán đấu giá chậm rãi, hỏi: - Tôi sẽ ra giá bao nhiêu cho chiếc vĩ cầm này đây? Đoạn ông vừa cầm đàn lên vừa nói: - Một ngàn đồng, và ai sẽ tăng lên hai ngàn? Hai ngàn rồi, có ai chịu tăng lên ba ngàn không? Một người chịu giá ba ngàn, còn nữa không? Đám đông hồ hởi reo vui, nhưng có vài người trong họ la lên: - Chúng tôi hoàn toàn chẳng hiểu cái gì đã làm thay đổi giá trị cây vĩ cầm đó? Lập tức có tiếng đáp lại: - Chính nhờ đôi tay người nghệ sĩ chạm vào đấy! * Đứng trước những biến cố đem lại tai hoạ và chết chóc cho con người, Chúa Giêsu không bình luận theo quan điểm của người Do Thái thời đó: Tin Mừng hôm nay kể lại việc quan tổng trấn Philalô tàn sát mấy người Galilê và việc tháp Siloê đổ xuống đè chết 18 nạn nhân. Người Do Thái cho rằng những người bị tai hoạ đó là do tội lỗi của chính họ, nên bị Thiên Chúa giáng phạt. Còn những người khác thấy vẫn bình yên vô sự, thì cho rằng mình vô tội, nên dễ tự hào về sự thánh thiện của mình. Chúa Giêsu không nghĩ thế, Người không cho rằng những người bị nạn đó tội lỗi hơn đồng hương của họ. Người muốn nhấn mạnh rằng mọi người đều là tội nhân, đều bị Thiên Chúa phán xét, đều đáng chịu án phạt của Người, nên cần phải ăn năn sám hối, để tránh hình phạt của Thiên Chúa. Tính cấp bách phải sám hối ăn năn được Chúa Giêsu nói rõ trong dụ ngôn cây vả: Thiên Chúa là người trồng cây, Chúa Giêsu là người làm vườn, và dân Ítraen là cây vả không sinh trái. Thiên Chúa đã tuyển chọn dân Ítraen làm dân riêng của Người, và ban cho nhiều đặc ân, nhưng họ lại không sinh hoa kết trái, là trung thành với lề luật, sống công chính, và phụng thờ một mình Người. Thiên Chúa đã chấp thuận đề nghị của Chúa Giêsu, là cho họ một cơ hội thứ hai, một thời gian để chăm bón thêm, với các lời giảng dạy của Chúa Giêsu và các phép lạ kèm theo. Nhưng họ vẫn cố chấp, không hoán cải để sinh hoa trái. Vì thế, họ đã bị Thiên Chúa loại bỏ: Điều đó đã được chứng thực vào năm 7O sau Công Nguyên khi đền thánh Giêrusalem bị tàn phá. Thiên Chúa cũng đã tuyển chọn chúng ta trong kế hoạch nhiệm mầu của Người và yêu thương chăm sóc chúng ta cách đặc biệt. Người chờ mong chúng ta sinh ra hoa trái tốt tươi. Nhưng nếu chúng ta chưa thực hiện được những mơ ước của Người, thì cũng như cây đàn vĩ cầm rạn nứt trong câu chuyện trên đây, Người cũng cho chúng ta một cơ hội, là đôi tay kỳ diệu của người nghệ sĩ đã chạm vào cây đàn, chính là Đức Glêsu, để chúng ta tấu lên những khúc nhạc du dương, là bài ca của những tâm hồn biết ăn năn, là hoa trái của những tấm lòng sám hối. Chúng ta hãy cảm tạ tri ân Chúa Giêsu đã cho chúng ta cơ hội thứ hai này, và tận dụng tối đa cơ may ấy để sinh nhiều hoa trái trong mùa Chay thánh. * Lạy Chúa, mỗi một biến cố đau buồn là một lời nhắc nhở chúng con hãy sẵn sàng tỉnh thức. Mỗi một ngày mới là một cơ hội Chúa khoan giãn để chúng con có thời gian sám hối ăn năn. Xin đừng để chúng con khất lần kẻo cũng bị số phận như cây vả không trái, nhưng xin cho chúng con biết dùng ơn Chúa để nên thánh thiện sống đẹp lòng Chúa mỗi ngày một hơn. Nhất