Chúa Nhật I Mùa Chay - Năm C |
CÁM DỖ TRONG SA MẠC |
Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt |
1. Phần dẫn nhập của trình thuật này (cc.1-2) có vẻ chi tiết hơn Mt. Lc thêm hai chỉ dẫn quan trọng: Chúa Giêsu “tràn đầy Thánh Thần” (x.Cv 6,5; 7,55; 11,24 - với động từ “tràn đầy":Lc 1,15.41.67; Cv 2,4; 4,8; 31,9; 17,13,9.52) và Chúa Giêsu “bỏ bờ sông Giodan”. Hai chi tiết này chứng tỏ ý hướng muốn nối kết chặt chẽ cám dỗ với cuộc thần hiện sau phép rửa. Lc muốn cho ta hiểu rằng gia phả Chúa Giêsu chỉ là một “cái ngoặc đơn” mà thôi. Bắt đầu kế tiếp (4,14), Lc lần nữa nhắc lại việc Chúa Giêsu vừa lãnh nhận Chúa Thánh Thần: việc Ngài giảng dạy cũng được nối kết với cuộc thần hiện ở sông Giodan. Chính trong địa vị làm Con Thiên Chúa tràn đầy Thánh Thần mà Chúa Giêsu bắt đầu sứ mạng rao giảng của Ngài. Lc không nói như Mc và Mt là Chúa Giêsu được Thánh Thần dẫn “vào sa mạc": Chúa Giêsu băng qua sa mạc dưới sự thúc đẩy mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần là Đấng hình như không cho phép Ngài dừng bước. Lời xác định “trong suốt 40 ngày” ăn khớp với động từ êgeto (được dẫn đưa): dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu đã đi suốt 40 ngày trong sa mạc. Người ta có thể thấy ở đây ảnh hưởng của câu Đệ Nhị Luật 8,2 mà Lc đã theo sát trong bản dịch 70 (câu này nằm ngay trước Đnl 8,3 mà Chúa Giêsu mượn làm câu trả lời đầu tiên): “Hãy nhớ con đường mà Thiên Chúa ngươi đã dẫn ngươi đi (êgagen se)(bản Talmud: suốt 40 năm) trong sa mạc để hạ ngươi xuống và để thử thách ngươi khi đọc Mt, người ta có cảm tưởng cơn cám dỗ xảy đến cho Chúa Giêsu sau 40 ngày, còn Lc lại theo Mc, trình bày cơn cám dỗ kéo dài suốt cả thời gian trong sa mạc. Ba chước cám dỗ do ma quỉ do Lc kể lại hình như chỉ là những hình thức tiêu biểu nhất, đặc biệt nhất của các chước cám dỗ đủ loại Chúa Giêsu phải chịu đựng suốt 40 ngày: chúng đánh dấu cao điểm tấn công của ma quỉ. 2. Về cám dỗ thứ nhất, có một hiệu đính quan trọng, được xem là của Lc, là việc thay đổi “những viên đá này, những chiếc bánh từ số nhiều sang số ít. Do mối ưu tư tả thực, Lc đã chọn kiểu nói số ít, có vẻ tự nhiên hơn. Làm như vậy, ông khiến ta bớt nghĩ đến Manna là ý tưởng tiềm ẩn nơi trình thuật của Mt: ông này, để gợi lại hình ảnh Manna che phủ mặt đất trong sa mạc, đã tự nhiên nói đến nhiều viên đá biến được thành bánh; còn hình như Lc không muốn nhấn mạnh đến ảnh Giêsu - Israel. Viết cho những người không phải là Do thái, ông dẹp bớt những gì làm họ ngỡ ngàng. Sau lời đề nghị “hãy truyền cho những hòn đá này biến thành bánh có thể dễ dàng xác định thêm “để ông có thể ăn”. Một xác tín kiểu đó, nếu lôi kéo chú ý đến sự thoả mãn riêng tư của Chúa Giêsu, thì cũng để cho người ta liên tưởng tới cám dỗ Evà (St 3,6) và tới những cám dỗ Kitô hữu năng gặp. Nhung Lc, mặc dầu vừa nhắc đến Adam vài