Chúa Nhật I Mùa Chay - Năm C |
TIẾN TỚI MỘT TÌNH YÊU CHÂN THẬT HƠN, TINH TUYỀN HƠN |
SƯU TẦM |
Thử thách là mối nguy cho tình yêu, nhưng cũng nhờ nó mà tình yêu mạnh hơn, vì trong cơn thử thách sự tự do của con người luôn luôn hướng đến tích cực. Thử thách giống một nốt nhạc đối vị làm nổi bật giai điệu thánh thót trầm hùng và sứ truyền cảm của bản hoà tấu. Đức Giêsu đã muốn chịu thử thách của cám dỗ. Suốt cuộc đời trần thế của Người, Chúa gặp thử thách, nó là đối vị với ý định bên trong của Người. Tất cả con người Chúa hướng tới mục đích hoàn tất ý muốn của Cha. Chúa đã muốn đối đầu với thử thách trong tư thế lãnh đạo Giáo Hội. Chúa đã chịu thử thách, tất nhiên Giáo Hội của Chúa và mỗi tín hữu thành phần Giáo Hội cũng phải qua cầu thử thách và phải phản ứng như Chúa. Giống Thày, tín hữu phải dùng thử thách làm dịp thử lửa tôi luyện một tình yêu lớn mạnh hơn, nghĩa là thực hiện một sự gia nhập vững bền hơn vào thánh ý của Cha qua trung gian Đức Kitô. Thử thách có những hình thức chính yếu nào? 1) Trước hết, là từ chối thân phận làm người với tất cả thực chất của nó. Ma quỷ cám dỗ Chúa, nài Chúa hãy dùng quyền năng thần linh của Chúa để thoả mãn một nhu cầu vật chất của Người là đói thì cần có của ăn. Biết bao phen chúng ta chẳng nghe thấy người ta nói: Thiên Chúa đáng lẽ phải làm thế này thế nọ để thiết lập sự bình đẳng, để mọi người có cơm ăn áo mặc, để khỏi lao động vất vả, v.v… Thiên Chúa trả lời rằng nhân loại được ban cho một trí tuệ, một ý chí, một thân thể để tuỳ tiện sử dụng. Thảm trạng con người là ở chỗ khác. Hoạt động làm cho người ta quên mất rằng con người không chỉ sống bằng lương thực vật chất. Đức Giêsu không muốn bỏ thân phận làm người của Chúa cho nên Chúa từ khước biến đá thành bánh ăn. Tuy nhiên Chúa nói thêm rằng con người cũng sống bởi bác ái, tình liên kết, công bằng và tình thương – và thứ bánh này do Thiên Chúa ban cho, thiếu của ăn thiêng liêng thì của ăn nuôi xác cũng sẽ thiếu, hoặc sẽ hư đi. 2) Hình thái khác của thử thách là muốn liên hiệp Thiên Chúa với những tính toán mờ ám. Ma quỷ ngỏ ý muốn giúp Chúa, với điều kiện: “Nếu Ngài sấp mình thờ lạy tôi, tôi sẽ cho Ngài quyền bá chủ thế giới”. Đây là chước cám dỗ thường xảy ra. Những luận điệu nào bàn kế cho Giáo Hội: “Nếu chịu liên minh với thế gian, Giáo Hội sẽ thu phục được thế gian?”. Giọng lưỡi nào xui chúng ta: “Nếu bạn khôn khéo điều đình thu xếp với Sự Thật, với bổn phận, v.v… bạn sẽ làm được điều này điều nọ?” –Nhưng mệnh lệnh của Đức Giêsu là: “Ngươi sẽ chỉ tuân phục Thiên Chúa mà thôi” 3) Một xu hướng nữa là muốn thay thế những phương tiện của Thiên Chúa bằng những phương tiện khác thường. Chủ trương cứu độ của Đức Kitô, tức là Tin Mừng về một thế giới tốt hơn, lan truyền bằng nhưng phương tiện người ta mệnh danh là “nghèo nàn”, trong đó có nhục nhã, đau khổ và chết. Con người nhất là con người có nhiều kiến thức, luôn luôn có khuynh hướng lựa chọn những phương tiện có nhiều uy thế. Chẳng hạn, uy thế của một triết lý nào đó mà trùm lấp Phúc Âm thì kéo theo một rủi ro lớn, có thể thay đổi ý nghĩa và tinh thần Phúc Âm, cho dẫu những người chất phác thán phục hết sức trước “thắng lợi” của nó. Một mệnh lệnh khác của Chúa Giêsu là: “Ngươi chớ cám dỗ Thiên Chúa là Chúa ngươi”, nghĩa là chớ lợi dụng quyền năng Thiên Chúa vào những việc gì ở ngoài công cuộc của Người. |