Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi - Năm C |
MẦU NHIỆM CAO CẢ |
Lm, Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC |
Thưa anh chị em, Hôm nay, Hội Thánh trên khắp hoàn cầu mừng trọng thể lễ Chúa Ba Ngôi. Đây là một mầu nhiệm lớn nhất, cao cả nhất và khó hiểu nhất trong đạo Công Giáo chúng ta. Làm sao chúng ta hiểu biết được mầu nhiệm cao cả này, nếu Chúa Giêsu không mạc khải cho chúng ta biết. Vậy Chúa Giêsu mạc khải mầu nhiệm này như thế nào? Thưa, Chúa Giêsu không đọc một bài diễn văn dài dòng văn tự, chứa đựng những giáo lý thần học cao siêu hay một bài giảng thuyết suông như chúng ta vẫn thường nghe thấy nơi các bài diễn văn của một ai đó. Nhưng trong ba năm rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu dần dần mạc khải cho chúng ta biết có một Thiên Chúa duy nhất trong ba Ngôi Vị là Cha, Con và Thánh Thần. Một Thiên Chúa duy nhất nhưng không đơn độc. “Ta và Cha là một” (Ga 10, 30); “Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta” (Ga 10, 38). Tình yêu khăng khít giữa Cha và Con và Thánh Thần. Trong niềm hạnh phúc sung mãn, Ba Ngôi đã dựng nên con người giống hình ảnh Chúa và đưa con người đi vào hiệp thông với Ngài. “Đến với Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần”, đó là hành trình thiêng liêng của người Kitô hữu. Chúng ta cần ý thức về sự hiện diện Ba Ngôi Thiên Chúa ở trong cuộc đời mình. “Ai yêu mến Thầy thì vâng giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy” (Ga 14,23). Chúng ta có tương quan với từng Ngôi một. Chúa Cha, là tình yêu sáng tạo, dựng nên muôn loài muôn vật. Chúa Con, là tình yêu cứu chuộc nhân loại bằng hy sinh mạng sống. Chúa Thánh Thần, là tình yêu thánh hoá con người qua các chặng đường Bí tích. Chúng ta biệt qui cho dễ hiểu, nhưng thật ra, Ba Ngôi liên kết với nhau trong một tình yêu. Nghĩa là: đồng sáng tạo, đồng cứu chuộc và đồng thánh hoá. Anh chị em thân mến, Khi sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, đừng bao giờ cảm thấy mình bị bỏ rơi, cho dẫu nhiều lúc chúng ta cầu xin Chúa ơn này ơn nọ thật chính đáng, và dường như cảm thấy Chúa im lặng không ban ơn. Thật ra, không bao giờ Chúa ở xa, không bao giờ Chúa bỏ và không bao giờ Chúa quên chúng ta. Vì Chúa đã hứa: “Hãy xin thì sẽ được”; Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Cuộc đời Kitô hữu chúng ta gắn liền với Chúa Ba Ngôi, và tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi bằng dấu Thánh giá. Từ khi lãnh Bí tích Rửa tội, chúng ta được ghi dấu Thánh giá trên mình, lúc đó có Chúa Ba Ngôi ngự trong linh hồn ta. Rồi trong đời sống đức tin, nhất là làm những việc đạo đức, từ khởi sự cho đến hoàn thành, chúng ta đều làm dấu Thánh giá. Và ngay cả khi chúng ta nhắm mắt lìa đời nằm dưới nắm mồ, cũng được khắc ghi Thánh giá trên ngôi mộ. Vậy hôm nay, mừng kính mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, chúng ta nên ý thức hơn mỗi khi làm dấu Thánh giá, mỗi khi đọc kinh Sáng danh và mỗi khi đọc kinh Tin kính, là chúng ta làm với tất cả tấm lòng tôn kính và hãnh hiện tuyên xưng niềm tin của mình trong Chúa Ba Ngôi. Amen. |