câu trước đó (3,38) và là người thường ưa quảng diễn dài dòng, đã không muốn gợi những liên tưởng đó. Vì thật ra, việc thoả mãn cơn đói chỉ là chuyện thứ yếu; điều tác giả muốn nhắm ở đây là chính quyền lực lạ lùng của Đấng vừa mới được tuyên bố là Con Thiên Chúa khi Ngài chịu phép rửa. Chính trong ý nghĩa này mà ta phải hiểu lời ngoắt ngoéo thâm hiểm của ma quỉ: “Nếu ông là Con Thiên Chúa”. Cũng như trong trình thuật Mt, ở đây chắc chắn ma quỉ không chút nghi ngờ gì. Sau khi đã chứng kiến tất cả những dấu chỉ lạ lùng xung quanh ngày Giáng sinh và ngày thơ ấu của Chúa Giêsu, sau khi đã thấy rõ Ngài không thể phạm tội cho đến lúc bấy giờ, và có lẽ cũng đã thấy được biến cố thần hiện ở sông Giodan (nếu biến cố này được biểu lộ ra bên ngoài) thì chắc chắn ma quỉ phải biết rõ ràng con người đang đứng trước mặt nó là Đấng Thiên sai của Israel, là Con Thiên Chúa. Vì thế chữ “nếu” của câu “nếu ông là Con Thiên Chúa” không phải là một từ ngữ nói đến điều kiện (như trong câu: “Nếu ngày mai trời tốt, tôi sẽ đi chơi) nhung là chữ “nếu” diễn tả lý do. Lời cám dỗ của ma quỉ có thể viết ra như thế này: vì ông là Đấng Thiên sai, hãy dùng quyền lực Thiên sai của ông để làm những điều lạ lùng có lợi cho ông. Thứ tự các cám dỗ thứ hai và thứ ba nơi Mt bị Lc đảo ngược. Để biết thứ tự nguyên thuỷ, phải nghiên cứu các câu trả lời của Chúa Giêsu. những câu trả lời ấy được rút ra từ sách Đệ Nhị luật, nhưng Mt đã đảo ngược thứ tự trình bày, nghĩa là Đnl 8,3 rồi đến 6,16; 6,13. Song cũng chính Đnl đã đảo lộn thứ tự lịch sử của các biến cố thời Xuất hành: Đnl 8,3 lấy lại Xac 16 (phép lạ Manna); Đnl 6,16 thì nhắc lại Xac 17,1-7 (phép lạ nước uống); cuối cùng Đnl 6,13 tương ứng với Xac 23,32-34 (nhất là giai thoại con bò vàng). Khi đảo lộn thứ tự của Đnl, Mt lập lại thứ tự lịch sử những cám dỗ của Israel thời Xuất hành. Sự song đối giữa những cám dỗ của Chúa Giêsu và của Israel thời xuất hành. Sự song đối giữa những cám dỗ của Chúa Giêsu và của Israel phải được coi là hình thức nguyên thuỷ của trình thuật. Vậy là Lc đã thay đổi cách phối trí, lý do trước hết là để trình thuật được kết thúc ở Girusalem, như tất cả phúc âm của ông. 3. Cám dỗ thứ hai (cc.5-8) là đoạn mà Lc đã thay đổi nhiều nhất. Ông không muốn nhắc đến “một ngọn núi cao” (Mt) vì đối với Lc, ngọn núi là nơi tuyệt đối dành riêng cho việc thông giao với Thiên Chúa nhờ cầu nguyện và thần hiện, chứ không phải là nơi để cám dỗ hoặc ngay cả giảng dạy (bài giảng trên núi được ông trình bày như là đã xảy ra trên một khoảng đất bằng phẳng so sánh Lc 6,17 và Mt 5,1). Vậy, thay vì nói đến một đoạn núi cao từ đó người ta có thể thấy toàn trái đất “trong nháy mắt”. Lc biết rõ rằng không có một ngọn núi nào mà từ đó có thể thấy được cả toàn cầu, song vì muốn có vẻ thực, ông đã thay thế một chỉ dẫn địa dư mơ hồ bằng một ý niệm thời gian, để