Chúa Nhật I Mùa Chay  - Năm C
LUÔN ĐỀ CAO CẢNH GIÁC
SƯU TẦM

Đoạn Tin Mừng kể việc Chúa Giêsu bị cám dỗ và chiến thắng Satan. Giáo Hội cho chúng ta nghe đọc đoạn Tin Mừng này để mời gọi chúng ta nhìn ngắm hình ảnh Chúa Giêsu như kiểu mẫu và bảo đảm cho chúng ta trong cuộc chiến đấu với Satan và những cám dỗ của nó.

Chiến thuật hay phương thế ma quỉ sử dụng để lôi kéo, xúi giục, thúc đẩy người ta phạm tội là cám dỗ. Chúng không kiêng nể ai hay không buông tha ai, vì thế không ai thoát khỏi cám dỗ của chúng. Bản chất của cơn cám dỗ là sự quyến rũ. Bất cứ cơn cám dỗ nào cũng đều mang một bộ mặt quyến rũ giả tạo, một sự hứa hẹn hão huyền, và một vị ngọt ngào lừa phỉnh. Thế nhưng những tính cách giả tạo, hão huyền và lừa phỉnh đã được che đậy tài tình bởi bàn tay bậc thầy là ma quỉ và cơn cám dỗ vẫn thành công như lần đầu nó đã thành công.

Thực vậy, ma quỷ đã thành công khi cám dỗ ông bà nguyên tổ bằng trái cấm. Trái cấm bao gồm nhiều vẻ quyến rũ: cung cấp cho thị giác một hình ảnh mê hoặc, tuyệt diệu, cung cấp cho thính giác những lời bảo đảm, thoả mãn, cung cấp cho khứu giác mùi vị mời mọc, quyến rũ, cung cấp cho xúc giác sự êm dịu, thích thú, nhất là khi đã biết và có trái cấm trong tay, rồi khi đưa lên ăn, lại có thêm sự tham gia và đồng tình của vị giác. Đến lúc này thì cái bẫy sập xuống, bộ mặt thật của cơn cám dỗ lộ ra nguyên hình và con người đã mở mắt nhìn ra sự thật.

Điều đáng buồn là qua cái nhìn ấy, con người nhận ra chính mình lại là nạn nhân tự nguyện, mình đã ngã vì chính sự yếu đuối cũng như sự dại dột của mình. Ông Richard Wumbrand đã diễn tả điều này rất đúng bằng hình ảnh như sau: chúng ta như những cô gái vừa đến độ xuân thì. Người yêu cô thật lòng, muốn chia sẻ cuộc đời với cô và kẻ sở khanh lừa phỉnh, chỉ muốn qua đêm để hại đời cô, cùng dùng chung một ngôn ngữ, cùng chia chung một động từ, đó là “Anh yêu em”. Nếu chỉ để ý đến những cái hào nhoáng bên ngoài hay những lời nói ngon ngọt và không có sự tỉnh táo cần thiết để phân biệt thì chắc chắn thảm hoạ sẽ xảy đến.

Đàng khác, bên cạnh sự lừa đảo tinh vi của cơn cám dỗ và sự khôn ngoan quỉ quyệt của kẻ đứng sau cơn cám dỗ ấy, phải kể đến sự áo tưởng và vụng dại của con người. Chơi dao có ngày đứt tay; đùa với lửa có ngày gây nên hoả hoạn. Con người biết đó là những bài học và đã có biết bao nhiêu thí dụ “xương máu” để chứng minh. Thế nhưng vẫn còn không ít người sa lầy ngay trên bánh xe của người đi trước. Biết rõ đó là trái cấm, biết rõ đó là ma tuý, biết rõ đó là cơn cám dỗ, thế mà vẫn liều lĩnh mon men đến gần, hay chần chừ vì ảo tưởng: không sao đâu. Vì thế các nhà đạo đức cho rằng: tránh xa những dịp tội là tốt nhất, và nếu có phải giáp mặt thì không nên trao đổi hay thoả hiệp gì cả.

Ma quỉ biết rất rõ những gì chúng ta cần, chúng ta thích, chúng ta ham mê, nếu không tỉnh táo, chắc chắn chúng ta sẽ bị sa bẫy cám dỗ của chúng vì chính những nhu cầu và sở thích của mình. Tương tự như khi chúng ta muốn bẫy một con vật, chúng ta phải tìm hiểu xem con vật cần gì, muốn gì, thích gì, tìm gì. Sau đó chúng ta đặt thứ mồi đó vào bẫy, và con vật nào dại dột sẽ sa bẫy. Nếu chúng ta không biết con vật cần gì, thích gì thì chúng ta sẽ không thể bẫy được con vật ấy vì đã để vào bẫy những thứ không thích hợp. Chẳng hạn như khi câu cá, nếu chúng ta không biết rằng cá thích ăn giun hay trùng mà cứ để vào lưỡi câu thịt bò hay thức ăn khác thì rất ít khi câu được cá. Vì vậy, để đề phòng cám dỗ, chúng ta nên đề phòng chính những nhu cầu và ham muốn của chúng ta. Những người nào giảm thiểu nhu cầu của mình tới mức tối đa và tập luyện không ham muốn ước vọng nhu cầu gì cả thì ít khi bị cám dỗ, và nếu có bị cám dỗ thì cũng thắng được dễ dàng.

Chúng ta thấy ma quỷ đã lợi dụng ngay nhu cầu căn bản nhất của con người là ăn uống để cám dỗ Chúa Giêsu. Ngài nhịn ăn đã 40 ngày, nên nhu cầu ăn uống lúc đó thật là khẩn thiết và chính đáng. Nhưng Chúa đã làm chủ được nhu cầu thể xác và không sa chước cám dỗ. Tiếp đến, ma quỉ nhằm vào những gì mà tất cả mọi người đều ham muốn, thậm chí đam mê, đó là sự giàu sang, quyền bính, địa vị, danh vọng. Hễ đã là người thì ai cũng thích cái tôi của mình được đề cao, được tôn vinh, được triển nở, được thăng tiến. Rất nhiều người đã nhượng bộ ma quỉ để có một đời sống dễ dãi, giàu có, sang trọng, uy quyền. Nhưng Chúa Giêsu đã không để những ham muốn đó làm chủ, nên đã không sa bẫy của chúng. Rồi ma quỉ lại nhằm vào khuynh hướng thích khoe khoang, nhất là sự khoe khoang đó lại không đúng sự thật. Nhiều khi chỉ cần một câu nói thách thức hay chạm tự ái là người ta làm theo thách thức đó. Một số bạn trẻ rơi vào xì ke, ma tuý cũng chỉ vì một lời thách thức hay khiêu khích gì đó. Đối với Chúa Giêsu, Ngài đã làm chủ tính khoe khoang. Ngài không bị mắc bẫy.

Có thể nói ai trong chúng ta cũng đều có kinh nghiệm về việc cám dỗ. Chúng ta đã bị cám dỗ nhiều lần. Có lần chúng ta đã vượt qua được, và nhiều lần chúng ta đã bị vấp ngã. Đó chính là thân phận của con người yếu hèn và bất toàn. Vì vậy điều quan trọng là chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác trước những quyến rũ, hấp dẫn của cám dỗ. Không nên quá tự tin vào khả năng của mình mà không cầu nguyện cùng Chúa. Mỗi khi bị cám dỗ chúng ta càng phải cầu nguyện nhiều để xin ơn Chúa trợ giúp. Và nếu chẳng may vấp ngã, chúng ta phải năn năn sám hối ngay.