là biết chuẩn bị giờ chết ngay từ bây giờ bằng việc ăn năn sám hối. Amen. (TP) * 3. Kiên nhẫn Cây vả được trồng 3 năm thì tới lúc có trái. Nếu đến khi đó mà nó vẫn chưa có trái thì hầu như sẽ chẳng bao giờ có trái nữa. Đây là trường hợp của cây vả trong bài Tin Mừng hôm nay. Bởi vậy ông chủ ra lệnh đốn bỏ nó, để khỏi chật đất, để khỏi tốn công chăm sóc, để danh chỗ trồng cây khác hữu ích hơn. Nhưng người làm vườn vẫn chưa nản lòng. Người này vẫn còn hy vọng nơi cây vả, nên xin ông chủ cho thêm thời hạn một năm nữa. Trong thời gian này ông sẽ tích cực bồi dưỡng và chăm sóc cho nó. Sau đó nếu nó vẫn không trái thì mới bị chặt đi. Dụ ngôn không cho ta biết kết quả cuối cùng thế nào. Nhưng bấy nhiêu cũng đủ nói lên điều Chúa Giêsu muốn nói: cũng như người làm vườn kiên nhẫn chờ đợi cây vả ra trái, Thiên Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi kẻ tội lỗi ăn năn sám hối. Lịch sử đầy dẫy những thí dụ về những người nhờ được người khác kiên nhẫn cho thêm cơ hội nên về sau trở thành những vĩ nhân. (1) Ngay trong bài đọc I hôm nay đã có một tấm gương: Môsê khi còn trẻ đã phạm tội giết người. Chúa không phạt ông, mà còn sử dụng tính khí nhiệt tình của ông để giải phóng dân Do Thái khỏi ách nô lệ Ai cập. (2) Einstein mãi đến hai tuổi mới bắt đầu biết nói bập bẹ. Khi Einstein đến trường, các giáo viên cũng ngã lòng vì sự chậm chạp của ông. Vậy mà Einstein đã trở thành nhà bác học được đánh giá là nổi bật nhất của thế kỷ. Có nhiều người phát triển rất chậm và muộn màng, nhưng lại là những nhân tài. Những người như thế cần có ai đó tin tưởng họ, kiên nhẫn chờ đợi họ và tạo cơ hội cho họ. Nếu không thì kho tàng tài năng của họ sẽ bị vùi dập và mai một đi. Chúng ta biết cho chính bản thân mình thêm cơ hội. Tại sao chúng ta không làm như thế đối với người khác? (FM) 4. Đất thánh Chúa phán với Môsê: "Nơi ngươi đang đứng là đất thánh". Mọi nơi trên mặt đất này mà Chúa ban cho ta đều là đất thánh và đáng được chúng ta kính trọng. Nhưng mảnh đất thánh thiện nhất nằm ngay trong chúng ta. Trước hết, thân xác chúng ta là thánh. Thân xác là thánh vì nó là công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Thánh Phaolô còn đưa ra lý do thứ hai: "Thân xác anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần". Vậy chúng ta phải tôn trọng và chăm sóc thân xác chúng ta. Tâm trí chúng ta cũng là thánh. Nhiều người hằng ngày cứ nhồi vào tâm trí mình đủ thứ điều xấu xa từ tivi, radio, sách báo v.v. Chúng ta hãy nghe lời Thánh Phaolô: "Anh em hãy đong đầy tâm trí những gì chân thật, cao quý, những gì là chính trực, tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt những gì là đức hạnh đáng khen" (Pl 4,8) Nhưng thánh nhất là tâm hồn chúng ta. Ngày nay người ta rất quan tâm đến sự sạch sẽ bên ngoài nhưng lại quên đi sự sạch sẽ bên trong, tức là sự sạch sẽ của tâm hồn. Từ tâm hồn sinh ra tư tưởng, lời nói, việc làm như dòng nước phát sinh từ mạch nước. Nếu mạch nước mà sạch thì nước chảy ra cũng sạch. Vậy chúng ta hãy giữ cho tâm hồn trong sạch và tinh