cho thấy đây là một thị kiến hoàn toàn ảo ảnh, một thị kiến rất nhanh (không đầy nháy mắt), có tính cách siêu nhiên. Điểm thêm vào quan trọng nhất phải kể là nơi lời giải thích của câu 6. Nơi Mt, đó chỉ là một vấn đề sở hữu: “Hết mọi cái đó, tôi hiến cho ông” (Mt 4,9). Còn Lc trước tiên chú ý đến quyền lực, quyền bính, esousia (là ý tưởng ông quen dùng: 12,11; 20,20; 22,53; 23,7; Cv 20,18): ma quỉ hứa ban một quyền lực chính trị trên mọi dân nước. Do thái giáo thời gần đó (Is 24,21-23; 27,1) và nhất là trong văn chương khải huyền (Đnl 7,2) đã xác tín rằng các quyền lực ma quỉ, thù nghịch với Thiên Chúa, đang điều khiển các vương quốc trần gian, để ngược đãi dân Tc chọn. Các vương quốc này thờ ngẫu tượng và áp bức Israel, vì dân tin Tc thật. Người ta thấy ma quỉ ẩn núp dưới các bụt thần. Các nước thế gian bày tỏ lòng trung thành với ma quỉ qua việc thờ ngẫu tượng. Tư tưởng này cũng được các tác giả Thiên Chúa chia sẻ (Kh 13,2). Thánh Gioan gọi ma quỉ bằng một tên đầy ý nghĩa: “Đầu mục thế gian” (Ga 12, 31; 14,30; 16,11). Phaolô còn gán cho nó tước hiệu lạ lùng: “thần đời này” (2Co 4,4). Cũng như Lc và Ga, Phaolô nhìn thấy trong hành động của những người đóng đinh Chúa Giêsu (1Co 2,8) sự xúi giục của “đầu mục của đời tạm này”. Thế gian, nghĩa là thời đại này, âiôn houtos, là lãnh địa của ma quỉ, nên dĩ nhiên quyền lực thế gian tuỳ thuộc nó. Nhưng phải nhận rằng quyền ấy “đã được trao cho” nó: thể thụ động diễn tả hành động hay sự cho phép của Thiên Chúa, chủ thể tối cao (so sánh Ga 19,10); đến thời sau hết, Ngài sẽ tiêu diệt các quyền lực, dân nước đã nổi lên chống lại ngài. Tạm thời, ma quỉ sử dụng quyền lực chính trị đó, và cám dỗ nói ở đây là một cám dỗ về quyền lực, dân nước đã nổi lên chống lại Ngài. Tạm thời, ma quỉ sử dụng quyền lực chính trị đó, và cám dỗ nói ở đây là một cám dỗ về quyền lực chính trị. Nhưng khác với Mt 4,9, lời hứa của câu 7 không nhằm sự chiếm hữu các vương quốc, nhưng là sự thừa hưởng một uy quyền (exousia) tuyệt đối trên tất cả các vương quốc ấy. 4. Về cám dỗ thứ ba (cc. 9-12), Lc thêm hai xác định trong lời của ma quỉ để đi sát với câu trích dẫn Tv 91 hơn. Cũng như trong cám dỗ trước, Lc rõ ràng chú trọng đến ma quỉ và những lời của nó hơn. Trái lại ông làm yếu câu trả lời của Chúa Giêsu bằng cách mở đề: “Đã có nói rằng” thay vì như Mt: “Lại có viết là”, kiểu đối đáp ăn miếng trả miếng với lập luận của ma quỉ. 5. Phần kết luận (c.13) chứa đựng nhiều âm điệu đặc biệt của Lc, làm cho đoạn văn này mang một chiều hướng thần học thật độc đáo. Phần đầu của câu kết luận ("sau khi dùng hết mọi hình thức cám dỗ") nói đến cám dỗ, peirasmos (ở số ít). Trong Lc, peirasmos luôn ám chỉ cám dỗ theo nghĩa luân lý: 8,13; 11,4; 22,40; 22,46. Cũng tiếng ấy ở số nhiều, peirasmoi lại ám chỉ những thử thách với nghĩa tổng quát hơn nghĩa thuần luân