Chúa Nhật II Phục Sinh - Năm C
LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
                                                Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa anh chị em,

Tin mừng thánh Gioan kể lại, sau khi Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Ngài hiện ra và chúc bình an cho các môn đệ, rồi cho các ông xem tay và cạnh sườn Ngài, các ông vui mừng vì xem thấy Chúa (Ga. 20, 20).

 Tám ngày sau, Chúa Giêsu lại hiện đến với các ông, và lần này Chúa gọi riêng Tôma và bảo: “ Tôma! Hãy xỏ ngón tay con vào lỗ đinh, hãy thọc bàn tay vào cạnh sườn Thầy, chớ cứng lòng nhưng hãy tin” (Ga. 20, 28). Hai lần thánh Gioan đều nhắc đến việc Chúa cho các ông xem tay và cạnh sườn Ngài (Ga. 20, 20).

Tại sao Chúa Giêsu không tỏ cho các ông thấy hào quang sáng chói của Đấng phục sinh, mà lại tỏ cho các ông thấy những thương tích nơi thân mình của Ngài?

Theo con nghĩ thế này, nếu Chúa hiện ra mà tỏ cho các ông thấy hào quang sáng chói, thì e rằng các ông tưởng rằng ma hay là thần linh nào đó, nhưng Chúa tỏ cho các ông thấy những thương tích nơi thân mình của Chúa, là bằng chứng sống động Ngài đã sống lại, khi nói với các môn đệ: “Chính Thầy đây, Giêsu Nazarét đây! Thầy đã bị đóng đinh trên thập giá, đã bị lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn và nay Thầy sống lại đến với các con, chứ không phải ma đâu, các con đừng sợ!” (Lc. 24, 39).

 Ngày hôm nay chúng ta tin vào Chúa Kitô phục sinh, không chỉ dựa vào ngôi mộ trống mà còn dựa vào lời chứng của các tông đồ. Lời chứng mà một nhà tư tưởng nói rằng: Những người đã dám sống, dám chết cho điều họ rao giảng, thì mới là lời chứng xác thực. Thật vậy, các tông đồ hầu hết đã làm chứng cho Đức Kitô phục sinh bằng cái chết đẫm máu của mình.

 Tiếp đến, những thương tích nơi thân mình của Chúa là bằng chứng của lòng Chúa thương xót. Đâu phải tự nhiên mà Chúa Giêsu mang thương tích trên mình, những thương tích trên mình Ngài là hậu quả tội lỗi, của sự độc ác do con người gây ra.

Đầu tiên là sự tính toán độc ác của giới lãnh đạo Do thái, đã vu khống cho Chúa những tội mà Chúa không hề có, để nộp Chúa cho Philatô xét xử.

 Tiếp đến là sự hèn nhát của quan Philatô, dẫu biết rõ ông Giêsu này vô tội mà vẫn lên án tử bất công vì ông sợ mất lòng dân chúng.

Những thương tích nơi thân mình Chúa, là sự phản bội của Giuđa, dám dùng nụ hôn là dấu chỉ của tình yêu trở thành dấu chỉ phản bội nộp Thầy mình cho kẻ thù.

Những thương tích nơi thân mình Chúa, còn là sự chối Thầy của Phêrô; sự sợ hãi của các môn đệ khác đã bỏ Thầy mà trốn đi hết.

Nhưng theo tư tưởng của thánh Phanxicô Assisi nói rằng: “Không chỉ những người Do thái năm xưa giết Chúa mà ngay cả chúng ta cũng góp phần vào việc giết Chúa, khi chúng ta cố tình phạm tội trọng”.

Ấy thế mà, mỗi lần hiện ra với các môn đệ, không thấy Chúa hạch hỏi gì cả, mà Ngài chỉ nói: “Bình an cho các con”. Chúa tha thứ hết. Chúa không hề nhắc đến lỗi lầm đã qua. Chính ở điểm này làm nổi bật lên dung mạo lòng Chúa thương xót. Vì thế mà hôm nay chúng ta mới có Thánh lễ tạ ơn lòng Chúa thương xót này.

  Anh chị em thân mến,

Trong cuốn nhật ký của thánh nữ Faustina Chúa nói thế này: “Cùng với việc tôn vinh lòng thương xót của Ta, con hãy thực hiện lòng thương xót phát xuất từ tình yêu con dành cho Ta. Con hãy làm sống động những hành vi lòng thương xót”.

Có nghĩa là Chúa muốn chúng ta khi tôn kính lòng Chúa thương xót, thì cũng phải biết chia sẻ lòng thương xót ấy cho những người chung quanh, bắt đầu từ những gì nhỏ bé nhất.

Chẳng hạn như khi đi đường gặp người bị tai nạn, chúng ta có chạnh lòng thương mà cầu nguyện cho họ không? Khi đi làm giờ lòng thương xót, chúng ta có nhớ cầu nguyện cho những người cậy nhờ chúng ta cầu nguyện. Cầu nguyện cho những người chúng ta có bổn phận cầu nguyện, hay cầu nguyện một người nào đó đang gặp khó khăn không?

Sứ điệp lễ lòng Chúa thương xót là sứ điệp của yêu thương. Lòng thương xót của Chúa không bị tội lỗi con người làm ngăn trở, nhưng lòng thương xót vẫn xuyên suốt từ đời này trải qua đời kia. Lòng thương xót của Chúa vẫn luôn luôn mời gọi: “Hãy đến với Ta, hỡi những kẻ khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi” (Mt. 11, 28).

Ước gì khi chúng ta cảm nghiệm được lòng Chúa thương xót, thì cũng phải biết sống chứng nhân lòng thương xót ấy bằng một tấm lòng bao dung tha thứ, xóa bỏ đi những thành kiến không hay về người khác. Biết đón nhận nhau trong tình yêu thương chân thành. Biết quan tâm phục vụ lẫn nhau. Được như thế Chúa sẽ chúc phúc cho chúng ta. Phúc cho những ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Amen.