tuyền. Chúa Giêsu nói "Phúc cho những ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Chúa". (FM) 5. Tản mạn suy tư a/ Trong bài đọc I kể chuyện Chúa hiện ra với Môsê, điều đáng ngạc nhiên là Chúa không hiện ra cho ông trong Đền thờ mà là trong sa mạc; và Chúa hiện ra không phải khi Môsê đang cầu nguyện mà trong lúc ông chăn cừu. Chúa hiện ra cho Môsê ở một nơi phàm trần và trong một sinh hoạt phàm trần. Ngày nay thế giới đã trở thành một nơi phàm trần. Thật khó mà giữ được một ý thức thiêng thánh trong một thế giới như thế. Tuy nhiên, nếu không có thiêng thánh và ý thức hướng thượng, thì cuộc đời sẽ nghèo nàn và thấp hèn biết bao. Trong cuộc gặp gỡ giữa Môsê với Thiên Chúa, cảm xúc lấn át nhất xem ra là sợ hãi. Nhưng thực ra không phải thế. Khi Thánh Kinh nói về sự sợ đối với Thiên Chúa thì không phải là sợ hãi mà là kính sợ. Sợ hãi là một cảm xúc tiêu cực, nó khiến ta co rúm lại và muốn chạy trốn; còn kính sợ là một cảm xúc tích cực, nó khuyến khích ta tiến đến gần đối tượng đang tác động lên mình, ta không cảm thấy bị hạ xuống, mà được nâng lên. Tín ngưỡng bắt đầu bằng cảm xúc kính sợ, kính sợ vì nhận biết sự cao cả của Thiên Chúa và giới hạn thấp hèn của con người. Kính sợ đi trước, và đức tin đến sau. Mà kính sợ thì bắt đầu bằng sự ngỡ ngàng. Môsê đã ngỡ ngàng khi thấy bụi gai cháy rực mà không rụi tàn. b/ Tuy nhiên rất dễ ngỡ ngàng trước một sự kiện bất thường như thế. Ngay cả người khùng cũng biết ngỡ ngàng trước sự bất thường. Còn người khôn thì biết ngỡ ngàng trước những sự bình thường. Đây mới là vấn đề. Chúng ta ước ao được ngỡ ngàng trước một phép lạ, nhưng chúng ta không ngỡ ngàng khi ngắm cảnh hoàng hôn. Hầu hết chúng ta cảm thấy khó mà nhận ra nét cao cả và đáng ngỡ ngàng nơi những sự việc bình thường trong cuộc sống; chúng ta không nhận ra những "phép lạ" vẫn diễn ra hằng ngày chung quanh chúng ta. Tâm tình tôn thờ bắt nguồn từ ý thức về những phép lạ như thế. Kính sợ và ngỡ ngàng có thể được khơi lên bởi những sự việc rất nhỏ bé, chẳng hạn một hạt cát, một chiếc lá hay một giọt mưa. Một đức tin cần được củng cố bằng phép lạ là một đức tin nghèo nàn. Những ai đã gắn bó với Chúa thì không cần phép lạ nữa, vì họ đã ý thức mình đang sống trong một thế giới được quyền năng Chúa bao bọc, họ nhìn đâu cũng thấy Chúa. Người nào có khả năng nuôi dưỡng đức tin của mình bằng những phép lạ đời thường thì giống như người đang ngồi nơi bàn tiệc. c/ Dù Môsê đang đứng tại một nơi phàm trần giữa hoang địa, nhưng Chúa bảo ông rằng đó là nơi thánh. Điều gì đã khiến nơi đó thành nơi thánh? Thưa chính là sự hiện diện của Chúa. Nếu thế thì nhà thờ cũng là nơi thánh, vì có Chúa hiện diện trong nhà thờ. (FM) 6. Tại sao Chúa chọn Môsê? Trích đoạn của bài đọc I không cho ta biết tại sao Chúa chọn Môsê. Nhưng trước trích đoạn này có ba đoạn khác có thể giúp chúng ta trả lời được câu hỏi này. · Một lần kia Môsê thấy một người Ai cập hà hiếp một người Do Thái, ông chịu không được nên đã ra tay can thiệp. · Một lần khác ông thấy hai người Do Thái đánh nhau, ông