lý: 22,28; Cv 20,19. Lc sẽ còn nói đến những “thử thách” (peirasmoi nơi 22,28) của Chúa Giêsu, nhưng không nhắc đến chữ “cám dỗ” (peirasmos) khi bàn về các môn đệ nữa; đặc biệt ông không ghi lại sự can thiệp bậy bạ của Phêrô tại Késaree của Philip (Mc 8,32-33; Mt 16,22-23) nơi Pharô bị gọi là quỉ cám dỗ Chúa Giêsu. Vậy dưới cái nhìn của Lc, việc Chúa Giêsu chiến thắng ma quỉ trong sa mạc có tính cách quyết định. Thực sự ma quỉ đã “dùng hết mọi phương chước cám dỗ”, và khi nó tái xuất giang hồ, thì không còn là để “cám dỗ” Chúa Giêsu nữa, song là tìm cách giết Ngài. Những nhận xét này cho thấy ý nghĩa của câu 13; trong tư tưởng của Lc, các chước cám dỗ Chúa Giêsu chịu thực sự đã xong rồi, sẽ không còn cám dỗ nào khác. Những thử thách Ngài gặp sau đó không còn đặt lại vấn đề lòng trung tín của Ngài đối với Thiên Chúa và với sứ mạng Ngài đã được Chúa Cha trao phó. Phần thứ hai của câu kết luận xác quyết cách giải thích này. Lc đã viết: “Ma quỉ bỏ Ngài một thời gian” (Achri cairou) (Bj: au temps marqué, Nguyễn thế Thuấn: đợi dịp). Thành ngữ này chỉ gặp lại một lần trong nơi khác của Tân Ước, Cv 13,11: Elymas, vì muốn gây trở ngại cho Phaolô, đã bị mù không thấy ánh sáng mặt trời “một thời gian”. Như thế, khi loan báo ngày trở lại bất ngờ của ma quỉ, Lc đã minh nhiên trình bày nó như một vai trong cuộc khổ nạn. Thật thế, câu chuyện khổ nạn bắt đầu bằng sự phản bội của Giuda, nhưng ngay từ đầu đoạn văn này, ở 22,3, Lc ghi chú một câu đầy ý nghĩa: “Satan đã nhập vào Giuda”. Đó là việc tái xuất hiện của tên cám dỗ, mở màn cho một thử thách cam go nhất. Và ta cũng thấy, khi đứng trước những địch thủ tới bắt mình, Chúa Giêsu đã nói: “Này là giờ các ông, là thời của quyền lực (exousia) tối tăm (22,53). 6. Việc thay đổi thứ tự cám dỗ 2 và 3 có ý nghĩa nào? Câu trả lời thứ nhất hệ tại chỗ nhấn mạnh sự quan tâm về địa lý của Lc. Lc muốn kết thúc trình thuật những cám dỗ tại Giêrusalem, vì trước tiên đối với ông, Giêrusalem là một địa điểm có tính cách thần học (Conzelmann). Lời giải thích này đúng nhưng chưa đủ. Đối với Lc, Giêrusalem tự bản chất là nơi mà các lời loan báo về cuộc khổ nạn và vinh quang của Đấng Cứu thế phải được hoàn tất. Thực vậy sau cuộc cám dỗ, đoạn văn đầu tiên nói đến Giêrusalem trong tương quan với Chúa Giêsu nằm trong giai thoại biến hình; suốt cuộc biến hình này Môisen và Elia đã đàm đạo với Chúa Giêsu về việc “ra đi (oxodos) Ngài sắp hoàn tất tại Giêrusalem” (9,31). “Việc ra đi” đó ám chỉ toàn thể mầu nhiệm vượt qua: tử nạn và phục sinh. Từ giai thoại biến hình này trở đi, Lc tăng thêm những lần nhắc đến Giêrusalem như là nơi mà Chúa Giêsu sẽ lên, nơi mà Ngài sắp hoàn thành sứ mệnh. Người ta thấy cũng một ý tưởng ấy trong hai giai thoại của Phúc âm thời thơ ấu Chúa Giêsu: giai thoại “dâng con trẻ trong đền thờ” với lời tiên tri đầu tiên của Simeon