Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần - Năm C |
CHÚA HIỆN ĐẾN |
Chú giải mục vụ của Alain Marchabour |
Cảnh tượng diễn ra có chiều ngày hôm ấy. Các tiểu đoạn trước xem chừng không thay đổi cách hành xử của các môn đệ (ta có thể nghĩ rằng các môn đệ ở đây ám chỉ nhóm Mười Một, dù rằng Lc 24,33 thêm “các bạn hữu” vào nhóm Mười Một này). Các ông sống trong lo âu sợ hãi và trốn tránh. Chính trong nơi cửa đóng then cài này mà Chúa Giêsu ngự đến. Sự hiện diện của Người không còn lệ thuộc vào luật lệ thể xác và những điều bó buộc tự nhiên như những sự bó buộc của con người với thể xác mình. Không thấy nói Chúa đi xuyên qua tường: đơn giản Người có thể hiện diện cách khác hơn loài người. Chúa đến, như thuở sinh thời, là nguồn bình an. Người nói “Chúc anh em được bình an”, điều này không chỉ là một lời chúc xã giao, mà còn có nghĩa là món quà hữu hiệu của ơn cứu độ, của niềm vui và của sự bình an. Các dấu vết đóng đinh trên tay và cạnh sườn của Chúa Giêsu chứng tỏ rằng, bất chấp các tình huống kỳ lạ về sự xuất hiện của Chúa Giêsu, thánh sử không muốn rằng độc giả xem Chúa như một bóng ma, nghĩa là ai đó khác với Đấng chịu đóng đinh. Hẳn thật sự hiện diện thể lý bình thường của Chúa Giêsu đã chấm dứt, tuy nhiên con người đang đứng ở giữa họ là Chúa Giêsu, nghĩa là cũng một con người như Đấng họ đã biết và y trong, nhưng mà từ nay sự Phục Sinh đã làm biến đổi. Sự lo âu sợ hãi tiêu tan, các môn đệ hân hoan vui mừng. SỨ VỤ (20,21-23) Những lần hiện ra tự nó không nhằm mục đích riêng. Chúng mở màn cho một sứ vụ. “Như”: đây không chỉ là một sự so sánh, đây là căn nguyên và nền móng. Các môn đệ được sai đi (theo từng chữ “làm Tông đồ”) để kéo dài hoạt động của Chúa Giêsu. Đây là lần đầu tiên trong Tin Mừng của mình, Gioan gán tước hiệu Tông đồ cho nhóm Mười Một. Chủ đề sai đi này đã được trình bày sâu rộng trong diễn từ tư tế (17,17-19). Như Thiên Chúa đã thổi sinh khí trên Ađam (St 2,7), như Thần Khí đã ngự xuống trên Chúa Giêsu (1,33-34), Chúa Giêsu mà Thiên Chúa đã tôn làm Chúa, thổi (cũng động từ Hy Lạp ở đây như trong St 2,7) quyền năng của Thần Khí trên các môn đệ (x. 14,26). Người là Đấng đến để có kinh nghiệm về cái chết, tự tỏ mình ở đây như là Chúa Tể sự sống. Còn các môn đệ, cho đến lúc ấy còn sợ hãi, bây giờ mặc lấy sức mạnh của Thiên Chúa. Như Thiên Chúa, rồi Đấng được sai đến là Chúa Giêsu, họ có thể tha tội, nghĩa là thanh tẩy tội lỗi trong quyền năng cái chết cảu Chúa Giêsu. Thần Khí kết buộc họ với Thiên Chúa chặt chẽ đến nỗi, khi họ được tha cho ai hoặc cầm giữ tội của ai, thì chính Thiên Chúa qua họ mà tha cũng như cầm giữ tội lỗi. Chúng ta có ở đây một dạng văn phạm gọi là “thì thụ động thần linh” nhằm tránh tên gọi Thiên Chúa qua thì thụ động. Ta có thể dịch như thế này: “Bất cứ người nào anh em tha… Thiên Chúa sẽ tha tội cho họ… Bất cứ người nào… Thiên Chúa sẽ cầm giữ tội họ”. Chúa đến lần này, cũng như lần tiếp theo, đều diễn ra vào “ngày của Chúa’, nghĩa là vào lúc các Kitô hữu tiên khởi hội họp cử hành phụng vụ, thời điểm đặc biệt để Thiên Chúa hiện diện với cộng đoàn của Người và mỗi khi họ tập hợp để bẻ bánh cũng là mỗi lần hiện thực hóa một lần nữa việc sai họ đi khắp thế gian. |