chịu không nổi nên cũng ra tay can thiệp. · Và một lần nữa, ông thấy những người chăn chiên xứ Mađian ngăn cản không cho các con gái của Ông Yêthro múc nước, ông không chịu nổi nên lại ra tay can thiệp. Cả ba chuyện trên đều cho thấy Môsê là người không thể khoanh tay đứng nhìn trước cảnh bất công. Bởi thế khi Thiên Chúa "thấy cảnh khổ cực của dân Ta... Ta xuống giải thoát chúng..." thì Ngài chọn Môsê. 7. Chuyện minh họa a/ Ăn năn Satan phàn nàn với Chúa: "Ngài không công bằng. Nhiều tội nhân làm điều sai trái và Ngài lại đón nhận họ. Thật ra, có người trở lại sáu bảy lần và Ngài vẫn nhận. Tôi chỉ phạm một lỗi lớn mà Ngài kết án tôi đời đời. "Chúa nói: "Đã bao giờ ngươi xin tha thứ hoặc ăn năn chưa?". b/ Cơ hội cuối cùng Sau khi đánh tan một cuộc nổi loạn, nhà vua bắt những kẻ phản loạn về. Ông ra lệnh thắp lên một cây nến, rồi nói với họ: "Ai chịu đầu hàng và thề trung thành với ta thì sẽ được tha, bằng không sẽ bị giết Các ngươi hãy suy nghĩ. Khi cây nến tắt thì cuộc hành quyết sẽ bắt đầu". Thiên Chúa cũng đối xử với tội nhân như vậy: Ngài cho họ một thời gian gia hạn. Tuy nhiên có một khác biệt quan trọng: không ai biết cây nến của đời mình còn dài hay ngắn. (Tonne). V. Lời nguyện cho mọi người Chủ tế: Anh chị em thân mến, để có thể hiệp thông với Thiên Chúa là Đấng vô cùng thánh thiện, con người cần phải thanh tẩy tâm hồn khỏi mọi vết nhơ tội lỗi. Với tâm tình sám hối và quyết tâm đổi mới đời sống, chúng ta cùng dâng lời cầu xin: 1. Hội thánh luôn mời gọi người Kitô hữu thành tâm sám hối vì những lỗi lầm đã phạm / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành phần Dân Chúa / biết tích cực sống tinh thần cầu nguyện và sám hối của Mùa Chay. 2. Trong đời sống thường ngày / vẫn còn biết bao người đói khổ vì quá nghèo túng / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những người giàu có / biết rộng rãi chia sẻ cơm áo cho những ai khó nghèo. 3. Hãy thay đổi đời sống / vì Nước Trời đã tới gần bên / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các Kitô hữu / biết nỗ lực hoán cải con tim / thay đổi tính hạnh / để ngày càng nên giống Chúa Giêsu hơn. 4. Sám hối trước tiên là lãnh nhận bí tích Hòa Giải / rồi thực hành bác ái yêu thương / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết chân thành xưng thú tội lỗi / và yêu thương hết thảy mọi người. Chủ tế: Lạy Chúa, biết bao lần chúng con đã sám hối tội lỗi và quyết tâm đổi mới đời sống cho đẹp lòng Chúa, nhưng chúng con chưa thực hiện được những gì muốn quyết tâm sửa đổi vì yếu đuối. Vậy xin Chúa ban thêm sức mạnh cho chúng con. Chúng con cầu xin VI. Trong Thánh Lễ - Trước kinh Lạy Cha: Trong tâm tình sám hối, khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta hãy đặc biệt đọc cách rất thức lời nguyện "và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con" VII. Giải tán Như người làm vườn kiên nhẫn chờ đợi cho cây vả sinh ra, Thiên Chúa cũng đang kiên nhẫn chờ đợi chúng ta sám hối và sinh ra hoa trái những việc lành. Chúng ta đừng làm cho Chúa phải thất vọng. |