loan báo cuộc tử nạn (2,34-35) và giai thoại “lạc mất, tìm lại con trẻ sau ba ngày” với một lời nói bí nhiệm chỉ hiểu được về sau (2, 41-50); đây là giai thoại tiên trưng cuộc vượt qua cuối cùng của Chúa Giêsu khi Ngài “trở về nhà Cha” và chỉ được các tông đồ tìm gặp lại sau ba ngày. Văn mạch này cho phép ta phỏng đoán lý do tại sao Lc đã muốn trình thuật các cám dỗ đạt tới cao điểm ở Giêrusalem. Thưa vì không có gì thích hợp cho bằng việc chọn thành ấy làm nơi chấm dứt cám dỗ, nơi ma quỉ từ biệt Chúa Giêsu, nơi y sẽ tái xuất không phải để “cám dỗ” Ngài nữa mà là để gây ra cuộc thử thách cuối cùng. Đó cũng là điều giải thích tại sao Lc đã lưu tâm đến ma quỉ trong tất cả trình thuật này: ông lợi dụng trình thuật để trình bày tên đối thủ, đã một lần thất trận trong sa mạc, tưởng mình sẽ chiến thắng tại Giêrusalem trong ngày thứ sáu tuần thánh. KẾT LUẬN Trong trình thuật những cám dỗ, Lc nhấn mạnh đến hai điểm: khuôn mặt của ma quỉ và tương quan của biến cố này với biến cố tử nạn. Trong lúc các câu trả lời của Chúa Giêsu ngắn hơn hoặc ít quan trọng hơn so với nơi Mt, thì ở Lc, những lời cám dỗ của tên ma quỉ có vẻ thực hơn (cám dỗ 1) dài dòng hơn (cám dỗ 2) và ăn khớp với lời trích dẫn Thánh kinh hơn (cám dỗ 3). Cuối cùng đoạn kết luận của trình thuật còn nói đến ma quỉ chứ không phải Chúa Giêsu (khác với Mt). Lc nối kết các cám dỗ với cuộc khổ nạn và với Giêrusalem, nơi hoàn thành những lời tiên tri loan báo về đau khổ và vinh quang của Đấng Cứu thế. Cuộc khổ nạn và thành Giêrusalem đã được nhắc đến trong Tin mừng thời thơ ấu (2,34-35. 41-45). Rồi tiếp đến, phần đặc biệt nhất của phúc âm thứ ba lại trình bày việc Chúa Giêsu lên Giêrusalem (9,51-18,9). Khi lặp đi lặp lại Chúa Giêsu lên Gierusalem (9,51; 9,53; 13,22-33; 17,11; 18,31; 19,11-28), Lc nhấn mạnh Giêrusalem sẽ là nơi xảy ra “cuộc ra đi” ()9,31 và cuộc “siêu thăng” của Ngài (9,51). Vì vậy người ta có thể nói rằng: trong lúc các trình thuật của Mt chỉ nhìn về quá khứ của dân Israel để minh chứng sự thể hiện chương trình của Thiên Chúa, thì các trình thuật của Lc hình như lại qui hướng hơn về những biến cố chính yếu làm thành nền tảng thực sự của nhiệm cục mới: tử nạn, phục sinh, hiện xuống. Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG 1. Chính nhờ Thánh Thần hướng dẫn mà Chúa Giêsu vào sa mạc để chịu cám dỗ. Qua việc đó ta thấy rằng bị cám dỗ không phải là một điều xấu. Chính Chúa Giêsu cũng đã biết qua cơn cám dỗ. Điều xấu là ngã gục trước cám dỗ ấy. Chống lại cám dỗ một cách anh dũng như Chúa Giêsu trong sa mạc chính là cho mình có dịp biểu lộ tình con thảo hiếu với Chúa Cha. Dĩ nhiên chúng ta không được liều mình đứng trước cám dỗ (điều ấy chỉ mình Chúa Giêsu mới có thể làm được vì Ngài là Con Thiên Chúa và sự đối đầu với ma quỉ ngay từ đầu sứ mệnh Cứu thế là một phần trong chương trình của