Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi - Năm C
MẦU NHIỆM HIỆP THÔNG VÀ CHIA SẺ
LM ĐAN VINH-HHTM

   I.HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Ga 16,12-15

(12) “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. (13) Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến”. (14) Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. (15) Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”.

2.Ý CHÍNH:

Bài Tin mừng của thánh Gio-an hôm nay trích từ bài diễn từ giã biệt, trong đó, Đức Giê-su trăn trối tất cả những chân lý mặc khải cho các môn đệ, trước khi bước vào cuộc Khổ Nạn. Như một ông Thầy hiểu biết mức độ lãnh hội giới hạn của các môn đệ, Đức Giê-Su đã hứa ban Thần Khí Sự Thật đến để soi sáng cho các ông và dẫn đưa các ông đến sự thật toàn vẹn. Thần Khí Sự Thật đó chính là Chúa Thánh Thần.

3.CHÚ THÍCH:           

-C 12-13: + Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi: Chân lý đức tin đã được Đức Giêsu mặc khải, nhưng các môn đệ lại chưa có khả năng lãnh hội được, vì các ông chịu ảnh hưởng nặng nề của quan niệm về một Đấng Thiên Sai trần tục của dân Do thái thời bấy giờ. + Khi nào Thần Khí Sự Thật đến. Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn: Vào lễ Ngũ Tuần, nhờ Chúa Thánh Thần tác động nên các ông đã hiểu biết toàn vẹn các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vai trò của Chúa Thánh Thần là hướng dẫn, soi lòng mở trí các môn đệ nhận biết sự thật. + Tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em những điều sẽ xảy đến: Thánh Thần không nói những gì khác với Đức Giêsu. Do đó, tất cả những điều người ta nghĩ về Thiên Chúa mà khác với lời dạy của Đức Giê-su như các Tông đồ rao giảng, thì đều sai lầm. ư Tin mừng của Gio-an có đọan viết như sau: “Lề luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô sê, còn ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có... Không ai thấy được Thiên Chúa bao giờ. Nhưng con Một là Thiên Chúa, và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,14.17-18).

-C 14-15: + Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy: Mọi sự đều bắt nguồn từ Chúa Cha, thể hiện nơi Chúa Con và hoàn tất trong Chúa Thánh Thần, để tôn vinh Ba Ngôi Thiên Chúa. + Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em: Ngày nay Chúa Thánh Thần tiếp tục soi lòng các Đức Giáo hoàng kế vị Tông đồ Phê-rô và các Giám mục kế vị các Tông đồ khác khi họp Công Đồng Chung. Do đó, giáo huấn của các ngài về đức tin và luân lý đều được Thánh Thần soi dẫn hợp với Lời dạy của Chúa Giê-su, nên tuyệt đối không sai lầm được.

4.CÂU HỎI: 1) Tại sao các môn đệ lại không thể hiểu hết những Lời Đức Giê-su rao giảng trong thời gian Người giảng đạo? 2) Chúa Thánh Thần có vai trò thế nào trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, đặc biệt đối với các môn đệ của Đức Giê-su? 3) Ngày nay giáo huấn của các Đức Giáo Hòang và Công đồng chung về đức tin và luân lý có thể sai lầm được không? Tại sao?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1.LỜI CHÚA: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).

2.CÂU CHUYỆN: CHÍNH TÔI ĐÃ GẶP THẤY NGƯỜi.

Hồi ấy AN-RÊ PHỐT-SA (André Foissard) là một sinh viên thuộc một gia đình vô tín ngưỡng. Thân phụ ông là người vô thần, cố tình để trên bàn học của con các sách báo có nội dung bài bác đạo Công giáo để con cũng đi heo sự vô tín của mình. Nhưng dù sống trong môi trường vô tín như thế, Phốt-sa vẫn đạt tới đức tin nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Một hôm, anh đi vào nhà thờ Đức Bà ở Pa-ri để tìm một người bạn. Cặp mắt của anh tình cờ nhìn thấy tượng Chúa Giê su đang chịu đóng đanh trên cây thập giá. Lập tức anh đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Anh đã đứng dưới chân cây thập giá ấy một hồi lâu và những giọt nứơc mắt cứ tự nhiện lăn dài trên má. Bấy giờ anh cảm thấy mình như một đứa con đi lạc trong một thời gian dài, vừa tìm thấy người cha thân yêu. Sau này anh đã thuật lại biến cố ấy trong một tác phẩm thời danh là “Quả thật có Thiên Chúa. Chính tôi đã gặp Ngài”.

3.SUY NIỆM:

- NHẬN BIẾT CÓ THIÊN CHÚA: Với trí khôn suy luận theo nguyên lý nhân quả, người ta có thể biết có Đấng Tạo Hóa. Nhưng trong nhiều trường hợp, người ta còn cảm nhận được sự hiện hữu của Người, như trong câu chuyện của ông An-rê Phốt-sa nói trên.

