Chúa Nhật I Mùa Chay  - Năm C
THANH LUYỆN CHÍNH MÌNH
SƯU TẦM

Thánh Grêgôriô Giáo Hoàng đã viết như sau: Hết mọi ngày trong năm, lòng đạo đức của người tín hữu được diễn tả bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng không hình thức nào quan trọng cho bằng lễ Phục sinh. Bởi vì chính từ sự Phục sinh mà xuất phát tính cách thánh thiện của các lễ khác. Với tất cả nguồn ân sủng vũ trụ đã nhận được đều do bởi cây thập giá của Chúa. Lẽ cố nhiên đó, mừng ngày lễ Phục sinh và để tham dự vào các mầu nhiệm của Chúa, chúng ta chuẩn bị bằng 40 ngày ăn chay quả là một việc chính đáng. Không riêng gì các Giám mục, linh mục, các phó tế có nhiệm vụ thanh tẩy mình khỏi tội lỗi mà cả toàn thể Giáo Hội. Tất cả mọi người vì là đền thờ của Thiên Chúa phải được tráng lệ trong từng hòn đá huy hoàng, trong từng góc một. Hiểu như thế chúng ta mới ý thức được tính cách nghiêm cẩn và khổ hạnh trong suốt thời gian mùa chay mà chúng ta khai mạc từ thứ tư lễ tro.

Mùa chay là thời kỳ đi bộ, phải vất vả nhọc nhằn mà mục đích là hy sinh chịu khó thanh tẩy để tham dự vào chặng đường khổ nạn của Chúa Kitô. Những hy sinh khổ hạnh trong mùa chay được diễn tả trong hai bài đọc và trong bài Phúc âm của thánh lễ Chúa nhật I Mùa chay. Cuộc đi bộ, cuộc hành trình trong 40 ngày của mùa chay được ví như là cuộc hành trình gian lao đau khổ của dân Do thái trong những năm bị nô lệ bên Ai Cập, bị dân bản xứ hành hạ mạt sát tàn nhẫn.

Trong thời gian nô lệ, dân Do thái đã kêu gào Thiên Chúa nhìn lại số phận đau thương của họ. Quả thật, Chúa đã đến giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập và dẫn vào một xứ sở phồn thịnh, nơi đó sữa và mật ong trôi chảy dồi dào.

Quan điểm trên đây thánh Phaolô trình bày lại theo lối văn linh động của ngài bằng quan niệm đức tin, và thực ra đức tin cũng là một lời cầu khẩn lên Thiên Chúa. Chỉ Ngài mới có quyền năng cứu thoát chúng ta khỏi vòng nô lệ tội lỗi.

Quan niệm đức tin còn tiếp diễn trong bài Phúc âm của Chúa nhật I Mùa chay được thánh Luca diễn tả: Được tràn đầy Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu từ sông Giocđan trở về, sau đó Chúa Thánh Thần đưa Ngài đến hoang địa, tại đây Chúa bị cám dỗ trong vòng 40 ngày, nghĩa là Chúa bị ma quỉ quấy phá sau khi đã chịu phép rửa của thánh Gioan, tức là sau khi Chúa Giêsu đã được Chúa Cha long trọng tuyên bố: “Đây là Con Ta yêu dấu”.

Satan biết rằng, Chúa Giêsu Con Thiên Chúa có quyền năng có thể thực thi những dấu chỉ lớn lao, do đó Satan đến cám dỗ Chúa hãy hành động theo uy quyền của một vị cứu thế theo nghĩa trần gian oai phong lẫm liệt. Hai lần Satan xúi giục Chúa theo danh nghĩa: “Nếu ông là Con Thiên Chúa…” Các loại cám dỗ ỷ vào uy thế Thiên Chúa này còn theo mãi cho đến ngày Chúa chịu tử nạn. Chúa đã bị treo trên thập giá rồi mà ma quỉ còn dùng miệng dân chúng để thử thách Chúa một lần sau cùng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, là người được Thiên Chúa lựa chọn thì hãy tự cứu mình đi”.

Ma quỉ cám dỗ Chúa đi ra ngoài chương trình của Thiên Chúa Cha đã tiền định. Nó xúi giục Ngài là một vị cứu thế theo quan điểm của một người trần gian được người ta hoan hô, chứ không theo ý định của Thiên Chúa. Do đó mà Chúa Giêsu đã trả lời cho ma quỉ khi Ngài nhắc đến lời Kinh Thánh có chép rằng, hãy minh chứng cho thế giới và toàn thể nhân loại biết sở dĩ Chúa xuống trần gian là để thực thi thánh ý của Thiên Chúa Cha, và sau đó Ngài đã chiến thắng ma quỉ là Ngài đã tin vào lời của Thiên Chúa Cha.

Cơn cám dỗ của Chúa Giêsu cũng là tiêu biểu cho sự cám dỗ ngàn đời của mỗi người Kitô hữu chúng ta trên trần gian này. Ma quỉ xúi giục chúng ta chọn nếp sống tiện nghi, dễ dàng thực thi những gì theo ý muốn riêng tư của mình, chứ không phải sống theo lề luật là thực thi thánh ý của Thiên Chúa.

Trong mùa chay này, chúng ta có nhiệm vụ thanh luyện chính mình để xứng đáng được tham dự vào các mầu nhiệm của Chúa Phục sinh. Xin Chúa hướng dẫn chúng ta trong cuộc hành trình biến đổi này.