Thiên Chúa). Liều mình đứng trước cám dỗ khi không cần thiết là điều làm Chúa Giêsu - đã không muốn làm khi ma quỉ xúi Ngài gieo mình từ nóc đền thờ xuống. Vì như vậy là thách thức Thiên Chúa. Nhưng khi hoàn toàn ngoài ý muốn mà chúng ta bị đặt trong những hoàn cảnh phải chịu cám dỗ thì không có gì phải hoảng hốt. Hãy nhớ rằng với tư cách là môn đệ của Đấng đã bị cám dỗ trong sa mạc, chúng ta đương nhiên phải trải qua cám dỗ, lúc ấy hãy làm như Chúa Giêsu: lợi dụng những phương thế siêu nhiên có sẵn: tăng sức mạnh lời Chúa, năng cầu nguyện (như Chúa Giêsu trong vườn cây dầu) nuôi dưỡng mình bằng thịt và máu của Đấng đã từng chiến thắng Satan. 2. Sứ vụ của Chúa Giêsu khai mào bằng việc chiến thắng ma quỉ: Ngài vượt lên trên nó. Thời cứu độ Chúa Giêsu khai mở là thời đánh dấu khởi đầu ngày tàn của ma quỉ: “Ta đã thấy satan từ trời rơi xuống như một tia chớp” (Lc 10,18). Ở đâu mà Chúa Giêsu ra tay hành động, ở đó ma quỉ bị bó buộc phải nhường bước, rút lui. Bây giờ cũng vậy, khi cơn cám dỗ đến độ mạnh chúng ta có cảm tưởng rằng ma quỉ thật toàn năng; tốt nhất hãy nhớ lại rằng nó chỉ là một kẻ chiến bại, một tù binh được tự do tạm thời chờ ngày tận thế, một viên tướng đã thất trận ngay từ đầu. 3. Xưa cũng như nay, các cám dỗ của ma quỉ đều giống nhau: chúng luôn luôn nhắm tách rời chúng ta khỏi Thiên Chúa bằng ý chí quyền lực, bằng thái độ từ chối tin tưởng vào sự quan phòng của Cha trên trời, bằng khuynh hướng lợi dụng sự che chở và lòng tha thứ của Ngài. Những phương thế chiến thắng các cám dỗ này cũng luôn giống nhau, đó là những phương thế chính Chúa Giêsu đã dùng: khiêm nhượng tuân phục thánh ý Chúa Cha, chấp nhận với tình yêu số phận của Chúa Cha dọn sẵn cho ta (số phận không phải là không có thánh giá, nhưng chắc chắn sẽ đưa chúng ta đến vinh quang sau cùng) từ chối khiêu khích Thiên Chúa can thiệp cách đặc biệt có lợi cho ta. 4. Ma quỉ luôn hứa ban quyền thống trị thế giới cho Kitô hữu hôm nay cũng như mọi thời, nhưng với điều kiện là tôn thờ và phục tùng nó. Một cách cụ thể, nó ban cho những phương tiện làm giàu mau chóng bằng cách lấy của người lân cận, những phương thế chiếm đoạt các chức vị lợi lộc bằng âm mưu loại trừ người xứng đáng hơn, những dịp hưởng lạc thú bằng cách bất trung trong đời sống lứa đôi... Ma quỉ không bao giờ cho đi mà không đòi lại gấp trăm, trái lại với Thiên Chúa là Đấng ân thưởng gấp trăm cho ai bố thí một ly nước lã vì danh Ngài. Xét cho cùng, đời sống Kitô hữu là một chọn lựa giữa Thiên Chúa và ma quỉ, giữa việc thờ phượng ma quỉ với Chúa Cha. Không ai có thể làm tôi hai chủ (Mt 6,24). Thờ phượng ma quỉ thì có thể được lợi trong chốc lát, nhưng sớm muộn gì cũng đưa tới thất vọng, cay đắng, cái chết đời đời. Thờ phượng Thiên Chúa thì phải từ bỏ chính mình, nhưng rồi cũng sẽ được bình an, thoả mãn nội tâm và được sống vĩnh cửu. |