- HIỂU BIẾT VỀ THIÊN CHÚA: Chính nhờ Đức Giê su, loài người mới hiểu biết rõ ràng về Thiên Chúa. Chẳng hạn Thiên Chúa chỉ là Một nhưng Ngài lại có Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúa Cha yêu Chúa Con từ trước muôn đời và đã sai Chúa Con xuống trần gian làm người gọi là Đấng Thiên Sai. Chúa Thánh Thần là Chúa Ngôi Ba, là Tình Yêu giữa Chúa Cha và Chúa con. Như vậy Thiên Chúa không những là Đấng Độc Nhất (x. Xh 20,2-3), mà Ngài còn là Ba Ngôi. Như các thành viên trong một gia đình, Ba Ngôi luôn hiệp thông mật thiết với nhau và chia sẻ cho nhau mọi sự mình có (x Ga 16,15).

- CÁC BẰNG CHỨNG VỀ MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI TRONG TÂN ƯỚC:

+ Trong cuộc Thần hiện tại sông Gio-đan: Tin mừng Mát-thêu đã thuật lại như sau: “Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khi Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự xuống trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16-17).

+ Khi nói chuyên với ông Ni-cô-dê-mô: Đức Giêsu đã mặc khải về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi cho ông như sau: “Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những Lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho người vô ngần vô hạn. Chúa Cha yêu thương Con và đã giao mọi sự trong tay Người. Ai tin vào Con thì được sống đời đời” (Ga 3,34-36a).

+ Khi trao sứ mệnh truyền giáo cho các môn đệ trước khi lên trời: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).

+ Trong bài giảng của Phê-rô vào lễ Ngũ Tuần: sau khi được Chúa Thánh Thần hiện Xuống Phê-rô đã giảng như sau: “Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống: Đó là điều anh em đang thấy và đang nghe” (Cv 2,33).

+ Thánh Phao lô cầu chúc cho các tín hữu trong thư Cô-rin-tô: “Cầu chúc toàn thể anh em được tràn đầy ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. A-men” (2 Cr 13,13). Trong thu Ga-lát: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em... Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác, làm ngôi nhà Thiên Chúa” (Ep 2,18.22).

- SỐNG MẦU NHIỆM MỘT CHÚA BA NGÔI:

+ Mỗi ngày, khi làm dấu Thánh giá là chúng ta tuyên xưng đức tin về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Làm dấu Thánh giá là ta ghi dấu của Ba Ngôi trên thân thể và trên mọi hoạt động của ta. Do đó ta cần phải làm mọi việc cách nghiêm túc đẹp lòng Thiên Chúa.

+ Như “Thiên Chúa vừa là Một theo Bản Tính, vừa là Ba theo Ngôi Vị”, Hội thánh cũng phải vừa thống nhất vừa đa dạng. Hội thánh có mười hai Tông đồ, bốn sách Tin mừng, hai kinh Lạy Cha... Tuy nhiên, để sự thống nhất mà không trở nên khép kín nghèo nàn, để sự đa dạng đừng biến thành cớ gây chia rẽ, thì cần phải có sự hiệp thông sâu xa giữa mọi thành phần trong Hội thánh. Đời sống của Ba Ngôi là mẫu mực cho mọi tổ chức của loài người.

+ Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta ý thức sự hiện diện của Ba Ngôi nơi chúng ta như Đức Giê-su đã dạy: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23). Ngòai ra Thiên Chúa siêu việt cũng ở với chúng ta và nhắc nhở chúng ta qua tiếng lương tâm. Chúng ta chỉ cần hướng vào nội tâm là sẽ gặp Người. Chúng ta cần ý thức và tôn kính sự hiện diện ấy và để cho tình yêu của Chúa Ba Ngôi tự do hoạt động nơi chúng ta, và qua chúng ta đến với các dân tộc trên thế giới.

4.THẢO LUẬN: 1) Chúa Cha là Đấng sáng tạo, Chúa Con là Đấng cứu chuộc, Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa. Vậy mỗi tín hữu phải có bổn phận thế nào đối với Chúa Ba Ngôi? 2) “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Vậy bạn cần sống tinh thần hiệp thông, chia sẻ yêu thương nơi gia đình, đoàn thể và trong xứ đạo của bạn thế nào để nên giống như tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa?

5.NGUYỆN CẦU

- LẠY CHÚA CHA ĐẦY TÌNH YÊU THƯƠNG. Xin cho chúng con biết thực thi bác ái trong cuộc sống hằng ngày để xứng đáng trở thành con cái của Cha: Giữa một thế giới đang tôn thờ quyền lực và đề cao lợi lộc vật chất, xin dạy chúng con biết phục vụ tha nhân trong sự âm thầm vô vụ lợi. Giữa một thế giới muốn thống trị chiếm đoạt, xin dạy chúng con biết nhận ra mọi người là anh em để khiêm nhường phục vụ cho nhau.

- LẠY CHÚA BA NGÔI CỰC THÁNH. Chúa là mẫu mực của một tình yêu tinh tuyền. Xin cho các tín hữu chúng con trở nên dấu chỉ sự hiện diện của Chúa giữa lòng xã hội. Xin dạy chúng con biết yêu người như Chúa đã yêu con, biết sống với và sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường đón nhận. Lạy Ba Ngôi chí thánh. Xin cho chúng con vững tin vào sự hiện diện của Chúa đang ở trong con và ở trong những người đang đi tìm Chúa.

X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON